Oneway.vn – Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì tất cả chúng ta mà phó Con ấy cho, thì Ngài lại không ban mọi sự cùng với Con ấy cho chúng ta sao? (Rô-ma 8:32)
Hiếu kỳ và nhạy cảm, hoạt bát và trung kiên – là cách tôi mô tả con trai và con gái tôi. Chúng vừa thông minh vừa vui vẻ. Không nghi ngờ gì khi nói rằng con cái là một trong những món quà tuyệt vời nhất mà Chúa dành cho vợ chồng tôi.
Chúng tôi yêu con vô hạn và đó là lý do tôi rất ấn tượng với câu chuyện về Áp-ra-ham – Y-sác, và sự hy sinh tột cùng của Chúa Jêsus.
Tôi không thể tưởng tượng việc đem những đứa trẻ của tôi cho bất cứ ai hoặc đổi lấy bất cứ điều gì.
Yêu cầu chấn động
Hãy tưởng tượng một người đang khao khát Chúa ban cho một đứa con, kiên nhẫn chờ đợi năm này qua năm khác rồi chỉ nhận được nỗi thất vọng.
Với một số người trong chúng ta, điều này không khó để hình dung khi bạn đang trải qua điều đau lòng này. Đó cũng chính là những gì Áp-ra-ham và Sa-ra trải qua hàng chục năm dù họ được Chúa hứa ban cho hậu tự.
Nhưng sau đó, đến tuổi già, con trai của họ là Y-sác ra đời (Sáng thế ký 17:19-22; 21:1-7). Cả hai đều vui mừng hớn hở cho đến khi Chúa bảo Áp-ra-ham dâng Y-sác như một của lễ thiêu (Sáng thế ký 22:1-2).
Thật là một yêu cầu đáng sợ! Tôi khá chắc chắn rằng tôi không thể làm được điều đó. Nhưng Áp-ra-ham vâng lời Chúa. Ông đưa Y-sác lên một ngọn núi, chuẩn bị hiến tế và gần như giết Y-sác như một của lễ nhưng Thiên Sứ của Chúa đã bảo ông dừng lại (22:12). Thiên Sứ chỉ cho Áp-ra-ham một chú cừu đang mắc kẹt gần đó và dùng chú cừu làm của lễ thay vì Y-sác (22:13).
Bạn có thể tưởng tượng cuộc sống Áp-ra-ham và Sa-ra sẽ ra sao nếu ông bà thực sự phải hy sinh Y-sác? Chúa cho chúng ta biết ông bà yêu Y-sác rất nhiều, vì vậy sự mất mát đó sẽ vô cùng tàn khốc.
Áp-ra-ham là một người kính sợ Chúa, nhưng ông vẫn là một con người và chắc chắn sẽ khóc thương cho đến hết đời.
Sự hy sinh chấn động
Cuối cùng Áp-ra-ham không cần phải hiến tế Y-sác. Đức Chúa Trời đã buông tha Y-sác cho Áp-ra-ham. Tuy vậy, Chúa lại có kế hoạch vĩnh cửu hy sinh chính Con Ngài vì tội lỗi của thế gian, và Ngài đã không buông tha cho mình hay Chúa Jêsus.
Đó là thời điểm đau khổ. Ngay trước khi hy sinh trên thập tự giá, Chúa Jêsus đã kêu lên “Eli, Eli, lama sabachthani?” – có nghĩa là “Đức Chúa Trời của con! Đức Chúa Trời của con! Sao Ngài lìa bỏ con” (Ma-thi-ơ 27:46).
Đức Chúa Cha không còn hiện diện với Chúa Jêsus vì Chúa Jêsus đã thế chỗ chúng ta và “Đấng không hề biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta” (2 Cô. 5:21). Đây là sự hy sinh tột cùng.
Điều đau lòng hơn, như xát muối vào vết thương là Chúa Jêsus không chỉ chết vì bạn bè, vì những người yêu mến, tin kính Ngài. Thay vào đó, Chúa sẵn sàng chết vì những người tội lỗi:
“Đang khi chúng ta còn yếu đuối thì đúng kỳ hạn Đấng Christ chịu chết vì kẻ có tội. Thật khó có ai chịu chết thay cho một người công chính, họa hoằn lắm mới có người dám chết thay cho một người lương thiện. Nhưng Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta”. (Rô-ma 5:6-8)
Trước sự hy sinh cao cả này, Phao-lô đặt một câu hỏi tu từ quan trọng trong Rô-ma 8:32: “Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì tất cả chúng ta mà phó Con ấy cho, thì Ngài lại không ban mọi sự cùng với Con ấy cho chúng ta sao?”.
Không có sự hy sinh nào lớn hơn việc cha mẹ phải dứt bỏ đứa con của mình. Nếu Đức Chúa Trời sẵn sàng hy sinh Con Ngài cho chúng ta, tại sao chúng ta nghi ngờ những điều Ngài nói hoặc làm? Tại sao chúng ta không tin tưởng vào lời hứa ban cho chúng ta “mọi sự” của Ngài?
Dù rằng, “mọi sự” trong câu Kinh Thánh đề cập đến cả sự cung cấp về thể chất và tinh thần, chúng ta đừng cho rằng Chúa sẽ cung cấp mọi thứ chúng ta muốn. II Phi-e-rơ 1: 3 làm rõ điểm này hơn “Quyền năng của Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều liên quan đến sự sống và sự tin kính, qua sự nhận biết Ngài là Đấng đã kêu gọi chúng ta bằng vinh quang và nhân đức của Ngài”.
Nói cách khác, Chúa chu cấp mọi điều chúng ta cần, và suy cho cùng, điều chúng ta cần nhất là mối quan hệ đúng đắn với Chúa. Đó chính xác là những gì Chúa đã ban cho chúng ta thông qua Con Ngài. Không có gì chúng ta cần mà Chúa không hoàn thành cho chúng ta. Hallelujah!
Hy sinh một lần đủ cả
Bạn và tôi đôi khi phải đấu tranh để tin sự thật này. Nói thì dễ nhưng thực hiện không hề đơn giản. Đôi khi chúng ta phải khẩn thiết cầu nguyện, như câu chuyện một người cha đã kêu cầu Chúa Jêsus rằng:”Tôi tin, xin giúp cho sự vô tín của tôi!” (Mác 9:24). Và Chúa hiểu.
Chúa biết đôi khi chúng ta phải tranh chiến để có thể tin vào Chúa, đó là lý do tại sao nhiều lần Ngài nhắc nhở chúng ta cần trông cậy nơi Chúa và những gì Ngài đã làm. Như thể Ngài nói với chúng ta rằng: “Thôi nào, Ta đã làm cho con điều mà con không bao giờ có thể làm, như vậy chưa đủ hay sao?”
Đủ rồi. Hơn cả đủ. Liệu chúng ta có thể tự tin công bố và đáp lại Chúa với lòng biết ơn, rằng: “Nếu Đức Chúa Trời bênh vực và đã hy sinh Con Một Ngài trên thập giá vì chúng ta thì ai có thể nghịch cùng chúng ta không?”.
Bài: Trillia Newbell; dịch: Janebie
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply