Phục vụ Đấng Christ là khi ai đó cần giúp đỡ

Oneway.vn – Tôi đứng trước cửa sổ nhà bếp với hai hàng nước mắt chực tràn, vội vã cầu nguyện để có sự bình an và được giúp đỡ.Đó là một ngày ở nhà như mọi khi và chỗ khó không phải ở các con tôi – chúng chỉ là những đứa trẻ. Nhưng khi dỡ máy rửa bát xuống, nhẩm tính xem tối nay sẽ nấu gì, còn có dự án biên tập đang đợi tôi, bài tập ở trường của con gái tôi, các loại thuế cần đóng và người bạn đang cần tôi lắng nghe — tôi ấn tay lên mặt để ngăn dòng nước mắt thôi tuôn. Tôi bắt đầu thấy bực bội về tất cả những trách nhiệm mình đang gánh vác, dù tôi cũng không hiểu sao mình lại như vậy. 

Suy nghĩ đầu tiên của tôi là tự trách bản thân. Có chuyện gì xảy ra với cậu vậy? Nè Ann, cậu đang có một cuộc sống tốt mà.

Đúng là: không có gì to tát. Nhưng hàng trăm việc nhỏ gộp lại khiến mọi thứ trở nên to lớn trong thời điểm cách ly vì dịch. Công việc của tôi vẫn như cũ, nhưng để tìm một nơi giữ trẻ đáng tin cậy thì gần như không thể. Mục vụ của tôi – với vai trò là vợ mục sư – nhưng chỉ có thể quan sát từ xa. Rồi vì trường học đóng cửa, nên chúng tôi quyết định học tại nhà. 

Tôi thấy mình như thể đang phục vụ hàng trăm việc khác nhau nhưng lại bỏ lỡ nhiều món quà trong các mối quan hệ và cuộc sống thường nhật, là điều giúp cho sự phục vụ của tôi được vui thỏa. Việc nào tôi cũng thấy rất nặng nề, và những giọt nước mắt nơi cửa sổ nhà bếp này đã nói lên cả sự thất vọng lẫn sự kiệt quệ của tôi.

Hoàn cảnh và trách nhiệm của tôi sẽ không thay đổi một sớm một chiều. Nhưng tấm lòng của tôi thì có, và nó cần phải thay đổi.

Đây là cách Chúa đã dùng thời điểm này của cuộc đời tôi để hướng lòng tôi về việc chỉ phục vụ một mình Đấng Christ.


1. Hãy nhớ rằng Đấng Christ là đối tượng phục vụ chính của chúng ta — và Ngài sẽ ban thưởng cho chúng ta.

Bất kể chúng ta đang làm gì, Kinh Thánh kêu gọi chúng ta phải ghi nhớ và vui mừng trong lẽ thật rằng mọi việc làm và sự phục vụ của chúng ta rốt lại đều vì cớ Đấng Christ. Sứ đồ Phao-lô nhận biết điều này và tự gọi mình là tôi tớ của Chúa xuyên suốt Kinh Thánh, ông hiểu mình được kêu gọi để phục vụ, đi theo và vâng lời Đấng Christ trên hết mọi sự (như trong Phi-líp 1:1; I Cô. 3:5; II Phi. 1:1).

Đây là lý do tại sao chúng ta có thể phục vụ người khác, bất kể họ có đáp lại chúng ta như thế nào: sau tất cả chúng ta không phục vụ họ. Là con cái của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể tin rằng Ngài thấy và hiểu thấu mọi trách nhiệm chúng ta. Chúng ta có thể làm vì niềm vui và sự ngợi khen Ngài, và biết rằng khi chúng ta sẵn lòng làm, Ngài sẽ không quên ban thưởng cho chúng ta: “Khi làm bất cứ việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho người ta, vì biết rằng anh em sẽ nhận được cơ nghiệp từ Chúa làm phần thưởng. Anh em đang phục vụ Đấng Christ là Chúa.” (Cô-lô-se 3:23–24).


2. Hãy biết rằng mỗi thời điểm đều có những thử thách riêng, và sự thỏa lòng chỉ đến từ nơi Đấng Christ.

Dù thời kỳ này là duy nhất trong lịch sử, nhưng thực ra không có thời điểm nào trong đời luôn suôn sẻ. Cuộc sống của chúng ta đầy thử thách và hoạn nạn (Giăng 16:33), hoặc ngược lại có thể là bạn đang tự chuốc lấy thất vọng không cần thiết. Không cần trở nên bi quan, nhưng chúng ta cần chấp nhận rằng cuộc sống trên đất này không nhằm mục đích thỏa mãn chúng ta — và điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Đúng hơn, nó là để hướng chúng ta đến với Đấng Christ, Đấng làm thỏa mãn mọi khao khát của chúng ta bằng chính mình Ngài.

Vậy nên, khi khao khát về sự gắn kết trong các mối quan hệ của chúng ta không được đáp ứng, hoặc chúng ta làm nhiều nhưng không ích lợi gì, hoặc khi nhu cầu của con cái dường như chi phối hết ngày, chúng ta vẫn có thể hướng về Đức Chúa Trời và cầu xin Ngài đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta.

Thời điểm hiện tại có thể còn nhiều khó khăn, nhưng Chúa Jêsus làm dịu mọi cơn khát và làm no thỏa cơn đói trong linh hồn chúng ta: “Đức Chúa Jêsus đáp: ‘Ta là bánh của sự sống. Ai đến với Ta chẳng hề đói, ai tin Ta chẳng hề khát.’” (Giăng 6:35). 

Khi đến với Chúa, Ngài sẽ làm no thỏa chúng ta bằng chính mình Ngài.


3. Hãy biết ơn, vì đây là con đường dẫn đến sự bình an.

Đúng vậy, tuy đây là thời điểm đầy thử thách trong lịch sử, nhưng chúng ta vẫn có thể chọn nuôi dưỡng thái độ biết ơn đang khi gặp thử thách. 

Khi công việc gặp khó khăn, chúng ta có thể biết ơn vì mình còn có thu nhập. 

Khi thấy cô đơn và bị cô lập, chúng ta có thể cảm tạ Đức Chúa Trời vì sự hiện diện của Thánh Linh Ngài đảm bảo với chúng ta rằng chúng ta không một mình.

Nếu cảm thấy chới với hoặc thất vọng với những trách nhiệm mình đang mang trong, chúng ta hãy chọn hướng lòng mình về Đấng Christ và nhận biết rằng mọi điều chúng ta có đều là món quà từ Ngài (Gia-cơ 1:17; Rô-ma 11:36).

Vì Đấng Christ ở cùng chúng ta, chúng ta có thể vững tin mà chọn vui mừng và biết ơn Ngài, ngay cả khi dường như không có gì để biết ơn. Và với lòng biết ơn đó, chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự bình an của Ngài (Phi-líp 4:4-7).

Lòng biết ơn mở đường cho chúng ta bước đi trong bình an, xua tan mọi âu lo và hướng lòng chúng ta đến nơi an nghỉ tuyệt vời. 

Với những trách nhiệm đang gánh vác, bạn vẫn có lý do để vui mừng, vì biết rằng Chúa sẽ ban thưởng cho chúng ta, Ngài sẽ đáp ứng mọi nhu cầu, và chúng ta sẽ bước đi trong bình an khi được ở trong Ngài.

 

Bài: Ann Swindell; dịch: Tiểu Nguyên
(Nguồn: thegospelcoalition.org)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *