‘Tôi không thích đeo khẩu trang’

Oneway.vn – Tôi không thích đeo khẩu trang. Nó làm mờ kính râm, thật ngứa ngáy, khó chịu. 

Thật khó để diễn đạt hết những điều muốn nói khi đeo khẩu trang, vì chúng ta không thể nhìn thấy những biểu cảm khuôn mặt nhau. 

Tôi có cả một bộ sưu tập khẩu trang đủ loại, nhưng chẳng cái nào thật sự phù hợp. Khẩu trang cũng khiến người ta không thể quên được thực tế đáng buồn, rằng COVID-19 vẫn còn tồn tại; khẩu trang liên tục nhắc nhở rằng thế giới bình thường mà chúng ta biết trước đây đã qua lâu rồi.

Và dường như với nhiều quốc gia đang nỗ lực chống dịch, chiếc khẩu trang đã trở thành biểu tượng chính trị gây chia rẽ. Hai phe đối lập đang giả định điều tồi tệ nhất về nhau: ai đeo khẩu trang là những người ưu tú, tiến bộ, còn ai không chịu đeo khẩu trang là kẻ yêu tự do hơn mạng sống của những người già! Thật ngớ ngẩn: khẩu trang đang bị chính trị hóa. Nhưng tôi không ngạc nhiên. Mọi thứ trong thế giới ngày nay đều bị chính trị hóa.

Tuy nhiên, đối với Cơ Đốc nhân, chúng ta phải vượt lên trên những phân rẽ chính trị và suy nghĩ xem đức tin nơi Chúa kêu gọi chúng ta như thế nào. Quan điểm về khẩu trang nên được định hình bởi bản sắc Cơ Đốc chứ không phải chính trị. Cho dù tôi không thích, đức tin Cơ Đốc thôi thúc tôi đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng trong. Kinh thánh không nói về khẩu trang, nhưng tôi thấy bốn điều Lời Chúa dạy có liên quan đến vấn đề này.

1. Yêu người lân cận (Ma-thi-ơ 22:39)

Tôi thất vọng vì khoa học không đưa ra những thông tin nhất quán về khẩu trang trong bối cảnh COVID-19. Nhưng điều này thật ra không đáng ngạc nhiên. Đây là một loại virus hoàn toàn mới, một đại dịch lan truyền nhanh chóng. Có lẽ trong nhiều năm, chúng ta vẫn chưa xác định rõ được điều gì là đúng và sai khi nỗ lực ngăn chặn COVID-19. Nhưng ngày càng có nhiều người đồng thuận rằng việc đeo khẩu trang giúp làm chậm sự lây lan của virus, và nhờ đó có thể cứu sống nhiều người.

Đối với Cơ Đốc nhân được kêu gọi yêu thương người lân cận như chính mình, thì việc đeo khẩu trang trong không gian công cộng, đặc biệt là không gian kín, là điều hoàn toàn đúng đắn. Ngay cả khi bạn khó chịu khi đeo khẩu trang, và thậm chí khi khoa học không chứng minh được điều gì, thì bạn vẫn nên đeo. Với vô vàn cách lây lan COVID-19, chúng ta có nên sử dụng các biện pháp bảo vệ nhiều hơn chứ không phải ít hơn, vì lợi ích của những người lân cận, ngay cả khi cơ hội chỉ vô cùng mỏng manh!

2. Vâng phục chính quyền (Rô-ma 13: 1-7)

Những ngày này, chúng ta rất dễ đổ lỗi cho các lãnh đạo, và chắc chắn nhiều người đang phạm phải rất nhiều sai lầm. Nhưng hãy để họ thấy ân điển. 

COVID-19 chỉ là một trong vô vàn những vấn đề phức tạp phát triển nhanh chóng mà các cơ quan chức năng khắp mọi nơi đang phải đối mặt. Thay vì vội vã chỉ trích các lãnh đạo, hãy khích lệ họ bằng sự tôn trọng, vâng phục, và tin rằng họ vẫn đang làm việc chăm chỉ và cố gắng hết sức. 

Hơn nữa, Rô-ma 13 (Tít 3:1 hoặc 1 Phi-e-rơ 2: 13-14) chép rằng Cơ Đốc nhân phải tôn trọng chính quyền mà Chúa đã đặt để lãnh đạo họ. Điều này không mâu thuẫn với việc vâng phục Đấng Christ và thẩm quyền tối thượng Ngài.

Nếu thành phố của bạn bắt buộc đeo khẩu trang trong một số trường hợp, vậy bạn có nên tuân theo chỉ thị đó không?

“Hãy vâng lời kẻ dắt dẫn anh em và chịu phục các người ấy… hầu cho các người ấy lấy lòng vui mừng mà làm xong chức vụ mình, không phàn nàn chi, vì ấy chẳng ích lợi gì cho anh em” (Hê-bơ-rơ 13:17).

3. Tôn trọng những người yếu đuối giữa chúng ta (Rô-ma 14)

Đáng buồn thay, đeo khẩu trang đã trở thành việc gây chia rẽ ngay trong Hội thánh. Một số tín đồ đeo khẩu trang; số khác thì không. Hai nhóm bắt đầu giả định điều tồi tệ nhất về nhau, rằng những người không khẩu trang là liều lĩnh và kiêu ngạo, cho rằng mình mạnh mẽ và dũng cảm; còn những người đeo là kẻ hèn nhát và sợ hãi, luôn suy nghĩ theo hướng rủi ro.

Trong Rô-ma 14 và 1 Cô-rinh-tô 8, 10, Phao-lô lập luận rằng: trong các vấn đề về tự do, những Cơ Đốc nhân mạnh mẽ hơn không được phô trương sự tự do đó theo những cách gây ảnh hưởng đến người yếu đuối hơn. Khi một tín đồ yếu đuối hơn đeo khẩu trang, mà cả Hội thánh đầy những tín đồ mạnh mẽ hơn lại không đeo, thì người đó tự nhiên cảm thấy áp lực phải bỏ khẩu trang ra. Nhưng đó chính là “làm cho lương tâm yếu đuối của họ bị thương, thì là phạm tội cùng Đấng Christ” (1 Cô-rinh-tô 8:12).

4. Dùng sự tự do cho lợi ích Tin Lành (1 Cô-rinh-tô 9: 19-23)

Đôi khi chúng ta phải tạm gác lại các quyền tự do của con người, vì biết rằng Kinh thánh kêu gọi chúng ta từ bỏ quyền lợi bản thân vì lợi ích của Tin Lành.

Phao-lô hạnh phúc khi từ bỏ quyền tự do của mình vì yêu thương người khác (1 Cô-rinh-tô 8:13). “Vả, tôi đối với ai vẫn cũng là được tự do, mà tôi đành phục mọi người, hầu cho tôi được nhiều người hơn” (1 Cô-rinh-tô 9:19)

“Tôi ở yếu đuối với những người yếu đuối, hầu được những người yếu đuối; tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào. Mọi điều tôi làm, thì làm vì cớ Tin lành, hầu cho tôi cũng có phần trong đó” (1  Cô-rinh-tô 9: 22-23). 

Sức mạnh truyền giáo nằm ở sự hy sinh quyền bản thân. Thật cảm động khi chứng kiến một người từ bỏ quyền tự do của mình vì lợi ích người khác.

Công việc truyền giáo trong COVID-19 bị ảnh hưởng rất nhiều. Liệu chúng ta có muốn thế giới xem Cơ Đốc nhân như những kẻ lây lan virus liều lĩnh, những kẻ sống tự do (tụ tập và không đeo khẩu trang) trước nguy cơ sức khỏe cộng đồng? Hay chúng ta muốn họ nhìn Cơ Đốc nhân như những người phục vụ mọi người, sẵn sàng từ bỏ quyền tự do của mình vì yêu thương người khác giống như Đấng Christ?

Nếu những phiền toái nhỏ khi đeo khẩu trang có thể giúp cứu sống không chỉ thể xác mà còn cả linh hồn biết bao người, vậy đeo khẩu trang liệu có đáng không?

 

Bài: Britt Mccraken; dịch: Jennie

(Nguồn: thegospelcoalition.com)


Posted

in

, ,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *