Truyền giáo: Học, bước đi, sai phái và cầu nguyện!

Oneway.vn – Cách các mục sư hỗ trợ công tác truyền giáo toàn cầu

Ảnh: Pexels

Andrew Walls (1928–2021) được gọi là “người quan trọng nhất nhưng bạn không biết”. Ông là một học giả người Scotland xuất thân từ Oxford, người đã tận hiến phần lớn đời mình phục vụ hội thánh tại Châu Phi và thách thức giới học thuật dồn sự chú ý về sự phát triển vượt bậc của Cơ Đốc giáo tại các quốc gia không thuộc phương Tây.

Những số liệu thật đáng kinh ngạc. Vào năm 1900, có khoảng 82% Cơ Đốc nhân trên thế giới sống tại Châu Âu và Bắc Mỹ. Đến năm 1970, số Cơ Đốc nhân ở Bán Cầu Nam đã tăng lên hơn 40%, và chạm mốc gần 70% vào năm 2020!

Walls nhận biết những thay đổi đang diễn ra xung quanh khi ông đang dạy về lịch sử hội thánh tại Nigeria vào những năm 1950 và 1960, và ông vẫn tích cực trong công tác giảng dạy về Cơ Đốc giáo toàn cầu cho đến khi qua đời ở tuổi 93.

Các nhà sử học hiểu thế nào về sự phát triển bùng nổ của Cơ Đốc giáo ở Bán Cầu Nam?

Truyền giáo không phải là bom

Một trong những chiều hướng mà Walls nhận thấy là hội thánh phát triển chủ yếu nhờ lời làm chứng ​​của người bản xứ và những cuộc phấn hưng tại địa phương. Đó được xem như tư liệu để dạy về lịch sử hội thánh và hiểu về truyền giáo Cơ Đốc. Ông nhấn mạnh rằng các học giả cần tập trung nhiều hơn vào câu chuyện đặc thù của hội thánh Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ La-tinh hơn là chỉ đơn giản đem nguyên câu chuyện của phương Tây vào và tóm tắt nó trong một chương của lịch sử truyền giáo. Ông khuyên nài các học giả hãy bắt đầu dạy “lịch sử hội thánh” và ngưng dạy “lịch sử dân tộc”.

Đồng thời, Walls nhấn mạnh rằng “khó mà tưởng tượng được sự thay đổi [sự phát triển vượt bậc của Cơ Đốc giáo ở Bán Cầu Nam] có thể xảy ra được nếu không có phong trào truyền giáo”.

Và sau đó ông đã tóm tắt tầm quan trọng của truyền giáo Cơ Đốc trong một câu: “Truyền giáo không phải là bom, nhưng là ngòi nổ, và kết quả là Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ La-tinh đã trở thành các hội trường quan trọng cho hoạt động của Cơ Đốc giáo, là các nơi tiêu biểu cho Cơ Đốc giáo trong thế kỷ XXI”. Truyền giáo đã châm ngòi cho sự phát triển bùng nổ của Cơ Đốc giáo ở Bán Cầu Nam.


Ngòi nổ tất yếu

Truyền giáo được ví như “ngòi nổ” cho sự phát triển bùng nổ của Cơ Đốc giáo là một ẩn dụ sâu sắc. Một mặt, nó kiềm hãm lòng kiêu hãnh, nhắc các giáo sĩ (nhất là các giáo sĩ phương Tây) nhớ rằng họ chỉ là một phần, chứ không phải là tất cả, trong công tác Đức Chúa Trời đang làm cho hội thánh toàn cầu. Chúa của mùa gặt đã tuôn đổ Thánh Linh của Ngài trên mọi loài xác thịt và đang sử dụng mọi người trên khắp thế giới để truyền bá Phúc Âm. Công tác của các giáo sĩ phương Tây chỉ là một phần của câu chuyện.

Mặt khác, hình ảnh “ngòi nổ” truyền cho toàn thể hội thánh một tinh thần gấp rút: ai đó phải châm ngòi với lửa Thánh Linh để thế giới bùng cháy lên bởi tình yêu thương của Đức Chúa Trời. 

Như John Piper từng nói rằng: Chúng ta truyền giáo để “đưa các dân tộc vào vui hưởng hết mức vinh quang của Đức Chúa Trời”. Truyền giáo là thiết yếu để làm được điều đó.

Đức Chúa Trời đã hành động đầy quyền năng qua các nỗ lực truyền giáo của dân Ngài trong hai ngàn năm. Khi Thánh Linh của Đức Chúa Trời đến như tiếng gió thổi ào ào, lưỡi lửa đậu trên các môn đồ tại Giê-ru-sa-lem vào đầu thế kỷ thứ I, Ngài đã dịch sứ điệp sang mọi thứ tiếng trên đất này. Phép lạ trong ngày lễ Ngũ Tuần đã làm rõ rằng Tin lành là dành cho tất cả mọi người “từ mọi nước dưới trời” (Công vụ 2:5) (BD2011).

Sách Công vụ thuật lại rằng “đạo của Đức Chúa Trời tiếp tục gia tăng và ngày càng phát triển” qua các giáo sĩ và các vị tử đạo, những người không thể im lặng về những điều mình đã “thấy và nghe” (Công vụ 4:20).

Trong thế giới thời kỳ hậu cổ đại, niềm tin Cơ Đốc được lan truyền theo các con đường La Mã ở phía Tây, và những con đường tơ lụa ở phía Đông. Mượn lời của Stephen Neill – nhà sử học truyền giáo rằng: Những chứng nhân đầu tiên của Phúc Âm này có một “niềm tin cháy bỏng” rằng “một sự kiện lớn lao đã bùng nổ trong họ bởi quyền năng sáng tạo”. Trong thời kỳ trung cổ, trái với tưởng tượng của nhiều người, ngọn lửa tiếp tục lan truyền qua các giáo sĩ, những người đã làm theo lời khuyên của Phao-lô là hãy sống độc thân để có thể dâng trọn đời mình “chuyên tâm phục vụ Chúa, không bị xao lãng” (I Cô-rinh-tô 7:35) (KTHD). Các tu sĩ truyền giáo đã từ bỏ nhà cửa và gia đình để mang Phúc Âm đến “tận cùng trái đất”. Trong Thời đại khám phá, sau cuộc Cải chính Tin lành, các giáo sĩ Công giáo lẫn Tin lành đều lên tàu, để lại bạn bè và gia đình, đến Châu Phi, Châu Á và Tân Thế Giới, làm họ bùng cháy với tình yêu của Đấng Christ vì sự cứu rỗi cho toàn thế giới.

Các cuộc truyền giáo phấn hưng trong Thế kỷ XVIII và XIX đã tạo ra một làn sóng truyền giáo nhiệt thành chưa từng có, và giúp mở ra kỷ nguyên mới của Cơ Đốc giáo toàn cầu cho thời đại của chúng ta ngày nay.


Nhen lên ngọn lửa biến đổi trong góc tối

Vào năm 1900, có khoảng 62.000 giáo sĩ đa văn hóa, số lượng tăng lên 240.000 người vào năm 1970 và khoảng 420.000 người vào cuối Thế kỷ XX! Đa số là thanh niên, hơn một nửa là phụ nữ, và có nhiều người đã rời các trường danh giá như Đại học Cambridge để xả thân vì Phúc Âm.

“Truyền giáo là phương cách mà Đức Chúa Trời đã chọn để nhen ngọn lửa biến đổi trong những góc tối của thế giới”.

Các báo chí học thuật hiện đang tung ra các nghiên cứu cho thấy lòng nhiệt thành truyền giáo đem lại kết quả trực tiếp đến kỷ nguyên mới của Cơ Đốc giáo toàn cầu. Hóa ra, bức tranh biếm họa của Barbara Kingsolver về một giáo sĩ Báp-tít Nam phương thất bại ở Công-gô đã gây hiểu lầm. Trích lời Philip Jenkins: “Sự thành công vang dội của các cuộc truyền bá Cơ Đốc giáo đến Châu Phi và Châu Á lại càng nổi bật hơn khi đặt cạnh bức tranh nghèo nàn cùng cực mà các hoạt động phương Tây thường mặc định trong suy nghĩ”. Các giáo sĩ đã kích hoạt một vụ nổ làm thay đổi dòng lịch sử của nhân loại.

Sự phát triển như vũ bão của Cơ Đốc giáo nên là lý do để ăn mừng, chứ không phải để tự mãn. Khoảng 40% dân số thế giới, hoặc gần 3,5 tỷ linh hồn vẫn chưa được nghe Phúc Âm tại địa phương của họ. Phần lớn những nhóm người chưa được nghe Phúc Âm này không quen biết một Cơ Đốc nhân nào, cũng không được tiếp cận với Kinh Thánh bằng ngôn ngữ của họ, và không sống gần một hội thánh địa phương nào. Truyền giáo là phương cách mà Đức Chúa Trời đã chọn để nhen lên ngọn lửa biến đổi trong những góc tối của thế giới.


Mục sư địa phương có thể thay đổi thế giới?

Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi biết rằng một trong những hiểm họa lớn của mục sư chăn bầy là chúng ta trở nên quá bận rộn với các vấn đề quan trọng trong hội thánh địa phương đến nỗi không thấy được các nhu cầu cấp thiết trên thế giới. 

Chúng ta có từ “chủ nghĩa địa phương”, nghĩa là “hẹp hòi”, bắt nguồn từ từ “giáo xứ” trong tiếng Pháp-Anh. Các mục sư có thể dấn thân vào xứ đạo địa phương của họ đến mức trở thành mục sư của cả xứ đó. Rất dễ trở nên như vậy. Việc đó có thể xảy ra với bất kỳ ai trong chúng ta. Nếu bạn là mục sư hoặc lãnh đạo Cơ Đốc, việc mang đến sự thay đổi cho thế giới có thể cần bắt đầu từ bạn.

“Chúng ta trở nên quá bận rộn với các vấn đề quan trọng trong hội thánh địa phương đến nỗi không thấy được các nhu cầu cấp thiết trên thế giới”.

Ngày nay, các mục sư có thể làm gì để giúp thổi bùng ngọn lửa truyền giáo? Hãy cầm sách lên và đọc biết công tác Chúa đang làm trên thế giới và công tác nào vẫn còn dang dở. Các cuộc mở mang này không chỉ xảy ra ở một góc nào đó. Hãy đi và nhìn xem những hội thánh trên thế giới – và học hỏi. Giống như Phi-e-rơ trong Công vụ chương 10, hãy thông công cùng nhau. Hãy khích lệ những người bạn quen biết tham gia vào các công tác cứu trợ ở nhiều nơi. Hãy thách thức Hội Thánh góp lửa để nhen nhóm sự thay đổi bằng cách quyên góp cho những mục đích chính đáng, như sai phái giáo sĩ, chuyển ngữ Kinh Thánh sang tiếng địa phương, xây dựng hội thánh bản xứ hoặc trang bị cho các mục sư, giáo sĩ và truyền đạo dự bị, là những người đã sẵn sàng tiếp cận các nhóm dân chưa được nghe đạo. 

Rốt lại, hãy sai phái các giáo sĩ đi ra. Nhưng cũng đừng vội đặt tay trên ai cả (I Ti-mô-thê 5:22). Các giáo sĩ cần kết hợp cả lòng nhiệt thành lẫn tri ​​thức (Châm ngôn 19:2).

Đừng lãng phí sự ảnh hưởng của bạn. Đừng để người của bạn lãng phí cuộc đời của họ. Hãy thắp lên ngọn lửa trong bạn và bùng cháy ở một nơi nào đó trên thế giới.

 

Bài: F. Lionell Young III; dịch: Tiểu Nguyên

(Nguồn: desiringgod.org)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *