Oneway.vn – Khi đại dịch COVID-19 đang khiến nhiều hội thánh phải nhóm thờ phượng “online” tạm thời, các thước đo về sức khỏe thuộc linh của hội chúng trở nên rối rắm.
Số liệu gần đây cũng cho thấy lượng người nhóm online đang giảm dần.
Làm thế nào các nhà lãnh đạo hội thánh – mục sư, chấp sự, trưởng nhóm học Kinh Thánh – có thể chăm sóc một cách khôn ngoan những tín hữu đang bị trôi lạc và tổn thương trong thời điểm cách ly xã hội này?
Những chuyện như mất việc làm, chăm sóc con nhỏ, đau thương xảy đến với người thân dường như đủ để khiến tín hữu quay cuồng. Nhưng vẫn còn vô số những tổn thương về tâm linh và cảm xúc khác, cộng với mối nguy hiểm về tâm linh gây ra do sự cô lập (Sáng 2:18; Châm 18:1), tất cả có thể khiến chúng ta càng dễ sa vào tội lỗi, vỡ mộng và tuyệt vọng trong giai đoạn này.
Người cao tuổi có thể gặp khó khăn khi kết nối bằng internet. Những người đang vật lộn với thói nghiện phim ảnh khiêu dâm hoặc các chứng bệnh tâm thần đột nhiên được ở một mình với những màn hình quanh bao. Người độc thân cảm thấy khó khăn để kết nối với xã hội, nạn nhân của bạo hành gia đình càng bị ở trong im lặng. Nhiều người gốc châu Á phải đối mặt với sự kỳ thị và các cuộc tấn công, trong khi các cộng đồng người da màu càng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Chúng ta đã thấy những cái chết oan uổng của họ.
Ngoài tình trạng bị mất kiểm soát bên ngoài, một thứ khách quan như một con vi-rút cũng đã trở thành đề tài cho các quan điểm đảng phái, những ý kiến chủ quan và các thuyết âm mưu. Các kế hoạch mở cửa trở lại và chính sách đeo khẩu trang trở thành chủ đề gây tranh cãi. Khi tín hữu liên tục đối diện trước những luồng tin tức và thông tin trên mạng xã hội, thật quá dễ để hệ tư tưởng của thế gian nhào nặn nên tấm lòng họ.
Bất chấp những nỗ lực gấp đôi của chúng ta để chăm sóc thuộc linh cho tín hữu trong thời gian này, nhiều người đang dần lạc mất.
Làm thế nào để “tìm con chiên lạc mất”, “rịt lành con chiên bị thương và làm cho con chiên yếu được mạnh” (Ezek. 34:16) khi đại dịch vẫn đang diễn ra?
1. Cầu nguyện
Chúng ta có thể đang cảm thấy gánh nặng trong chức vụ dường như quá sức. Thật là một nhiệm vụ bất khả thi! Nhưng chẳng phải vấn đề nằm ở chỗ đó ư (II Cô 3:4–6)? Chẳng phải những giới hạn và sự khập khiễng là cơ hội để trao sự bất lực của chúng ta vào tay Đấng Cứu Rỗi toàn năng hay sao (Sáng 32:24–32; II Cô 12:7–10)?
Cảm giác mệt mỏi trước kỹ thuật số, cảm giác bất lực không thể trao cho một người bạn đang đau buồn một cái ôm, thậm chí cả những lời kiện cáo day dứt về những con chiên đang bị thương và đi lạc… tất cả đều nhằm làm chúng ta phải đến với Chúa bằng đầu gối của mình.
Thói quen của Chúa Jêsus là lánh đi để cầu nguyện (Lu-ca 5:16). Bạn có đang ưu tiên thực hiện các các kỷ luật thuộc linh trong đời sống mình để được Đức Thánh Linh dẫn dắt trong thời điểm đầy hoang mang này không? Bạn có đang thiết lập các ranh giới để nuôi dưỡng một nếp sống quân bình và lâu bền giữa công việc và sự nghỉ ngơi (bao gồm cả những kỳ nghỉ sa-bát) để không làm công việc Chúa bằng sự khôn ngoan và sức riêng của mình không?
Cơn đại dịch này có đang buộc chúng ta phải ngày đêm kêu nài ngôi ân điển (Ê-sai 62: 6–7)? Nếu có thì rất có thể chức vụ của chúng ta sẽ nhân cơ hội này mà ngày càng lệ thuộc vào Đức Thánh Linh hơn và ít đi theo cái tôi của mình hơn.
2. Không ngừng theo đuổi, nhưng không làm một mình
Việc hằng ngày động viên nhau “để không một ai trong anh em bị tội lỗi lừa dối mà cứng lòng” (Hê-bơ-rơ 3:13) không chỉ là công việc của những người lãnh đạo hội thánh. Làm thế nào để mọi tín hữu đều ý thức chức trách của mình là một thầy tế lễ của Đức Chúa Trời (I Phi-e-rơ 2:5–9)?
Bạn có đang ủy thác và phân chia trách nhiệm cho các tín hữu không, bao gồm cả việc theo dõi, chăm sóc thuộc viên hội thánh nhóm online? Bạn có thể phân công cho các chấp sự và trưởng nhóm để đáp ứng những nhu cầu thiết thực trong cuộc sống (Gia-cơ 2:15–16) cũng như cổ vũ mọi người trong hội thánh “quan tâm khích lệ nhau về lòng yêu thương và các việc lành” (Heb. 10:24).
Bạn cũng có thể cân nhắc việc nhóm online theo nhóm nhỏ 3–4 người để giải đáp những vấn đề thiết thực, sâu sát hơn. Hoặc ý tưởng “113”: 1 ngày gọi cho 1 người để cập nhật và động viên, và cầu nguyện cho 3 người. Bạn có đang tận dụng sự hiểu biết và nhạy bén với công nghệ của các thế hệ trẻ không? Ý tưởng thành lập một đội đặc nhiệm mùa COVID thì sao?
Chăm sóc lẫn nhau là công việc của cả hội thánh. Cha vợ của Môi-se là Giê-trô đã nhìn thấy được vấn đề khi nói thẳng với con rể: “một mình con không sao làm nổi” (Xuất 18:13–23).
Nếu bạn còn chưa chắc chắn về cách để chăm sóc những tổn thương do kỳ thị chủng tộc của một số tín hữu trong hội thánh, hãy học cách lắng nghe với sự khiêm nhường và lòng thương xót (Gia-cơ 1:19; Rô-ma 12:15). Hãy tìm kiếm lời khuyên từ những vị mục sư, giáo sĩ đã từng trải và trung tín trong công tác phục vụ những đối tượng yếu thế.
Chăm sóc lẫn nhau là công việc của cả hội thánh. Cha vợ của Môi-se là Giê-trô đã nhìn thấy được vấn đề khi nói thẳng với con rể: “một mình con không sao làm nổi” (Xuất 18:13–23).
3. Chia sẻ ra sự yếu đuối và tổn thương
Hai trong số những lời lừa dối quyến rũ của Satan là (1) chỉ có một mình mày đang vật lôn trong vấn đề này thôi, và (2) không ai quan tâm đến mày đâu. Thế rồi, chúng ta tin những điều đó và che giấu tội lỗi mình, để cho nó lớn dần lên và bản thân ngày càng bất mãn với hội thánh. Đó là vòng xoáy tội lỗi và sự xấu hổ khiến chúng ta ngày càng xa Chúa và người khác.
Vậy, làm thế nào để đập tan lời lừa dối đầu tiên đối với những người đang lầm lạc? Chúng ta cần tạo ra một văn hóa xưng tội và bày tỏ lòng ân điển trong hội thánh, bắt đầu từ chính chúng ta. Hãy tạo ra cơ hội (có thể trong nhóm nhỏ hoặc nhóm online) để chúng ta có thể thú nhận tội lỗi mình và xin được cầu nguyện cho (Gia-cơ 5:16). Điều này giúp người khác thấy rằng họ không phải là những người duy nhất đang tranh chiến với tội lỗi, đồng thời, sự ăn năn là cách để có được tình thông công và niềm vui chân thật (Công vụ 3:19–20; I Giăng 1:5–10).
Thế còn lời lừa dối thứ hai thì sao? Trong quyển The Wounded Healer (tạm dịch: Đấng Chữa Lành Thương Tổn), tác giả Henri Nouwen đề cập đến cách mà những tổn thương của người chăn bầy – khi được xưng ra, giải quyết và chia sẻ với người khác – có thể đem lại tác dụng chữa lành, phản ánh nên sự chữa lành của Đấng Christ “bởi lằn roi Người mang, chúng ta được lành bệnh” (Ê-sai 53:5). Sứ đồ Phao-lô làm gương về điều này khi ông nói với người Cô-rinh-tô: “Thưa anh em, tôi không muốn anh em không biết những hoạn nạn mà chúng tôi đã trải qua tại A-si-a. Chúng tôi bị đè nén quá mức, quá sức chịu đựng, đến nỗi không còn hi vọng sống”. (II Cô 1:8; xem thêm II Cô 11:23–29; II Ti 3:10–11).
Phao-lô biết rằng Đức Chúa Trời, Đấng an ủi ông, cũng sẽ an ủi người khác, cho dù những thử thách của họ khác nhau (II Cô 1:3–4). Vì vậy, ông bộc bạch cả những đau thương lẫn ân điển biến những đau thương ấy thành cột mốc đem đến sự tin cậy sâu sắc hơn và và niềm vui thỏa nguyện hơn nơi “Đức Chúa Trời của mọi niềm an ủi” (II Cô 1:3).
Tất nhiên, cần phân biệt điều gì nên chia sẻ cụ thể, điều gì không. Dù vậy, chúng ta cần tạo ra một tinh thần thừa nhận thực tế và xác nhận ân điển để dạy chúng ta biết xưng tội và than khóc trong niềm hy vọng vững chắc nơi Phúc Âm (Ca 3:19–24). Đây là điều mà người chăn bầy có thể làm gương cho những con chiên đang bị thương và lạc lối trong hội thánh mình.
Gương mẫu của Chúa Jêsus
Mặc dù không có một công thức chính xác nào cho chức vụ chăn bầy trong thời điểm dịch bệnh hiện nay, Đấng Cứu Rỗi của chúng ta đã đi trước để cho chúng ta một gương mẫu: qua lời cầu nguyện quặn thắt của Ngài khi thi hành chức vụ (Lu-ca 22:39–46), qua việc đeo đuổi những con chiên lạc mất (Lu-ca 15:4) và chỉ cho chúng ta thấy vết thương của Ngài (Giăng 19:34; 20:27).
Hãy noi theo gương Ngài.
Tác giả: Quina Aragon và Eugene Park; Dịch: Blessie
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply