Oneway.vn – Nhân vật Kinh Thánh nào đại diện tốt nhất cho chúng ta trong xã hội ở thời điểm COVID-19 này?
Phiếu bầu của tôi dành cho “người phụ nữ bị rong huyết” trong Lu-ca 8. Hãy để tôi giải thích tại sao.
Khi bà ấy lần đầu đến với Chúa Jêsus, chúng ta được biết bà ấy “bị rong huyết đã mười hai năm, dù đã tốn hết tiền của cho nhiều thầy thuốc, nhưng không ai chữa được cho bà” (Lu-ca 8:43).
Đây là một vài quan sát. Đầu tiên, bà ấy cô đơn. Bà đã phải giãn cách xã hội trong 12 năm! Tôi đã phát điên sau 12 ngày. Người Y-sơ-ra-ên có luật về các bệnh truyền nhiễm trong Cựu ước, luật này khiến bà không thể tiếp cận với cộng đồng. Một vài tháng trước, chúng ta có thể thấy những chính sách như vậy là cổ hủ hoặc tàn nhẫn, nhưng bây giờ chúng ta đã hiểu được điều đó: chúng ta hiểu tầm quan trọng của chúng đối với sức khỏe cộng đồng.
Giống như bà, nhiều người trong chúng ta hiện đang cô đơn, đóng cửa ở trong nhà, trở thành chuyên gia trên Zoom. Sự giãn cách xã hội về lâu dài có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của chúng ta. Chúng ta được tạo dựng cho các mối quan hệ. Đối với một số người, sự cô lập trong giai đoạn này chỉ làm trầm trọng thêm cảm giác bị bỏ rơi trong nhiều năm: người phối ngẫu bỏ đi, người bạn đâm sau lưng, người cha mà bạn chưa từng biết đến.
Thứ hai, người phụ nữ bị rong huyết cũng bị túng quẫn. Bà ấy đã “tốn hết tiền của” cho các bác sĩ. “Tài khoản ngân hàng” trống rỗng, tiền cạn kiệt, hy vọng của bà có thể sẽ không còn nữa. Chúng ta cũng có thể liên hệ đến bà về điểm này. Tôi đã nói chuyện với nhiều người bạn bị mất việc làm trong những tuần gần đây và những người có doanh nghiệp đang phải đấu tranh để tồn tại. Toàn bộ nền kinh tế đang sụp đổ và chúng ta đã thông qua gói kích thích trị giá 2 nghìn tỷ đô la – gói lớn nhất trong lịch sử – trong một nỗ lực (giống như người phụ nữ bị rong huyết) để giải quyết tình trạng của chúng ta bằng cách ném tất cả những gì mình có vào đó.
Nhưng đến cuối cùng, cũng là điều quan trọng nhất – “không ai chữa lành được cho bà”. Người phụ nữ này đang bị rong huyết; cơ thể của bà không hoạt động bình thường. Trong Kinh Thánh, huyết được coi là “sinh mạng” của một người (Lê-vi Ký 17:13–14). Vì vậy, ở đây có một bức tranh về cuộc sống đang dần cạn kiệt, từ từ trôi đi. Chúng ta cũng có thể liên hệ đến điều này. Ngay cả khi chúng ta không biết ai là người nhiễm vi-rút, COVID-19 đã đe dọa chúng ta về sự chết, khiến chúng ta phải đối mặt với sự thật rằng chúng ta không thể bất khả chiến bại. Tất cả chúng ta đều “bị rong huyết” theo nghĩa ẩn dụ rộng lớn hơn này; cuộc sống của chúng ta dần trôi tuột đi.
Người phụ nữ này là chúng ta. Đau ốm, túng quẫn và cô đơn. Vậy chúng ta sẽ đi đâu? Chúng ta sẽ làm gì? Có hy vọng nào cho tình trạng của chúng ta không? Hãy cùng theo dõi người phụ nữ này để tìm hiểu xem.
Chúa Jêsus rất dễ “lây lan”
Người phụ nữ đưa tay chạm vào Chúa Jêsus và ngạc nhiên nhận thấy Ngài là Đấng dễ “lây lan”: “Bà đến đằng sau và chạm vào gấu áo Ngài thì lập tức máu cầm lại” (Lu-ca 8:44).
Bà không làm Ngài vấy bẩn; Ngài khiến bà trở nên sạch sẽ. Bà ấy đã không truyền sự ô uế của mình cho Ngài; Ngài đã truyền sự thánh khiết của mình cho bà. Người phụ nữ ấy không mang đến cho Ngài căn bệnh của mình; nhưng Chúa đã trao cho bà sự trọn vẹn của Ngài.
Phúc Âm thường được gọi là một “cuộc trao đổi lớn”. Trong Đấng Christ, sự nghèo khó của chúng ta được thay bằng giàu có của Ngài, sự gian ác của chúng ta được thay bằng sự công bình của Ngài, sự khước từ của chúng ta đối với sự hoàn hảo của Ngài, bệnh tật của chúng ta được thay bằng sự trọn vẹn của Ngài. Cuối cùng, thập tự giá và sự phục sinh là nơi mà tình trạng của tội nhân được bôi xóa bởi lòng nhân từ của Đấng Cứu Rỗi.
Chúa Jêsus nhấn mạnh đức tin của bà, khi nói: “đức tin con đã chữa lành con” (Lu-ca 8:48). Điều này có thể đặt ra một câu hỏi khó chịu cho một số người: Điều đó có nghĩa là nếu tôi không được chữa lành thì đơn giản là vì tôi không có đủ đức tin? Không, hãy tiếp tục đọc Phúc Âm Lu-ca. Chúa Jêsus chịu khổ; những người theo Ngài cũng chịu khổ. Đó là một phần trong hành trình theo Chúa.
Tuy nhiên, sự chữa lành đang được thực hiện. Sự phục sinh của Chúa Jêsus chuyển câu hỏi của chúng ta từ “nếu tôi được chữa lành” sang “khi nào tôi được chữa lành”. Đấng Christ Phục sinh là trái đầu mùa trong kế hoạch của Đức Chúa Trời: làm cho kẻ chết sống lại và phục hồi mọi tạo vật. Vì vậy, ngay cả khi chúng ta không trải qua quá trình chữa lành ngày hôm nay, nhưng chúng ta có thể biết rằng điều đó sẽ sớm được thực hiện – chúng ta sẽ được chữa lành.
Sự phục sinh đang đến
Giống như người phụ nữ bị rong huyết, đôi khi chúng ta được nếm trước và nhìn thoáng qua về chiến thắng cuối cùng này. Tôi đã trải qua điều đó vào tuần trước, khi “bà Rena” của tôi dường như đã được chữa lành và xuất viện, sau khi tôi cùng những người bạn tập hợp lại để cầu nguyện cho bà. Nhưng tôi cũng đã trải qua sự “chưa thành” của vương quốc Thiên Đàng vào tuần trước, khi người bạn Mitch của tôi qua đời ở tuổi còn quá trẻ vì bệnh suy tim — mặc dù anh ấy vô cùng yêu mến Chúa và là một người có đức tin lớn.
Tuy nhiên, Phúc Âm đều là tin tốt lành cho cả Mitch và Rena. Đối với Mitch, nó tuyên bố cái chết không phải là cuối cùng (chúng ta sẽ sống lại). Đối với Rena, nó tuyên bố rằng Chúa đã đến gần (chúng ta có thể trải nghiệm sự chăm sóc của Ngài ngày hôm nay). Vị Vua Phục sinh của chúng ta đang sống, với cả sức mạnh cho ngày hôm nay và hy vọng cho ngày mai.
Là những người bệnh tật, túng quẫn và cô đơn, chúng ta có thể tiếp cận với Chúa Jêsus, phó thác mình cho sự chăm sóc thành tín của Ngài.
Sức mạnh của sự được biết đến
Nhưng Chúa Jêsus không chỉ đề cập đến bệnh tật của người phụ nữ; Ngài cũng giải quyết sự cô đơn của bà. Tôi thích cách Ngài gọi bà ấy: “Ai đã chạm đến Ta?” (Lu-ca 8:45). Mục đích cuối cùng của Ngài không chỉ đơn giản là bà được chữa lành, mà là bà được biết đến. Thoạt đầu, bà đã sợ hãi: “Khi thấy mình không thể giấu được nữa, người phụ nữ run sợ” (Lu-ca 8:47). Bà ấy sợ vì mọi người xung quanh mình sắp nhận ra rằng họ cần phải về nhà và tắm rửa (bà đã chen lấn xung quanh họ). Điều duy nhất tồi tệ hơn việc sống trong bóng tối là phải chịu sự phán xét và nhìn chằm chằm của người khác. Tôi sẽ chỉ nhận lấy sự chữa bệnh và đi, thưa Chúa Jêsus; Cảm ơn rất nhiều.
Tuy nhiên, Chúa Jêsus trả lời thế nào? “Hỡi con gái Ta, đức tin con đã chữa lành con; hãy đi bình an!” (Lu-ca 8:48). Ngài gọi bà là con gái. Đây là một biểu hiện của sự chăm sóc từ một người cha. Chúa Jêsus không gọi bà là “sự bất tiện” hay “sự phiền toái”. Ngài gọi bà là “con gái”. Khi chúng ta đến gần Đức Chúa Trời trong đức tin, Ngài chào đón chúng ta không phải bằng một “bài giảng” mà bằng một cái ôm thật chặt.
Mục đích cuối cùng của Chúa Jêsus là để bạn trở nên con cái của Chúa Hằng Sống. Là người bệnh tật, túng quẫn và cô đơn, chúng ta có thể vươn tới sự an ủi và giúp đỡ. Chúa Jêsus gọi chúng ta ra khỏi nơi ẩn náu – không phải để định tội chúng ta, nhưng để khiến chúng ta nên trọn vẹn. Ngài về cơ bản phán rằng: Mục đích của Ta không phải chỉ để sửa chữa cuộc đời con, nhưng để khiến con trở nên thuộc Ta.
Bác sĩ đại tài
Đấng Christ là Vị bác sĩ đại tài của chúng ta. Các bác sĩ và y tá là những người hùng truyền cảm hứng nhất trong thời điểm này. Các nhân viên y tế đã dũng cảm ra tiền tuyến để chăm sóc cho những người bệnh và bị thương, họ biết quá rõ về khả năng lây lan của loại vi rút mà họ chống lại. Họ tự đặt mình vào nguy cơ mắc bệnh, trong cuộc chiến COVID-19 này, chính căn bệnh mà họ tìm cách để chữa trị.
Trên khắp thế giới, chúng ta thấy những cảnh tương tự về những người dân thành thị dừng lại để hò hét và vỗ tay đồng loạt từ các cửa sổ để tỏ lòng biết ơn; xe cảnh sát vây quanh các bệnh viện để hú còi hỗ trợ những người đang nguy cấp bên trong; những công dân hô hào từ nhà của họ rằng: các bạn đang ở đó vì chúng tôi; chúng tôi sẽ ở đây vì các bạn.
Tại sao tấm lòng chúng ta bị say đắm bởi những hành động như vậy? Tôi thừa nhận rằng những hình ảnh này phản chiếu câu chuyện thật ở trung tâm của thế gian. Vì Đấng Christ là Bác sĩ đại tài, Đấng đã đến gần để chăm sóc chúng ta — những người bệnh tật và bị thương. Ngài biết tình trạng của chúng ta dễ lây lan như thế nào, nhưng Ngài đã đến. Ngài biết rằng “hấp thụ” nỗi đau khổ của chúng ta là cách duy nhất để chữa trị.
Tại thập tự giá, Chúa đã chịu sự nguyền rủa về tình trạng của chúng ta, người bác sĩ gánh vác tình trạng khó khăn của bệnh nhân, mang bệnh tật của chúng ta xuống tận mồ mả – và chôn nó ở đó. Tuy nhiên, sự chết không thể giữ chân Ngài. Là Vua Phục sinh, Ngài đang mang sự hiệp thông với Đức Chúa Trời cho những ai tiếp nhận Ngài, và Ngài sẽ mang lại sự sống mới cho mọi tạo vật.
Đấng Christ là Bác sĩ vĩ đại, Đấng đã gánh lấy bệnh tật của chúng ta, Đấng chữa lành và làm cho chúng ta trở nên toàn vẹn. Giống như người phụ nữ bị rong huyết, chúng ta được mời gọi để vươn tới với Đấng đã đến gần và vươn tới với chúng ta.
Bài: Joshua Ryan Butler; dịch: Abby
(Nguồn: www.thegospelcoalition.org)
Leave a Reply