Đừng để việc đọc Kinh Thánh dừng lại ở sách Lê-vi Ký

Oneway.vn – Nhiều Cơ Đốc nhân thường bỏ qua năm sách Ngũ Kinh, đặc biệt là sách Lê-vi Ký.

Lê-vi Ký được viết vào khoảng hơn 3000 năm trước. Mỗi trang sách đều là những luật chi tiết về sự dâng của lễ, luật kiêng ăn, sự phán xét nhanh chóng và hà khắc, những luật lệ dài về cách tẩy uế một ngôi nhà khỏi bệnh phung, khiến cho các độc giả hiện đại cảm thấy xa lạ và khó kết nối với bản thân.

Vì lẽ đó, vô số kế hoạch đọc xuyên suốt Kinh Thánh đã phải kết thúc tại đây. 

Mặc dù không thể phủ nhận rằng Lê-vi Ký có thể gây nản chí, nhưng nó lại chứa đựng những bài học tuyệt vời khiến chúng ta phải hạ mình quỳ gối trong sự thờ phượng. Dưới đây là bốn điều Lê-vi Ký dạy và mỗi con cái Chúa không được bỏ qua.

1. Đức Chúa Trời là Đấng thánh

Từ ngữ “thánh” hay “thánh khiết” xuất hiện 92 lần trong Lê-vi Ký. “Thánh” là tính từ mô tả đúng nhất về Đức Chúa Trời hay những thứ gần Ngài, và điều này quan trọng vì nó khó hiểu với tâm trí sa ngã của chúng ta. 

Mục sư tiến sĩ A.W.Tozer đã nói rằng: 

Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời không chỉ đơn thuần là điều tốt nhất chúng ta biết giữa những điều vượt trội. Chúng ta biết rằng không có điều gì giống như sự thánh khiết thiên thượng. Nó đứng riêng biệt, độc đáo, và là điều con người không thể hiểu hay đạt được. Con người tự nhiên bị che khuất khỏi điều ấy. Vì người ta có thể sợ năng quyền của Chúa và ngưỡng mộ sự khôn ngoan của Ngài, nhưng về sự thánh khiết của Chúa thì khó có thể hình dung được”.

Theo nguyên nghĩa, đây là một từ Hy-bá lai có ý tưởng tách biệt. Hãy suy nghĩ về việc cắt một ổ bánh mì và tách thành từng miếng đối lập. Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời cũng tách biệt Ngài khỏi những gì chung chung. Điều đó có nghĩa, so với tất cả những gì chúng ta trải nghiệm trong thế giới vật chất này, sự thánh khiết của Chúa hoàn toàn khác. Tuy nhiên, sự thánh khiết của Chúa cũng thu hút chúng ta vì đó chúng là mỹ đức chính yếu của Chúa, như Lời Chúa trong Thi-thiên 29:2, “Hãy trang sức bằng sự thánh khiết mà thờ phượng Đức Giê-hô-va.”

Sự thánh khiết là một mặt siêu việt của Chúa: 

Tội nhân không thể đến gần Ngài nếu không có người hoà giải. Đức Chúa Trời ngự trong nơi chí thánh, trong đền tạm của dân Y-sơ-ra-ên. Lê-vi Ký 16 chỉ dẫn thầy tế lễ thượng phẩm đến gần Đức Chúa Trời mỗi năm một lần vào ngày đại lễ chuộc tội, và sau đó lấy huyết con sinh để chuộc tội cho mình và dân sự. Bất kể thầy tế lễ thượng phẩm hay ai khác đến gần cũng sẽ chết ngay lập tức.

Mặt khác, sự thánh khiết còn có nghĩa là tiêu chuẩn đạo đức cao. Lê-vi Ký 10 ký thuật hai con trai của A-rôn là Na-đáp và A-bi-hu lại gần dâng một thứ lửa lạ cho Chúa đã bị thiêu nuốt bởi ngọn lửa phát ra từ trước mặt  Đức Giê-hô-va (xem Hê-bơ-rơ 12:29). Đức Chúa Trời đoán xét họ vì họ đã vi phạm luật của thầy tế lễ. Ngoài ra, theo Lê-vi Ký chương 24 một người đứa trai trẻ bị kết án gì vì tội xúc phạm và nguyền rủa danh Đức Giê-hô-va? Hắn bị ném đá chết. 

Đối với một thế hệ nhấn mạnh đến sự gần gũi của Đức Chúa Trời, chứ không phải sự siêu việt của Ngài, Lê-vi Ký cảnh báo chúng ta về sự gần gũi thiếu trang nghiêm với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời trong Lê-vi Ký không thay đổi nhưng thập tự giá của Đấng Christ khiến cho điều ấy trở nên rõ ràng. 

2. Sự chuộc tội là cần thiết

Tuy nhiên, Đức Chúa Trời cũng rất gần. Ngài mong muốn một mối liên hệ mật thiết với con dân Ngài mà không trả giá cho sự công bình thì sự đền tội trước nhất phải xảy ra. Đó là lý do bảy chương đầu của sách bao gồm những chỉ dẫn về cách chuộc tội. 

Hình phạt cho tội lỗi là sự chết – cả về tâm linh lẫn thể xác (Sáng-thế Ký 2:17) – và sự thành tín của Đức Chúa Trời sẽ không cho phép Ngài bỏ qua hình phạt Ngài đã phán. Điều này có nghĩa là sự công chính tuyệt đối đòi hỏi tội nhân phải chết trước khi được tha thứ. 

Tuy nhiên, ân điển và lòng nhân từ cũng là những biểu hiện sự thánh khiết của Đức Chúa Trời, và lòng nhân từ đã khiến Chúa nhanh chóng thiết lập một hệ thống thay thế để thoả mãn sự công chính của Ngài. Trước khi giết một con sinh tế, người dâng lễ vật đặt tên trên đầu con vật ấy. Hành động này tượng trưng cho việc chuyển mọi tội lỗi của người ấy qua con sinh, con vật sau đó sẽ chịu chết đền tội thế cho người ấy. Khi đó, sự công chính của Đức Chúa Trời được thoả mãn và tội nhân nhận được sự tha thứ. 

Sự chuộc tội trong Lê-vi Ký mô tả sự tha thứ đảm bảo sự công chính của Đức Chúa Trời. Nó cũng nhắc dân Y-sơ-ra-ên về sự nghiêm trọng của tội lỗi họ.

3. Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta nên thánh với Ngài

Bốn lần sách Lê-vi Ký có chép: “Hãy nên thánh vì Chúa là thánh.” (Lê-vi Ký 11:44-45,  19:2, 20:7). Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta trở nên giống Ngài – tách biệt khỏi những thông thường của thế gian. Sự thánh khiết thật không phải vẻ bề ngoài. Nó ít liên quan đến việc liệu chúng ta uống bia thủ công, xem phim “cuộc chiến các vì sao” hay trang điểm.

Sự thánh khiết chân thật được thể hiện qua hành vi không thông thường trong thế giới này. Người thánh sạch quan tâm đến người nghèo (Lê-vi Ký 19:9-10). Họ không ăn trộm hay nói dối (19:11), hay áp bức, bóc lột người làm thuê và người dưới quyền mình (19:13-14), hay ghen ghét bất cứ ai (19:17). Họ từ chối trả thù cá nhân hay sự cay đắng. Sự thánh khiết giúp yêu thương người lân cận mình, ngay cả kẻ thù nghịch (19:18).  

Tân Ước cũng trích dẫn Lê-vi Ký trong việc khẳng định những hành vi tin kính như vậy trong cách đoạn Kinh Thánh, như Rô-ma 12:20 và I Phi-e-rơ 1:14-15. 

4. Tội tà dâm là khuynh hướng tự nhiên của tấm lòng sa ngã

Môi-se đã viết cho một dân tộc vừa rời khỏi Ai-cập và chuẩn bị vào xứ Ca-na-an rằng, “Các con đừng làm những gì người ta làm trong xứ Ai Cập, nơi các con đã kiều ngụ, cũng đừng làm những gì người ta làm trong xứ Ca-na-an, nơi Ta sắp đưa các con đến. Không được theo các thói tục của họ.” (Lê-vi Ký 18:3).

Phần còn lại của chương này mô tả những gì người Ai-cập và Ca-na-an đã làm, bao gồm tội quan hệ tình dục bất chính giữa mẹ với con trai, cha với con gái, cha chồng với con dâu, anh chị em, … Môi-se cũng cảnh báo về tội giao hợp với thú vật, hay nằm cùng một người đàn ông như nằm cùng một người nữ, và dâng trẻ sơ sinh qua lửa cho các thần giả dối. 

Được xác nhận trong Tân Ước

Vì Kinh Thánh đồng nhất nên thập tự giá đã tổng hợp và xác nhận những lẽ thật của sách Lê-vi Ký.

Thập tự giá thể hiện sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Ngài không giải quyết vấn đề tội lỗi như chúng ta làm. Đức Chúa Trời là Đấng thánh khiết. Ngài không thể chỉ quên đi và tha thứ tội của chúng ta. Vì trước tiên sự công chính phải được thoả mãn. 

Thập tự giá cũng thể hiện khát khao của Đức Chúa Trời về sự gần gũi với con dân Ngài. Đó còn là thước đo tình yêu và ân điển Đức Chúa Trời dành cho con người bất xứng. Chúa Jêsus đã gánh thay mọi sự đoán xét mà đáng ra chúng ta phải nhận lãnh. Theo nghĩa bóng, ngọn lửa thiêu đốt của Đức Chúa Trời đã thiêu rụi Ngài thay cho chúng ta. 

Hơn nữa, thập tự giá còn thuyết phục chúng ta rằng Đức Chúa Trời rất nghiêm khắc trong việc chúng ta nên thánh trong Ngài. Chúa Jêsus vâng phục trọn vẹn, đỉnh điểm là tại chân thập. Điều đó đã đem chúng ta đến gần với Đức Chúa Trời qua sự thánh khiết trong ân điển Chúa Jêsus.

Đó là tiêu chuẩn và Đức Chúa Trời  cho những ai tin đến phúc âm của Ngài. Ân điển của Ngài thúc đẩy chúng ta theo đuổi một cuộc sống thánh khiết.

Tuy nhiên, sau đó làm thế nào chúng ta có thể đến gần với những ích lợi của sách Lê-vi Ký? Không phải bằng cách làm việc hay thể hiện hoặc đạt được. Đức chúa Trời chỉ có thể đem đến sự hoà thuận và cứu rỗi cho những ai biết ăn năn tội lỗi và tin vào sự chết đền tội của Đức Chúa Jêsus Christ.   

Hãy dành thời gian để nghiên cứu Lê-vi Ký. Đọc và suy gẫm nó trong ý nghĩa của thập tự giá và bạn sẽ nhận được rất nhiều phần thưởng cho mình. 

 

Bài: William P. Farley; dịch: Sophie

(Nguồn: thegospelcoalition.org)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *