Bạn có đang lừa dối Chúa? Phần 2: Mối quan hệ nặng nề

Oneway.vn – Chỉ có Đức Chúa Trời chân thật mới có thể khỏa lấp những khát khao trong lòng chúng ta. Chỉ có Chúa mới làm chúng ta no thỏa đầy trọn.

Tiếp theo với 8 câu hỏi sau sẽ tiết lộ khát khao lớn nhất của lòng bạn và giúp bạn xác định xem bạn có đang lừa dối Chúa không.

Xem thêm: Bạn có đang lừa dối Chúa không? (P.1)

4. Có ai mà bạn vẫn chưa tha thứ? Và tại sao?

Vài người trong các bạn từng trải qua nỗi đau không thể tưởng tượng được. Tôi nhớ về cuộc nói chuyện với một cậu thanh niên khi tôi còn sống ở Mississippi. 

Cậu giải thích chi tiết và sống động về việc bị lạm dụng tình dục từ nhỏ. Nghe cậu kể mà lòng tôi vô cùng buồn bã và tức giận. Sao người ta có thể làm vậy với một đứa trẻ chứ?

Dù tôi không thể hiểu hết những nỗi đau của cậu, nhưng tôi đồng cảm với nỗi đau chung (nếu nó là đúng đắn). Thế giới đầy tan vỡ. Người ta sẽ làm tổn thương bạn. Nhiều khi đó lại là những người mà chúng ta yêu quý, tin tưởng và kính trọng nhất. Và khi tổn thương, bạn phải đưa ra quyết định. Bạn sẽ tha thứ hay nuôi dưỡng hận thù và cay đắng?

Và tha thứ không chỉ là lời nói. Nói: “Tôi tha thứ cho bạn” thì ai cũng nói được. Tha thứ là buông bỏ. Buông bỏ quyền lực giả tạo theo sau việc không tha thứ. Buông bỏ cay đắng và hận thù. Đây là điều thiết yếu cho những ai yêu mến Chúa. Ngài là tác giả của sự tha thứ. Và nếu Ngài là mối quan hệ quan trọng nhất trong đời bạn, thì bạn sẽ có thể nhìn người làm tổn thương bạn và nói (như Chúa Jêsus đã nói): “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết mình làm điều gì”.

Có thể sẽ mất vài tuần, vài tháng hoặc vài năm, nhưng nếu Chúa là trên hết, bạn phải tiến đến chỗ được giải phóng ra khỏi sự trả thù, cay đắng và giận dữ người khác.

5. Khi căng thẳng, bạn tìm đến đâu để giải tỏa?

Thuốc điều trị căng thẳng của bạn là gì? Bạn tìm đến đâu để giải tỏa?

Rượu bia? Mua sắm? Thuốc? Tình dục? Ma túy? Trò chơi điện tử? Hãy lưu ý rằng một số loại “thuốc” rõ ràng là nguy hiểm (rượu bia và ma túy). Những thứ khác dường như vô hại (mua sắm và trò chơi điện tử). 

Nhưng hễ khi nào “thuốc” của bạn không phải là Chúa, bạn đang bào mòn tấm lòng mình. Bạn đang làm khó lòng mình khi phải dựa vào một thứ gì đó không thể lấp đầy khoảng trống. Nói cách khác, “nơi” mà bạn tìm đến để giải tỏa căng thẳng không quan trọng bằng “lý do tại sao” bạn tìm đến đó.

Chúa Jêsus đã phán rằng: “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:28-30). Trớ trêu thay, đây cũng là thông điệp mà chúng ta hay nghe từ “các thần tượng” khác.

“Tôi thực sự quá căng thẳng, chúng ta hãy đi mua sắm để giải tỏa”.

“Một tuần dài đã trôi qua, làm cốc bia và quên hết mọi lo buồn thôi nào”.

“Bạn còn ‘viên thuốc’ nào không? Bạn gái bỏ tôi rồi. Tôi cần một thứ gì đó để vơi đi niềm đau”.

Một số loại “thuốc” mà chúng ta dùng để giảm căng thẳng là phạm pháp. Các loại khác về bản chất là vô đạo. Câu hỏi đặt ra là liệu bạn có dựa vào những điều này để lấp đầy khoảng trống mà chỉ Chúa mới có thể lấp đầy không. Nếu có, bạn đang lừa dối Chúa.

Nếu Chúa là quan trọng nhất, Ngài sẽ là nguồn giải tỏa mọi căng thẳng của chúng ta. Ngài sẽ là “thuốc” của chúng ta. Và “thuốc” của Ngài không cần phải thêm liều.

6. Bạn đã và đang hy sinh nhiều nhất cho điều gì?

Ai hoặc điều gì chiếm phần lớn thời gian, tiền bạc, năng lượng và nguồn lực của bạn? Đây là những gì tôi tìm thấy. Nếu Chúa không phải là Đấng bạn hy sinh nhiều nhất, bạn sẽ hy sinh Chúa khi “điều gì đó” của bạn bị đe dọa. Khát khao lớn nhất của lòng bạn là điều bạn sẽ hy sinh cho nó nhiều nhất. 

Thần tượng là gì? Thời trung học, tôi dành nhiều giờ mỗi ngày cho bóng đá. Tôi muốn chơi ở NFL. Nghiêm túc đấy. Bóng đá chiếm phần lớn thời gian, tiền bạc, năng lượng và nguồn lực của tôi. Và tôi sẽ làm bất cứ điều gì để ước mơ của mình không bị vụt mất.

Tôi đã bỏ nhóm Chúa Nhật để đi tập. Bỏ qua thời gian một mình với Chúa để đi tập dượt. Tôi đã tham gia vào các hoạt động trái đạo đức và phi pháp vì tôi nghĩ rằng chúng sẽ đưa tôi đến gần mục tiêu của mình hơn. Nguy hại quá, phải không?

Nếu bạn hy sinh cho địa vị, danh vọng và kiến ​​thức nhiều hơn mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời, bạn sẽ làm bất cứ điều gì để bảo vệ địa vị, danh vọng và kiến ​​thức… kể cả mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời. Bạn đang lừa dối Chúa!

Bạn đã và đang hy sinh nhiều nhất cho điều gì?

7. Bạn dành thời gian và tiền bạc của mình ở đâu?

Thời gian là loại tài nguyên quý giá nhất trên đất này. Nó không thể khôi phục hay tái tạo lại được. Không ai mua bán nó được. Vì vậy, sẽ rất hợp lý khi dùng tài nguyên quý giá nhất của bạn để xác định được khát khao lớn nhất trong lòng bạn.

Tiền bạc cũng tương tự như thời gian. Vì tương tự nhau nên có nhiều ẩn dụ về tiền bạc được dùng để mô tả thời gian. Cũng có rất nhiều câu Kinh Thánh nói về tiền bạc.

“Thời gian là tiền bạc. Đầu tư cho tốt thời gian của bạn. Đừng lãng phí thời gian của tôi”.

Tiền bạc và thời gian đi đôi với nhau vì cả hai đều vô cùng quý giá. Chúng cũng cực kỳ nguy hiểm. Và chúng tranh giành lòng trung thành của chúng ta với Chúa mỗi ngày, mỗi giờ. 

Mark Twain nói thế này: Một số đàn ông tôn thờ chức vị, số khác tôn thờ anh hùng, số khác tôn thờ quyền lực, số khác nữa tôn thờ Chúa, và vì những lý tưởng đó mà họ tranh cãi và không hiệp một – nhưng hầu như tất cả họ đều đề cao iền bạc.

Con trai út của tôi khá lúng túng khi sử dụng tính từ sở hữu “my” (của tôi) và đại từ sở hữu “mine” (của tôi). 

Tiffani và tôi cố gắng sửa cho cháu, nhưng nếu chúng tôi đều sửa mỗi lần cháu nói tính từ hay đại từ sở hữu “của tôi”, thì chúng tôi sẽ không làm được gì khác. Nghiêm túc đấy. Không làm được gì.

Thế còn bạn? Bạn có thái độ “của tôi” nào đối với tiền bạc và của cải không? Nếu có, trong đầu bạn sẽ hiện lên báo động đỏ rằng có thể bạn đang lừa dối Chúa.

Lẽ thật là: Không điều gì bạn có là của bạn. Mọi điều bạn có là đến từ Chúa. Mỗi đồng trong tài khoản ngân hàng và mọi tài sản của bạn rồi đây sẽ bị ném vào bãi rác hoặc giao lại cho người khác.

Nếu Đức Chúa Trời là khát khao lớn nhất của lòng bạn, thì thời gian và tiền bạc của bạn sẽ phản ánh điều đó.

8. Mối quan hệ của bạn với Chúa có nặng nề không?

Yêu Đức Chúa Trời tức là chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài; điều răn của Ngài không phải là nặng nề. I Giăng 5:3

“Đa số các Cơ Đốc nhân chỉ dâng đời sống mình cho Đức Chúa Trời vừa đủ để họ trông khốn khổ”. Có lần tôi đã nghe một người giảng đạo tuyên bố như vậy. Thật thuyết phục. Và cũng đúng nữa. Đừng để mối quan hệ với Chúa trở nên nặng nề. Nhưng khi Chúa không phải là khát khao lớn nhất của lòng bạn, mối quan hệ với Ngài sẽ nặng nề. Cũng giống như mối quan hệ hôn nhân vậy.

Nếu tôi ngoại tình, hôn nhân của chúng tôi sẽ đổ vỡ. Hôn nhân được định phải trong sạch, chỉ muốn một người duy nhất. Khi chúng ta lừa dối Đức Chúa Trời bằng bất cứ điều gì, mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời sẽ thật nặng nề.

Theo Chúa có phải là gánh nặng với bạn không? Nếu có, thì tại sao?

Bạn nói mình yêu Chúa, nhưng có lẽ bạn cần phải chia tay với một số “thần tượng” trong đời sống bạn, là những thứ phá hỏng mối quan hệ của bạn với Ngài. 

Chỉ có Đức Chúa Trời chân thật mới có thể khỏa lấp những khát khao trong lòng chúng ta. Chỉ có Chúa mới làm chúng ta no thỏa đầy trọn. 

Cuộc sống của bạn sẽ đổi khác đến mức nào nếu Chúa không chỉ đứng đầu trong hệ thống phân cấp của bạn, mà trong cả hệ thống đó chỉ có mình Ngài mà thôi!

Bài: Frank Powell; dịch: Tiểu Nguyên

(Nguồn: churchleaders.com)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *