Làm thế nào để có mối tương giao gần với Chúa càng hơn?

Oneway.vn – Thiên Đàng trên đất là niềm vui khôn tả, và sự bình an vượt trên sự hiểu biết đến từ việc hoàn toàn tin cậy Chúa.

Mối quan hệ gần gũi với Chúa luôn sẵn có cho bạn. Bạn có thể dễ dàng đạt được mối quan hệ thân mật như lời Chúa hứa. Việc Chúa kêu gọi bạn xây dựng mối tương giao mật thiết với Ngài đang thử thách đức tin của bạn mỗi ngày (Gia-cơ 1:2–4).

Trọng tâm của sự thân mật

Sự thân mật là trải nghiệm giữa hai người thật sự hiểu về nhau. Chúng ta thường dùng ngôn ngữ “không gian” để nói về điều này. Tri kỷ là người mà chúng ta vô cùng thân thiết; và họ biết chúng ta ở mức độ sâu sắc. Nếu điều gì đó xảy ra làm tổn hại đến tình thân này, họ sẽ cảm thấy xa cách chúng ta. Còn một người không thân thiết thì chỉ biết chúng ta cách hời hợt.

Nhưng tất nhiên, thân mật không nói về không gian, mà là về mối quan hệ. Chúng ta biết cảm giác xa cách khi ngồi bên cạnh một người không thân thiết, và cảm giác gần gũi với một người thân quen dù cách xa bốn nghìn dặm.

Điều gì khiến chúng ta cảm thấy thân mật với người khác? Mặc dù cần rất nhiều khía cạnh để xây dựng sự thân mật, và mỗi mối quan hệ thân mật sẽ có một công thức khác nhau, nhưng điểm chung của tất cả là sự tin tưởng. Chúng ta không thể thân mật với người mà mình không tin tưởng.

Sự tin tưởng là trọng tâm của sự thân mật. Càng tin tưởng ai đó, chúng ta càng để họ đến gần mình hơn. Mức độ tổn thương niềm tin trong một mối quan hệ là tỉ lệ nghịch với mức độ thân mật. 

Trọng tâm của sự thân mật với Chúa

Mối quan hệ của chúng ta với Chúa và người khác cũng vậy. Kinh nghiệm gần gũi hay xa cách Chúa không phản ánh sự gần gũi thực tế của Ngài với chúng ta, mà là kinh nghiệm của chúng ta về sự thân mật với Ngài. Kinh Thánh cho biết Chúa thân mật với những người tin cậy Ngài. Càng tin cậy Chúa, chúng ta càng biết về Ngài cách mật thiết. Cảm giác xa cách Chúa thường là do gián đoạn tin cậy, chẳng hạn như tội lỗi hoặc thất vọng.

Đây là một sự thật cực kỳ quan trọng. Là Cơ Đốc nhân, ai cũng muốn trải nghiệm sự thân mật với Chúa. Tác giả Thi Thiên chép: “Nhưng thật phước hạnh cho con được đến gần Đức Chúa Trời” (Thi Thiên 73:28). Hãy xem lời khuyên của Gia-cơ và lời hứa kèm theo: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời thì Ngài sẽ đến gần anh em” (Gia-cơ 4:8). Nhưng đôi khi chúng ta lại tìm kiếm sự gần gũi đó sai cách. 

Thân mật không chỉ là hiểu biết 

Suy nghĩ sai lầm phổ biến là: chúng ta có thể gần gũi hơn với Chúa bằng cách tích lũy kiến ​​thức. Dĩ nhiên, để tương giao mật thiết với Chúa, chúng ta phải biết những điều quan trọng về Ngài. Chúa Jêsus nói: “Các ngươi sẽ biết chân lý, và chân lý sẽ giải phóng các ngươi” (Giăng 8:32) và Ngài chỉ ra rằng: nhiều người vẫn đang thờ phượng Đấng họ không thật sự biết (Giăng 4:22).

Trong lịch sử Hội thánh, chưa bao giờ Cơ Đốc nhân được cung cấp nhiều kiến ​​thức thần học đến vậy như ngày nay. Chúng ta có đầy các bản dịch Kinh Thánh, sách dưỡng linh, bài viết, ghi âm bài giảng, phim tài liệu, âm nhạc, v.v. Chúng ta biết ơn Chúa vì điều này.

Nhưng thời đại ngày nay không có nhiều Hê-nóc – những thánh đồ đồng đi với Chúa cách sâu sắc và mật thiết (Sáng-thế Ký 5:24; Hê-bơ-rơ 11:5). Tại sao? Vì kiến ​​thức không đồng nghĩa với tin cậy. Đó là lý do Chúa Jêsus nói với các nhà lãnh đạo tôn giáo có kiến thức Kinh Thánh sâu rộng vào thời của Ngài:

“Các ngươi tra cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó có sự sống đời đời. Chính Kinh Thánh làm chứng về Ta, vậy mà các ngươi không muốn đến với Ta để được sự sống đời đời” (Giăng 5:39–40)

Kiến thức Kinh Thánh tốt hơn vàng nếu nó tăng cường niềm tin của chúng ta nơi Chúa, nhờ thúc đẩy mối quan hệ thân mật với Ngài (Thi Thiên 19:10). Nhưng nếu để kiến ​​thức Kinh Thánh thay thế niềm tin, thì điều đó chỉ làm chúng ta thêm kiêu ngạo (1 Cô-rinh-tô 8:1).

Sự thân mật không đến qua không gian

Có người quan niệm rằng nếu chúng ta xây dựng một không gian phù hợp, Chúa sẽ “đến”. Tuy nhiên, cố gắng gần gũi Chúa thông qua không gian cũng là một sai lầm phổ biến.

Một số người thiết kế không gian thờ phượng hoành tráng để truyền cảm hứng cho trải nghiệm siêu việt và huyền nhiệm. Cũng có người tổ chức các kiện thờ phượng để truyền cảm hứng cho trải nghiệm vĩnh cửu. Những người khác theo đuổi sự phục hưng, vì nghĩ rằng gần gũi với quyền năng của Chúa sẽ dẫn đến mối quan hệ thân mật với Chúa. Những môi trường như vậy đúng là sẽ khuyến khích chúng ta gần gũi Chúa, nếu chúng ta thực sự tin cậy Chúa. Nhưng không gian vốn không có quyền năng mang lại sự gần gũi giữa Chúa với chúng ta.

Một ví dụ đơn giản: Một bữa tối dưới ánh nến và âm nhạc lãng mạn là khoảnh khắc thân mật ngọt ngào giữa vợ và chồng, nhưng chỉ ở mức độ khuyến khích lòng tin và tình yêu của họ. Nếu giữa họ vẫn có khoảng cách do thiếu tin tưởng, thì không gian có lãng mạn đến đâu cũng không đủ sức mạnh để thu hẹp khoảng cách. Chỉ có hành động khôi phục niềm tin mới mang lại mối quan hệ thân mật. 

Cách chúng ta đến gần Chúa

Cách đến gần Chúa và để Ngài đến gần chúng ta được tiết lộ rõ ​​ràng trong Kinh Thánh: chúng ta đến gần Chúa nhờ đức tin nơi Đấng Christ, Đấng cho phép chúng ta đến gần Ngài (Hê-bơ-rơ 4:14–16; 7:25; Phi-líp 3:9), và đặt niềm tin vào tất cả “những lời hứa lớn lao và cao quý”, và “cũng bởi Ngài mà chúng ta đều nói “A-men” để tôn vinh Đức Chúa Trời” (2 Phi-e-rơ 1:4; 2 Cô-rinh-tô 1:20).

Chúa ưa thích đức tin của chúng ta, chứ không phải việc làm. Ở nơi thiếu niềm tin, Ngài không hài lòng cho dù chúng ta có kiến thức sâu rộng hay không gian hoành tráng đến đâu.

“Không có đức tin thì không thể nào làm hài lòng Đức Chúa Trời; vì người nào đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng Ngài thực hữu, và Ngài là Đấng ban thưởng cho những ai tìm kiếm Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6)

“Vì mắt của Đức Giê-hô-va soi xét khắp thế gian để giúp sức cho người nào trọn lòng đối với Ngài” (2 Sử-ký 16:9) và tỏ mình ra với người ấy:

“Ai có các điều răn của Ta và vâng giữ, ấy là người yêu mến Ta. Người nào yêu mến Ta sẽ được Cha Ta yêu thương, Ta cũng sẽ yêu thương người, và bày tỏ chính Ta cho người” (Giăng 14:21)

Lời mời gọi thân mật của Chúa

Đức Chúa Trời muốn ở trong mối quan hệ thân mật với bạn. Đức Chúa Jêsus Christ đã làm trọn mọi công việc khó khăn trên thập tự giá để bạn có thể đến gần Đức Chúa Trời. Ngài chỉ yêu cầu duy nhất một điều: hãy tin cậy nơi Ngài (Giăng 14:1). Chúa muốn bạn hết lòng tin tưởng Ngài (Châm ngôn 3: 5).

Lời Chúa mời gọi bạn đến để tận hưởng sự thân mật với Ngài sẽ đặt ra những thử thách đức tin trong cuộc sống bạn. Bạn phải tin chắc rằng nơi Chúa có ý nghĩa sâu nhiệm để bạn đến gần Ngài hơn.

Đó là lời mời mà xác thịt bạn muốn từ chối. Nhưng trong Kinh Thánh, “nhiều người chứng kiến vây quanh như đám mây rất lớn” (Hê-bơ-rơ 12:1) đều đồng ý với Gia-cơ và Phi-e-rơ rằng thử thách đức tin lớn nhất cũng là con đường dẫn đến niềm vui lớn nhất (Gia-cơ 1:2–4; 1 Phi-e-rơ 1: 8–9)? Và họ đồng ý với Phao-lô rằng những thử thách ấy chẳng đáng chi so với niềm vui khi được biết Đấng Christ và vinh quang sắp đến (Phi-líp 3: 8; Rô-ma 8:18).

Sự gần gũi với Chúa chỉ đến khi chúng ta tin cậy Ngài nhất. Thiên Đàng trên đất là niềm vui khôn tả, và sự bình an vượt trên sự hiểu biết đến từ việc hoàn toàn tin cậy Chúa (Phi-líp 4:6–7). Những người tin cậy Ngài hoàn toàn sẽ tìm thấy Ngài cách trọn vẹn!

Bài: Jon Bloom; dịch: Nhạn Võ

(Nguồn: desiringgod.org)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *