Oneway.vn – Hiểu biết của Cơ Đốc nhân về trung tâm của mọi khổ nạn là tại chân thập giá của Đấng Cứu Thế.
Tại thập giá, Chúa Jêsus đã hoàn thành kế hoạch của Đức Chúa Cha, giải cứu Hội Thánh Ngài và mở ra kết thúc của những nỗi đau cho ai tin nhận Ngài.
Cơ Đốc nhân vẫn trải qua đau khổ vì họ phải bước qua thế giới tội lỗi này để đến miền vinh hiển, nhưng họ làm vậy với niềm hy vọng. Họ không chỉ cầu nguyện “Chúa ơi, còn bao lâu nữa?” nhưng cũng “Xin Ngài hãy đến, Chúa ơi!”. Và họ vẫn theo Ngài trên con đường thập giá cho đến ngày Đấng Cứu Thế trở lại.
Với loạt bài viết liên tục của chúng tôi dành cho các mục sư, các nhà lãnh đạo và giáo viên, chúng tôi đã tham vấn Brian Tabb, trưởng khoa học thuật và phó giáo sư nghiên cứu Kinh Thánh tại Bethlehem College & Seminary, để giải thích thập tự giá của Đấng Cứu Thế định hình quan điểm Cơ Đốc giáo về nỗi đau như thế nào.
Tại sao những điều tồi tệ lại xảy ra với người tốt khi Chúa đang tể trị thế giới? Những câu hỏi về đau khổ và mất mát như này đã khiến nhân loại bối rối trong nhiều thiên niên kỷ.
Một số nhà triết học cổ đại cho rằng đau khổ không phải là điều tồi tệ nhưng đem lại cơ hội để chứng minh tính cách đạo đức thực sự [1].
Các nhà tư tưởng thế tục hiện đại kết luận rằng Đức Chúa Trời – nếu có thật – không thể giữ những người tốt khỏi bị tổn hại; chúng ta phải tự nỗ lực vượt qua nỗi đau dù cho không hiểu lý do [2].
Người Ấn giáo giải thích rằng chúng ta phải chấp nhận và chịu đau khổ về thể xác và tinh thần là do nghiệp chướng [3].
Các nhà văn Do Thái cổ đại đã giải thích sự đau khổ của Israel là sự trừng phạt của Chúa đối với tội lỗi, đòi hỏi phải ăn năn và dâng sinh tế [4]. Quan điểm của Cơ Đốc giáo về đau khổ – và mọi điều trong cuộc sống – là thập tự.
Đau khổ và cái chết đã đánh một dấu không thể xóa nhòa trong lịch sử loài người ở phía đông vườn Địa Đàng. Ban đầu, không có bệnh ung thư, coronavirus hay đau mãn tính – mọi thứ đều tốt đẹp (Sáng 1:31). Mọi thứ thay đổi khi tội lỗi và cái chết xâm nhập vào thế giới, và chính tạo vật phải lệ thuộc sự hư không (Rô-ma 5:12; 8:20). Tạo vật phải chịu sự nguyền rủa từ đau khổ, bệnh tật, buồn bã cùng với “gai góc và cây tật lê” và con người thì phải trở về cùng cát bụi [5].
Đấng Cứu Thế đã đến thế giới tội lỗi, đau khổ và chết chóc này để cứu dân Ngài và đem mọi thứ về đúng vị trí. Thật đáng kinh ngạc, Con Đức Chúa Trời cứu chúng ta khỏi sự rủa sả bằng cách chịu sự rủa sả thay chúng ta trên thập tự giá (Ga-la-ti 3:13). Đấng cai trị thế giới đã lên kế hoạch cho Người tốt nhất phải chịu số phận tồi tệ nhất để cứu những con người tội lỗi.
Sự đóng đinh của Đấng Cứu Thế là nền tảng và trọng tâm của quan điểm Cơ Đốc giáo về nỗi đau, điều này kỳ lạ và gây khó chịu cho tất cả các thế giới quan khác.
Hồi giáo khăng khăng phủ nhận Chúa Jêsus thực sự bị đóng đinh [6], và Phao-lô cho biết thông điệp về Đấng Cứu Thế bị đóng đinh là sai lầm đối với người Do Thái và điên rồ đối với người ngoại bang (1 Cô-rinh-tô 1:23).
Nhưng đối với Cơ Đốc nhân, thập tự giá bày tỏ Đấng Cứu Thế quyền năng và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời (1 Cô-rinh-tô 1:24). Thập tự giá có vẻ như phô bày sức mạnh của đế chế La Mã và sự yếu đuối của Chúa Jêsus, nhưng Đấng Cứu Thế đã đắc thắng, Ngài đã hoàn thành nhiệm vụ tưởng chừng như bất thành, Ngài đã cứu rỗi dân Ngài khi dường như Chúa không thể tự cứu lấy mình [7].
Chính sức mạnh và sự khôn ngoan mang hình thập tự của Đức Chúa Trời đã thay đổi hoàn toàn những định nghĩa thông thường và ban sự giúp đỡ và hy vọng thật cho những ai tin. Kinh Thánh bày tỏ rằng sự khổ nạn của Chúa Jêsus là cần thiết theo kế hoạch của Đức Chúa Trời, Đấng vô tội chịu chết vì những người có tội và Ngài được minh oan trong sự phục sinh khải hoàn.
Chịu khổ là điều tất yếu
Chúa Jêsus đón nhận sự khổ nạn như một điều tất yếu. Ngài dạy những người theo mình rằng “Ngài phải đi đến thành Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các trưởng lão, các thầy tế lễ cả cùng các thầy thông giáo, và phải bị giết, đến ngày thứ ba phải sống lại” (Ma-thi-ơ 16:21). Theo tiếng Hy Lạp, từ “phải” trong Phúc Âm mang ý tưởng về sự thiết yếu thánh [8].
Chúa Jêsus phán rõ rằng khổ nạn của Ngài là theo kế hoạch của Đức Chúa Trời. Giáo lý này đã gây sốc cho các môn đệ đến nỗi Phi-e-rơ bắt đầu oán trách Chúa, rằng: “Lạy Chúa, Đức Chúa Trời nào nỡ vậy! Việc nầy sẽ không xảy đến cho Chúa đâu!” (Ma-thi-ơ 16:22). Chúa Jêsus không tránh khỏi đau khổ khi Phi-e-ơ yêu cầu cũng không cố giảm thiểu bi thảm đang chờ đợi Ngài. Chúa quyết tâm hướng về Jerusalem – thành phố giết chết các tiên tri (Lu-ca 9:51; 13:34) – bởi vì Ngài vâng theo Lời của Đức Chúa Trời – Kinh Thánh. Vào đêm bị bắt, Chúa Jêsus tuyên bố “Ta bảo các con, lời Kinh Thánh nầy phải được ứng nghiệm trong Ta: ‘Ngài đã bị kể vào hàng kẻ phạm pháp.’ Thật vậy, lời chép về Ta đang được ứng nghiệm.”(Lu-ca 22:37, trích dẫn Ê-sai 53:12).
Hãy xem xét sự khổ nạn muôn phần mà Chúa Jêsus phải trải qua khi Ngài trung kiên thực hiện kế hoạch của Đức Chúa Cha. Khi Ngài cầu nguyện thống thiết, mồ hôi như máu và Chúa sẵn sàng uống chén phán xét thánh, những người bạn thân nhất của Ngài đã ngủ quên (Lu-ca 22:42, 44). Các môn đệ đã phản bội, chối bỏ và bỏ rơi Chúa của họ lúc Ngài bị bắt và xử án. Người La Mã đã vu khống, phỉ nhổ, đòn roi bằng gai và báng bổ Đấng Cứu Rỗi. Người Do Thái chế giễu và hành hạ Vua của họ, ầm ĩ đòi “Đóng đinh hắn trên cây thập tự”.
Phúc Âm kể lại sự việc một cách bình thản “họ đóng đinh Ngài vào thập tự giá cùng với hai tên tội phạm: một tên bên phải, một tên bên trái Ngài” (Lu-ca 23:33). Những độc giả thế kỷ thứ nhất không cần thêm một sự mô tả tỉ mỉ nào vì họ biết chính xác ý nghĩa của sự “đóng đinh”.
Thánh giá ngày nay xuất hiện phổ biến trong văn hóa đương đại: trên các tòa tháp nhà thờ, đồ trang sức, áo phông, nhãn dán… Nhưng trong thế giới cổ đại, thập giá là nỗi sợ hãi cho những vụ bê bối mà không ai muốn nhắc đến. Nhà chính trị La Mã Cicero gọi thập giá là “hình phạt khốn khổ và đau đớn nhất với nô lệ” [9]. Đó là một cảnh tượng đáng xấu hổ, đau đớn khi một tên tội phạm bị kết án và treo lõa lồ trên cây cho đến chết vì mất máu hoặc tắt thở. Người La Mã đóng đinh nô lệ và những kẻ phản bội để làm nhục họ và gửi một thông điệp đe dọa đến những kẻ muốn chống lại Caesar. Đây là cái chết mà Con Đức Chúa Trời phải chịu và nhất thiết phải hoàn thành kế hoạch bí mật của Cha.
Hãy xem giá chuộc chúng ta
Hãy xem kế hoạch của Cha được bày tỏ
Đưa nhiều con dân đến vinh quang
Ân điển không đo lường được, tình yêu thương không kể xiết [10].
Chúa Jêsus không chỉ dạy rằng Ngài phải chịu nhiều điều; Chúa cũng tuyên bố rằng bất kỳ môn đệ nào cũng “phải từ bỏ chính mình, vác thập tự giá mình mà theo Ta” (Mác 8:34). Nếu thế gian ghét Đấng Cứu Thế và treo Ngài đến chết, những người theo Chúa không nên mong đợi được đối xử như một ‘khách VIP’. “Nếu họ bắt bớ Ta, họ cũng sẽ bắt bớ các con” (Giăng 15:20). Những rắc rối và thử thách chúng ta trải qua trong đời này nhắc nhở rằng chúng ta đang theo một Chúa chịu khổ nạn và quyền năng thánh giá Chúa được giữ trong các bình đất sét và hoàn thiện trong sự yếu đuối (2 Cô-rinh-tô 4:7; 12:9).
Chịu khổ để cứu người
Chúa Jêsus chịu đau khổ để cứu dân mình khỏi tội lỗi. Chính tên của Ngài, Chúa Jêsus – tiếng Hy Lạp là “Joshua” – đã xác định Ngài là Đấng sẽ mang đến sự cứu rỗi được chờ đợi từ lâu cho những người tội lỗi (Ma-thi-ơ 1:21; Thi-thiên 130:8) [11].
Trong Cựu Ước, Y-sơ-ra-ên ca ngợi Chúa vì đã cứu họ khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập (Xuất Ai-cập 15:2), và các tín hữu tiếp tục cầu nguyện “Lạy Đức Chúa Trời, Đấng cứu rỗi chúng con! Xin cứu chúng con” (1 Sử ký 16:35). Họ khao khát ngày cứu rỗi khi Chúa tập hợp dân bị phân tán của Ngài, rịt lành vết thương của họ, phán xét kẻ thù của họ và thiết lập sự cai trị của Ngài trên đất. Ê-sai 52: 7-10 tổng kết niềm hy vọng này:
“Những người rao truyền sự bình an,
Loan báo tin lành,
Công bố sự cứu rỗi,
Và nói với Si-ôn rằng: “Đức Chúa Trời ngươi trị vì;”
Bàn chân của những người ấy trên các núi
Xinh đẹp biết bao!
Những kẻ canh gác của ngươi cất tiếng hát,
Họ cùng nhau reo mừng;
Vì họ sẽ tận mắt thấy
Đức Giê-hô-va trở lại Si-ôn.
Hỡi những nơi đổ nát của Giê-ru-sa-lem,
Hãy trỗi giọng hát mừng rập ràng.
Vì Đức Giê-hô-va đã an ủi dân Ngài,
Đã chuộc lại Giê-ru-sa-lem.
Đức Giê-hô-va để trần cánh tay thánh của Ngài
Trước mắt mọi nước;
Mọi nơi tận cùng trái đất
Đều thấy sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời chúng ta!”
Chú thích:
[1] Nhà triết học Stoic Seneca trình bày lập luận này trong bài tiểu luận đạo đức “On Providence”; xem Brian J. Tabb, Suffering in Ancient Worldview: Luke, Seneca, and 4 Maccabees in Dialogue, Library of New Testament Studies 569 (London: Bloomsbury T&T Clark, 2017), 25–35.
[2] Xem, ví dụ, Harold S. Kushner, When Bad Things Happen to Good People, tái bản lần 2. (New York: Schocken, 2004).
[3] Sarah M. Whitman, “Pain and Suffering as Viewed by the Hindu Religion”, The Journal of Pain 8 (2007): 607–13.
[4] So sánh 2 Maccabees 7:18: “Chúng ta chịu đau khổ những việc này vì chính chúng ta đã phạm tội nghịch cùng Chúa của chúng ta”.
[5] D.A Carson giải thích rằng “tà ma là nguyên nhân cơ bản của đau khổ, nổi loạn là gốc rễ của nỗi đau, tội lỗi là nguồn gốc của cái chết” (How Long, O Lord? Reflections on Suffering and Evil, tái bản lần thứ 2. [Grand Rapids: Baker Academy, 2006 ], 40).
[6] A.H Mathias Zahniser, The Mission and Death of Jesus in Islam and Christianity (Maryknoll, NY: Orbis, 2008), 15. Zahniser cites Women [4]:157 trong kinh Qur’ān: họ không giết Ngài, cũng không đóng đinh Ngài.
[7] Xem Mác 15:31; Giăng 19: 28-30; Cô-lô-se 2:13-15; Khải huyền 5:5-6.
[8] Xem Tabb, Suffering in Ancient Worldview, 146-47.
[9] Cicero, Against Verrus 2.5.169, trans. Yonge. Để biết thêm các nguồn cổ xưa đề cập đến việc đóng đinh, xem Eckhard J. Schnabel and David W. Chapman, The Trial and Crucifixion of Jesus: Texts and Commentary (Peabody, MA: Hendrickson, 2019), phần 3.
[10] Matt Papa, Matt Boswell, and Michael Bleecker, “Come Behold the Wondrous Mystery” (Xuất bản Bleecker, 2013).
[11] D.A. Carson, “Matthew,” in Matthew & Mark, ed. Tremper Longman III and David E. Garland, Expositor’s Bible Commentary, bản hiệu đính. (Grand Rapids: Zondervan, 2010), 101.
Bài: Article by Brian Tabb ; dịch: Janebie
(Nguồn: desiringgod.org)
Leave a Reply