Tình cha con: Cốt lõi của vũ trụ

Oneway.vn – Điều quan trọng nhất chúng ta biết về George MacDonald là: mối quan hệ gần như hoàn hảo với cha ông – gốc rễ của mọi sự khôn ngoan ông có. 

Ông nói rằng từ chính cha mình, ông đã sớm biết rằng Tình Cha chính là cốt lõi của vũ trụ. Do đó, ông đã dạy đạo một cách độc đáo, trong đó Cha – Con là mối quan hệ trung tâm nhất của mọi mối quan hệ. Emily- C.S. Lewis, George MacDonald: Một tuyển tập

Tình cha là cốt lõi của vũ trụ.

Làm cha không chỉ đơn thuần là một “mô típ” mà Đức Chúa Trời chọn khi Ngài tỏ mình cho chúng ta, cũng không đơn thuần là một “thiết bị hình người” có liên quan đến chúng ta.

Chúa Jêsus gọi Đức Chúa Trời là Cha vì Ngài thật sự là Cha. Vì Đức Chúa Trời Ba Ngôi là trung tâm vũ trụ và trung tâm của mọi sự, nên Cha và Con cũng vậy. Như Lewis nói, Phúc âm là tôn giáo trong đó mối quan hệ Cha – Con là trước tiên và trung tâm hơn tất cả các mối quan hệ khác. Đây là quy luật đời đời.

Francis Schaeffer lưu ý rằng ngay cả khi Kinh Thánh bắt đầu với Sáng thế ký, thì đã có một điều gì đó tồn tại trước đó nữa. Giăng 1:1 nói về điều tồn tại trước Sáng thế ký 1:1, và Giăng 17:24 cho chúng ta cơ hội nghe được cuộc trò chuyện thân mật giữa Đức Chúa Con và Đức Chúa Cha.

Chúa Jêsus nói: “Cha ôi, … Cha đã yêu Con trước khi sáng thế”. Vì vậy, trước khi mọi sự bắt đầu, đã có một người Cha yêu thương, và một người Con cũng yêu thương, ngưỡng mộ, ca ngợi và vui hưởng một người Cha thực sự. Trong Giăng 17:5, Chúa Jêsus nói rằng Cha và Con cũng chia sẻ vinh hiển cùng nhau.

Đây là sự thật làm thay đổi tâm trí và thay đổi cả vũ trụ. Có nghĩa là vũ trụ không phải một nơi tối tăm, trống rỗng. Tại cốt lõi vũ trụ, đó là một nơi ấm áp, thân thương. Điều này giải thích tại sao những mối quan hệ tan vỡ, cảm giác cô đơn và bị bỏ rơi là trải nghiệm đau đớn nhất của con người.

Cụ thể hơn, hãy xem xét lý do mọi nền văn hóa đều có một vấn đề: “mồ côi cha”. Những người không bị tổn thương vì thiếu đi tình cha là rất hiếm. Điều này xảy ra vì sa-tan căm ghét và tìm cách tiêu diệt mối quan hệ cha-con mỗi ngày, mọi thời điểm, ở mọi nơi trên thế giới. Nó chống lại những hình mẫu giống như Chúa, người cha kết hiệp với người mẹ mang lại sự sống (xem Sáng thế ký 4:1) bằng sự xấu xa của con người và nỗi đau của việc phá thai. Nhưng satan cũng ghét những người cha, vì nó nhận ra sức mạnh của cha. Nó nhận ra  người cha chính là biểu tượng cho hình ảnh Chúa. Nó biết nỗi đau mà nó gây ra cho Chúa và những người mang hình ảnh của Ngài khi tình cha con bị hủy hoại. Và điều này làm kẻ thù chúng ta vui lòng.

Bao nhiêu người trong chúng ta có một người cha giống như người đã chào đón đứa con hoang đàng của ông trong Lu-ca 15:11? Tấm lòng ông nhân từ vô cùng, không phán xét và hoàn toàn tha thứ cho con trai mình. Ông yêu thương cách tự do, cởi mở, và táo bạo, không cần điều kiện hay kỳ vọng gì. Chúa Jêsus nói rằng đây chính là hình ảnh của Cha Ngài, và cha chúng ta. Chúng ta khao khát sự chấp nhận của cha mình, nhưng lại bị chà đạp bởi cái tôi phán xét của họ vì những lý do sâu kín nhất.

Câu chuyện Cơ Đốc

Những lời đầu tiên Đấng Cứu Rỗi chúng ta nói trong Kinh Thánh là gì? “Há chẳng biết tôi phải lo việc Cha tôi sao?” Chúa Jêsus nói những lời này khi Ma-ri và Giô-sép trách Ngài vì đã làm họ sợ hãi khi lạc nhau ba ngày. Ngài nói về Cha và nhà Ngài.

Những lời khiến Chúa Jêsus bị giết là gì? Chúa bị bắt và bị thầy cả thượng phẩm tra hỏi gay gắt. Ngài biết câu trả lời sẽ đẩy Ngài vào chỗ chết. Trong Ma-thi-ơ 26, họ nói với Ngài: “Ta khiến ngươi chỉ Đức Chúa Trời hằng sống mà thề, hãy nói cho chúng ta, ngươi có phải là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời chăng? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Thật như lời; vả lại, ta nói cùng các ngươi, về sau các ngươi sẽ thấy Con người ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời, và ngự trên mây từ trời mà xuống”.

Chúa Jêsus biết chính xác điều Ngài đang nói. Thầy cả thượng phẩm cũng biết, vì vậy ông ta đã xé quần áo mình vì tội báng bổ. Chúa Jêsus là Con Trời. Ngài đã bị giết cách dã man vì dám nói lên sự thật này. Satan tấn công vào mối quan hệ Cha-Con thiêng liêng. Và thế là Đấng Christ bị kết án tử.

Liệu điều gì có thể khiến một người cha tổn thương hơn là giết chết con trai duy nhất của mình?

Những lời cuối cùng của Chúa Jêsus khi bị đóng đinh là gì? Mác và Ma-thi-ơ chép rằng: “Đức Chúa Trời tôi ôi, Đức Chúa Trời tôi ôi, sao Ngài lìa bỏ tôi?” Giăng chép lại lời cuối của Ngài: “Mọi việc đã được trọn”. Vào buổi trưa khủng khiếp ấy, bầu trời nên tối tăm suốt ba giờ. Đức Chúa Cha quay mặt khỏi Con Ngài vì tội lỗi mà Ngài đã gánh thay chúng ta trên cây thập tự. Từ ngữ không thể mô tả đầy đủ ý nghĩa sự xa lánh này. Ma quỷ tìm cách tấn công tình cha con từ cốt lõi bằng cách tách Cha ra khỏi Con. Nhưng chúng ta biết phần còn lại của câu chuyện: sự hiệp nhất vinh hiển của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con khi Phục sinh và Thăng thiên!

Trong bộ phim Blue Like Jazz, một nhân vật buồn bã nghĩ rằng Chúa có vấn đề trầm trọng khi xưng Ngài là Cha vì những điều chẳng mấy tốt lành mà rất nhiều người đã nhận lãnh từ cha họ. Tội lỗi của những người cha trần gian gây ra những vết thương quá đau đớn, nhưng chúng ta có bao giờ nghĩ rằng đó chính là bằng chứng chứng tỏ việc làm cha thực sự vô cùng sâu sắc thiêng liêng? Hay chính nỗi đau chứng minh sự tồn tại của một người Cha vĩ đại, luôn chào đón, người đã đặt ước muốn cho anh ta vào phần sâu thẳm nhất của một con người?

Mối liên hệ cha – con thực sự là một điều gì đó vô cùng mãnh liệt và xuyên thấu. Bởi vì Cha là cốt lõi của vũ trụ.

 

Bài: Glenn Stanton; dịch: Nhạn Võ

(nguồn: thegospelcoalition.org)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *