Thiên nhiên bày tỏ quyền năng Chúa

Oneway.vn – Những phẩm chất của Đấng Sáng Tạo sẽ thể hiện qua các tạo vật. Mỗi khi ra ngoài khám phá thiên nhiên, chúng ta sẽ học được nhiều điều đáng kinh ngạc về Chúa.

Rô-ma 1:19-20 chép rằng chúng ta có thể khám phá những đức tính Chúa trong thế giới tự nhiên: “Vì những gì người ta có thể biết về Chúa thì đã rõ ràng, bởi Chúa đã bày tỏ cho họ rồi. Những gì về Chúa mà mắt trần không thấy được, tức là quyền năng đời đời và thần tính của Ngài, thì ngay từ buổi sáng thế người ta đã nhận thức rõ ràng khi quan sát các tạo vật của Ngài; cho nên họ không thể bào chữa được”. 

Bất cứ khi nào đắm mình trong thiên nhiên kỳ thú, chúng ta đều được nhắc nhở rằng có một Đấng Sáng Tạo khôn ngoan và yêu thương, Đấng nuôi dưỡng mọi tạo vật – bao gồm cả chúng ta – theo những cách thức đầy năng quyền. Mặt trời, nước, đá, cây và hoa tiết lộ điều 5 đặc tính kỳ diệu của Chúa:

1. Mặt trời bày tỏ sự sống, niềm hy vọng và sự khôn ngoan Chúa

Chúa là ánh sáng tối cao, và mặt trời phản chiếu sự thật ấy. Mặt trời tượng trưng cho sự sống đến từ Đấng tạo hóa yêu thương, chăm sóc cho tạo vật. Mặt trời cho thấy tình yêu chói sáng của Chúa, là phương tiện để Ngài ban cho và duy trì sự sống chúng ta. Kinh Thánh gọi Chúa là “mặt trời công chính” trong Ma-la-chi 4:2, “ánh sáng thật” trong Giăng 1:9, “ánh sáng của thế gian” trong Giăng 8:12, “đám lửa thiêu đốt” trong Phục truyền luật lệ ký 4:24 và Hê-bơ-rơ 12:29,  trong Ma-la-chi 3:2, và “Sao Mai sáng chói” trong Khải huyền 22:16. Giống như mọi sinh vật sống trên trái đất cần ánh sáng mặt trời để phát triển thể chất, chúng ta cần ánh sáng trong mối tương giao yêu thương với Chúa để phát triển tâm linh.

Mặt trời bày tỏ cách Chúa chiếu ánh sáng hy vọng vào bóng tối của thế giới sa ngã này. Kinh Thánh sử dụng hình ảnh soi sáng trong Ê-phê-sô 1:18-19 để mô tả niềm hy vọng Chúa ban: “Tôi cũng xin Ngài soi sáng con mắt của lòng anh em, để anh em biết niềm hi vọng mà Chúa đã gọi anh em đến là gì”. Về mặt vật lý, ánh sáng luôn chế ngự bóng tối, nhưng bóng tối không thể xua tan ánh sáng. Ánh sáng sẽ chiếu rọi giữa bóng tối, ngay cả khi chỉ có một chút ánh sáng le lói giữa một màn đêm dày đặc bao trùm. Nguyên tắc này cũng được áp dụng về mặt tâm linh, vì ánh sáng hy vọng luôn mạnh hơn bóng tối chán nản tuyệt vọng. Dù hoàn cảnh có tăm tối đến đâu, Chúa vẫn có thể thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn bằng cách chiếu ánh sáng hy vọng Ngài vào cuộc sống chúng ta.

Ngoài ra, mặt trời còn tiết lộ cách Chúa soi sáng chúng ta với sự khôn ngoan để nhận biết lẽ thật và đưa ra những lựa chọn tốt nhất. Kinh Thánh liên hệ ánh sáng với sự khôn ngoan trong 2 Cô-rinh-tô 4:6, tuyên bố rằng Chúa “đã soi sáng lòng chúng tôi, ban ánh sáng để hiểu biết vinh quang của Đức Chúa Trời trên gương mặt Đức Chúa Jêsus Christ”. Chúa Jêsus nói Ngài là nguồn sáng: “Ta là ánh sáng của thế gian, người nào theo Ta sẽ không đi trong bóng tối, nhưng có ánh sáng của sự sống” (Giăng 8:12).

2. Nước bày tỏ công việc cứu chuộc, sự thánh khiết và lòng nhân từ Chúa

Nước bày tỏ công việc cứu rỗi Chúa dành cho chúng ta. Trong Giăng 4:10, Chúa Jêsus sử dụng thuật ngữ “nước sống” để tuyên bố Ngài là Đấng Cứu Rỗi thế giới. Sau đó, Chúa Jêsus dùng hình ảnh nước để mô tả món quà cứu rỗi của Ngài: “Nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ khát nữa. Nước Ta cho sẽ trở thành một mạch nước trong người ấy, tuôn trào đến tận sự sống đời đời” (Giăng 4:14). Nước – điều thiết yếu để cơ thể chúng ta phát triển – hướng chúng ta đến mối quan hệ khăng khít với Chúa để phát triển tâm linh.

Nước liên tục lưu thông khắp hành tinh chúng ta qua các chu kỳ tự nhiên như lượng mưa; bay hơi; đóng băng, tan băng; dòng chảy trong đại dương, sông và hồ; dòng chảy mạch nước ngầm, v.v. Chúa cũng đang chuyển động trong cuộc sống chúng ta trong từng khoảnh khắc, thường không thể nhìn thấy nhưng luôn luôn hoạt động. Nước chứa sức mạnh kỳ diệu mà con người khai thác làm năng lượng thủy điện, điều này nhắc nhở chúng ta về quyền năng vĩ đại hơn nhiều mà Chúa dùng để biến đổi cuộc sống chúng ta.

Nước có đặc tính phản chiếu, cho thấy Đức Thánh Linh hướng dẫn chúng ta bằng sự khôn ngoan, khi chúng ta tra xét lại bản thân và xin Ngài giúp đỡ. Nước tượng trưng cho sự trong sáng và tinh khiết. Nước kêu gọi chúng ta nhìn lại và thanh tẩy đời sống mình bằng cách cầu xin Chúa tạo ra những thay đổi tích cực.

Cuối cùng, nước tượng trưng cho lòng thương xót lớn lao Chúa dành cho chúng ta. Giống như nước làm sạch bụi bẩn khỏi cơ thể chúng ta, Chúa thanh tẩy tội lỗi khỏi linh hồn chúng ta. Việc làm báp-têm trong nước tượng trưng cho điều này. Khi đắm mình dưới nước, chúng ta nhận lãnh sự tha thứ của Chúa và để Ngài rửa sạch tội lỗi mình. Khi lên khỏi mặt nước, chúng ta ca ngợi món quà cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua sự phục sinh của Đấng Christ.

3. Đá tiết lộ công việc tay Chúa và bản chất đáng tin cậy của Ngài

Đá – với bản chất chắc chắn của mình – chỉ ra sự thật rằng Chúa là Đấng đáng tin cậy. Kinh Thánh gọi Chúa là “đá” trong 1 Cô-rinh-tô 10:4, “hòn đá thiêng liêng” trong 1 Phi-e-rơ 2:4, và “đá góc nhà” trong Ê-sai 28:16. Bất kỳ loại đá nào cũng khơi dậy lòng kính sợ trong chúng ta, khiến chúng ta tin cậy sâu sắc hơn nơi Chúa. Như Phục truyền luật lệ ký 32:4 tuyên bố: “Ngài là Vầng Đá, công việc Ngài thật toàn hảo, Vì mọi đường lối Ngài đều là công lý. Một Đức Chúa Trời thành tín và vô tội, Luôn chính trực công minh”.

Công việc kỳ diệu tay Ngài làm bày tỏ ra trên mọi tảng đá – từ những viên sỏi nhỏ nơi con suối đến những tảng đá lớn trên núi. Các loại đá quý tuyệt đẹp được thể hiện công việc tay Chúa vô cùng tỉ mỉ. Xuất Ê-díp-tô Ký 28 mô tả cách Chúa chỉ thị Môi-se hướng dẫn người Hê-bơ-rơ may “Ê-phót” bằng 12 loại đá quý khác nhau. Mỗi viên đá đại diện cho 12 chi phái Y-sơ-ra-ên, cũng chính là các loại đá quý tuyệt đẹp mà loài người vẫn tiếp tục chiêm ngưỡng ngày nay: thạch anh tím, hồng ngọc, sapphire, ngọc lục bảo, topaz, ngọc lam, v.v.

Đá cũng phản ánh bản chất vĩnh cửu nhưng sôi nổi của Chúa. Ba loại đá khác nhau trên Trái đất đều có đặc tính cực kỳ bền bỉ nhưng lại được hình thành qua các quá trình động lực học. Đá biến chất sinh ra từ nhiệt độ và áp suất mạnh, đá mác-ma là kết quả của các vụ phun trào núi lửa và đá trầm tích hình thành khi các lớp trầm tích kết dính và cứng lại. Chúa thực sự đã thiết lập lịch sử của hành tinh chúng ta trên đá.

4. Cây bày tỏ sự khôn ngoan, bảo vệ và sự hiện diện của Chúa

Cây cối giúp chúng ta hiểu thêm về sự khôn ngoan và che chở Chúa dành cho chúng ta. Giê-rê-mi 33:15 sử dụng hình ảnh cây cối để nói tiên tri việc Chúa Jêsus sẽ đến thế gian. “Trong những ngày ấy và vào thời đó, Ta sẽ khiến một Nhánh công chính đâm chồi từ dòng Đa-vít; Đấng ấy sẽ thi hành lẽ công bình, chính trực trong đất nầy”. Cây cối đứng sừng sững như những người bảo vệ thầm lặng, là cảm hứng giúp chúng ta cắm rễ vào nền đất vững chắc – sự chăm sóc yêu thương Chúa dành cho chúng ta.

Cây cối dạy những bài học quý giá khi chúng ta dành thời gian tìm hiểu. Những loài cây cao hơn và “già” hơn giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn. Mỗi chúng ta là một phần của Thân Thể lớn hơn nhiều so với bản thân, nhờ đó chúng ta có thể nhìn xa hơn hoàn cảnh của mình và hướng về Chúa.

Đứng ở cùng một vị trí trong nhiều năm, cây cối cũng phản ánh sự hiện diện thường trực của Chúa trong cuộc sống chúng ta. Tình yêu thương Ngài liên tục chảy qua các nhánh cây – mối thông công giữa chúng ta và mọi người. Cây nhắc nhớ rằng câu chuyện nhỏ của mỗi người liên quan mật thiết đến câu chuyện vĩ đại hơn về những gì Chúa đang làm trên trái đất.

5. Hoa bày tỏ trí tuệ, niềm vui và vẻ đẹp của Chúa

Những bông hoa làm cho tâm trí chúng ta bừng nở nhận thức về vẻ đẹp của Chúa. Hoa thể hiện trí tuệ của Chúa qua những ý tưởng xinh đẹp. Vẻ đẹp kỳ diệu của mỗi loài hoa nhắc nhở chúng ta rằng Chúa là Đấng Tạo Hóa tối thượng. Chúa đã dựng nên con người đầu tiên từ đất (Sáng-thế Ký 2:7) – cùng một môi trường để nuôi dưỡng hoa – nên Ngài rất thích nhìn thấy chúng ta lớn lên và đơm hoa kết trái. Chúa Jêsus cho phép điều đó xảy ra khi chúng ta tương giao với Ngài. Ngài tự so sánh mình với cây nho có hoa: “Ta là cây nho, các con là cành. Ai cứ ở trong Ta, và Ta trong người ấy thì sinh ra nhiều quả, vì ngoài Ta các con không làm gì được” (Giăng 15:5). Chúa Jêsus đã phục sinh từ ngôi mộ trong vườn, công trình cứu chuộc nhân loại sa ngã đã xảy ra trong Vườn Ê-đen.

Mọi loài hoa đều có vòng đời ngắn ngủi, sớm nở tối tàn. Tuy nhiên, Chúa nhìn thấy giá trị kỳ diệu của mọi tạo vật – ngay cả một bông hoa thấp hèn. Kinh Thánh so sánh con người với hoa nhiều lần, mô tả sự chăm sóc Chúa đối với cả hai loài: “Hãy xem hoa huệ lớn lên thể nào: Chúng chẳng làm việc khó nhọc, cũng không kéo chỉ; nhưng Ta bảo các con, dù vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc đẹp như một trong những hoa nầy. Hỡi kẻ ít đức tin, nếu hoa cỏ nay còn sống ngoài đồng, mai bị ném vào lò mà Đức Chúa Trời còn cho mặc đẹp như thế, huống chi là các con!” (Lu-ca 12:27-28).

Hoa là lời nhắc nhở sống động về vẻ đẹp tình yêu Đấng Tạo Hóa dành cho tạo vật, và niềm vui tuyệt vời chúng ta có thể trải nghiệm khi tương giao với Ngài.

Vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên cộng hưởng sâu thẳm trong tâm hồn, nhắc nhở chúng ta về Đấng Tạo Hóa quyền năng đang hằng ngày chăm sóc cho chúng ta. Khi chúng ta đang đi bộ xuyên rừng, bơi trong hồ hay tận hưởng hương hoa hồng, Chúa sẽ gặp chúng ta ở đó. Chỉ cần bước ra ngoài, thiên nhiên sẽ tiết lộ những điều tuyệt vời về Chúa cho chúng ta!

Bài: Whitney Hopler; dịch: Jennie
(Nguồn: crosswalk.com)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *