Sự tể trị của Đức Chúa Trời là Đấng Tối Thượng

Oneway.vn – Như cách đã làm cho Giô-sép, Ngài cũng kiểm soát trên từng chi tiết nhỏ nhặt của chúng ta. Khi trung tín bước đi trong đường lối của Đức Chúa Trời, Ngài sẽ dùng chúng ta để góp phần tốt lành cho kế hoạch vĩ đại của Ngài.

HỎI: Con không biết vì sao Chúa lại cho phép con châu chấu cứ xuất hiện ở Châu Phi hoài? Mà trẻ em Châu Phi đã chết đói rất nhiều! Nhiều nơi, nhiều người làm điều gian ác, mà sao Chúa không cho họ bị này nọ? Nhìn những hình ảnh trẻ em Châu Phi đói lòi cả bộ xương, mà rơi nước mắt! Mục sư có thể giải thích giúp con không ạ?

ĐÁP: Chúng ta sống trong thế giới vận hành có trật tự theo những qui luật chặc chẽ. Việc gì cũng có lý do, hành động nào cũng có hậu quả, (luật nhân quả). Nếu không có những định luật thì cả vũ trụ sẽ rơi vào hỗn mang và hủy diệt. Trong xã hội loài người cũng có những luật về đạo đức và luân lý. Chúng ta gọi những luật này là công lý, vì mọi người đều phải công nhận và tuân giữ. Không có công lý, xã hội sẽ hỗn loạn và sụp đổ. Trong khắp vũ trụ, các định luật tự nhiên không bao giờ sai lệch. Nhưng trong xã hội của loài người thì ở đâu lúc nào cũng có quá nhiều người vô tội chịu đau khổ trong khi lắm kẻ gian ác vẫn sống nhỡn nhơ! Thế thì công lý ở đâu? Một mặc, chúng ta thấy thế giới không có công lý. Mặc khác, chúng ta không thể chối bỏ công lý, nếu không muốn thế gian biến thành địa ngục!

Kinh Thánh dạy Đức Chúa Trời duy nhất chân thật đã tạo dựng muôn loài vạn vật. Ngài vận hành vũ trụ theo những định luật chính xác. Ngài cũng đã đặt công lý trong lương tri của loài người. Đức Chúa Trời có một chương trình cho loài người và vũ trụ. Ngài đang tể trị toàn vũ trụ để ý muốn của Ngài được thực hiện và chương trình của Ngài được hoàn tất (Công-vụ các Sứ-đồ 17:24-31).

– Đức Chúa Trời không lấy quyền lực bắt buộc loài người phải làm theo ý muốn của Ngài. Mỗi người có ý chí tự do và phải chịu trách nhiệm mọi quyết định của mình (Truyền đạo 11:9).

– Mọi sự việc diễn ra đều theo đúng chương trình của Đức Chúa Trời (Gióp 23:13). Dù tin kính Đức Chúa Trời hay không, vâng phục hay chống đối Ngài, mọi quyết định hay hành động của loài người không thể qua được ý chỉ của Đức Chúa Trời (Châm ngôn 21:1; Xuất Ê-díp-tô Ký 7:3).

– Ngài có kế hoạch chi tiết cho từng người, từng gia đình, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Tất cả đều phù hợp với chương trình đời đời của Ngài cho toàn thể nhân loại và vũ trụ. (Đa-ni-ên 11:16; Ê-phê-sô 1:4,11; Công-vụ các Sứ-đồ 9:15). Chúa Jêsus đã nói trong khi người ta “không thể tự làm cho một sợi tóc ra trắng hay là đen được” thì Đức Chúa Trời nhớ đến và chăm sóc từng người thuộc về Ngài, Ngay cả tóc trên đầu của họ cũng được đếm hết rồi (Ma-thi-ơ 5:36; 10:30).

– Đức Chúa Trời phán: “Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu” (Ê-sai 55:9). Loài người bị giới hạn về thời gian, không gian, hiểu biết v.v… không thể nào hiểu hết được đường lối của Đức Chúa Trời. Khi tách một sự kiện đơn lẽ, như là nạn châu chấu tàn phá Châu Phi ra khỏi chương trình đời đời của Đức Chúa Trời, chúng ta không thể thấy được ý nghĩa của sự việc đó.

– Đức Chúa Trời luôn luôn công bằng đối với mọi người, mọi quốc gia, dân tộc. Nhưng tình yêu và ân sủng của Ngài vượt trên sự công bằng. Tình yêu và ân sủng của Đức Chúa Trời cao cả và mầu nhiệm đến nổi con người chúng ta không bao giờ hiểu được. Tốt nhất là đừng thắc mắc về sự công bằng, mà hãy lấy đức tin vui hưởng tình yêu của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 20:1-16; 13:11; Rô-ma 11:25; 1 Cô-rinh-tô 2:7).

Kinh Thánh và lịch sử loài người có rất nhiều sự kiện chứng minh sự tể trị của Đức Chúa Trời. Một trong số đó là cuộc đời của Giô-sép, được ghi trong Sáng-thế Ký chương 37 đến 50.

Đức Chúa Trời đã lập giao ước với ông cố của Giô-sép, là Áp-ra-ham – để sinh thành một cộng đồng tin kính Đức Chúa Trời, sống theo đường lối của Ngài, đi tiên phong thực hiện chương trình của Đức Chúa Trời cho loài người. Cha của Giô-sép là Giacốp, kế thừa giao ước và sứ mệnh từ Áp-ra-ham, được Đức Chúa Trời đổi tên là Y-sơ-ra-ên.

Giô-sép có đến 10 anh trai, nhưng vì là con đầu của người phụ nữ duy nhất Y-sơ-ra-ên yêu và cưới, nên Giô-sép có khả năng được cha truyền chức tộc trưởng cho. Giô-sép thì hơn một lần kể cho cả nhà những giấc chiêm bao báo trước cả gia đình đều suy phục dưới quyền của Giô-sép. Vì thế, các anh của Giô-sép xem chàng như kẻ thù chung, tìm mọi cách để triệt hạ.

Ngay khi có cơ hội, các anh đã bán Giô-sép làm nô lệ. Giô-sép được quan thị vệ của Hoàng Đế Ai Cập mua về, và cho làm tổng quản. Vợ quan thị vệ thấy Giô-sép khôi ngô tuấn tú, ngày nào cũng quyến rũ chàng quan hệ với bà. Bị Giô-sép quyết liệt từ chối, bà ta trở mặt tố Giô-sép định làm nhục bà. Giô-sép bị giam trong ngục riêng của hoàng gia. Chàng được cai ngục giao cho quản lý mọi việc trong tù. Nhờ cơ hội phục vụ quan tửu chánh của hoàng đế, Giô-sép nhờ ông ta kêu oan cho mình. Nhưng ra tù, ông ta “quên bẵng chàng đi!”.

Mãi hai năm sau, hoàng đế Ai Cập có những giấc chiêm bao lạ. Quan tửu chánh mới nhớ đến Giô-sép, giới thiệu chàng cho hoàng đế. Giô-sép được ra tù để giải mộng cho hoàng đế, rồi nhờ đó trở nên tể tướng của Ai Cập. Ông đã cứu cả thế giới và gia đình mình thoát nạn đói. Ông đưa gia đình Y-sơ-ra-ên di cư từ xứ Ca-na-an, đến định cư tại một vùng đất màu mở ở Ai Cập. Giô-sép được cha truyền chức tộc trưởng. Con cháu Y-sơ-ra-ên phát triển nhanh chóng thành dân thánh của Đức Chúa Trời.

Phần lớn cuộc đời của Giô-sép không thấy sự tể trị của một Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa quyền năng, Đấng Thiện Lành đã ban lương tri cho loài người. Có quá nhiều những sự kiện không thể hiểu được ý nghĩa, không thể thấy được mục đích. Nhưng hơn 200 năm trước, ông cố Áp-ra-ham của Giô-sép được làm bạn với Đức Chúa Trời và được Ngài tiết lộ kế hoạch của Ngài dành cho con cháu của ông sau này (Sáng-thế Ký 15:1-21; 18:17-19; Gia-cơ 2:23).

– Áp-ra-ham không có con, những Đức Chúa Trời nói con cháu của ông được chọn để cùng Chúa Cứu Thế lập vương quốc của Ngài trên đất.

– Áp-ra-ham chỉ là khách tạm trú ở Ca-na-an, nhưng Đức Chúa Trời hứa sẽ ban cả vùng đất đó cho dòng dõi của ông, tuyển dân của Ngài.

– Đức Chúa Trời không lấy đất của dân Ca-na-an rồi đem cho dân Y-sơ-ra-ên. Ngài dùng dân Y-sơ-ra-ên đoán phạt Ca-na-an theo đức công bằng của Ngài và thanh tẩy đất thánh theo đức thánh khiết của Ngài.

– Vì tội lỗi của Ca-na-an chưa đến cực độ, (Sáng-thế Ký 15:16,) nên Đức Chúa Trời đã đưa gia đình Y-sơ-ra-ên đến tạm trú tại Ai Cập. Họ được sống tách biệt, thoát khỏi ảnh hưởng tín ngưỡng đạo đức đồi trụy của Ca-na-an, có điều kiện ổn định để phát triển thành một dân thánh.

– Đức Chúa Trời còn phán với Áp-ram: “Con phải biết chắc rằng dòng dõi con sẽ làm kiều dân nơi đất khách, phải phục dịch cho dân bản xứ, và bị chúng áp bức trong bốn trăm năm. Nhưng Ta sẽ phán xét dân tộc đã bắt dòng dõi con phục dịch, và sau đó họ sẽ ra khỏi đất đó với rất nhiều của cải” (Sáng-thế Ký 15:13-14).

Hơn 200 năm sau, Giô-sép, chắt của Áp-ra-ham đã nhận ra rằng Đức Chúa Trời đã sai ông đến Ai Cập trước, đế bảo tồn sự sống cho gia đình, chuẩn bị một dân thánh cùng với Chúa Cứu Thế thực hiện chương trình cứu rỗi nhân loại. (Sáng-thế Ký 45:5.) Nhìn những sự kiện đơn lẽ trong cuộc đời của Giô-sép, chúng ta khó thấy ý nghĩa. Nhưng đặt cuộc đời của Giô-sép như một miếng ghép vào bức tranh toàn cảnh của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ thấy những sự kiện trong cuộc đời của Giô-sép không có gì là ngẫu nhiên. Nhìn lại việc bị các anh hãm hại, biến cố đau đớn nhất trong cuộc đời mình, Giô-sép đã nói: “Các anh đừng sợ! Tôi thay thế cho Đức Chúa Trời được sao? Các anh định hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại định cho nó thành điều lành để thực hiện việc đang xảy ra hôm nay, tức là bảo tồn sự sống cho bao nhiêu người.” (Sáng-thế Ký 50:19-20.)

Giô-sép có một vai trò cần thiết, để Ca-na-an trả đúng giá cho tội ác của mình, Ai Cập được ban thưởng về lòng hiếu khách, Y-sơ-ra-ên được trả công xứng đáng! Bởi một Đức Chúa Trời luôn luôn công bằng với mọi người. Ông cũng đã chịu nhiều oan ức, đau khổ đắng cay để Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu nhiệm mầu của Ngài cho loài người.

Đức Chúa Trời có một chương trình cho cuộc đời Giô-sép. Ngài kiểm soát trên từng chi tiết nhỏ nhặt, từ cái áo ông mặc ban ngày đến giấc chiêm bao ban đêm, để mọi việc diễn ra đúng kế hoạch của Ngài. Có thể Giô-sép không hiểu được tại sao Chúa để cho ông chịu khổ sở bởi bà chủ dâm loàn hay ông quan vô tâm. Nhưng khi ông trung tín bước đi trong đường lối của Đức Chúa Trời, Ngài đã dùng ông để góp phần tốt lành cho kế hoạch vĩ đại Ngài dành cho gia đình Gia-cốp, cho dân tộc Y-sơ-ra-ên và cho toàn thể nhân loại trải qua các thời đại.

 

Võ Minh Hùng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *