Hôn nhân sẽ về đâu khi ‘tiền là số 1’?

Oneway.vn – Bạn đã bao giờ tự hỏi điều gì đã xảy ra giữa câu “tôi đồng ý” và “chúng tôi từ bỏ” chưa?

Không ai muốn ly hôn. Không ai muốn nếm trải nỗi đau và những đổ vỡ của cuộc ly hôn.

Cô dâu và chú rể đã từng cùng nhau bước đi và hình dung ra một tương lai đồng hành, cùng nhau tận tụy thực hiện những hy vọng và ước mơ.

Thứ nhỏ nhặt mang tên “tiền”

Không ai muốn tranh cãi. Không ai mơ về việc tranh cãi. Nhưng các cặp đôi không hề biết trước rằng một thứ nhỏ nhặt tầm thường sẽ chen vào giữa cuộc sống của họ. Một thứ nhỏ nhặt gọi là “tiền”.

Nghiên cứu cho thấy tiền là lý do số 1 khiến các cặp vợ chồng ly hôn ở Mỹ. Và người có nhiều tiền hơn thường là người chủ động ly hôn.

Chúng ta thường bỏ qua những lý do đằng sau thực trạng này. Liệu nguyên nhân là gì và chúng ta cần làm gì để ngăn chặn? 

Hãy cùng xem xét 5 lý do tại sao tiền là nguyên nhân số 1 dẫn đến ly hôn, và tìm giải pháp:

1. Bạn đưa ra quyết định về tiền bạc mỗi ngày

Khi bạn phải giải quyết một vấn đề nào đó trong hôn nhân quá nhiều lần, bạn sẽ dễ dàng xảy ra xung đột liên quan đến vấn đề đó hơn. Tranh luận về việc sử dụng tiền hàng ngày sẽ khiến cả hai cảm thấy mệt mỏi.

Chắc chắn hai vợ chồng sẽ có những khác biệt về quan điểm tiền bạc. Người vợ nghĩ rằng tình hình tài chính sẽ ổn hơn nếu chồng ăn trưa ở nhà hay vì ăn ở ngoài. Người chồng nghĩ rằng vợ có thể uống một tách cà phê ở nhà mỗi sáng thay vì tiêu tiền để mua bên ngoài. Và rồi cuộc tranh cãi bắt đầu.

Giải pháp: Hãy giải quyết khi có vấn đề phát sinh. Đừng để vấn đề ngày càng chồng chất. Nếu người phối ngẫu của bạn không nghĩ đó là vấn đề, nhưng bạn lại cảm thấy phiền – thì đó vẫn là điều đáng thảo luận.

2. Cuộc chiến tiền bạc là cuộc chiến với cái tôi

Có thể bạn nghĩ tiền chỉ là “phương tiện giao dịch” hoặc những tờ giấy bạc – một thứ rất hữu hình và không mấy ý nghĩa, nhưng thật ra lại không phải thế. 

Khi có người chỉ trích cách bạn sử dụng tiền, bạn rất dễ cảm thấy tự ái. Lời buộc tội, công kích của họ có vẻ như chĩa mũi về phía bạn, con người của bạn, chứ không chỉ về những món hàng mà bạn đã mua.

Cách bạn nghĩ về tiền bạc là một phần DNA, và là trọng tâm trong tính cách của bạn. Vì vậy bất kỳ lời trách móc hoặc công kích nào về cách bạn dùng tiền, đều khiến bạn cảm thấy như chính con người mình đang bị chỉ trích, chứ không chỉ là cách bạn chi tiêu hay tiết kiệm.

Giải pháp: Hãy dừng lại và xem xét sự khác biệt giữa hai vợ chồng. Hãy nhớ lại rằng sự khác biệt là một phần khiến hai người thu hút lẫn nhau. 

Hãy nhớ “quy tắc kem đánh răng”. Nói một lời gây tổn thương cũng giống như bóp một ống kem đánh răng, một khi hết sạch, bạn không cách nào cho mớ kem hỗn độn vào trở lại trong chai.

3. Không xác định rõ vai trò của mỗi người

Một lý do khác khiến các cặp vợ chồng gặp xung đột khi giải quyết vấn đề tiền bạc là họ không xác định vai trò của nhau một cách rõ ràng, hoặc người “được giao” vai trò này lại kém trong việc xử lý tài chính.

Bạn kết hôn với một người đồng hành giúp đỡ, một người bạn và một người cộng tác. Đó không phải là cha hay mẹ bạn. Kinh Thánh cho chúng ta nguyên tắc khôn ngoan: “lìa cha mẹ và dính díu với vợ mình”, vì vậy hãy tránh thiết lập mối quan hệ cha mẹ/con cái khi vợ chồng bạn quản lý tiền chung.

Đừng để đối phương cảm thấy như thể họ đang nhận khoản trợ cấp từ người phối ngẫu của mình. Và đừng ai che giấu tình hình tài chính của gia đình với người kia. Sự mất cân bằng sẽ đẩy mối quan hệ vào chỗ nguy hiểm. 

“Cha mẹ” có thể mang nhiều áp lực và phô trương quyền lực quá nhiều, trong khi “con cái” cảm thấy bị coi thường và không được đánh giá cao.

Giải pháp: Hãy đánh giá vai trò của bạn. Cân nhắc điểm mạnh, điểm yếu của bạn và phát huy những điểm mạnh đó khi quản lý tiền bạc. Hãy giao tiếp cởi mở và thường xuyên với nhau. Hãy tổ chức những cuộc họp gia đình: cập nhật ngắn gọn hàng tuần và thảo luận chuyên sâu hàng tháng để đảm bảo cả hai vợ chồng luôn đồng tư tưởng. Hãy cùng nhau tạo ra thu nhập. Gửi tiền vào quỹ chung theo tháng hoặc theo khoảng thời gian 60 ngày. Bạn sẽ hiểu rõ hơn về tình hình tài chính của mình, cũng như thời gian và nỗ lực cần thiết để quản lý tiền bạc.

4. Chu kỳ sai lầm lặp đi lặp lại

Mọi người nghĩ rằng nói đến tiền bạc chỉ tổ gây ra tranh cãi. Vì vậy, các cặp vợ chồng tránh thảo luận tiền, hoặc nói về tiền với thái độ không đúng đắn, rồi chu kỳ sai lầm này cứ tiếp diễn như vậy.

Nếu người phối ngẫu của bạn (hoặc chính bạn) mở miệng ra là cằn nhằn, kiểm soát, không chân thật hoặc tỏ ra mặc cảm để “đối phó” với những lo lắng của bạn về tiền bạc, thì hai vợ chồng chẳng giải quyết được bất cứ điều gì. Bạn đang khiến người kia đau lòng và đẩy mối quan hệ vợ chồng đến chỗ tan vỡ. Không ai có thể hoạt động hiệu quả khi đang bị tốn thương.

Giải pháp: Hãy xét lại chính bạn đã thêm dầu vào lửa ra sao. Hãy cầu xin Chúa ban sự khôn ngoan và quyền năng Ngài để chấm dứt hành vi của bạn và phá vỡ chu kỳ sai lầm này. 

Hãy thú nhận tội lỗi với người phối ngẫu và xin họ tha thứ. Còn tội lỗi của họ là trách nhiệm của họ. Hãy cầu nguyện cho người phối ngẫu và cuộc hôn nhân của bạn. Đừng để bị cám dỗ rồi cứ mãi chỉ trích khuyết điểm của người kia.

5. Cách người phối ngẫu của bạn quản lý tiền bạc vốn đến từ Chúa

Sau nhiều thập kỷ nghiên cứu và làm việc với một nhà khoa học thống kê, tôi nhận thấy rằng cách quản lý tiền bạc của một cá nhân đã hình thành ngay từ khi còn nhỏ. Tôi gọi đây là “Tính cách Tiền bạc”. Cũng giống như việc bạn bẩm sinh là người trầm tính hay hoạt bát.

“Tính cách Tiền chính” và “Tính cách Tiền phụ” sẽ thúc đẩy mọi quyết định về tiền bạc của bạn.

Khi quan sát cách điều các em thiếu nhi làm với những viên kẹo trong tay, bạn sẽ thấy “Tính cách Tiền bạc” của mỗi em thể hiện theo nhiều cách khác nhau. Cách quản lý tiền bạc của con người đã được hình thành từ khi còn nhỏ.

Có thể bạn không nhận ra, nhưng bạn luôn cho rằng mọi người đều nghĩ về tiền giống như cách bạn nghĩ. Và nếu họ không nghĩ giống bạn, thì họ sai. Và bạn cũng nghĩ người phối ngẫu của mình như vậy.

Bạn không thể yêu cầu người phối ngẫu của mình phải cao lên, hoặc phải thay màu mắt của họ. Cũng giống như việc âm thầm hy vọng một người thích tiết kiệm tiền bỗng nhiên tiêu xài thoải mái chỉ sau một đêm. Điều này không có nghĩa là chúng ta đều không thể phát triển và trưởng thành, để nhận ra đặc điểm tính cách của mình và lập kế hoạch thay đổi cho phù hợp. Nhưng một người đã thích tiêu tiền thường sẽ thích tiêu tiền mãi, và họ không sai.

Giải pháp: Đầu tư vào bản thân và cuộc hôn nhân của bạn, xác định các “Tính cách Tiền bạc” chính và phụ của bạn một cách khoa học. Sau đó hãy chia sẻ với nhau về điều này.

Đừng để tiền bạc cản đường bạn.

Đức Chúa Trời thiết lập hôn nhân để chiếu ra ánh sáng cho thế gian. Để cho mọi người thấy một tấm gương hữu hình về tình yêu thương Ngài dành cho chúng ta. Đức Chúa Trời đã thiết lập và xây dựng hôn nhân trong sách Sáng Thế Ký, và sau này Chúa Jêsus cũng nhấn mạnh về hôn nhân trong chức vụ trên đất của Ngài, để đảm bảo rằng chúng ta hiểu rõ vấn đề. Một cuộc hôn nhân hòa hợp thật vô giá biết bao.

Giữ gìn cuộc hôn nhân là việc vô cùng quan trọng đối với chính bạn, gia đình bạn và cả thế giới đang quan sát. Đừng để tiền bạc cản trở bạn.

Bài: Scott & Bethany Palmer; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: crosswalk.com)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *