Oneway.vn – Được đóng ấn bằng Đức Thánh Linh nghĩa là gì?
Kinh Thánh sách Ê-phê-sô 1:13 cho biết: “Trong Ngài, anh em là người đã nghe lời chân lý, là Tin Lành mà anh em được cứu rỗi. Cũng trong Ngài, anh em đã tin và được đóng ấn bằng Đức Thánh Linh như lời hứa”
Dấu ấn là một dấu hiệu nhận biết thường thấy trong thư từ, hợp đồng hoặc các thể loại văn bản khác. Nó thể hiện rằng nội dung trong bức thư đến từ người đã đóng cái dấu ấy lên trên. Trong thế giới cổ đại, gia súc và thậm chí nô lệ cũng bị đóng dấu để thể hiện ai là người sở hữu, nhằm ngăn ngừa việc trộm cắp.
Kinh Thánh sử dụng thuật ngữ này theo một số cách khác nhau, và khi được xem xét chung với nhau, chúng cung cấp một bức tranh toàn cảnh minh họa điều mà sứ đồ Phao-lô đang nói đến trong thư Ê-phê-sô. Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời đặt một dấu hiệu lên những người được chọn để đánh dấu họ, hoặc biệt riêng họ thuộc về Ngài, hoặc giữ họ khỏi sự hủy diệt (Ê-xê 9:4–6). Chúng ta đọc thấy trong Khải Huyền 7:3 rằng Đức Chúa Trời đóng ấn trên dân Ngài để nhận diện và bảo vệ họ khỏi cơn thịnh nộ. Chúng ta cũng thấy những người lính canh đã lăn một tảng đá lớn chặn ngôi mộ của Chúa Jêsus để niêm phong nó (Ma-thi-ơ 27:66), và việc sứ đồ Giăng được bảo phải niêm phong những lời tiên tri (Khải huyền 22:10). Điều này nói lên tính bảo mật. Đức Chúa Trời chứng thực mối quan hệ bằng dấu ấn của Ngài (Giăng 6:27). Điều này tương tự với khái niệm phép cắt bì của Áp-ra-ham như một dấu hiệu và dấu ấn về sự công chính của ông (Rô-ma 4:11).
Nếu kết hợp những điều này với nhau, chúng ta sẽ thấy rằng trong Kinh Thánh, con dấu mang ý nghĩa về quyền sở hữu, sự bảo vệ và xác nhận mối quan hệ.
Nhưng dấu ấn trong Ê-phê-sô 1 là gì? Dấu ấn ở đây không phải là một “thứ” gì đó mà là một “ai” đó—hãy đọc trong c.13: “anh em đã … được đóng ấn bằng Đức Thánh Linh như lời hứa”.
Đức Thánh Linh chính là dấu ấn của Cơ Đốc nhân. Ngài đóng ấn con dân của Ngài. Thánh Linh của Đức Chúa Trời đến để ngự trị hay sống trong tín đồ, và theo tôi, những ý nghĩa đã nói đến ở trên về con dấu có thể được áp dụng ở đây. Đức Thánh Linh được hứa ban đem đến sự nhận biết ai là con dân Chúa để được thừa kế trong Ngài, cũng như kinh nghiệm về Đức Thánh Linh trong đời sống một người tín đồ là bằng chứng dành cho họ và là sự minh chứng cho người khác thấy đức tin chân thật của họ. Đức Thánh Linh đem đến sự bảo đảm bên trong rằng họ là con cái thuộc về Đức Chúa Trời (xem Rô-ma 8:15–16; Ga 4:6).
Sau đây là một số câu Kinh Thánh cho thấy khái niệm này được khai triển trong Tân Ước như thế nào:
“Thật vậy, anh em đã không nhận lấy tinh thần làm nô lệ để cứ sống trong sự sợ hãi, nhưng đã nhận lấy tinh thần làm con nuôi, và nhờ đó, chúng ta gọi rằng: “A-ba! Cha!” Chính Thánh Linh làm chứng với tâm linh chúng ta rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời.” (Rô 8:15–16)
“Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời sai Con Ngài đến, do một người nữ sinh ra,sinh ra dưới luật pháp, để chuộc những người ở dưới luật pháp, và nhờ đó chúng ta được nhận làm con nuôi của Ngài. Vì anh em là con, nên Đức Chúa Trời đã sai Thánh Linh của Con Ngài ngự vào lòng chúng ta kêu lên: “A-ba! Cha!” (Ga 4:4–6)
“Ngài cũng đã đóng ấn Ngài trên chúng ta, và ban Thánh Linh của Ngài vào lòng chúng ta để làm bảo chứng.” (II Cô 1:22)
“Anh em chớ làm buồn Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời; vì trong Ngài, anh em được ấn chứng cho đến ngày cứu chuộc.” (Êph. 4:30)
Qua việc ban Đức Thánh Linh cho chúng ta ngay khi chúng ta tin nhận Chúa Jêsus, Đức Chúa Trời đã phong ấn, hay đóng dấu chúng ta là thuộc riêng về Ngài. Và rồi Đức Thánh Linh tiếp tục làm chứng, chứng thực về thực tế của mối quan hệ ấy bằng cách làm cho chúng ta ngày càng giống Chúa Jêsus hơn.
Do đó, Đức Chúa Trời, Đấng đã xác thực mối quan hệ này, chắc chắn sẽ bảo vệ những người thuộc về Ngài qua mọi thử thách và khó khăn. Ngài sẽ làm vậy cho đến khi sở hửu chúng ta – di sản của Ngài – cách trọn vẹn, vào ngày cứu chuộc, tức là vào lúc chung cuộc (Êph. 1:14).
Được đóng ấn với Đức Thánh Linh là quà tặng ân điển của Đức Chúa Trời, qua đó, Ngài chứng minh tính xác thực của mối quan hệ giữa Ngài với tín đồ, cũng như thẩm quyền, quyền sở hữu và cam kết đối với người thực sự thuộc về Ngài.
Tác giả: Erik Raymond là mục sư quản hội của hội thánh Redeemer Fellowship Church ở Metro Boston. Ông và vợ, Christie, có sáu người con. Ông viết blog tại Ordinary Pastor. Bạn có thể theo dõi ông trên Twitter.
Bài: Erik Raymond; Dịch: Blessie
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply