10 thói quen giúp bạn gần Chúa hơn mỗi ngày

Oneway.vn – Việc nói về những thói quen hằng ngày trong Cơ Đốc giáo có vẻ cứng nhắc. 

Điều đó nghe giống lễ nghi tôn giáo hơn là mối liên hệ Đức Chúa Trời đã mời gọi chúng ta đến. Tuy nhiên, những thói quen thường nhật này không phải là một danh sách kiểm tra, mà là những bước Chúa Jêsus đã làm gương để chúng ta noi theo, hay là những bước Kinh Thánh dạy để trở nên giống Chúa Jêsus càng hơn.  

Như I Giăng 2:6 cho biết, nếu chúng ta ở trong mối liên hệ với Chúa Jêsus thì chúng ta cũng sẽ “bước đi như chính Ngài đã làm.”

Đó là công việc của Đức Thánh Linh khiến chúng ta trở nên giống Đấng Christ. “Tôi tin chắc rằng Đấng đã bắt đầu làm việc lành trong anh em sẽ làm trọn việc ấy cho đến ngày của Đấng Christ Jêsus”. (Phi-líp 1:6) 

Tuy nhiên, có những bước chúng ta cần làm mỗi ngày để Đức Thánh Linh hành động và khiến chúng ta giống Đấng Christ càng hơn. 

Gia-cơ 4:8 chép rằng, “Hãy đến gần Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ đến gần anh em. Hỡi các tội nhân, hãy rửa sạch tay mình; hỡi kẻ hai lòng, hãy thanh tẩy lòng mình đi.” Thật vậy, bằng cách xưng nhận tội lỗi, thực hành khiêm nhường và biến đổi tâm trí chúng ta bởi Thánh Kinh, chúng ta có thể trở nên giống Chúa Jêsus và gần với Đức Chúa Trời. 

Dưới đây là 10 thói quen hằng ngày giúp bạn gần Chúa và trở nên giống Ngài càng hơn:

1. Dâng lời tạ ơn

Lòng biết ơn mở mắt chúng ta để nhìn thấy mọi điều Đức Chúa Trời đang làm, giúp nuôi dưỡng một tấm lòng thoả lòng và tin cậy Đức Chúa Trời thay vì phàn nàn về hoàn cảnh và chống lại Ngài.  

Chúa Jêsus tạ ơn Đức Chúa Trời không thôi. 

Khi cho 5000 người ăn chỉ từ hai con cá và năm chiếc bánh, “Đức Chúa Jêsus cầm bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người đã ngồi, cá cũng được phân phát như vậy” (Giăng 6:11)

Sau đó, Giăng đã ký thuật rằng, trước khi khiến La-xa-rơ sống lại từ kẻ chết, Đức Chúa Jêsus đã ngước mắt lên và nói: “Thưa Cha, Con tạ ơn Cha, vì đã nhậm lời Con”. (Giăng 11:41) 

Thậm chí trong đêm Chúa Jêsus bị bắt, Ngài vẫn tạ ơn Đức Chúa Trời. Kinh Thánh cho chúng ta biết, “trong đêm Chúa là Đức Chúa Jêsus bị phản nộp, Ngài lấy bánh, tạ ơn, rồi bẻ ra và phán rằng: “Nầy là thân thể Ta vì các con mà phó cho, hãy làm điều nầy để nhớ đến Ta”. (I Cô-rinh-tô 11:23-24)


2. Tập rèn sự khiêm nhường

Sự khiêm nhường theo Kinh Thánh là từ bỏ những ham muốn ích kỷ và kiêu ngạo của chúng ta để có thể làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus đã hạ mình để vâng phục Cha, cả khi Ngài là Con Đức Chúa Trời. 

Phi-líp 2:5-8 nói rằng, “Hãy có đồng một tâm trí như Đấng Christ Jêsus đã có, Ngài vốn có hình của Đức Chúa Trời, nhưng không xem sự bình đẳng với Đức Chúa Trời là điều nên nắm giữ; Ngài đã từ bỏ chính mình, mang lấy hình đầy tớ, và trở nên giống như loài người. Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự”. 


3. Học Lời Chúa

Chúng ta không thể trở nên giống Đấng Christ nếu chúng ta không biết Ngài. Cả Kinh Thánh Tân Ước và Cựu Ước đều mặc khải về Chúa Jêsus. Song Kinh Thánh không chỉ là một quyển sách để học biết về Đức Chúa Trời. Kinh Thánh rất sống động thiết thực, và Đức Chúa Trời sử dụng thời gian đọc Kinh Thánh của chúng ra để chỉ cho chúng ta biết tội, hướng dẫn, chỉ cho chúng ta lẽ thật, đáp lời cầu nguyện và biến đổi suy nghĩ của chúng ta. 

Sứ đồ Phao-lô biết giá trị của việc học Kinh Thánh và khích lệ Ti-mô-thê, người con thuộc linh trẻ tuổi của mình hãy tiếp tục học Kinh Thánh, điều mà ông đã làm từ khi còn trẻ. “Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời cảm thúc, có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị và huấn luyện trong sự công chính”. (II Ti-mô-thê‬ ‭3:16‬) 


4. Ghi nhớ Kinh Thánh

Việc ghi nhớ Kinh Thánh là phần thứ hai của việc biết Lời Chúa. Khi việc học Kinh Thánh giúp chúng ta biết Chúa và đường lối Ngài thì việc ghi nhớ Kinh Thánh giữ Lời Chúa trong lòng. 

Chúa Jêsus biết Kinh Thánh tường tận và cũng thường trích dẫn Kinh Thánh. 

Khi Chúa Jêsus bị cám dỗ trong đồng vắng, Ngài đã đáp lại bằng Kinh Thánh. Và khi những người Sa-đu-sê cố gài bẫy Chúa Jêsus qua lời nói, Ngài sử dụng Kinh Thánh để chỉ ra điều sai và trả lời những câu hỏi của họ. 

Thật vậy, chúng ta hãy chú tâm vào những điều ở trên trời (Cô-lô-se 3:2) và hãy để lời của Đấng Christ sống sung mãn trong lòng chúng ta (Cô-lô-se 3:16)

Việc ghi nhớ Kinh Thánh sẽ khiến chúng ta giống Chúa càng hơn, vì như Đấng Christ, chúng ta có thể suy gẫm, khắc ghi Lời Chúa vào tâm trí để đánh bại kẻ thù và sử dụng Lời Chúa để loại bỏ sai lầm, bảo vệ đức tin.


5. Phục vụ người khác

Một trong những cách chúng ta có thể tăng trưởng trong Chúa là tìm cách phục vụ người khác. Chúng ta nên cầu xin Đức Chúa Trời giúp chúng ta nhìn người khác như cách Chúa nhìn và thấy nhu cầu của họ, sẵn sàng dừng lại và phục vụ. 

Chúa Jêsus đã làm gương cho chúng ta về sự phục vụ thậm chí cả trước thời khắc Ngài lên thập tự giá. Trên phòng cao, Chúa Jêsus đã đứng dậy khỏi bàn ăn, lấy khăn quấn ngang lưng, đổ nước vào chậu, và rửa chân cho các môn đồ. Làm thế nào mà Chúa Jêsus, là Thầy, là Chúa lại có thể cúi xuống rửa chân cho họ? Thật vậy, Chúa Jêsus đang dạy dỗ bằng cách làm gương cho họ, như lời Ngài nói: “Nhưng nếu Ta là Thầy, là Chúa, mà còn rửa chân cho các con thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Ta đã làm gương cho các con, để các con cũng làm như Ta đã làm cho các con”. (Giăng 13:14-15)


6. Ưu tiên sự cầu nguyện

Chúa Jêsus thường xuyên cầu nguyện và Ngài ưu tiên lánh vào nơi đồng vắng, biệt riêng mình để cầu nguyện thường xuyên. Như Lu-ca 5:16 có chép, “Nhưng Ngài lánh vào nơi thanh vắng để cầu nguyện.” Hơn nữa, Ngài đã dành cả nhiều đêm để hết lòng cầu nguyện trước và sau những sự kiện quan trọng. Trước khi kêu gọi 12 sứ đồ, Chúa Jêsus cũng đã thức cả đêm để cầu nguyện. Trước khi bị bắt, chịu xét xử và bị đóng đinh, Ngài cũng dành thời gian để khẩn thiết cầu nguyện cùng Cha. Và sau khi cho 5000 người ăn, Chúa Jêsus cũng đã một mình lên núi để cầu nguyện.        

Thiết nghĩ, đời sống cầu nguyện của Chúa Jêsus đã khiến các môn đồ của Ngài để ý đến, bởi vì họ từng cầu xin Chúa dạy họ cầu nguyện. “Đức Chúa Jêsus đang cầu nguyện ở một nơi kia. Khi cầu nguyện xong, một môn đồ thưa với Ngài: “Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện, như Giăng đã dạy các môn đồ mình vậy”. (Lu-ca 11:1) 

Chúa Jêsus không bao giờ để sự bận rộn hay nhu cầu cấp thiết ngăn trở Ngài cầu nguyện, đây là một tấm gương cho chúng ta nếu chúng ta muốn trở nên giống Ngài. 


7. Làm chết bản ngã 

Trở nên giống Chúa, chúng ta cần làm chết chính mình mỗi ngày –  đó là sự thoải mái, những tham vọng, những ham muốn và tội lỗi. Sự kêu gọi bước theo Đấng Christ là lời mời gọi từ bỏ chính mình, vác thập tự giá mình mà theo Ngài. “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong thể xác, tức là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi và phó chính mình Ngài vì tôi”. (Ga-la-ti 2:20)

Đó là sự chết hằng ngày. Mỗi lần chúng ta để Chúa can thiệp vào những kế hoạch hay xoay khỏi sự cám dỗ, hoặc vâng lời Đức Chúa Trời cả khi phải trả giá, là chúng ta làm chết cái tôi của mình. Vì “Ngài phán với mọi người: “Nếu ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo Ta. Vì ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai vì Ta mà mất mạng sống thì sẽ cứu mạng sống mình”. (Lu-ca 9:23-24)


8. Biến đổi những suy nghĩ

Chúng ta bị ngăn trở bởi hàng ngàn từ ngữ, hình ảnh và ý tưởng mỗi ngày. Nhiều trong số chúng phớt lờ Đức Chúa Trời, chống lại lẽ thật của Chúa hay nhạo báng Ngài. Nếu chúng ta muốn giống Chúa càng hơn, chúng ta phải đưa ra quyết định mỗi ngày về những gì chúng ta cho phép trong tâm trí mình. Lời Chúa phải được vang lên rõ hơn bất cứ điều gì khác chúng ta nghe thấy, bao gồm cả tiếng nói nội tâm.

Để giống Chúa hơn, chúng ta cần biến đổi suy nghĩ hằng ngày – đó là nỗi sợ hãi, sự lo lắng, nghi ngờ, tuyệt vọng, giận dữ, cay đắng và nhiều điều khác nữa để mặc lấy những suy nghĩ của Đức Chúa Trời. 

Phi-líp 4:8 có chép rằng, “hễ điều gì chân thật, điều gì đáng trọng, điều gì công chính, điều gì thanh sạch, điều gì đáng yêu chuộng, điều gì đáng biểu dương; nói chung là điều gì đức hạnh, đáng khen ngợi thì anh em phải nghĩ đến.” chúng ta có thể làm điều này bằng cách đọc Lời Chúa và lựa chọn những gì chúng ta nghe, đọc và thấy cách khôn ngoan. 


9. Xưng tội và ăn năn

Sự xưng tội và lòng ăn năn giúp chúng ta lớn lên trong Chúa và giống Chúa càng hơn, chúng giúp chúng ta thoát khỏi tội lỗi và sống trong mối tương giao mật thiết với Đức Chúa Trời. 

Sự xưng tội giúp chúng ta thừa nhận những tội lỗi cụ thể và sự yếu đuối của mình, cũng như phô bày những tội lỗi giấu kín. Bên cạnh đó, sự ăn năn là lời tuyên bố xoay khỏi những tội lỗi rõ ràng đó và điều đó cho phép Đức Thánh Linh ban cho chúng ta năng lực để làm như vậy. 

Chúa Jêsus bảo các môn đồ của Ngài tìm kiếm sự tha thứ mỗi ngày khi cầu nguyện. “Xin tha tội cho chúng con, vì chúng con cũng tha kẻ mắc lỗi với chúng con”, Lu-ca 11:4 I Giăng 1:9 chép rằng, “Còn nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín, công chính sẽ tha tội cho chúng ta và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính.” 


10. Yêu thương người khác

Lời Chúa trong Giăng 13:34 có chép, “Ta ban cho các con một điều răn mới, ấy là các con phải yêu thương nhau. Như Ta đã yêu thương các con thể nào thì các con cũng hãy yêu thương nhau thể ấy.” Không những vậy, những người tin Chúa còn được dạy rằng, “hãy yêu thương nhau thân thiết như anh em”. (Rô-ma 12:10)

Việc yêu người khác giúp chúng ta trở nên giống Đấng Christ càng hơn vì chúng ta học biết tình yêu thật là gì và làm thế nào để yêu. Chúng ta còn học cách đặt nhu cầu của người khác lên trên mình, tha thứ những lỗi lầm, khích lệ thay vì ghen tị và đầy lòng thương xót gánh thay những gánh nặng của người khác. 

“Vậy, anh em hãy trở nên những người bắt chước Đức Chúa Trời như các con yêu dấu của Ngài. Hãy bước đi trong tình yêu thương như Đấng Christ đã yêu thương chúng ta, xả thân Ngài vì chúng ta”. (Ê-phê-sô 5:1-2)

 

Bài: Lisa Appelo; dịch: Sophie

(Nguồn: ibelieve.com)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *