Tín đồ “đạo dòng” có thật sự tin Chúa?

Oneway.vn – Sau 15 năm là tín đồ “đạo dòng”, Emily phải dừng bước để xác nhận lại niềm tin của mình. Giờ đây, cô nhận ra rằng mình không thật sự biết tại sao mình lại tin Chúa.

Sau khi suy ngẫm về sứ điệp của Mục sư Daniel Khong về nhận thức và đức tin cá nhân qua nhiều thế hệ, Emily chia sẻ cách để nhìn nhận bản thân là “con gái” của Chúa – chứ không phải “cháu nội”.

Là một tín đồ “đạo dòng”, sinh ra, lớn lên trong Hội Thánh, tôi cảm thấy như “tâm linh” được cha mẹ truyền lại cho mình.

Tuy nhiên, việc tin cậy Chúa vẫn chưa phải là lựa chọn cá nhân của riêng tôi. Tôi cảm thấy Chúa giống như “một người Ông” hơn là “một người Cha”. Ngài là Cha của cha mẹ tôi.

Trước đây, lúc nào tôi cũng muốn được gặp Chúa trực tiếp, vì tôi thường phải tranh đấu với quyền quyết định đức tin của mình.

Tôi nhớ có lần trưởng ban thiếu niên hỏi: Tại sao các bạn tin Chúa Jêsus?

Một người bạn “”đạo dòng”” như tôi đã trích dẫn bằng chứng lịch sử để làm nền tảng cho đức tin của mình. Về phần tôi, ngoài việc được báp têm đức tin khi còn nhỏ, tôi thực sự không biết tại sao.

Vào thời điểm đó, tôi đã trải qua 15 năm trong Hội Thánh. Tôi vô cùng đau đớn cho bản thân vì không thể đưa ra câu trả lời.

Tôi phải nghiêm túc hỏi chính mình: Tại sao tôi lại là một Cơ Đốc nhân? Đó là vì cha mẹ thuyết phục, hay vì tôi thực sự đầu phục Chúa?

Gần đây, tôi có cơ hội nghe Mục sư Daniel Khong chia sẻ trải nghiệm tương tự như tôi tại Đại hội đồng 2022.

Mục sư Khong chia sẻ rằng trong những năm đầu tham dự Đại hội đồng, ông nghe tiếng Chúa hỏi lý do ông đến đó là gì.

Nhưng ông không biết phải trả lời như thế nào ngoại trừ: Bởi vì Mục sư Lawrence Khong (cha ông) bảo ông tham dự.

Điều đó thật sự liên quan rất nhiều đến thuộc linh tôi.

Là một tín đồ “đạo dòng”, thật khó khăn khi thấy bản thân mình không tương xứng với thuộc linh của cha mẹ mình.

Đôi khi tôi cảm thấy cha mẹ là “người khổng lồ” thuộc linh, trong khi tôi chỉ là đứa bé với một chặng đường dài phía trước. Còn lâu tôi mới có thể đạt đến mức độ đức tin của cha mẹ để làm những điều vĩ đại cho Chúa.

Trong khi thừa hưởng đức tin từ cha mẹ mình, Chúa cũng có thể sử dụng chúng ta để hoàn thành những mục đích và kế hoạch Ngài đã định trước.

Mục sư Khong trích dẫn ví dụ về Đa-vít và Sa-lô-môn để minh họa điều này: Vua Đa-vít đã truyền lại di sản là vương quốc mình cho con trai ông – Sa-lô-môn, vị vua tiếp theo sẽ xây dựng Đền thờ. Điều này đã biến kế hoạch Chúa thành hiện thực.

Nhìn lại những năm tháng trưởng thành, tôi nhận ra rằng việc cha mẹ là Cơ Đốc nhân thực sự đã để lại cho tôi một di sản tâm linh mạnh mẽ để khai thác.

Điều này bao gồm những lời khuyên, quan điểm và những hướng dẫn tin kính của họ trong suốt những năm tôi lớn lên, giúp tôi trở thành một Cơ Đốc nhân tốt hơn ngày hôm nay (mặc dù luôn còn nhiều chỗ cần cải thiện!).

Việc được ở trong môi trường học biết Chúa qua các câu chuyện Kinh Thánh và lớp Trường Chúa Nhật cũng là một may mắn lớn.

Mặc dù tôi không hiểu mọi thứ trong thời điểm đó, nhưng cha mẹ đã cung cấp một nền tảng để giúp tôi từ từ phát triển đức tin và trưởng thành tâm linh.

Thuyết phục và đầu phục 

Mục sư Khong giải thích sự khác biệt giữa “thuyết phục” và “đầu phục”.

Ông định nghĩa thuyết phục là “đức tin dựa trên kiến thức hoặc thực tế”.

Tuy nhiên, đầu phục là đức tin do Thánh Linh dẫn dắt và bắt phục – điều mà “Thần của Đức Chúa Trời đặt để trong chúng ta”.

Đức tin vượt xa tầm hiểu biết đơn thuần, suy nghĩ hay cảm xúc của chúng ta. Đức tin là điều mà chúng ta giữ vững trong tâm. 

Đó là đức tin có được khi bị bắt phục, chứ không hình thành qua sự dạy dỗ. 

Cha mẹ đã dạy tôi về Chúa rất nhiều. Nhưng vào thời khắc bước ngoặt, khi tôi không còn coi Chúa là “ông nội” nữa, mà giờ đây Ngài là Cha Thiên Thượng của chính mình, tôi không chỉ đơn thuần bị cha mẹ thuyết phục.

Tôi đã bị bắt phục và đầu phục Thánh Linh! Những cuộc gặp gỡ cá nhân tôi với Chúa cũng giúp tôi thực sự tin cậy Ngài.

Tiếp nối và đời đời 

Có một câu hỏi của Mục sư Khong khiến tôi thực sự suy nghĩ: Cha mẹ đã truyền lại đức tin cho chúng ta, nhưng chúng ta phải làm gì để tiếp tục truyền lại đức tin cho thế hệ sau?

Như cha mẹ tôi đã truyền lại đức tin cho tôi, tôi cũng muốn để lại di sản này cho thế hệ sau chứ không chỉ giữ cho riêng mình!

“Những điều con đã nghe nơi ta trước mặt nhiều nhân chứng hãy ủy thác cho những người đáng tin cậy, là những người có khả năng dạy dỗ người khác” (2 Ti-mô-thê 2:2)

Khi nhìn vào những người Chúa đặt để xung quanh, làm sao chúng ta có thể truyền đạt đức tin một cách thiết thực?

Chúng ta có thể bắt đầu chia sẻ lời chứng cá nhân và Tin Lành với họ, sau đó khích lệ và đồng hành cùng họ.

Khi làm vậy, hiệu ứng domino sẽ xảy ra: Chúa sẽ sử dụng những người đó để tạo ra vô vàn thay đổi tích cực trong cuộc sống của rất nhiều người khác!

An toàn và an ninh

Cuối cùng, một cộng đồng nhiều thế hệ sẽ mang lại sự an toàn và an ninh trong đức tin. Một gia đình tin kính là chỗ dựa tâm linh vững chắc cho mọi thành viên.

Giải thích về Truyền đạo 4:12, Mục sư Khong chỉ ra rằng sợi dây thừng bện lại bởi ba sợi nhỏ sẽ chắc hơn nhiều so với một hoặc hai sợi riêng lẻ.

Đó là nguyên tắc có thể áp dụng không chỉ giữa sự thông công anh em mà còn trong các thế hệ gia đình và Hội Thánh.

Đây là một trong những phước hạnh lớn nhất khi được làm Cơ Đốc nhân “đạo dòng”.

Khi tôi đang đấu tranh trong đức tin, nghi ngờ hoặc thắc mắc về những hướng dẫn của Chúa, cha mẹ – người trưởng thành thuộc linh hơn sẽ khuyến khích tôi bằng những lời khuyên tin kính và hướng tôi trở lại với Chúa. 

Tương tự như vậy, nếu một thành viên trong gia đình đang gặp khó khăn, tôi có thể hỗ trợ họ qua lời cầu nguyện. Gia đình được quây quần cầu nguyện cùng nhau thực sự là một đặc ân!

Khi Mục sư Khong kết thúc sứ điệp với lời khích lệ “hiệp một qua nhiều thế hệ”, một câu Kinh Thánh đã xuất hiện trong tâm trí tôi.

“… Nhưng tôi và gia đình tôi sẽ phụng sự Đức Giê-hô-va” (Giô-suê 24:15)

Thật là một đặc ân khi có chung niềm tin với gia đình, khi cả già lẫn trẻ đều nhận biết và phụng sự Đức Chúa Trời.

Là tín đồ “đạo dòng”, chúng ta cần đầu phục và làm chủ đức tin của mình. Hãy khai thác di sản tâm linh phong phú mà cha mẹ đã để lại cho chúng ta, và từ đó truyền lại đức tin ấy cho nhiều người khác!

Khi kế thừa và truyền lại đức tin cho thế hệ tiếp theo, gia đình hãy cùng hiệp nhất với nhau như một Thân trong Đấng Christ, để phụng sự Chúa trong bất cứ lĩnh vực nào Ngài kêu gọi chúng ta.

Bài: Emily Yue; dịch: Jennie
(Nguồn: thirst.sg)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *