Tỉnh thức “giữa bầy muông sói”

Oneway.vn – Con sói đến gần bầy chiên không phải vì quan tâm đến nhu cầu của chúng, hoặc để bảo vệ chúng khỏi nguy hiểm; nhưng mục đích là để ăn thịt chúng.

Khi nhìn vào bầy chiên, con sói thấy điều gì? Thức ăn! 

Con sói đến gần bầy chiên không phải vì quan tâm đến nhu cầu của chúng, hoặc để bảo vệ chúng khỏi nguy hiểm; nhưng mục đích là để ăn thịt chúng. Để đến gần bầy chiên, sói phải sử dụng các chiến thuật lừa đảo tinh vi để chiên không nhận ra mối nguy rình rập, và rồi cuối cùng thực hiện mục tiêu của mình.

Phao-lô mô tả các giáo sư giả trong Hội Thánh là “muông sói dữ tợn đột nhập vào trong anh em, chẳng tiếc bầy chiên đâu” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:29). 

Chúa Jêsus cũng từng mô tả các tiên tri giả là là “những kẻ đội lốt chiên đến với các con, nhưng bên trong là muông sói hay cắn xé” (Ma-thi-ơ 7:15). 

Điều khiến các giáo sư giả lạc bước không chỉ đơn thuần là những học thuyết sai lầm, mà còn là động cơ sai lầm. Động cơ của họ không phải là “tình yêu thương đến từ tấm lòng trong sạch, lương tâm trong sáng và đức tin chân thành” (1 Ti-mô-thê 1:5). Đó là những động cơ mà họ che giấu, khiến họ coi chiên như một “món ăn” để thỏa mãn cơn thèm khát vô độ.

Chúa Jêsus cũng ẩn dụ rằng: “Các con nhận biết họ nhờ bông trái của họ” (Ma-thi-ơ 7:16). Phao-lô muốn giúp bầy chiên phát hiện ra “bông trái” của những “con sói đội lốt chiên” xâm nhập vào bầy. 

Phao-lô mô tả ba loại bông trái trong 2 Ti-mô-thê 3, khi nói về “những người chống đối” mà Ti-mô-thê có thể gặp phải trong thánh chức (2 Ti-mô-thê 2:24–26).

Đội lốt tin kính

Phao-lô mô tả đặc điểm đầu tiên của sói: “giữ hình thức tin kính, nhưng chối bỏ quyền năng của sự tin kính đó” (2 Ti-mô-thê 3:5).

“Con hãy biết rằng trong những ngày cuối cùng, sẽ có những thời kỳ khó khăn. Vì người ta sẽ trở nên vị kỷ, tham tiền, khoe khoang, kiêu ngạo, lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, bạc bẽo, bất khiết, không có tình người, bất nhân, vu khống, ngông cuồng, dữ tợn, ghét điều lành, bội bạc, nông nổi, tự phụ, ham thích lạc thú hơn là yêu mến Đức Chúa Trời, giữ hình thức tin kính, nhưng chối bỏ quyền năng của sự tin kính đó. Con hãy tránh xa những loại người như thế” (2 Ti-mô-thê 3:1–5).

Có thể tóm tắt đặc điểm của sói như sau:

  • Động cơ sói: ham thích lạc thú
  • Đội lốt chiên: “giữ hình thức tin kính”
  • Bông trái: thiếu thánh khiết (“chối bỏ quyền năng của sự tin kính”)

Tuy nhiên, chúng ta thường khó phát hiện những đặc điểm này, bởi vì sói rất giỏi trong việc che giấu động cơ của chúng. Ban đầu, các giáo sư giả tung chiêu bài “tin kính” cực kỳ thuyết phục. Nhưng sau đó, họ bắt đầu khiến tình trạng “sức khỏe thuộc linh” của Hội Thánh suy yếu.

Tôi đã chứng kiến một lãnh đạo giữ chức vụ trong suốt nhiều năm trước khi Hội Thánh phát hiện ông là sói đội lốt cừu. Trước khi nhận thấy bất kỳ bằng chứng rõ ràng nào, trực giác của tôi đối với ông ta ngày càng bất an. Thật khó để chỉ ra cụ thể điều gì sai trái, nhưng mọi người đều cảm thấy có gì đó không ổn. Nơi ông thiếu mất năng quyền tâm linh đích thực. Lời dạy và tấm gương của ông dường như không có sức mạnh. Sau đó, lớp ngụy trang bắt đầu tan biến, và các lãnh đạo sáng suốt khác đã vạch trần những động cơ bí mật, ích kỷ và vô đạo đức của ông ta.

Trực giác của chúng ta không phải lúc nào cũng chính xác. Bông trái sẽ phơi bày rõ ràng theo thời gian, vì vậy hãy để ý các đặc điểm Phao-lô đã nói. Hãy để ý xem liệu họ có lợi dụng “ân điển” một cách vô tội vạ để hướng tới lối sống thoải mái, buông thả bản thân không. 

Hãy xem xét cách một nhà lãnh đạo quản lý tiền bạc. Hãy để ý những dấu hiệu tinh vi khi họ chiều theo những ham muốn xác thịt. Hãy lưu ý trực giác bất an của các nhà lãnh đạo sáng suốt khác. Hãy lưu ý thái độ phòng thủ, tỏ vẻ bề trên và thiếu minh bạch của một lãnh đạo khi bị thách thức. Và nếu người lãnh đạo xây dựng một môi trường đầy rẫy nỗi sợ hãi và cố thao túng bầy chiên, thì đây là một dấu hiệu đáng lo ngại, vì sói thường tỏ ra tin kính nhưng lại thiếu tình yêu thương. 

Chống đối chân lý 

Một đặc điểm khác của sói là “chống đối chân lý” (2 Ti-mô-thê 3:8), vì chúng là những giáo sư giả. Nhưng thường thì chúng ta khó mà phát hiện ngay lập tức. Lúc đầu, ảnh hưởng của họ thường ngấm ngầm và mơ hồ. Phao-lô mô tả:

Trong bọn họ có những kẻ lẻn vào nhà người ta, quyến dụ những phụ nữ sa đọa trong tội lỗi, bị đủ thứ tình dục thôi thúc, học hoài mà không bao giờ nhận biết chân lý. Trước kia Gian-nét và Giam-be chống đối Môi-se thể nào thì những người nầy cũng chống đối chân lý thể ấy. Đó là những người có tâm trí băng hoại và đức tin yếu đuối. Nhưng họ sẽ không tiến xa hơn được, vì cũng như trường hợp hai người kia, sự điên dại của họ sẽ được tỏ rõ cho mọi người” (2 Ti-mô-thê 3:6–9).

Chúng ta có thể tóm tắt như sau:

  • Động cơ sói: tự đề cao bản thân (bị đủ thứ tình dục thôi thúc)
  • Đội lốt chiên: tỏ ra mình có tâm linh mạnh mẽ, kiến thức thần học uyên bác
  • Bông trái: lôi kéo những người yếu đuối, giả vờ mạnh mẽ tâm linh nhưng lại ủng hộ các học thuyết sai lầm phá hoại Phúc Âm, chống lại các lãnh đạo tin kính

Mặc dù Phao-lô không mô tả toàn bộ chiến lược của các giáo sư giả, nhưng thường thì họ sẽ bắt đầu một cách lén lút, và từ từ mới chống đối công khai hơn, khi họ đã có được tầm ảnh hưởng. 

Những kẻ “lẻn vào”

Các giáo sư giả thường “lẻn vào”. Khi Phao-lô nói rằng họ “quyến dụ những phụ nữ sa đọa trong tội lỗi”, ý ông không phải là quyến dụ về mặc tình dục (mặc dù có thể một số con sói đã làm điều đó). Ý Phao-lô là các giáo sư giả thường tiếp cận những người dễ bị lừa dối, rồi thuyết phục họ rằng họ là một phần trong kế hoạch của Đức Chúa Trời “mới”, một kế hoạch mạnh mẽ hơn và quan trọng hơn so với những gì mà các nhà lãnh đạo trung thành, khiêm tốn, tin kính của Hội Thánh đang giảng dạy.

Các giáo sư giả trông thật hấp dẫn vì họ có thể biểu hiện bất cứ sức mạnh tâm linh nào để gây ấn tượng với cộng đồng Cơ Đốc. Họ sở hữu những ân tứ ấn tượng của Đức Thánh Linh, cũng như kiến ​​thức thần học và tâm linh đầy ấn tượng. Những ân tứ hoặc kiến ​​thức này thoạt đầu có thể khiến các nhà lãnh đạo tin kính bối rối, vì lốt chiên trông rất thật, nhưng vẫn có điều gì đó không ổn.

Răng nanh lộ diện 

Nhưng cuối cùng, những con sói bắt đầu lộ răng nanh. Phao-lô nói những người như vậy giống như “Gian-nét và Giam-be” – cách người Do Thái gọi các phù thủy Ai Cập, những kẻ sử dụng sức mạnh ma thuật ấn tượng để chống lại Môi-se (Xuất Ê-díp-tô Ký 7:10–12). Phao-lô gọi họ là “những người có tâm trí băng hoại”. Họ dạy dỗ sai lệch không đơn giản vì hiểu lầm ý nghĩa Kinh Thánh, mà vì họ muốn dùng Kinh Thánh để thăng tiến hoặc bảo vệ danh vọng cá nhân, quyền lực và tầm quan trọng của mình. Khi Giáo Lý Phúc Âm chân chính đe dọa hoặc cản trở nguồn lợi (thường là tài chính) mà họ thèm muốn, họ sẽ hung hăng “chống đối chân lý” và “sự điên dại của họ sẽ được tỏ rõ cho mọi người”.

Hãy để ý xem có ai theo đuổi vị trí lãnh đạo một cách thiếu lành mạnh hay không. Hãy để ý những người trông có vẻ lôi cuốn nhưng đã từng khiến nhiều người vỡ mộng và tổn thương trong quá khứ. Hãy theo dõi những tuyên bố và minh chứng rõ ràng khi một lãnh đạo dùng các loại quyền lực tâm linh để lôi kéo tín đồ phụ thuộc và trung thành với họ. Hãy để ý xung quan lãnh đạo có tồn tại một nhóm các tín đồ yếu đuối thuộc linh không, và họ có bắt đầu nghi ngờ các lãnh đạo Hội Thánh tin kính không. Hãy để ý những người xung đột và phản kháng không chịu phục tùng các các lãnh đạo tin kính.

Tránh né nghịch cảnh

Đặc điểm thứ ba giáo sư giả là tránh né “những cơn bắt bớ, nỗi khổ đau” vì Cứu Chúa Jêsus Christ và Phúc Âm (2 Ti-mô-thê 3:11). Chúng ta có thể ngầm hiểu đặc điểm này khi Phao-lô viết cho Ti-mô-thê:

Về phần con, con đã theo sát các lời dạy dỗ, cách cư xử, mục đích sống, đức tin, lòng kiên nhẫn, tình yêu thương, lòng kiên định của ta; cũng như trong những cơn bắt bớ, nỗi khổ đau đã xảy đến cho ta tại thành An-ti-ốt, I-cô-ni và Lít-trơ. Ta đã chịu những sự bắt bớ đó, nhưng Chúa luôn giải cứu ta khỏi tất cả. Thật, tất cả những người muốn sống cuộc đời tin kính trong Đấng Christ Jêsus đều sẽ bị bắt bớ. Còn những kẻ hung ác, kẻ lừa đảo thì sẽ càng ngày càng tệ hại hơn, lừa dối người rồi bị người lừa dối lại” (2 Ti-mô-thê 3:10–13)

Chúng ta có thể tóm tắt như sau:

  • Động cơ sói: tự bảo vệ bản thân 
  • Đội lốt chiên: thái độ “quả quyết” (1 Ti-mô-thê 1:7) và khả năng kiểm soát, tỏ vẻ cản đảm
  • Bông trái: tránh né sự hy sinh cá nhân, bức hại hội chúng để duy trì danh tiếng, địa vị, của cải và sự thoải mái của bản thân

Giáo sư giả có thể xây dựng một hình ảnh rất tự tin, có khả năng khiến các hành vi độc đoán của mình trông có vẻ hợp lý. Sói cũng có những đặc điểm hấp dẫn của một “nhà lãnh đạo mạnh mẽ”, hắn có thể bày vẽ ra nhiều vở kịch và tự gọi đó là “sự hy sinh”. Nhưng khi xem xét cẩn thận và trung thực, sự tự tin, khả năng lãnh đạo và “sự hy sinh” của hắn thường nhằm mục đích mang lại lợi ích cho bản thân nhiều hơn là những người hắn “phục vụ”.

Phao-lô nói những bắt bớ và đau khổ ông chịu là kết quả của một lãnh đạo chân chính giống như Đấng Christ. Phao-lô không tập trung vào những hy sinh vĩ đại của cá nhân ông khi nói về việc “chịu khó nhọc nhiều hơn, tù tội nhiều hơn, đòn vọt vô kể, nhiều lần suýt bỏ mạng” (2 Cô-rinh-tô 11:23). Ông đang so sánh các loại “bông trái”.

Tại một số quốc gia phát triển, Cơ Đốc nhân ít khi phải chịu những kiểu bắt bớ, đau khổ mà Phao-lô và các Cơ Đốc nhân thời xưa phải chịu. Vì vậy, thật dễ dàng để một con sói đội lốt chiên. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo chân chính như Đấng Christ phải sinh bông trái: sẵn sàng hy sinh danh tiếng, địa vị, của cải và sự thoải mái của bản thân vì Đấng Christ và dân Ngài, trái ngược với mục đích tự khoe khoang, tự làm giàu, ham mê bản thân của các giáo sư giả. Hãy chú ý và bạn sẽ phát hiện ra sói. 

Hãy giữ chính mình 

Đó chính xác là những gì Phao-lô nói với các trưởng lão Ê-phê-sô, khi ông giã từ họ để đến nơi mà ông có thể mất mạng vì lợi ích Chúa Jêsus:

Anh em hãy giữ chính mình và luôn cả bầy chiên mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn dắt Hội Thánh của Đức Chúa Trời mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình. Tôi biết rằng sau khi tôi ra đi, sẽ có muông sói dữ tợn đột nhập vào trong anh em, chẳng tiếc bầy chiên đâu. Ngay từ giữa anh em cũng sẽ dấy lên những người giảng những điều sai lạc để lôi cuốn các môn đồ theo họ” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28–30).

Hãy giữ chính mình vì “muông sói dữ tợn” sẽ đội lốt chiên. Chúng sẽ xuất hiện cách tinh vi – đột nhập vào hàng ngũ trưởng lão (như Giu-đa ở giữa các môn đồ). Chúng có vẻ ngoài thánh khiết, dường như sở hữu năng quyền thuộc linh ấn tượng, toát lên dáng vẻ tự tin và can đảm. Nhiều con chiên sẽ nghiêng về phía chúng. Các trưởng lão cần phải nhắc nhở bản thân và bầy chiên của họ điều Chúa Jêsus đã nói: “Các con nhận biết họ nhờ bông trái của họ”.

Và nếu họ chú ý cẩn thận, bông trái của các giáo sư giả sẽ phơi bày điều này: sói sẽ ăn thịt bầy chiên để thỏa mãn dục vọng tội lỗi của chính nó.

Bài: Jon Bloom; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: desiringgod.org)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *