Bị tổn thương trong nhà thờ và thật khó để tha thứ?

Oneway.vn – Bạn đang tranh chiến với sự không tha thứ vì các thành viên trong gia đình thuộc linh làm tổn thương bạn?

Joanne Chua kể lại quãng thời gian cô bị giam cầm trong oán hận.

Đang khi trò chuyện, bạn tôi đã hỏi câu này khiến tôi sững người lại.

Về cơ bản, cô đã hỏi tôi rằng niềm tin Cơ Đốc của tôi đã giúp ích thế nào trong việc tha thứ cho người khác.

Cô bạn tốt này của tôi, chưa tin Chúa, tiếp tục than thở về cuộc chiến trong cô để tha thứ cho người đã giày vò cô suốt nhiều năm.

Điều đó dường như là không thể vì người kia không đáng được tha thứ. Tôi hiểu nỗi đau của cô: Tha thứ chưa bao giờ là dễ dàng.

Nó cũng nhắc tôi nhớ lại một chặng đường tôi đã tranh chiến với sự không tha thứ.

Năm ngoái, tôi đã có hai cuộc họp riêng không mấy dễ chịu với các thành viên khác nhau trong gia đình thuộc linh của Đức Chúa Trời.

Có một sự bất nhất giữa vẻ ngoài yêu mến Đức Chúa Trời của họ và sự thiếu yêu thương bạn bè của họ đối với tôi.

Đó là một chặng đường gian nan, nhưng qua đó, Chúa đã ban cho tôi một tấm lòng mới và sự hiểu biết mới mẻ về ý nghĩa của thành viên trong gia đình Ngài là gì.

Đau lòng nhất là những người trong hai cuộc họp đó đều xưng mình là Cơ Đốc nhân.

Nhưng, có một sự bất nhất giữa vẻ ngoài yêu mến Đức Chúa Trời của họ và sự thiếu yêu thương bạn bè của họ đối với tôi.

Sao họ có thể “diễn tròn vai” đến vậy?

Bên cạnh nỗi thất vọng, tôi không thể hiểu được mình đã làm gì sai để phải chịu hậu quả thế này vì lương tâm tôi trong sạch.

Nếu tên của họ xuất hiện trong cuộc nói chuyện nào, lòng tôi lại sôi lên hận thù.

Khi lướt Instagram và thấy bài đăng của họ, tôi nổi giận và chán ghét vì ký ức về những gì họ đã làm lại ùa về trong tâm trí tôi. Tôi nghĩ:

Chúa ơi, họ không biết con và họ là cùng một gia đình thuộc linh sao? Con là chị em trong Chúa với họ mà. Sao họ có thể làm vậy?

Sao họ lại được hạnh phúc và thành công sau bao nhiêu điều đã làm tổn thương con? Thật không công bằng chút nào.

Cảm tạ Chúa, Ngài đã không vội với tôi mà đã cho tôi thời gian và không gian để bày tỏ niềm đau và nỗi thất vọng của mình. Rồi Ngài bắt đầu dò xét tấm lòng tôi.

Khi đọc đến I Sa-mu-ên chương 24, tôi thấy khó hiểu về cách mà Đa-vít đáp trả lại sự thù ghét không ngừng của Sau-lơ.

Hai lần, Đa-vít đã có cơ hội hoàn hảo để giết Sau-lơ. Nhưng cả hai lần, ông đều tha thứ.

Hơn thế nữa, Đa-vít vẫn gọi Sau-lơ là “Bệ hạ, chúa của con ơi!” và thừa nhận Sau-lơ là “người được xức dầu của Đức Giê-hô-va”.

Thậm chí khi Sau-lơ chết, Đa-vít lại còn vinh danh đời sống ông và than khóc ông.

Mọi chuyện nghe có vẻ hơi… sai.

Trong nhiều tuần, tôi đã suy ngẫm về phản ứng khác thường đi ngược lại với văn hóa này của Đa-vít.

Suốt thời gian đó, có một người bạn không biết gì về hai sự vụ kia, đã cầu nguyện cho tôi được “giải phóng khỏi sự căm ghét và oán hận trong lòng”.

Tôi biết đó là lúc mà Đức Chúa Trời đã chạm tay nơi không thể tha thứ trong tấm lòng tôi.

Đức Chúa Trời đã dịu dàng nhắc nhở tôi về những lần tôi đã làm tổn thương các anh chị em trong nhà thờ.

Dù không ác ý, nhưng với những gì tôi đã làm hoặc chưa làm, tôi biết mình đã bất công khi làm tổn thương anh chị em trong Chúa.  

Tôi không hoàn hảo như tôi nghĩ. Chúa nhắc tôi đừng lên án chính mình, nhưng hãy tìm ra những điểm mù của mình.

Ngài cũng dẫn dắt tôi trở lại câu chuyện sáng tạo trong Sáng Thế Ký 1:26-27.

Đức Chúa Trời phán: “Chúng Ta hãy tạo nên loài người theo hình ảnh Chúng Ta và giống như Chúng Ta…”

Đức Chúa Trời sáng tạo loài người theo hình ảnh Ngài. Ngài sáng tạo loài người theo hình ảnh Đức Chúa Trời. Ngài sáng tạo người nam và người nữ.

Imago Dei – “hình ảnh Đức Chúa Trời”. Đang khi bị tổn thương, tôi đã quên mất lẽ thật này.

Các anh chị em đó có giá trị bên trong giống tôi vì “dấu tay” của Chúa cũng ở trên họ.

Huyết mà Đấng Christ đã đổ ra trên thập tự giá đã che phủ họ, cũng giống như nó đã che phủ tôi.

Đức Chúa Trời yêu họ. Và tôi đây cũng cần Đức Chúa Trời tha thứ và ban ân điển nhiều như họ vậy. 

Tôi phải xưng tội và ăn năn về sự kiêu ngạo của mình, vì tôi đã tin rằng mình công chính hơn họ.

Tôi cũng nhận ra rằng mình đã đưa họ vào một tiêu chuẩn đặc biệt cao trong việc thể hiện ra tình yêu thương của Đấng Christ.

Nhưng tôi đã tự nhắc nhở trong sự khiêm nhường rằng chúng ta thảy đều là tội nhân. Cho đến khi Đấng Christ trở lại, chúng ta sẽ không bao giờ hoàn hảo.

Động lực để tôi yêu gia đình thuộc linh không bao giờ phụ thuộc vào họ hay tôi, mà vào Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Jêsus nói: “Ta ban cho các con một điều răn mới, ấy là các con phải yêu thương nhau. Như Ta đã yêu thương các con thể nào thì các con cũng hãy yêu thương nhau thể ấy. Nếu các con yêu thương nhau, thì bởi đó, mọi người sẽ nhận biết các con là môn đồ Ta”. (Giăng 13:34-35)

Tình yêu đó không hề dễ dàng – và Chúa Jêsus biết điều đó.

Trong bối cảnh của Giăng chương 13, Chúa Jêsus đã biết Giu-đa sẽ sớm rời đi để phản bội Ngài, còn môn đồ khác (là Phi-e-rơ) cũng sẽ chối Ngài.

Dầu vậy, Chúa Jêsus vẫn chọn rửa chân cho họ (Giăng 13:1-17).

Thay vì mong đợi người khác hoàn hảo, chúng ta hãy kiên nhẫn yêu thương nhau.

Rốt cuộc, chẳng phải tất cả chúng ta đều cần được anh chị em mình tha thứ sao?

Động lực để tôi yêu gia đình thuộc linh không bao giờ phụ thuộc vào họ.

Khi chúng ta không giải quyết các bất hòa với anh chị em trong Chúa, mầm mống ngấm ngầm của sự không tha thứ sẽ hủy phá toàn bộ đời sống chúng ta.

Rồi từ chỗ không tha thứ sẽ dẫn đến nói hành và xung đột gây chia rẽ hội thánh.

Rất nhiều lần, mọi người rời khỏi nhà thờ trong sự chua chát. Có khi, họ còn bỏ đức tin vì những nan đề chưa được giải quyết trong gia đình thuộc linh.

Nhưng chẳng phải gia đình là nơi sẽ kiên nhẫn với những sai lầm và thiếu sót của nhau sao? Chẳng phải gia đình nên giúp đỡ nhau lớn mạnh sao?

Nếu chúng ta còn không thể tha thứ cho chính những người trong gia đình mình, thì làm sao chúng ta mong đợi mình có thể bước ra thế gian và yêu thương người khác?

Làm thế nào một gia đình chia rẽ lại có thể đại diện cho tình yêu hòa giải của Đức Chúa Trời dành cho thế gian được?

Thế gian đang dõi xem: Chúng ta sẽ phản chiếu ra vương quốc nào?

Tha thứ cho nhau không làm vô hiệu hóa mọi hành động sai trái.

Đó cũng không phải là phớt lờ hay xem nhẹ tổn thương, nhưng là chọn ân điển và tha thứ (Ê-phê-sô 4:32, Ma-thi-ơ 5:24).

Hãy đem đến trước Đức Chúa Trời mọi sự oán hận của bạn với anh chị em trong Chúa. Cha Thiên Thượng của chúng ta kiên nhẫn và đầy lòng nhân từ. Và Ngài muốn chữa lành tấm lòng bạn.

Đến đúng thời điểm, Ngài sẽ thêm sức cho bạn để tha thứ cho anh chị em trong Chúa đó – nếu bạn để Ngài làm vậy. Mối quan hệ cũng có thể được hàn gắn bằng cách trò chuyện cởi mở và yêu thương với đối phương.

Bởi sức riêng, chúng ta không bao giờ hoàn toàn tha thứ được.

Nhưng Đức Chúa Trời đã thêm sức cho tôi để hoàn toàn tha thứ cho các anh chị em trong Chúa đó.

Ngài cũng đã chữa lành tôi sâu sắc hơn bất kỳ lời xin lỗi hay giải thích nào của con người.

SUY NGHĨ + THẢO LUẬN

1. Có tổn thương nào bạn đang cố níu giữ không? Hãy đem điều đó đến trước Đức Chúa Trời và cầu xin Ngài chữa lành bạn, thêm sức và ban ân điển cho bạn để tha thứ.

2. Có ai mà bạn cần hòa giải với họ không? Bước tiếp theo Chúa muốn bạn làm là gì?

3. Một số lĩnh vực nào trong đời sống bạn cần tra xét?

Bài: Joanne Chua; dịch: Tiểu Nguyên

(Nguồn: thirst.sg)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *