Oneway.vn – Nguyên nhân chính khiến chúng ta không đọc Kinh Thánh là vì không hiểu nội dung đang nói về điều gì.
Thế nên, thay vì nghiên cứu lẽ thật, chúng ta chọn cách dễ dàng hơn, như bấm “thích” những câu Kinh Thánh ngắn được trích dẫn trên mạng xã hội. Tuy nhiên, không nhất thiết phải như vậy. Có 4 điều quan trọng cần nhớ khi đọc Kinh Thánh, để chúng ta có thể đọc Lời Ngài theo cách của Ngài.
1. BỐI CẢNH
Khi đọc Kinh Thánh, điều tối quan trọng là phải hiểu rõ ngữ cảnh. Ngữ cảnh có thể được chia thành 4 điểm chính dưới đây:
Phân đoạn: Việc “chia nhỏ” Kinh Thánh thành từng chương và từng câu chỉ mới được áp dụng khoảng 500 năm cho đến nay.
Các sách như Sa-mu-ên và Sử Ký được chia đôi thành hai sách bởi vì nội dung quá dài. Vậy nên, hãy đọc toàn bộ các sách trong Kinh Thánh. Xét cho cùng, bản thân Kinh Thánh là một câu chuyện vĩ đại về sự cứu chuộc.
Ví dụ, 1 Cô-rinh-tô 13 là một chương quen thuộc với độc giả hiện đại (nói về tình yêu thương). Tuy nhiên, nếu đọc các chương trước và sau, chúng ta thấy rằng chương 13 nằm giữa hai chương nói về các ân tứ thuộc linh. Điều này thay đổi hoàn toàn ý nghĩa của chương 13 – không phải tình yêu lãng mạng, mà là tình yêu thương trong thân thể Đấng Christ.
Mặc dù không sai khi áp dụng chương này cho tình yêu thương trong các mối quan hệ, nhưng đọc Kinh Thánh theo toàn bộ ngữ cảnh giúp chúng ta hiểu đúng hơn về bối cảnh khi Phao-lô viết cho Hội Thánh Cô-rinh-tô.
Nguồn gốc, Ngày tháng và Đối tượng: Kinh Thánh được viết cho chúng ta, nhưng không được gửi trực tiếp cho chúng ta.
Kinh Thánh được viết cho những người cụ thể vào những thời điểm cụ thể trong lịch sử.
Vì vậy, một số chuẩn mực văn hóa hoặc nhân sinh quan trong Kinh Thánh có thể hơi xa lạ đối với chúng ta.
Bạn có bao giờ gặp khó khăn vì khoảng cách thế hệ với ông bà mình không? Vậy hãy thử tưởng tượng hàng trăm thế hệ trước có thể khác ngày nay đến mức nào!
Ngôn ngữ: Kinh Thánh không được viết bằng ngôn ngữ của chúng ta. Có nhiều từ ngữ trong Kinh Thánh khác nghĩa với ngôn ngữ ngày nay, đó là lý do vì sao có nhiều phiên bản dịch thuật để chúng ta lựa chọn.
Nhưng chắc chắn sẽ có những giới hạn do khác biệt ngôn ngữ giữa người viết và người đọc Kinh Thánh.
Lời Chúa diệu kỳ vượt thời gian: Tuy nhiên, Lời Chúa vẫn luôn diệu kỳ vượt thời gian. Ngài có thể làm việc trong cuộc sống của độc giả bất kể ngữ cảnh có khó hiểu ra sao.
2. TÂM TRÍ RỘNG MỞ
Bởi vì tâm trí chúng ta có đặc tính phản xạ, nên khi đọc một số phần nhất định trong Kinh Thánh – đặc biệt là những phần phổ biến – chúng ta vốn đã có những nhận định thần học từ trước. Vấn đề là, phần lớn kiến thức thần học của chúng ta đến từ các bài giảng hoặc lời chia sẻ từ các mục sư, những người đã được Chúa soi sáng cách cá nhân khi nghiên cứu các phần nhất định trong Lời Ngài.
Vì vậy, nếu đọc Kinh Thánh bằng một tư duy “tôi biết hết rồi”, chúng ta sẽ giới hạn những điều Chúa muốn bày tỏ cho mình. Sự khôn ngoan và soi sáng của Chúa vượt trên mọi sự hiểu biết phiến diện của con người.
Một giảng viên tại trường Kinh Thánh của tôi đã dành 25 năm nghiên cứu sách Cô-lô-se. Cô ấy thuộc lòng từng từ trong sách đó. Tuy nhiên, cô ấy chia sẻ rằng mỗi khi đọc Cô-lô-se, cô ấy lại học được một điều mới mẻ – miễn là tấm lòng chúng ta còn rộng mở để được Chúa soi sáng trong thời điểm đó.
3. CẨN THẬN TRƯỚC KHI KẾT LUẬN
Khi đọc Lời Chúa, chúng ta sẽ có những kết luận riêng về bản tính của Đức Chúa Trời. Hầu hết những kết luận này có thể đúng, nhưng một số ít cũng có thể sẽ sai.
Chúng ta đang đọc một tài liệu Do Thái cổ dường như không hề có nét tương đồng văn hóa nào với thời nay. Do đó, cách các độc giả ngày xưa hiểu Kinh Thánh có thể khác với cách những độc giả hiện đại như chúng ta.
Thực tế, những kết luận của chúng ta khi đọc Kinh Thánh bị ảnh hưởng rất nhiều bởi nền văn hóa và các giá trị cá nhân mà chúng ta tin tưởng. Cả Hitler và Mẹ Teresa đều đọc cùng một quyển Kinh Thánh, nhưng mỗi người lại kết luận những điều rất khác nhau.
Khi thực hiện khóa Nghiên cứu Kinh Thánh ở Nam Phi, các bạn cùng lớp của tôi đến từ hơn 20 quốc gia khác nhau. Là một nhóm đa dạng về văn hóa, chúng tôi đã cùng nhau nghiên cứu Lời Chúa, và ngạc nhiên trước nhiều quan điểm khác nhau về Chúa mà tôi chưa từng biết.
Trước đây, quan điểm văn hóa của tôi về Chúa chỉ tiết lộ cho tôi biết nhiều hơn về chính con người tôi – chứ không bày tỏ chính xác về bản tính của chính Ngài. Và chúng ta không thể nói rằng quan điểm văn hóa này tốt hơn quan điểm văn hóa kia!
4. HÃY KHIÊM NHƯỜNG VÀ BIẾT TIẾP THU
Khi diễn giải Lời Chúa, bạn sẽ nuôi dưỡng một trong hai điều: Mối quan hệ của bạn với Chúa, hoặc lòng kiêu hãnh của bạn.
Khi tiếp cận Kinh Thánh một cách cao ngạo, chúng ta đang nuôi dưỡng lòng kiêu hãnh của mình. Hãy khiêm nhường đến với Lời Chúa, biết rằng chỉ nhờ ân điển – một đặc ân cao cả – mà chúng ta mới có khả năng được học Lời Ngài.
Tình trạng tấm lòng bạn chính là “bộ lọc” để Lời Chúa đi qua. Thành quả sau này phụ thuộc vào tấm lòng bạn. Hãy khiêm nhường, hoàn toàn đầu phục trước mặt Chúa để nhận được sự soi sáng từ Lời Ngài. Hãy khiêm nhường như người thu thuế khi đứng trước bàn thờ Đức Chúa Trời (Lu-ca 18:13):
“Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót con, vì con là một tội nhân!”
Hãy cầu xin để bạn nhận được sự hiện diện biến đổi của Chúa khi bạn đọc Lời Ngài. Hãy đảm bảo rằng đọc Lời Chúa là một trải nghiệm kỳ diệu, vì Lời Chúa có quyền năng biến đổi cuộc đời bạn hoàn toàn.
Chúng ta thường muốn biến đổi vào thời điểm của riêng mình. Nhưng Chúa biết chúng ta cần gì trong mỗi thời điểm khác nhau (Ma-thi-ơ 6: 8). Chúng ta chỉ cần tin rằng đường lối của Ngài cao hơn đường lối của chúng ta (Ê-sai 55).
Và chắc chắn khi đọc Kinh Thánh, nhiều lúc chúng ta khó mà “cảm thấy” như Chúa đang hiện diện – đặc biệt là các sách như Lê-vi Ký hay Phục Truyền Luật Lệ Ký. Khi đó, chỉ cần nhớ rằng: Chúa đang làm việc trong tâm bạn bất cứ khi nào bạn suy ngẫm và đắm mình trong Lời Ngài.
Bài: Roy Tay; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thirst.sg)
Leave a Reply