Oneway.vn – Phải thừa nhận rằng có một số phần nhất định trong Kinh Thánh mà chúng ta chỉ đọc lướt qua, bởi vì chúng ta nghĩ những phân đoạn đó thật nhàm chán!
Cứ lặp đi lặp lại, quá tiểu tiết, toàn là những cái tên và địa điểm mà chúng ta thậm chí còn không biết cách phát âm.
Vậy tại sao phải quan tâm đến những phân đoạn đó? Có nhiều lý do – ngay cả những phần Kinh Thánh chúng ta cho là nhàm chán cũng luôn có ý nghĩa quan trọng, vì tất cả đều là Lời Chúa dành cho chúng ta.
Dưới đây là 10 lý do tại sao những phần “nhàm chán” nhất của Kinh Thánh lại cực kỳ đáng suy ngẫm.
10. Gia phả
Sau công trình sáng tạo diệu kỳ và thảm họa Đại Hồng Thủy, mạch truyện của Kinh Thánh bắt đầu chậm lại, khi sách Sáng Thế Ký liệt kê gia phả từ thời Sết – con trai của A-đam và Ê-va – qua nhiều thế hệ. Tại sao chúng ta cần phải biết về gia phả này? Bởi vì Đức Chúa Trời đã thực hiện lời hứa được ghi lại trong Sáng thế ký 3 về một hậu duệ của Ê-va. Toàn bộ Kinh Thánh đều hướng về người hậu duệ này.
Nghiên cứu về gia phả con cháu A-đam và Ê-va giúp chúng ta theo dấu phần quan trọng nhất trong câu chuyện Kinh Thánh, nói cách khác là theo dấu Người quan trọng nhất – Con Trai của Lời Hứa, một ngày kia sẽ được sinh ra, chiến đấu với dòng dõi của con rắn xưa và chiến thắng.
Trong Sáng thế ký 6–9, dân số thế giới bị sụt giảm, chỉ còn Nô-ê và 3 con trai ông cùng gia đình họ. Gia phả được tái lập trong Sáng thế ký 10, tập trung vào hậu duệ của Sem – một trong các con trai của Nô-ê – và hướng về một hậu duệ của ông là Áp-ra-ham – người sau này được Đức Chúa Trời ban cho những lời hứa diệu kỳ.
Các gia phả khác giúp chúng ta theo dấu sự xuất hiện của dòng dõi đã hứa qua Y-sác, Gia-cốp, Giu-đa và Đa-vít, cho đến khi chúng ta thấy trong Ga-la-ti 4:4: “Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra”. Khi tập trung vào Đấng đã hứa này, chúng ta sẽ không còn nghĩ rằng Kinh Thánh hướng về chúng ta, mà thay vào đó là hướng về Ngài hoàn toàn.
9. Chi tiết về Đền tạm
Sách Xuất Ê-díp-tô ký bắt đầu bằng câu chuyện thú vị về một em bé bị thả trôi trong chiếc giỏ trên sông, người sau này đã giải cứu dân Chúa khỏi ách nô lệ tại Ai Cập.
Trên đường đến Đất Hứa, Đức Chúa Trời hướng dẫn Môi-se chi tiết về thiết kế đền tạm mà họ sẽ dựng lên và Ngài ngự xuống giữa họ. Qua các chi tiết này, chúng ta thấy hoa trái nở rộ đan xen trên vải dệt, những chiếc chậu với hình dạng giống như hoa huệ, và chân đèn được thiết kế giống như những nhánh cây.
Sách Hê-bơ-rơ chép rằng đền tạm, và sau này là đền thờ, chính là “mô phỏng và là cái bóng của những thực thể trên trời” và là “bản sao của nơi thánh thật” (Hê-bơ-rơ 8:5; 9:24; 10:1).
Chi tiết thiết kế đền tạm và đền thờ gợi cho chúng ta nhớ đến vườn Ê-đen và giúp chúng ta tràn đầy hy vọng vẻ đẹp hoàn mỹ của trời mới đất mới.
8. Trang phục của thầy tế lễ thượng phẩm
Sách Xuất Ê-díp-tô Ký tiếp tục mô tả chính xác chi tiết về trang phục sẽ được may cho thầy tế lễ thượng phẩm sẽ phục vụ trong đền tạm. Trang phục ấy phải thánh khiết, vinh hiển và đẹp đẽ như chính Đức Chúa Trời, điều này là phù hợp vì thầy tế lễ cả là đại diện cho Đức Chúa Trời trước dân sự. Thầy tế lễ cũng đại diện cho dân sự để đến trước mặt Chúa. Người ấy phải đeo một chiếc ê-phót và một bảng đeo ngực đính bốn hàng ngọc có tên của mười hai bộ tộc trên đó.
Vì vậy, khi thầy tế lễ thượng phẩm bước vào Nơi Thánh, có nghĩa là ông đang đưa dân sự và những tâm tư của họ vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời.
Chi tiết về trang phục của thầy tế lễ thượng phẩm cho chúng ta thấy rằng: Chúa Jêsus, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Vĩ Đại của chúng ta, mang lấy gánh nặng và những ưu tư của chúng ta, trong khi Ngài cầu thay cho chúng ta trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời.
7. Các của lễ trong Cựu Ước
Trong Lê-vi Ký 1–7, chúng ta thấy những hướng dẫn chi tiết về việc dâng của lễ, giống như dấu hiệu cảnh báo: “tội lỗi dẫn đến sự chết… tội lỗi dẫn đến sự chết”. Nhưng của lễ cũng bày tỏ rằng Đức Chúa Trời chấp nhận huyết của một sinh tế vô tội để chuộc lấy tội lỗi của dân sự.
Yêu cầu về các của lễ trong Cựu Ước giúp chúng ta thấy được tội lỗi phải trả giá như thế nào, cũng như chúng ta có thể được tha thứ trọn vẹn nhờ sự hy sinh trọn vẹn một lần đủ cả của Đấng Christ.
6. Luật Lê-vi
Phải thừa nhận rằng, những yếu tố khiến một người được coi là sạch sẽ hoặc ô uế trong Lê-vi Ký 11–15 thật kỳ lạ. Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ, chúng ta thấy rằng mọi thứ khiến cho một người trở nên ô uế đều là những điều phản ánh ảnh hưởng của tội lỗi trên thế giới này. Vì sự rủa sả của tội lỗi, có những con vật không được phép ăn. Vì sự rủa sả của tội lỗi, con người phải đổ máu và bệnh tật. Vì sự rủa sả của tội lỗi, phong hủi và nấm mốc, bằng chứng hiển hiện của sự thối nát. Những điều được định là ô uế trong Lê-vi Ký chứng tỏ rằng mọi thứ không còn giống như trước đây trong vườn Ê-đen – như cách mà Đức Chúa Trời đã định ban đầu.
Luật lệ về những thứ thanh sạch và không thanh sạch trong sách Lê-vi Ký cho chúng ta niềm hy vọng rằng: chúng ta là những con người ô uế có thể được thanh tẩy thông qua một của lễ xứng đáng, và một ngày nào đó chúng ta sẽ được nên thánh để bước vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời.
5. Điều tra dân số
Chúa Jêsus, Đấng hoàn toàn thánh khiết, đã gánh lấy sự ô uế của chúng ta trên chính Ngài để làm cho chúng ta nên thanh sạch. Và Ngài đang làm việc ngay lúc này, bởi Thánh Linh Ngài, để khiến chúng ta nên thánh. Đức Chúa Trời sẽ không bỏ rơi thế gian trong sự ô uế mãi mãi! Ngài sẽ khiến mọi điều nên thanh sạch.
Sách Dân Số Ký bắt đầu và kết thúc bằng một cuộc điều tra dân số. Dân số ký 1 ghi chép về thế hệ nổi loạn, không chịu tin Đức Chúa Trời sẽ ban cho họ đất Ca-na-an, và do đó họ phải chết trong sa mạc. Dân số ký 26 ghi chép hồ sơ điều tra dân số về thế hệ thứ hai, khi họ chuẩn bị bước vào cơ nghiệp dồi dào của Đất Hứa. Tại sao chúng ta cần biết thông tin này?
Các hồ sơ điều tra dân số trong Dân Số Ký khích lệ chúng ta tra xét xem liệu có tên chúng ta trong số những người không tin và sẽ chết trong đồng vắng của thế giới này không, hay tên chúng ta sẽ được ghi trong số những người tin vào lời Chúa hứa về cơ nghiệp và sự sống sung mãn nơi Đất Hứa.
4. Phân bổ lãnh thổ
Giô-suê 13–21 nói về các chi tiết địa lý của vùng Ca-na-an được giao cho từng chi phái. Vì chúng ta không quen với địa lý cổ đại, nên đây có thể là một danh sách nhàm chán. Nhưng nếu đã quen thuộc với những địa điểm và những con người này, chúng ta có thể hình dung rõ hơn cảm giác kinh ngạc giữa vòng con dân Chúa khi mỗi chi phái được trao một lãnh thổ rộng lớn trong vùng Đất Hứa. Có vẻ như các chi phái sẽ nhìn nhau và nói: “Chúng tôi được nhận lãnh tất cả ư?”
Việc phân bổ lãnh thổ cho các chi phái ở xứ Ca-na-an cho chúng ta thấy trước điều sẽ xảy ra, khi vị lãnh đạo vĩ đại hơn cả Giô-suê – Chúa Jêsus – dẫn chúng ta vào Miền Đất Hứa đời đời, nơi chúng ta được nhận lãnh tất cả những gì Đức Chúa Trời đã hứa.
Một ngày nào đó, Chúa Jêsus sẽ tuyên bố rằng cơ nghiệp là của chúng ta nơi trời mới đất mới. Khi hướng về điều này, chúng ta sẽ không còn cảm thấy buồn chán! Chắc chắn chúng ta sẽ thốt lên: “Tất cả những điều này là dành cho chúng con ư?”.
3. Thêm gia phả
Rất nhiều chương trong 1 Sử Ký liệt kê các gia phả, bắt đầu với A-đam và trải dài đến con cháu của Giu-đa, Bên-gia-min và Lê-vi – các chi phái vua và thầy tế lễ – hầu hết là những người trở về sau khi bị lưu đày.
Gia phả trong 1 Sử Ký giúp chúng ta tập trung vào thời điểm mà dòng lịch sử đang hướng tới – con trai của Đa-vít, ngồi trên ngai vàng của cả vũ trụ.
Các gia phả giúp tâm linh chúng ta hướng về sự xuất hiện của Vị Vua vĩ đại, khi chúng ta nghe thấy tiếng lớn từ ngai vàng: “Kìa, đền tạm của Đức Chúa Trời ở với loài người! Ngài sẽ ở với họ và họ sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với họ” (Khải Huyền 21:3).
2. Những cái tên
Khi Nê-hê-mi tìm cách triệu tập những người bị lưu đày hồi hương đang cư ngụ bên trong tường thành Giê-ru-sa-lem vừa được xây lại, ông đã tìm ra một cuốn gia phả ghi tên những người đã trở về Giu-đa khi có cơ hội lần đầu tiên nhờ sắc lệnh của Si-ru.
Những cái tên được nhắc đến trong sách Nê-hê-mi, bao gồm tất cả những người được Đức Chúa Trời động chạm tấm lòng để rời Ba-by-lôn và đến Giê-ru-sa-lem khiến lòng chúng ta vui mừng khi biết rằng: Đức Chúa Trời nắm giữ danh sách những người có lòng khao khát trở về thành của Ngài, những người sẽ được sống trong Giê-ru-sa-lem Mới.
Trong Khải Huyền 21:27, Giăng nói: “những người được ghi trong sách sự sống của Chiên Con” mới được sống tại Giê-ru-sa-lem Mới. Chúng ta sẽ không còn cảm thấy nhàm chán khi nghe danh sách những cái tên đó! Chúng ta sẽ chăm chú để lắng nghe tên của chính mình được xướng lên.
1. Gia phả của Chúa Jêsus
Tân Ước bắt đầu với gia phả của Chúa Jêsus, con trai của Đa-vít, con trai của Áp-ra-ham. Và ân điển chúng ta tìm thấy trong phần Kinh Thánh “nhàm chán” này thật tuyệt vời biết bao! Trong gia phả của Chúa Jêsus, Áp-ra-ham đã nói dối vợ mình là em gái mình, và gả bà cho một vị vua vô thần; Giu-đa sinh Phê-rết và Sê-rách bởi Ta-ma – con dâu của ông; Ra-háp, kỵ nữ người Ca-na-an đã mạo hiểm mọi thứ để nắm lấy lời hứa của Đức Chúa Trời; Ru-tơ người Mô-áp đã bỏ lại mọi thứ để nhận Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên làm Đức Chúa Trời của mình; Đa-vít cướp vợ của người khác, rồi giết chồng bà; Sa-lô-môn đã vì nhiều phụ nữ ngoại bang mà từ bỏ lòng yêu mến Chúa.
Gia phả của Chúa Jêsus cho chúng ta thấy Ngài dang tay chào đón cả những tội nhân, để tha thứ họ và đưa họ vào gia đình của Ngài.
Điều này mang đến hy vọng cho những người ngoại, những người tội lỗi như bạn và tôi. Chúa Jêsus không xấu hổ khi gọi chúng ta là anh chị em của Ngài.
Bài: Nancy Guthrie; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: desiringgod.org)
Leave a Reply