Vi-rút Corona sẽ thay đổi Hội thánh mãi mãi?

Oneway.vn – Hội thánh bạn đã chuẩn bị gì cho những điều sắp đến?

Có một sự kiện đang dường như khiến sự thay đổi trở nên nhanh chóng và mạnh mẽ hơn bao giờ hết: một đại dịch toàn cầu – coronavirus. Nó sẽ thay đổi mãi mãi cách thế giới hiện đại vận hành.

Các ngành công nghiệp như y học, y tế, chính trị, quản lý nhân sự và chuỗi cung ứng cửa hàng tạp hóa sẽ phải trải qua những thay đổi vĩnh viễn này, nhưng còn Hội thánh địa phương thì sao? Coronavirus sẽ thay đổi sự nhóm hiệp của Cơ Đốc nhân như thế nào? Và thay đổi nào sẽ gây sốc, mất trật tự và kéo dài?

Quyền năng của Đức Chúa Trời

Tôi tin rằng Chúa có chủ quyền trên coronavirus. Chúa đã cho phép nó xảy ra (A-mốt 3:6). Đó chính là điều Chúa Jesus đã phán trong Ma-thi-ơ 28:18: “Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta”.

Không gì trong thế giới này xảy ra mà không ở trong sự cho phép của Ngài. Ngay cả thiên nhiên cũng không thoát khỏi sự cai trị Chúa. Trong Ma-thi-ơ 8:27, các môn đồ bày tỏ rằng ngay cả gió và biển cũng vâng lời Ngài. Ê-sai 45:7: “Ấy chính ta là Đấng gây nên sự sáng và dựng nên sự tối tăm, làm ra sự bình an và dựng nên sự tai vạ; chính ta, là Đức Giê-hô-va, làm mọi sự đó”. Chúa đang làm việc mọi việc theo ý muốn trọn vẹn của Ngài (Ê-phê-sô 1:11). Bởi chủ quyền toàn vẹn, Ngài sẽ làm tất cả những việc này vì lợi ích của Hội thánh (Rô-ma 8:28).

Tôi tin rằng Chúa sẽ được tôn vinh qua coronavirus. Như J.C. Ryle đã nói: “Sức khỏe là một điều tốt; nhưng bệnh tật sẽ tốt hơn nhiều nếu nó dẫn chúng ta đến với Chúa”.

Lịch sử xác nhận rằng mảnh đất màu mỡ nhất cho sự phục hưng Hội thánh chính là giữa những đau khổ và bất ổn. Mặc dù mọi thứ có vẻ ảm đạm, nhưng nhiều người đang trở lại với Kinh Thánh. Có vẻ khó hiểu, nhưng nhiều người đang quỳ gối cầu nguyện. Mặc dù tan vỡ, nhiều người đang nhận thấy nhu cầu với Tin Lành của mình.

C.S Lewis Lewis nói về vấn đề này: “Chúng ta có thể bỏ qua niềm vui, nhưng không thể phớt lờ nỗi đau. Chúa chỉ thì thầm với chúng ta trong những thú vui, nhưng Ngài lớn tiếng phán với chúng ta trong nỗi đau: nỗi đau là chiếc loa của Ngài để khuấy động một thế giới điếc tai. Chúa biết Ngài đang làm gì và chúng ta có thể vui mừng giữa đại dịch này, vì Ngài ở cùng chúng ta cho đến cuối cùng”.

Lịch sử Hội thánh

Coronavirus sẽ thay đổi Hội thánh địa phương bạn. Là người chăn, chúng ta phải sẵn sàng đón nhận thực tại đó với một tấm lòng khiêm nhường và sẵn sàng trước mặt Chúa.

Chúa đang sử dụng coronavirus để làm nhiều việc hơn chỉ là dạy chúng ta cách thờ phượng trực tuyến trong vài tuần. Chúa đang thanh tẩy, phát triển và bắt đầu một kỷ nguyên văn hóa mới cho Hội thánh Ngài.

Chúa đã sử dụng sự gián đoạn này như công cụ thanh tẩy và định hướng lại dân sự Ngài trong suốt Kinh Thánh. Mọi sự can thiệp thiêng liêng trong cuộc đời của một nhà tiên tri, thầy tế lễ, vua, quan xét hoặc sứ đồ đã phá vỡ và định hướng lại cuộc sống họ một cách tuyệt vời. Như Phao-lô chẳng hạn, ông không hề có kế hoạch gặp Đấng Christ trên đường đến Đa-Mách, và Đa-vít cũng chẳng hề mong đợi mình được Sa-mu-ên xức dầu làm vua.

Trong ánh sáng chủ quyền Đức Chúa Trời đối với cả Hội thánh và coronavirus, đại dịch lịch sử này có thể thay đổi Hội thánh địa phương ra sao? Chúng ta nên xem xét những thay đổi này như thế nào qua lăng kính Kinh Thánh, và sự điều chỉnh khôn ngoan nào nên được thực hiện để bảo vệ bầy chiên?

Sau đây là 4 dự đoán về những điều đại dịch Covid-19 có thể thay đổi Hội thánh chúng ta.

1. Nhiều người sẽ không quay lại Hội thánh

Là mục sư, chúng ta có vấn đề thực sự cần phải giải quyết. Các chuyên gia khẳng định rằng coronavirus là mối đe dọa thật sự. Phương tiện truyền thông gieo cả nỗi lo hợp lý lẫn nỗi sợ phi lý vào sâu trong tấm lòng và tâm trí con người. Chúng ta buộc phải tránh xa đám đông, sợ những cái bắt tay và những cái ôm. Mỗi sự giao tiếp có thể là một bản án tử hình cho những người trên 60 tuổi hoặc người có nguy cơ cao. Thật không may, Hội thánh địa phương chứa đầy những rủi ro này. Trong thực tế, cấu trúc của Hội thánh địa phương chính là hình ảnh thu nhỏ của tất cả những gì chúng ta cần phải tránh.

Kết quả là, nhiều người già và người có nguy cơ cao sẽ không trở lại Hội thánh trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Nhóm người này sẽ không sẵn sàng để đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh cao cao trong vòng 6-18 tháng tới. Như một số chuyên gia đã nói, đây chỉ có thể là khởi đầu của kỷ nguyên coronavirus, và dịch bệnh có thể trở lại nếu chúng ta quá thoải mái với những chính sách sức khỏe xã hội.

Cuối cùng, virus này sẽ không ngừng đe dọa cho đến khi chúng ta có vắc-xin an toàn hoặc đến khi hàng triệu người đã nhiễm bệnh và tự tạo ra các kháng thể chống lại sự lây nhiễm.

Đây dường như là nhu cầu rất thực tế, các nhóm này tự bảo vệ bản thân bằng cách tiếp tục nhóm họp tại nhà, nhưng như thế họ đang vô tình bị cô lập.

Chúng ta vẫn có thể tiến hành nhóm họp tại Hội thánh mà không có người già và người có nguy cơ nhiễm cao. Nhưng có thể chúng ta đang đánh giá thấp quy mô của nhóm này.

Tính đến nay, dân số già chiếm khoảng 70 triệu người Mỹ, khoảng 22% dân số. Không chỉ là con số, đây còn là nhóm cống hiến số một trong Hội thánh ngày nay. Blackbaud, công ty nghiên cứu xã hội đã phát hiện ra rằng nhóm người lớn tuổi chiếm 41,6% trong tất cả các Hội thánh.

Nan đề là thế hệ này thường không thoải mái và từ chối sử dụng công nghệ. Vì thế Hội thánh địa phương có khả năng sẽ trải qua một sự thay đổi lớn. Mặc dù một số Hội thánh có thể tồn tại dựa vào thế hệ trẻ, không thể phủ nhận rằng có hàng ngàn Hội thánh vừa và nhỏ với số lượng tín đồ lớn tuổi cao, công nghệ thấp và tài chính hạn chế.

Đây còn là một nan đề về mục vụ. Không chỉ mất đi một phần quan trọng cả về trí tuệ lẫn kinh nghiệm sống trong Hội thánh, chúng ta cũng gặp khó khăn khi chăm sóc tâm linh cho những cá nhân này từ xa. ‘Hội thánh ảo’ không phải là giải pháp lâu dài đáng tin cậy, đặc biệt là cho nhóm này. 

Các mục sư và lãnh đạo phải tỉnh táo về trường hợp này trong tương lai.

Mặc dù Hội thánh nhờ ân điển Chúa đã hồi phục tốt hơn tôi nghĩ, nhưng tương lai hứa hẹn sẽ rất khó khăn. Đã đến lúc chuẩn bị các lựa chọn để nuôi dưỡng và giữ gìn những tín đồ không thể trở lại trong tương lai gần tại Hội thánh bạn.

2. ‘Hội thánh ảo’ không thể kéo dài

Gần đây, tôi đã đăng trên trang cá nhân nội dung với ngụ ý rằng “xem một bài giảng vào Chúa nhật không có nghĩa là Hội thánh”. Một người phụ nữ rõ ràng đã bị xúc phạm bởi điều này và bình luận rằng: “Đừng nói với tôi rằng xem bài giảng vào Chúa nhật thì không phải là Hội thánh! Chúa đã hành động sâu sắc trong cuộc đời tôi qua những sứ điệp trực tuyến này!”

Chắc chắn có nhiều tín đồ cũng suy nghĩ điều tương tự. Trước tiên hãy nhớ rằng, chỉ vì Chúa sử dụng một phương tiện nào đó để tác động đến con dân Ngài không có nghĩa là chúng ta nên thay thế quy trình Ngài đã lập ra bằng bất cứ điều gì có thể tạo ra kết quả tương tự. Ví dụ, một người hàng xóm có thể yêu thương bạn hơn cả cha ruột bạn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn nên cho phép mối quan hệ cha-con-hàng-xóm vượt lên hoặc thay thế mối quan hệ cha-con-ruột-thịt mà Chúa đã thiết lập. Cũng tương tự với ‘Hội thánh ảo’. Một số người có thể được động chạm, nhưng đó vẫn không thể trở thành một biện pháp thay thế ngang bằng với Hội thánh địa phương.

Về lời bình luận: “Đừng nói với tôi rằng xem bài giảng vào Chúa nhật thì không phải là Hội thánh!”, tôi xin phép được so sánh. Nếu có ai đó nói: “Đừng nói với tôi rằng tình cảm yêu thương không phải là hôn nhân!” Tôi sẽ trả lời: Vâng, tình yêu thương thực sự là một phần của hôn nhân, nhưng không phải là hôn nhân. Thực tế, hôn nhân phức tạp hơn nhiều so với tình cảm yêu thương. Hôn nhân đòi hỏi sự cam kết trước mặt Chúa, sự nên thánh, và đòi hỏi tình yêu cũng như sự hy sinh bền bỉ. Hôn nhân cũng cần có tình cảm lãng mạn, lòng chung thủy và hiệp một tâm linh cũng như một loạt khía cạnh quan trọng khác. 

Vì vậy, nói rằng “tình cảm yêu thương chính là hôn nhân” thật là một tuyên bố rất hời hợt và gần như ngớ ngẩn. Cũng tương tự với việc cho rằng xem một bài giảng trực tuyến chính là Hội thánh. Đúng, tình cảm trong hôn nhân là rất quan trọng giống như bài giảng trong Hội thánh địa phương cũng rất quan trọng. Nhưng giống như chỉ riêng tình cảm không thể tạo nên hôn nhân, thì một bài giảng trực tuyến cũng không thể trở thành Hội thánh.

Như bạn đã biết, cả hôn nhân và Hội thánh đều phức tạp và mạnh mẽ. Ví dụ, Hội thánh địa phương đòi hỏi nhóm họp đều đặn, cam kết, tín đồ, tiệc thánh, báp-têm, thờ phượng, ban chấp sự, kỷ luật, nhiệm vụ, ân tứ thuộc linh, cầu nguyện chung, trật tự, thông công, mối quan hệ, cho và nhận, và một bài giảng.

Tóm lại, “tối giản” Hội thánh thành “xem một bài giảng trực tuyến và hát vài bài thánh ca” thật sự là sự xúc phạm lớn đối với giáo lý toàn diện của Hội thánh trong Kinh Thánh. Khẳng định rằng Hội thánh ‘ảo’ ngang bằng với Hội thánh lịch sử sẽ xúc phạm hàng ngàn Cơ Đốc nhân đã từ bỏ sự sống họ để các tín đồ có thể nhóm họp trực tiếp mà không bị đàn áp tôn giáo.

Ngày nay, Hội thánh hiện đại không chỉ chấp nhận “văn hóa thờ phượng tại nhà” mà còn thực sự thúc đẩy nó. ‘Hội thánh ảo’ không chỉ đơn giản là kết quả của coronavirus. Nó đang phát triển ngầm và sẽ tiếp tục phát triển. ‘Hội thánh ảo’ rất phù hợp với chủ nghĩa thực dụng của nhiều mục sư ngày nay, dường như chỉ quan tâm đến “chiều rộng” đàn chiên hơn là “chiều sâu”. Như ông Dever đã chỉ ra: sự cô lập, tự chủ và độc lập bất kể nguyên nhân không phải là những đức tính mang lại ích lợi trong suốt lịch sử Hội thánh.

Nói tóm lại, có rất nhiều thứ chúng ta có thể làm trên Internet, nhưng chúng ta không thể trải nghiệm một Hội thánh trọn vẹn. Giống như không thể làm tròn bổn phận người cha hoặc duy trì một cuộc hôn nhân hạnh phúc qua internet, chúng ta cũng không thể duy trì một bầy chiên khỏe mạnh mà không có Hội thánh địa phương hữu hình.

Hội thánh là một cơ thể sống được tạo thành trên các mối quan hệ giữa những cá nhân trong Thân thể Đấng Christ. Một số nhà thờ có thể xem khái niệm “Hội thánh ảo” là giải pháp cho các vấn đề về thể chế của họ, nhưng điều này sẽ không giải quyết được các vấn đề tâm linh. Internet có hiệu quả như một chiếc cầu và công cụ trong đại dịch coronavirus này, nhưng không thể được coi là sự thay thế chính đáng cho Hội thánh địa phương trong tương lai.

3. Khai sinh ‘Hội thánh toàn cầu’

Nhiều Cơ Đốc nhân bắt đầu “bình chọn” Hội thánh có chương trình trực tuyến tốt nhất. Trong một thời gian nhanh chóng, những tín đồ lâu năm đã từ bỏ Hội thánh địa phương nhỏ của mình để tìm các Hội thánh lớn hơn và “tốt hơn”. Những Hội thánh chiến thắng trong cuộc “bình chọn” này không phải nhờ giáo lý đúng đắn hoặc lòng trung tín của các tín đồ mà thường là nhờ âm nhạc, “tiếp thị” thuyết phục và hấp dẫn nhất.

Chủ nghĩa toàn cầu là sự hội tụ của các hệ thống chính trị, văn hóa và công nghệ mang lại sự kết nối gia tăng giữa con người, và kết quả là phân phối quyền kiểm soát từ một địa điểm thành nhiều địa điểm.

Chủ nghĩa toàn cầu trái nghĩa với chủ nghĩa dân tộc. Cũng như Hội thánh địa phương trái nghĩa với Hội thánh internet. Nội dung và quyền kiểm soát từ góc độ quốc gia hoặc địa phương bây giờ đã được phổ quát thành quan điểm toàn cầu hoặc trực tuyến. Hãy tỉnh thức. Chủ nghĩa toàn cầu sẽ rất lôi cuốn và quyến rũ. Tại sao? Vì nó là người bạn tốt của xác thịt. Vì trách nhiệm tập thể của Hội thánh sẽ biến mất và chỉ còn lại sự độc lập cá nhân. Một công thức hoàn hảo cho văn hóa “bản thân là trung tâm”. Điều này có phải do coronavirus gây ra không? Dĩ nhiên là không.

Tuy nhiên, coronavirus đã khuếch đại tuyệt đối chủ nghĩa này. Sáu tuần trước nó chỉ là một ngọn lửa nhỏ đang cháy ở chân núi. Coronavirus là cơn gió mạnh đẩy ngọn lửa vào sâu trong rừng. Nói cách khác, những người chưa hề biết đến Hội thánh ảo và yên ổn với Hội thánh địa phương giờ đây buộc phải tìm kiếm và nếm trải sự tốt đẹp và tiện lợi của Hội thánh ảo cách cá nhân, an toàn và riêng tư.

Cho phép tôi minh họa. Trong nhiều thập kỷ qua, Hội thánh ngày càng xây dựng thì giờ thờ phượng như một buổi biểu diễn âm nhạc sân khấu giải trí và một bài giảng theo phong cách phóng khoáng có tính ứng dụng cao. Đây là lý do tại sao các tín đồ hiện đại tìm kiếm một Hội thánh dựa trên các tiêu chí như:

  • Tôi có thích nhạc thờ phượng của họ không?
  • Tôi có thích mục sư không?
  • Họ có các chương trình tốt dành cho  thiếu nhi không?
  • Họ có một khuôn viên sạch sẽ và an toàn không?

Rất ít Cơ Đốc nhân tìm kiếm một Hội thánh dựa trên sự rao giảng Phúc âm chân thật. Hội thánh nói chung không khao khát các mối quan hệ có trách nhiệm sâu sắc hoặc sự an ninh tâm linh. Thay vào đó, họ lại đang tìm kiếm thông tin giải trí và sự độc lập. Hội thánh không còn nói về sự thông công, nhưng là khoảng thời gian để riêng bản thân tôi tập trung vào Chúa. Khi kết hợp hai thực tế này với nhau (nội dung thờ phượng hay và thờ phượng cách cá nhân), thì rõ ràng phòng khách đã được khử trùng của bạn (không có người lạ nào ho hay hắt hơi) sẽ là một môi trường hiệu quả hơn nhiều để thờ phượng.

Vì lý do đó, tôi đoán rằng ‘Hội thánh ảo’ sẽ trở thành bá chủ. Thực tế, nó đang là bá chủ rồi.

Chủ nghĩa toàn cầu đã đến với chúng ta kể từ khi bùng nổ internet vào đầu năm 2000. Nhưng bây giờ, vì coronavirus, chủ nghĩa này còn được khuếch đại mạnh mẽ hơn. Ngay lúc này, các mục sư phải bắt đầu giảng dạy về tầm quan trọng của lòng trung tín và nhu cầu thiết yếu của mối thông công giữa các tín đồ.

4. ‘nhỏ hơn’ được xem là ‘an toàn’ hơn

Xu hướng hiện tại cho thấy dường như mọi người phát triển mạnh trong các nhóm nhỏ hơn. Trên thực tế, bộ não con người chỉ được thiết kế để ở gần 5-15 người. Giáo dục hoặc làm việc tại nhà đang được ưa chuộng vì đây là giải pháp rất tốt cho những mong muốn của chúng ta. Cũng tương tự, xu hướng Hội thánh tại gia dường như đang được ưa chuộng. Các Cơ Đốc nhân đang tìm kiếm một khái niệm nhỏ hơn, gần gũi và an toàn hơn của Hội thánh. Tôi đoán rằng Hội thánh tại gia sẽ trở thành một giải pháp cho những điểm yếu và rủi ro của hệ thống tôn giáo hiện tại.

Thực tế, điều này đang mở ra trước mắt chúng ta. Cho dù có thích hay không, thì coronavirus đã khiến hàng triệu người phải học tập và làm việc tại nhà. Nhưng đây mới là vấn đề. Một Hội thánh tại gia là gì? Có phải chỉ đơn giản là một nhóm nhỏ nghiên cứu Kinh Thánh và tôn vinh Chúa? Có phải chỉ gia đình bạn xem chương trình thờ phượng trực tuyến là đủ? Có phải là buổi thờ phượng gia đình kết hợp với đọc Kinh Thánh và cầu nguyện? Không. Một Hội thánh tại gia không thể nào là một Hội thánh trọn vẹn. Như tôi đã giải thích trong dự đoán thứ hai, Hội thánh phức tạp và mạnh mẽ hơn nhiều so với một bài giảng và vài bài hát. 

Hội thánh tại gia không cần những cấu trúc phức tạp. Tất cả chúng ta có thể tự do hành động mà không cần một trật tự hoặc quy tắc nào.

Nhưng Hội thánh địa phương không phải là một tổ chức mà là một cơ thể sống, mà mọi cơ thể đều phải có tổ chức.

Coronavirus là một tiếng sét làm bùng cháy ngọn lửa “Hội thánh tại gia”. Bởi vì sự nhóm họp Hội thánh truyền thống bị xem là một hoạt động thúc đẩy lây nhiễm, nên trong một thời gian, thế giới có thể sẽ bức hại những Hội thánh quyết định nhóm họp với nhau trở lại ngay cả khi điều đó là hợp pháp. Họ sẽ nói rằng các cuộc nhóm họp Hội thánh lớn đang gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. Đây là một khả năng có thể xảy ra và các mục sư phải chuẩn bị cho điều này.

Lời khích lệ các mục sư

Xung quanh chúng ta, thế giới đang phân cấp và dân chủ hóa. Các chuỗi khách sạn lớn hiện đang phải cạnh tranh với phòng cho thuê trên mạng. Hệ thống trường công không còn nhiều học sinh như các trường hỗ trợ giáo dục tại nhà. Hội thánh truyền thống bị thất thế trước các phong trào ‘Hội thánh ảo’. Coronavirus đã phóng đại và tăng tốc mọi việc, nhưng như đã nói ở đầu bài viết này, Đức Chúa Trời có chủ quyền trên tất cả. Trong Ma-thi-ơ 16:18, Chúa Jêsus phán: “Còn ta, ta bảo ngươi rằng: Ngươi là Phi-e-rơ, ta sẽ lập Hội thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó”. Chúa đang nuôi dưỡng Cô dâu của Ngài và chúng ta có thể bình an trong lẽ thật đó.

Trong 1 Cô-rinh-tô 12:18, Phao-lô nói: “Nhưng bây giờ, Đức Chúa Trời đã sắp đặt các chi thể của thân chúng ta, ban cho mỗi một chi thể cái địa vị theo ý Ngài lấy làm tốt mà chỉ định”.

Là mục sư, công việc của chúng ta là đưa mọi người đến với Tin Lành, Kinh Thánh và Hội thánh địa phương.

Trách nhiệm của bạn không phải là duy trì một tổ chức, nhưng là giám sát sức khỏe tâm linh của bầy chiên mà Chúa đã giao phó cho bạn. Điều này đòi hỏi bạn phải hiểu biết về thực tế bên ngoài, các mối đe dọa và cám dỗ mà tín đồ của bạn đang đối mặt. Nếu coronavirus khiến bầy chiên của bạn thưa đi, hãy ngợi khen Chúa! Nếu coronavirus cướp mất tòa nhà thờ của bạn, hãy xem xét việc phân bổ bầy chiên thành các Hội thánh nhỏ hơn theo đúng tiêu chuẩn Kinh Thánh.

Mục tiêu trung tâm của bài viết này là phục vụ các mục sư, giúp họ nhận thức và chuẩn bị cho những gì có thể xảy ra trong vài tháng hoặc thậm chí vài năm tới. Chúa đang kiểm soát mọi sự và chúng ta có thể tin cậy vào kế hoạch Ngài. Dự đoán của tôi có thể đúng hoặc sai hoàn toàn. Nhưng điều duy nhất thực sự quan trọng là: chúng ta hãy tiếp tục hành động như những tín đồ trung thành của Tin Lành Đấng Christ.

Quy vinh hiển lên Ngài!

 

Bài: Dale Partridge; dịch: Nhạn Võ

(nguồn: faithwire.com)


Posted

in

, ,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *