Vấn đề tự tử ở thanh thiếu niên: Vài lời gửi đến cha mẹ

Oneway.vn –  Hoàn cảnh thất vọng ập đến như một cơn bão khiến con gái chúng tôi nảy sinh ý định tự tử. Vì đã kinh nghiệm điều này nhiều lần, tôi muốn chia sẻ với bạn một vài kết luận với tư cách là phụ huynh.

Cha mẹ không thể đọc được suy nghĩ của con cái

Đúng vậy, chúng ta cần cố gắng duy trì kết nối, quan sát, đặt câu hỏi và tham gia vào thế giới của con cái nhiều nhất có thể, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ có thể đọc được suy nghĩ của con.

Cha mẹ có thể tạo ra cơ hội

Hãy tạo cơ hội bằng cách đặt mình vào vị trí của con cái. 

Chúng ta có thể nói: “Con yêu, thể thao là một phần rất quan trọng trong cuộc sống. Thật đáng thất vọng khi không thể chơi thể thao được. Con đối diện với điều đó như thế nào?”.

Cha mẹ phải tự nhắc nhở mình rằng việc của chúng ta là cố gắng mở ra cơ hội để con cái tâm sự. Chúng ta không thể ép con cái tâm sự, hay buộc con phải sẵn sàng trả lời và để chúng ta tham gia vào câu chuyện. Hãy chủ động mở ra cơ hội cho con tâm sự.

Hãy thành thật. Cha mẹ có thể giúp con cảm thấy được đồng cảm, khi thành thật bày tỏ về kinh nghiệm sống của chính mình. Hãy kể cho con những câu chuyện trong quá trình trưởng thành của cha mẹ, đặc biệt là những câu chuyện về nỗi thất vọng và tổn thương.

Hãy cố gắng thấu hiểu quan điểm của con cái. Quan điểm của con gái tôi về mối quan hệ giữa chúng tôi được xây dựng dựa trên điểm chung của chúng tôi – tình yêu thể thao. Tôi đã huấn luyện và tham gia chơi cùng con bé. Khi con bé không còn khả năng chơi thể thao nữa, mối quan hệ của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng. Tôi không nhận ra mẹ con tôi đã trở nên xa cách vì những chấn thương của cô bé.

Hãy chắc chắn rằng con cái biết bạn yêu chúng vô điều kiện 

Tôi nhận ra tầm quan trọng của việc liên tục trấn an con rằng cha mẹ yêu con đến nhường nào. Đôi khi con cái nghĩ rằng tình yêu thương của cha mẹ chỉ dựa trên những thứ bề ngoài, như chúng chơi thể thao giỏi như thế nào hay đạt điểm tốt ra sao… Khi con gái chúng tôi nằm trên giường bệnh, điều duy nhất tôi muốn con biết là tôi yêu con vô điều kiện. Chúng tôi để lại một mảnh giấy ghi chú trên đầu giường con gái, viết rằng: “Cha mẹ muốn con biết rằng cha mẹ yêu con. Cha mẹ không chắc điều gì đã đẩy con đến quyết định này, nhưng chắc chắn con sẽ vượt qua”. Tình yêu vô điều kiện cực kỳ quan trọng.

Cha mẹ cần thận trọng, đừng đổ lỗi cho bản thân vì hành động của con mình 

Khi con gái chúng tôi định tự tử, suy nghĩ đầu tiên của chúng tôi là: “Chúng tôi đã làm gì sai? Chúng tôi đã thất bại đến mức nào?” Vợ tôi nhắc nhở tôi một sự thật quan trọng: “Con cái phải tự đưa ra quyết định. Chúng ta đã làm hết sức mình, và con cái phải chọn con đường của riêng mình với những quyết định mà chúng đưa ra”.

Con cái ngày càng trở nên độc lập 

Trong quá trình phát triển từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành, mối quan hệ của chúng ta với con cái thay đổi từ “kiểm soát” sang “ảnh hưởng”. Khi con cái còn nhỏ, cha mẹ có thể kiểm soát thế giới của chúng đáng kể. Khi con cái lớn lên đến tuổi trưởng thành, quyền kiểm soát ấy giảm dần khi tính độc lập tăng lên. 

Mục tiêu của cha mẹ là tiếp tục tạo ảnh hưởng thông qua một mối quan hệ lành mạnh và giao tiếp cởi mở.

Không dễ để tôn trọng quyết định của con cái

Chúng tôi từng tâm tình với cả 4 đứa con của mình: 

“Cha mẹ không phải là kẻ thù. Cha mẹ yêu con. Cha mẹ chỉ đang cố gắng gợi ý một hướng hành động mà cha mẹ tin rằng sẽ mang lại cho con tương lai tốt đẹp hơn. Cha mẹ nhận thấy đó là sự lựa chọn của con. Con cần nhận ra rằng, dù sao đi nữa thì con cũng sẽ phải gánh chịu hệ quả từ những quyết định của mình. Con đang định hình tương lai của mình, cũng giống như những quyết định của cha mẹ đã định hình nên cuộc sống của cha mẹ bây giờ”.

Khi con gái tôi bước sang tuổi 20, chúng tôi bày tỏ sự lo lắng về một quyết định của cô bé. Cô bé đáp lại: “Cha mẹ đã nuôi dạy con đúng đắn, bây giờ cha mẹ phải tin tưởng rằng con sẽ đưa ra những quyết định đúng đắn.” Câu nói này khích lệ chúng tôi, tuy nhiên vẫn thật khó để ủng hộ quyết định của con bé. 

Nuôi dạy con cái không phải là một công thức

A cộng với B không phải lúc nào cũng dẫn đến C. Tôi đã nghĩ nếu tôi làm A và B thì con tôi sẽ được C. A và B ở đây có thể là sống ở một khu lành mạnh, cho con học ở trường phù hợp, dạy con những giá trị tốt đẹp, gây dựng cho con nền tảng đức tin nơi Chúa, tham gia vào cuộc sống, hoạt động của con, và là một tấm gương tốt để con noi theo. Đây có lẽ là công thức chính xác để nuôi dạy con cái trở thành những đứa trẻ tuyệt vời. Nhưng tôi lại quên mất nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của con cái chúng tôi. Chúng tôi không phải là những người duy nhất ảnh hưởng đến con. Nếu chỉ ngây thơ đưa ra giả định về những ảnh hưởng tích cực cũng như tiêu cực đến con, cha mẹ có thể vấp phải sai lầm nghiêm trọng. Là cha mẹ, chúng ta phải cố gắng thấu hiểu và tiếp xúc với những thứ đang ảnh hưởng đến con cái mình. 

Cầu nguyện… 

Một người bạn của tôi từng nói: “Trước khi có con, tôi dạy về cách nuôi dạy con cái. Bây giờ khi đã có con, tôi dạy về cách cầu nguyện!”. 

Cầu nguyện là biểu hiện của đức tin và tinh thần phụ thuộc vào Chúa. Đức Chúa Trời yêu thương con cái chúng ta hơn chính chúng ta. Chúng ta được yên ủi khi biết chắc rằng con mình luôn được Chúa chăm sóc và bảo vệ.

Lời kết 

Chúng tôi chưa bao giờ tưởng tượng mình sẽ phải trải qua chuyện này. Chúng tôi rất biết ơn Chúa vì con gái đã nhận ra sai lầm của mình và được đưa đi cấp cứu kịp thời. Tấm lòng chúng tôi hướng về những bậc cha mẹ đã trải qua kinh nghiệm tương tự. Chúng tôi bày tỏ nỗi đau và cảm thông sâu sắc với các bậc cha mẹ đã mất con. Suýt chút nữa thôi, chúng tôi cũng đã phải chịu đựng nỗi đau ấy. 

Chúng tôi rất cảm kích vì con gái sẵn sàng để chúng tôi kể câu chuyện của mình.

Bài: Mike Woodard; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thoughts-about-god.com)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *