Oneway.vn – Cách đây không lâu, Hannah, con gái lớn của chúng tôi phải xin nghỉ làm vì bị sốt nhẹ.
Lúc cháu gọi cho chúng tôi để báo tin, cơn sốt không hề thuyên giảm mà còn gây ra khó thở. Vợ tôi bảo con: “Con lái xe đi khám ngay đi, xem họ nói gì”. Các bác sĩ chẩn đoán con chúng tôi bị “viêm phổi”, nhưng ngay sau đó, cách họ điều trị cho Hannah chứng tỏ rằng có một điều gì đó còn nghiêm trọng hơn. Tình trạng của cháu không hề cải thiện.
Hai ngày sau khi Hannah nhập viện, một nhân viên y tế gọi cho chúng tôi để báo rằng phổi của cháu không thể cung cấp đủ oxy cho cơ thể. Nếu các bác sĩ không đặt máy thở trước cuối ngày thì rất có thể con chúng tôi sẽ bị ngưng tim. Dựa trên tình trạng của phổi, bác sĩ kết luận rằng Hannah bị nhiễm vi-rút Corona. Khi tôi hỏi một y tá rằng tôi và vợ có thể đến thăm con trong phòng chăm sóc đặc biệt được không, người ấy trả lời: “Gia đình ông không được phép đến bệnh viện đâu, bởi nếu chúng tôi gọi gia đình đến gặp con bé nghĩa là nó chỉ còn một ngày để sống”.
Nếu là cách đây 17 năm, khi Chúa đem Hannah đến với cuộc đời chúng tôi thông qua một trung tâm chăm sóc bảo trợ, chúng tôi không bao giờ có thể tưởng tượng được hình ảnh của con ở tuổi 23 bị đặt với máy thở. Một vài ngày đầu sau khi được đặt máy, Hannah đủ tỉnh táo để tương tác với chúng tôi qua cuộc gọi video trên điện thoại, mặc dù cháu không thể nói chuyện. Nhưng rồi sau đó các bác sĩ cảm thấy con tôi cần phải tĩnh dưỡng, khoảng cách giữa chúng tôi với con trở nên im lặng và mờ mịt.
Tin cậy nơi bàn tay Cha
Nỗi kinh hoàng của đại dịch Covid-19 không chỉ là việc chúng ta có thể mất đi mạng sống của mình hoặc của người thân, mà còn là viễn cảnh lạnh gáy của việc không thể ở cùng những người yêu dấu khi họ đang trải qua đau đớn. Khao khát được ở cùng với người chúng ta yêu thương khi họ gặp hoạn nạn không chỉ không dễ chịu mà còn bất khả thi, nhưng đó là điều không thể tránh khỏi. Trong những ngày thuận cảnh, chúng ta cần có những người xung quanh, và trong những ngày nghịch cảnh, chúng ta càng cần điều đó hơn.
Nỗi kinh hoàng còn là viễn cảnh lạnh gáy của việc không thể ở cùng những người thân yêu khi họ đang trải qua đau đớn.
Trong những ngày phải xa cách con, tôi nhớ lại lần đầu tiên Hannah bước chân vào gia đình chúng tôi khi cháu được 7 tuổi. Thủ tục nhận con nuôi đã hoàn tất. Tôi bắt đầu thói quen bước nhẹ vào phòng của con mỗi sáng sớm, lúc trời còn mờ tối, để đánh thức con dậy. Suốt nhiều tháng, tôi đều đặn làm việc ấy. Khi tôi vừa chạm vào vai con, cháu lập tức co cứng người, mắt mở trừng. Cháu đảo mắt nhìn quanh căn phòng cách sợ hãi và rồi nhìn chằm chằm vào mặt tôi. Những lúc như thế, có lẽ cháu chưa xác định được mình đang ở đâu và tôi là ai. Không có gì ngạc nhiên khi Hannah phản ứng như vậy, vì trong cuộc đời ngắn ngủi của con cho đến thời điểm ấy, cháu đã phải sống cùng với ít nhất nửa tá gia đình khác nhau.
“Không sao đâu con,” tôi nhỏ nhẹ. “Ba đây mà. Con đang ở nhà mình.”
Và điều đó cứ lặp đi lặp lại suốt gần 3 tháng. Mỗi buổi sáng, Hannah thức dậy với trạng thái thu mình lại và mắt mở to sợ hãi.
Thế rồi, một buổi sáng thứ 7 nọ, một điều khác biệt đã xảy ra. Hannah không còn co cứng người hoặc mở trừng mắt nhìn quanh khi tôi chạm vào cháu nữa. Cô bé thậm chí còn không mở mắt. Thay vào đó, cháu lăn mình vào vòng tay tôi, mắt vẫn nhắm nghiền và thỏ thẻ: “Con chào ba buổi sáng. Con thương ba.”
Cháu đã học được cách tin cậy sự đụng chạm của tôi ngay cả khi không nhìn thấy tôi.
Đó là cách chúng ta được kêu gọi để tin cậy Cha Thiên Thượng. Hình ảnh ấy luôn ở trong trí tôi suốt những ngày không nhận được tin tức gì về Hannah khi cháu phải sống bằng máy thở để chống chọi với con vi-rút chết người.
Tất cả những gì tôi có thể làm là nương cậy nơi bàn tay Cha dù không thể nhìn thấy mặt Ngài.
Cầu nguyện trong Danh Chúa Jêsus
Tôi không biết chương trình của Chúa là gì khi cho phép con gái tôi bị nhiễm vi-rút Corona. Tôi không dám nói mình hiểu những điều Chúa đang hành động trên khắp thế giới với hàng triệu người cũng đang chống chọi với căn bệnh. Nhưng tôi biết một điều: Không điều gì nằm ngoài tầm kiểm soát của Cha Thiên Thượng, và chúng ta có thể tin cậy Ngài ngay cả khi không nhìn thấy Ngài.
Không điều gì nằm ngoài tầm kiểm soát của Cha Thiên Thượng, và chúng ta có thể tin cậy Ngài ngay cả khi không nhìn thấy Ngài.
Tất nhiên, điều này cũng đúng trong mọi khoảnh khắc của đời sống chúng ta. Dù vậy, chúng ta rất dễ có ảo tưởng rằng mình đang điều khiển bánh lái của cuộc sống khi vẫn còn được bao quanh bởi những người thân yêu và mọi thứ nói chung có vẻ như đang đi theo kế hoạch của chúng ta. Nhưng khi đối diện với những tình huống hoàn toàn bất lực, ảo tưởng ấy tan biến, để lại chúng ta chỉ có thể tin cậy nơi lòng thương xót của Chúa, Đấng có chương trình có thể khác với chương trình của chúng ta.
Vì thế, chúng tôi cầu nguyện xin Chúa chữa lành cho Hannah, và lời cầu nguyện đó là đúng và tốt lành. Khi con chúng tôi nằm bệnh viện, nhiều đêm tôi cầu nguyện giống như lời khẩn cầu của Giai-ru với Chúa Jêsus: “Con gái nhỏ của tôi sắp chết. Xin Thầy đến và đặt tay trên cháu, để cháu được chữa lành và sống” (Mác 5:23). Nhưng tôi cũng kèm theo câu “trong Danh của Chúa Jêsus”. Đây không phải như một khẩu hiệu mà chúng ta thêm vào để biến lời cầu nguyện của mình trở nên cao cấp hay để nâng cao khả năng Chúa làm đúng như điều chúng ta cầu xin. Việc cầu nguyện trong Danh của Chúa Jêsus có nghĩa là chúng ta đầu phục những lời cầu xin của mình theo một chương trình vĩ đại hơn nhiều so với chương trình của chúng ta. Khi cầu nguyện “trong Danh Chúa Jêsus”, tôi đang xin Đức Chúa Trời làm tất cả những gì cần thiết vì mục đích tối thượng là sự oai nghi và vinh quang của Chúa Jêsus, dù cho điều ấy có nghĩa là tôi sẽ phải trải qua hoạn nạn và đau đớn.
Sự chữa lành không phải lúc nào cũng xảy ra trong đời này. Một số sự chữa lành sẽ chỉ xảy ra trong đời sau. Nhưng chúng ta không trông cậy vào sự chữa lành, mà vào Đấng Chữa Lành.
Không có gì sai khi cầu nguyện xin sự chữa lành trong đời này, nhưng chúng ta không trông cậy vào sự chữa lành, mà vào Đấng Chữa Lành.
Có lẽ hình mẫu cao cả nhất cho điều này là lời cầu nguyện của Chúa Jêsus khi Ngài đang hấp hối: “Lạy Cha, Con xin giao linh hồn lại trong tay Cha!” (Lu-ca 23:46). Lời cầu nguyện tín thác ấy đã không cứu Ngài khỏi khổ nạn và sự chết, nó cũng sẽ không ngăn chặn những đau buồn hay mất mát xảy đến trên cuộc đời chúng ta. Nhưng lời cầu nguyện này thể hiện sự nhận thức rằng chúng ta đang hầu việc một Đức Chúa Trời có chương trình vượt hơn nỗi đau của chúng ta. Câu chuyện mà chúng ta đang tham gia không phải là câu chuyện duy nhất. Còn có một câu chuyện khác sẽ xảy ra – một câu chuyện kéo dài đến vô tận mà C. S. Lewis mô tả rằng: “mỗi chương sẽ còn tuyệt vời hơn chương trước đó”.
Chúa luôn tốt lành
Sau 3 tuần nằm viện và 11 ngày đặt máy thở, Hannah đã được trở về nhà. Các bác sĩ đã không dám mong đợi kết quả này trong những ngày đầu cháu phải điều trị đặc biệt. Tôi biết ơn không nói lên lời trước sự hành động của Chúa trên các can thiệp y tế để cứu sống con chúng tôi.
Nhưng tôi cũng biết điều này: Dù sự chữa lành của Chúa có xảy ra trong đời sau thay vì trong đời này thì sự tốt lành của Ngài không vì thế mà giảm đi. Dù chúng ta không thể nhìn thấy mọi diễn biến trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng thì Ngài vẫn tốt lành. Chúng ta có thể tin cậy Ngài ngay cả khi không thể nhìn thấy Ngài.
Bài:Timothy Paul Jones; Dịch: Blessie
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Tác giả: Timothy Paul Jones (Tiến sĩ, Viện Thần học Báp-tít Nam phương) là phó chủ tịch và giáo sư của mục vụ gia đình Cơ Đốc thuộc quỹ C. Edwin Gheens tại Viện Thần học Báp-tít Nam phương. Ông là tác giả và nhà biên tập của hơn một chục cuốn sách, đồng thời là một trong những mục sư giảng dạy của hội thánh Sojourn Community Church. Ông sống ở St. Matthews, Kentucky, cùng với vợ, Rayann, và các cô con gái: Hannah, Skylar, Kylinn và Katrisha. Timothy viết blog tại trang web của mình.
Leave a Reply