Oneway.vn – Trong số 150 bài thi thiên, không có bài nào buồn hơn Thi Thiên 88.
Nhiều thi thiên bắt đầu với hình ảnh tác giả đang mang gánh nặng và khổ sở, để rồi đến một điểm nào đó trong bài thơ, sau lời cầu nguyện và suy ngẫm, tác giả lại tìm thấy hy vọng và sự bình an trong Chúa. Nhưng không hề có bước ngoặt nào trong Thi Thiên 88, trái lại, bóng tối đúng nghĩa là lời kết: “Chúa khiến bạn bè lìa xa con, chỉ còn bóng đêm là bạn thân của con” (Thi 88:18).
Câu mở đầu là câu duy nhất mang tính tích cực có thể thấy trong toàn bộ lời cầu nguyện: “Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời là sự cứu rỗi của con”. Toàn bộ phần còn lại chỉ là bóng tối, chết chóc và tuyệt vọng.
Dù vậy, ngay cả trong bài thi thiên chứa đầy nỗi u uất này, vẫn có lý do để hy vọng, đặc biệt cho những ai có thể đồng cảm sâu sắc với tác giả qua sự mất mát cá nhân, sự đau buồn quặn thắt hay những cơn trầm cảm kéo dài.
Tôi nhìn thấy bốn cách mà bài thi thiên đau buồn nhất này vẫn bày tỏ một niềm hy vọng.
1. Hy vọng được thể hiện qua sự cầu nguyện không ngưng nghỉ
Nhiều người có thể chìm ngập trong nỗi buồn đến nỗi họ không muốn cầu nguyện nữa. Họ nói: “Tôi sẽ không bao giờ cầu nguyện với Chúa nữa!” Nỗi buồn dường như quá áp đảo, còn Chúa dường như quá xa vời. Nhưng tác giả thi thiên không như thế. Ông không ngừng cầu nguyện mà vẫn tiếp tục kêu cầu:
“Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời là sự cứu rỗi của con,
Ngày và đêm con kêu cầu trước mặt Ngài.
Nguyện lời cầu nguyện con thấu đến trước mặt Chúa;
Xin nghiêng tai nghe tiếng khẩn cầu của con”. (Thi 88:1–2; tương tự trong c.9, 13).
Có những thời điểm trong cuộc đời, mọi thứ dường như quá tối tăm và tuyệt vọng. Những lúc ấy, chỉ mỗi việc tiếp tục kêu nài Chúa thôi cũng đã là một lời chứng về ân điển Chúa trong cuộc đời chúng ta.
Những lúc đau buồn, bạn có tiếp tục kêu cầu với Chúa không? Nếu có, đó là ân điển của Chúa trên bạn, và vẫn còn lý do để hy vọng.
Có những thời điểm tối tăm đến nỗi việc bền lòng kêu nài Chúa cũng đã là một lời chứng về ân điển Chúa trong cuộc đời chúng ta.
2. Hy vọng được thể hiện trong lời công bố rằng Chúa đang tể trị
Trong câu 1, tác giả nói rằng “Đức Chúa Trời là sự cứu rỗi con”. Nhưng đến câu 6–8, ông nói:
“Chúa đã để con nằm dưới hầm sâu,
Trong vực thẳm tối tăm.
Cơn giận Chúa đè nặng trên con,
Ngài khiến các lượn sóng của Ngài phủ chụp lấy con. (Sê-la)” (Thi 88:6–8)
Thế thì, lúc này tác giả thi thiên đang cảm thấy Chúa là ai? Ngài là Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi hay Ngài là nguyên nhân gây nên hoàn cảnh tối tăm mà ông đang trải qua? Đối với tác giả, Đức Chúa Trời đóng cả hai vai trò đó.
Chúa là Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi hay nguyên nhân của sự tối tăm? Đối với tác giả thi thiên, Chúa là cả hai.
Tác giả thi thiên không hề cáo buộc Chúa. Ông không nói: “Tại sao Ngài lại ném con xuống vực sâu như thế này?!” Thay vào đó, ông hạ mình thừa nhận và thuận phục sự tể trị tuyệt đối của Chúa trên cuộc đời mình. Trên thực tế, việc tác giả tin rằng Đức Chúa Trời tể trị trên những đau buồn của ông chính là cơ sở để ông tự tin Ngài cũng là Đức Chúa Trời của sự cứu rỗi.
Nếu Chúa cho phép hoạn nạn xảy đến trên ông thì hoàn toàn hợp lý khi nói rằng Ngài cũng có thể giải phóng ông khỏi những hoạn nạn đó, hay ít nhất, Ngài nhìn thấy hết những gì ông đang trải qua.
3. Hy vọng được thể hiện trong sự thành thật và tan vỡ
Khi biết được tôi sẽ giảng về Thi Thiên 88, một số tín hữu nói với tôi rằng họ mong chờ bài giảng của tôi như thế nào. Tôi hơi ngạc nhiên. Thi Thiên 88 là bài thi thiên buồn nhất trong sách này, có gì để họ trông chờ? Nhưng dựa vào trực giác, tôi có thể hiểu. Trong những thời điểm tuyệt vọng, đôi khi sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi biết rằng chúng ta không điên, rằng có ai đó mà chúng ta tin cậy (tác giả thi thiên) cũng đã trải nghiệm nỗi đau tương tự và đồng cảm với sự than khóc của chúng ta.
Điều trớ trêu là chúng ta càng cảm thấy an ủi hơn khi biết rằng sau khi tác giả thi thiên tuôn đổ lòng mình với Chúa, ông kết thúc lời cầu nguyện với một câu thật bi thảm. Không phải lúc nào chúng ta cầu nguyện xong cũng cảm thấy mặt mày sáng rỡ như Môi-se. Lời cầu nguyện không phải lúc nào cũng đem đến sự đáp lời mau chóng. Thi thiên 88 nhắc nhở rằng chúng ta vẫn có đức tin thật ngay cả khi không cảm thấy tốt đẹp hơn sau khi cầu nguyện. Tác giả thi thiên hiểu điều đó. Quan trọng hơn, Chúa đã đặt Thi Thiên 88 vào trong Kinh Thánh để đảm bảo với chúng ta rằng Ngài hiểu những gì chúng ta đang trải qua.
Không phải lúc nào chúng ta cầu nguyện xong cũng cảm thấy mặt mày sáng rỡ như Môi-se. Lời cầu nguyện không phải lúc nào cũng đem đến sự đáp lời mau chóng.
Việc tác giả thi thiên cởi mở nói về nỗi buồn chưa được giải tỏa của mình nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta không đơn độc. Tương tự, sự chia sẻ thành thật về nỗi buồn của chúng ta có thể là niềm an ủi và khích lệ mạnh mẽ mang đến hy vọng trong cuộc sống người khác (II Cô 1:3–7).
4. Hy vọng được thể hiện trong lời hứa về sự sống lại
Có lẽ câu 10–12 là những câu u ám nhất trong bài thi thiên. Tác giả không tìm được sự xoa dịu nào cho đau khổ của mình, ngay cả trong cái chết:
“Chúa có vì kẻ chết mà làm phép lạ sao?
Những kẻ qua đời có trỗi dậy để ca ngợi Chúa chăng?
Lòng nhân từ Chúa có được rao truyền trong mồ mả sao?
Hoặc sự thành tín Chúa có được giảng ra trong vực sâu chăng?
Các phép lạ Chúa có được biết đến nơi tối tăm sao?
Hoặc sự công chính Chúa có được bày tỏ trong xứ lãng quên chăng?”
Tất cả những gì tác giả nói về cái chết đều đúng đối với những ai không kinh nghiệm sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ. Đối với họ, chết không phải là sự giải thoát mà sẽ dẫn đến bóng tối tận cùng.
Mặc dù điều này không đúng với người tin Chúa nhưng nỗi buồn cám dỗ chúng ta tin như thế. Khi chúng ta bị chôn vùi trong tuyệt vọng, đôi khi việc cảm nhận về tình yêu và sự đảm bảo của Chúa dường như thật xa vời và vô nghĩa.
Tác giả thi thiên chắc hẳn đã cảm thấy như vậy: “Đức Giê-hô-va ôi! Sao Ngài từ bỏ linh hồn con, và giấu mặt Ngài với con? (Thi 88:14). Khi không cảm nhận được sự đảm bảo về tình yêu của Chúa, Cơ Đốc nhân cũng giống như tác giả có thể sợ rằng cái chết chỉ dẫn đến điều kinh khủng hơn.
Thi thiên 88 nhắc nhở rằng chúng ta vẫn có đức tin thật ngay cả khi không cảm thấy tốt đẹp hơn sau khi cầu nguyện.
Thế nhưng, Chúa Jêsus đã chỉ thẳng ra nỗi sợ chết của chúng ta. Lời Ngài xuyên qua màn đêm tăm tối và xoa dịu nỗi sợ hãi: “Ta là sự sống lại và sự sống. Người nào tin Ta thì sẽ sống, mặc dù đã chết rồi” (Giăng 11:25). Chúa Jêsus đã chết cái chết mà chúng ta đáng phải chịu để đảm bảo sự tha thứ hoàn toàn và tình yêu bất tận của Đức Chúa Trời. Và rồi, Ngài đã sống lại để đảm bảo với chúng ta rằng trong đời sau, chúng ta sẽ kinh nghiệm sự bình an và an ủi của sự hiện diện Đức Chúa Trời vĩnh viễn.
Hy vọng trong bóng tối mịt mù
Tất cả chúng ta sẽ có những ngày, thậm chí là tháng năm, u ám. Đây là hậu quả tất yếu của việc sống trong một thế giới sa ngã. Nhưng chúng ta cảm thấy vững tâm hơn khi biết rằng Kinh Thánh không hề phớt lờ hoặc xem nhẹ nỗi buồn của chúng ta. Trái lại, mỗi khi cảm thấy đổ vỡ, Kinh Thánh đem đến cho chúng ta sự đồng cảm sâu sắc và niềm hy vọng vững chắc.
Thi Thiên 88 có lẽ là bài thi thiên buồn nhất trong Kinh Thánh, nhưng ngay cả qua những lời bi thảm nhất, chúng ta vẫn nhìn thấy dấu hiệu về niềm hy vọng nơi Đức Chúa Trời. Nguyện nỗi tuyệt vọng càng làm chúng ta kêu lên với Chúa rằng: “Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời là sự cứu rỗi của con”. Thật, Ngài là Đức Chúa Trời cứu rỗi, ngay cả khi tâm hồn chúng ta trải qua thời điểm đen tối nhất.
Tác giả: Bert Daniel (MDiv, Viện Thần học Báp-tít Nam phương) là mục sư trưởng của hội thánh Crawford Avenue Baptist Church ở Augusta, Georgia. Ông và vợ, Nikki, có ba người con: Nô-ê, Ê-sai và Tatom.
Bài: Bert Daniel; Dịch: Blessie
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply