Khi Chúa trả lời ‘Không!’ với những lời cầu nguyện tha thiết

Oneway.vn – Căn bệnh ung thư nghiệt ngã ập đến với Amy.

Cô luôn là một người vợ chung thủy và người mẹ yêu thương của ba đứa con thơ. Bác sĩ chẩn đoán rằng đây là khối u ác tính nghiêm trọng, nhưng đức tin của Amy rất lớn. Cô biết Chúa là Đấng tốt lành và Ngài có thể chữa lành cho cô. Vì vậy, cô đã cầu nguyện. Chồng cô cầu nguyện. Các con cô cầu nguyện. Hội thánh chúng tôi cầu nguyện. Chúng tôi cầu xin Chúa cứu cô. Nhưng vào một buổi sáng lạnh giá, Amy đã qua đời.

Đây không phải là lần đầu ​​Chúa từ chối lời cầu xin của chúng tôi. Vợ tôi đã cầu nguyện cho cha mình tin nhận Đấng Christ trước khi ông mất, nhưng Chúa không nhậm lời. Tôi cũng đã cầu xin Chúa chữa lành các vấn đề về tinh thần của gia đình mình, nhưng Ngài vẫn chưa đáp ứng.

Bạn đã bao giờ cầu nguyện tha thiết xin Chúa một điều gì đó, nhưng cuối cùng Ngài nói “không”?

Phải làm gì khi Chúa từ chối những lời cầu nguyện tha thiết?

Sứ đồ đau thương

Sứ đồ Phao-lô đã đối mặt với vô số thử thách trong chức vụ (2 Cô-rinh-tô 11: 23–28), nhưng nổi bật nhất là một nỗi đau thường trực mà ông từng nhắc đến. “Cái giằm xóc” bí ẩn luôn dày vò ông, đến nỗi khiến ông phải cầu xin Chúa loại bỏ nó. Nhưng Chúa đã nói không.

“Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Sa-tan, để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo. Đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi. Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi.” (2 Cô-rinh-tô 12:7–9)

Đoạn Kinh thánh này đã làm tốn không ít giấy mực của các nhà nghiên cứu. Một số người cho rằng cái giằm xóc của Phao-lô là một cuộc đấu tranh bí mật với tội lỗi. Những người khác lại cho rằng đó là một căn bệnh về mắt không ngừng hành hạ ông (xem Ga-la-ti 4: 13–15). Chúng ta có thể suy đoán, nhưng không thể biết chính xác cái giằm xóc ấy là gì.

Nhưng Phao-lô phải trải nghiệm nỗi đau đó mỗi ngày. Dường như satan đang dùng cái dằm xóc này để cứa từng nhát sắc bén vào da thịt ông. Phao-lô đau khổ vì điều đó đến nỗi nhiều lần ông phải cầu xin Chúa cất nó đi, và tin rằng Chúa sẽ đáp ứng nhu cầu của ông.

Tuy nhiên, lời cầu nguyện tha thiết không ứng nghiệm trong trường hợp này. Phao-lô cần phải chịu đựng cái giằm xóc đau đớn, tiếp tục bộc lộ sự yếu đuối, và cầu nguyện không thôi.

Sứ đồ được cứu giúp

Tuy nhiên, yêu cầu của Phao-lô không bị từ chối hoàn toàn. Thay vì làm dịu cơn đau, Chúa hứa ban ân điển cho ông (2 Cô-rinh-tô 12:8). Cái giằm xóc sẽ khiến ông phụ thuộc sâu sắc vào Chúa hơn, và ân điển sẽ giúp ông không từ bỏ Chúa – Đấng đã từ chối lời cầu nguyện ông. 

Phao-lô thậm chí còn học được cách khoe mình trong sự yếu đuối vì sức mạnh của Đấng Christ ở trong ông (2 Cô-rinh-tô 12:10).

Sau đây là 4 lẽ thật giúp chúng ta thoát khỏi tuyệt vọng khi Chúa nói “không” với những lời cầu nguyện tha thiết của chúng ta.

  1. Coi chừng lời nói dối của satan

Satan là kẻ nói dối và chuyên kiện cáo con dân Chúa (Giăng 8:44; Khải huyền 12:10; Gióp 1–2). Khi Đức Chúa Trời không đáp lời cầu nguyện của bạn, satan sẽ cho bạn hàng ngàn lý do tại sao. “Chúa không có thật; mày không nên tin Ngài”, “Mày xấu xa như vậy thì đương nhiên Chúa sẽ từ chối lời cầu nguyện của mày”, “Đức tin mày yếu đuối và tội lỗi mày thật đáng xấu hổ, Chúa không yêu mày đâu!”

Chúng ta phải nâng cái khiên đức tin lên để chặn đứng những lời nói dối độc hại này. Hãy kêu gọi bạn bè, lãnh đạo thuộc linh giúp đỡ bạn bằng Lẽ thật. Hãy đắm mình trong các sách Thi thiên và những lời cầu nguyện được soi dẫn của các thánh đồ đau thương. Hãy tiếp tục cầu nguyện với Chúa, ngay cả khi bạn không nhận được câu trả lời.

Satan sẽ lừa dối bạn rằng Chúa không lắng nghe. Đây là lý do Phi-e-rơ cảnh báo các Hội thánh đang đau khổ ở Tiểu Á rằng: “Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được.” (1 Phi-e-rơ 5:8). Hãy chạy đến bên Người Chăn Nhân Lành. Chúa có thể từ chối một yêu cầu của bạn, nhưng Ngài sẽ không bao giờ từ chối khi bạn cầu xin ân điển Ngài (Hê-bơ-rơ 4: 14–16).

  1. Tin cậy vào sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời

Khi người cha vợ không tin kính của tôi qua đời, vợ tôi vô cùng bối rối. Cô không thể hiểu tại sao Chúa lại giao cho mình gánh nặng cầu nguyện cho cha, để rồi cuối cùng Ngài không cứu ông. Nhưng nhờ nhận biết Đức Chúa Trời là Đấng khôn ngoan, vợ tôi đã tìm thấy sự yên ủi trong lẽ thật Thi thiên 131. Thay vì “tìm tòi những việc lớn, hoặc những việc cao kỳ quá cho tôi”, Đa-vít chọn “làm cho linh hồn tôi êm dịu an tịnh” bằng cách tin cậy vào sự khôn ngoan Chúa.

Ngay cả khi Đức Chúa Trời từ chối những lời cầu nguyện chân thành nhất, chúng ta vẫn phải tin tưởng rằng, “Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu.” (Ê-sai 55:8–9). Kế hoạch khôn ngoan của Ngài bao gồm cả việc từ chối lời cầu xin của chúng ta.

Lời cầu nguyện không được đáp ứng có thể khó hiểu đối với chúng ta, nhưng với Chúa thì không. Ngài biết những gì chúng ta không biết và thấy những gì chúng ta không thấy được. Và vào ngày cuối cùng, khi Chúa bày tỏ cho chúng ta mọi điều, chúng ta sẽ ca ngợi sự thành tín lớn của Ngài!

  1. Nghỉ an trong sự tốt lành của Chúa 

Những lời cầu nguyện chưa được đáp ứng sẽ khiến chúng ta đặt câu hỏi về bản tính của Đức Chúa Trời. Đó có thể là câu hỏi trong Thi thiên: “Đức Chúa Trời há quên làm ơn sao? Trong cơn giận Ngài há có khép lòng thương xót ư?” (Thi thiên 77:9). Thật sự, những câu hỏi như vậy luôn vang lên khi lời cầu nguyện của tôi chưa được đáp lại. Đôi khi tôi cám dỗ và nghi ngờ sự tốt lành của Đức Chúa Trời.

Nhưng Lời của Đức Chúa Jêsus đã mang lại cho tôi niềm yên ủi lớn lao:

“Trong các ngươi có ai, khi con mình xin bánh, mà cho đá chăng? Hay là con mình xin cá, mà cho rắn chăng? Vậy nếu các ngươi vốn là xấu, còn biết cho con cái mình các vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban các vật tốt cho những người xin Ngài sao?” (Ma-thi-ơ 7:9–11)

Chúa Jêsus muốn chúng ta biết rằng Cha trên trời chỉ ban những điều tốt lành cho chúng ta (Thi 84:11). Ngài không bao giờ cho chúng ta rắn khi chúng ta xin cá, hay đá khi chúng ta xin bánh. Và Chúa cũng có thể không cho chúng ta bánh hay cá, nhưng Ngài sẽ không bao giờ từ chối điều tốt nhất cho con cái Ngài. Như John Piper đã từng nói, “Chúa sẽ ban cho chúng ta những gì chúng ta cầu xin, hoặc điều tốt hơn (không nhất thiết là điều dễ dàng hơn), nếu chúng ta tin cậy nơi Ngài.”

  1. Tin cậy rằng  sẽ sớm có câu trả lời thoả mãn

Trong Khải Huyền 4–5, Chúa Phục Sinh mở một cuộn sách chứa đựng kế hoạch của Đức Chúa Trời: giải cứu dân sự và tiêu diệt kẻ thù Ngài. Có các trưởng lão cầm “những bình vàng đầy hương; đó là những lời cầu nguyện của các thánh” (Khải huyền 5: 8).

Những chiếc bình vàng đó chứa đầy lời cầu nguyện của con dân Chúa, những người từ lâu đã kêu cầu vương quốc Ngài được đến. Đó là những lời cầu nguyện khẩn thiết cho sự phục hưng trên đống hoang tàn. Và chừng nào Ngày cuối cùng chưa đến, những lời cầu nguyện ấy vẫn chưa được hồi đáp.

Ở bên này vinh quang, chúng ta phải chịu đựng những lời cầu nguyện không được đáp ứng. Nhưng một ngày không xa, Chúa sẽ làm thành mọi lời cầu nguyện của con dân Ngài.

Vào Ngày ấy, Chúa sẽ đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng tôi dành cho Amy, và phục hồi cơ thể cô cách vinh quang. Vào Ngày ấy, Cha trên trời sẽ yên ủi vợ tôi về người cha trên đất. Và vào Ngày ấy, Đức Chúa Trời sẽ loại bỏ mọi “cái giằm xóc” mà chúng ta đã cầu xin Ngài cất đi.

Và cho đến ngày ấy, ân điển Ngài luôn đủ đầy để giữ gìn chúng ta.

Bài: GARRETT KELL; dịch: Nhạn Võ 

(Nguồn: thegospelcoalition.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *