5 câu hỏi mà Hội Thánh ngày nay không dễ trả lời

Oneway.vn – Trong Hội Thánh, tín đồ vẫn có những câu hỏi băn khoăn về niềm tin và họ luôn muốn tìm lời giải đáp.

Trong thời đại ngày nay, các Hội Thánh phải trả lời những câu hỏi này để làm sáng tỏ những vấn đề gây tranh cãi. 

Tất cả chúng ta đều có những câu hỏi, và mặc dù một số câu hỏi rất khó trả lời, Chúa kêu gọi chúng ta tìm kiếm và đứng về phía lẽ thật.

Sau đây là 5 câu hỏi mà vẫn có nhiều tín hữu thắc mắc, và chúng ta cần phải lên tiếng vì lợi ích của cả tín đồ lẫn người chưa tin:

1. Tôi có bắt buộc phải chia sẻ Phúc Âm không?

Một câu hỏi mà Hội Thánh hiếm khi trả lời là: có bắt buộc phải chia sẻ Phúc Âm hay không.

Thật dễ dàng để né tránh câu trả lời này trên bục giảng, nhưng Kinh Thánh hết lần này đến lần khác chứng minh rằng việc chia sẻ Tin Lành quan trọng như thế nào. Tóm lại, câu trả lời cho câu hỏi này là CÓ – tất cả các Cơ Đốc nhân đều được truyền lệnh phải chia sẻ Phúc Âm. 

Chúa nói rõ với chúng ta: “Đức Chúa Jêsus đến và phán với họ rằng: “Tất cả thẩm quyền trên trời dưới đất đã giao cho Ta. Vậy, hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta, hãy nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh làm báp-têm cho họ và dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con. Và nầy, Ta luôn ở với các con cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:18-20). Qua phân đoạn Kinh Thánh này, Chúa Jêsus nói rằng chúng ta phải ra đi và chia sẻ Phúc Âm cho mọi người.

Chia sẻ Phúc Âm là công việc khó khăn, nhưng Chúa Jêsus ra lệnh cho chúng ta phải làm điều đó. Nếu không chia sẻ Phúc Âm, chúng ta đang không vâng lời Chúa. 

Càng chia sẻ Phúc Âm thì công tác Phúc Âm càng trở nên dễ dàng hơn. Ngoài ra, Đức Chúa Trời sẽ ban năng quyền khi chúng ta chia sẻ Tin Lành với người khác. 

Khi chia sẻ, chúng ta nên xây dựng tình bạn trước khi đi sâu vào Phúc Âm. Bằng cách xây dựng một tình bạn chân chính, người khác sẽ tin cậy chúng ta hơn và cởi mở hơn với sứ điệp Tin Lành. Mọi Cơ Đốc nhân đều được kêu gọi để chia sẻ Phúc Âm, ngay cả khi điều này hiếm được đề cập đến trong Hội Thánh.

2. Hội Thánh là gì?

Câu hỏi thứ hai mà Hội Thánh hiếm khi trả lời là “Hội Thánh là gì?”. 

Hầu hết chúng ta nghĩ Hội Thánh là một công trình vật chất, nhưng Kinh Thánh không định nghĩa Hội Thánh như một tòa nhà. 

Kinh Thánh định nghĩa Hội Thánh là nơi gặp gỡ và nhóm họp của các tín đồ. Bất cứ nơi nào thân thể của các tín đồ tập hợp, nơi đó chính là Hội Thánh. Khi một người trở thành Cơ Đốc nhân, họ cũng trở nên một thành viên của Hội Thánh, và thành viên trong gia đình Đức Chúa Trời (Giăng 1:12).

Thông thường, chúng ta nghĩ Hội Thánh chỉ là Hội Thánh địa phương của mình, nhưng Hội Thánh thực sự của tất cả các tín đồ trải dài trên toàn cầu. Chúng ta gọi đây là Hội Thánh phổ quát hoặc Hội Thánh quốc tế trải dài trên toàn thế giới. 

Hội Thánh địa phương của chúng ta không phải là “Hội Thánh” duy nhất, bởi vì thuật ngữ “Hội Thánh” được mở rộng cho tất cả các tín đồ cho dù họ có phải là thành viên của một Hội Thánh hữu hình hay không. 

Cuối cùng, Đấng Christ là Đầu Hội Thánh và tất các chúng ta là những chi thể trong Thân. Hội Thánh không chỉ là một ngôi nhà thờ.

3. Là Cơ Đốc nhân, tôi có trách nhiệm gì?

Câu hỏi này thường bị né tránh trong nội bộ Hội Thánh, vì đáng buồn thay, nhiều Hội Thánh và Cơ Đốc nhân tập trung vào sự thoải mái hơn là sống có mục đích cho Chúa Jêsus. 

Trách nhiệm của Cơ Đốc nhân là phục vụ Chúa, yêu mến Ngài và vâng lời Ngài. Chúng ta có thể phục vụ, yêu mến và vâng lời Đức Chúa Trời bằng cách làm theo Lời Kinh Thánh, yêu thương người khác và yêu mến Chúa. Chúa Jêsus nói với chúng ta rằng: “Nếu các con yêu mến Ta thì sẽ vâng giữ các điều răn Ta” (Giăng 14:15). 

Trách nhiệm chính của một Cơ Đốc nhân là tuân theo lời dạy của Chúa Jêsus và sống có mục đích cho Ngài.

Hơn nữa, là Cơ Đốc nhân, chúng ta có trách nhiệm yêu thương người khác. Chúa Jêsus nói với chúng ta lẽ thật này: “Đây là điều răn của Ta: Các con hãy yêu thương nhau, như Ta đã yêu thương các con. Không có tình yêu thương nào lớn hơn tình yêu thương vì bạn hữu mà hi sinh mạng sống mình” (Giăng 15:12-13). 

Đôi khi thật khó để yêu thương người khác, nhưng trách nhiệm của chúng ta là lan tỏa tình yêu thương, sự tử tế và lòng nhân từ đến với mọi người. 

Một phần của việc yêu thương người khác là chia sẻ Phúc Âm cho họ và giúp họ nhận biết Chúa Jêsus là Đấng Cứu Rỗi của mình.

4. Tôi có thể đánh mất sự cứu rỗi không?

Đây là một câu hỏi phổ biến mà tôi đã nghe từ nhiều tín đồ. Tôi cũng đã trăn trở với câu hỏi này suốt nhiều năm, nhưng có rất ít mục sư và lãnh đạo Hội Thánh trực tiếp làm sáng tỏ câu hỏi này. Tuy nhiên, đây là một câu hỏi vô cùng quan trọng, để vạch ra ranh giới giữa thiên đàng và địa ngục. 

Tuy nhiên, nếu bạn đang tự hỏi liệu bạn có thể đánh mất sự cứu rỗi của mình hay không, thì câu trả lời là không. Khi đã có đức tin nơi Chúa Jêsus, bạn không thể đánh mất sự cứu rỗi. Giống như chúng ta không thể làm bất cứ điều gì để nhận được sự cứu rỗi, chúng ta cũng không thể làm bất cứ điều gì để đánh mất sự cứu rỗi của mình.

“Ta ban cho chúng sự sống đời đời, chúng chẳng hư mất bao giờ, và chẳng ai cướp được chúng khỏi tay Ta. Cha Ta, Đấng vĩ đại hơn tất cả, đã cho Ta những chiên ấy, và chẳng ai cướp được chúng khỏi tay Cha. Ta với Cha là một” (Giăng 10:28-30).

Câu hỏi này cần được thảo luận nhiều hơn trong Hội Thánh để giúp giải tỏa bất kỳ nghi ngờ nào trong tâm trí các tín đồ. Khi nghĩ rằng có thể đánh mất sự cứu rỗi, bất kỳ ai cũng sẽ lo lắng và cảm thấy bất an. 

Sa-tan muốn chúng ta đặt câu hỏi về sự cứu rỗi của mình, để chúng ta trở nên vô ích cho nhà Chúa. Nếu hôm nay bạn đang trăn trở với nỗi lo sợ mình có thể đánh mất sự cứu rỗi, hãy yên tâm vì Kinh Thánh chép rõ rằng “chẳng ai” cướp được chúng ta khỏi tay Đức Chúa Trời, nghĩa là “chẳng ai” kể cả chính bạn – bạn không thể tự làm bất cứ điều gì để rời khỏi vòng tay Chúa.

5. Đồng tính luyến ái có phải là tội lỗi không?

Đây là một câu hỏi về đạo đức, có thể khiến căng thẳng gia tăng trong Hội Thánh. 

Dù rằng Cơ Đốc nhân không nên xa lánh hoặc lên án những người đang phải tranh đấu với đồng tính luyến ái, nhưng chúng ta phải biết rằng đồng tính luyến ái được gọi là tội lỗi trong Kinh Thánh (Lê-vi Ký 18:22; 1 Cô-rinh-tô 6:9-11). 

Đồng tính luyến ái là một tội lỗi giống như nói dối, trộm cắp hoặc ngoại tình. Có vẻ như nhiều người lên án tội lỗi này nhiều hơn các tội lỗi khác bởi vì đây là tội dễ nhìn thấy hơn là nói dối, lừa gạt, hoặc ganh ghét. 

Là Cơ Đốc nhân, chúng ta không nên lên án bất cứ ai, mà hãy lan tỏa tình yêu thương cùng sự tử tế. Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất có quyền phán xét (Gia-cơ 4:12).

Đồng tính luyến ái là một tội lỗi và Hội Thánh cần phải làm rõ vấn đề này, nhưng chúng ta đừng bao giờ nói những lời cay nghiệt hoặc bắt bớ những người đang phải đấu tranh với đồng tính luyến ái. 

Chúng ta nên giúp họ nhận lãnh lẽ thật Kinh Thánh và học biết Phúc Âm. Nếu họ đã là Cơ Đốc nhân, chúng ta có thể cầu nguyện cho họ, cầu xin Đức Thánh Linh hành động trong lòng họ. Tóm lại, chúng ta cần nhớ rằng đồng tính luyến ái là một tội lỗi, nhưng chúng ta không cần phải đẩy những người đang đấu tranh với đồng tính luyến ái ra khỏi Đấng Christ bằng việc lên án họ. 

Chúa Jêsus muốn chúng ta lan tỏa tình yêu thương đến tất cả mọi người, và cầu xin Đức Thánh Linh bắt phục, giúp đỡ mỗi cá nhân. 

Chúng ta không thể khẳng định một người không phải là Cơ Đốc nhân chỉ vì họ đang phải đấu tranh với đồng tính luyến ái. Đây là một quan niệm sai lầm trong cộng đồng Cơ Đốc. Một Cơ Đốc nhân đấu tranh với tội đồng tính luyến ái cũng như một Cơ Đốc nhân đấu tranh với tội ngoại tình, tà dâm hoặc trộm cắp.

Đừng ngại đặt câu hỏi

Có nhiều câu hỏi không được trả lời trong Hội Thánh ngày nay, nhưng các câu hỏi này rất cần được đặt ra. 

Nếu bạn thắc mắc, đừng ngại lên tiếng hỏi các tín đồ trong Hội Thánh hoặc mục sư của bạn. Càng ngày, càng phải có nhiều Cơ Đốc nhân lên tiếng về những câu hỏi ít được nói đến, để giúp dạy dỗ và nâng cao hiểu biết của chúng ta về Đức Chúa Trời, Kinh Thánh cũng như các giáo lý Cơ Đốc. 

Khi lên tiếng và đặt câu hỏi, bạn cũng đang khuyến khích người khác đặt câu hỏi của chính họ. Ai cũng có những thắc mắc, nhưng việc đặt câu hỏi là tùy thuộc vào chúng ta. Có thể thật khó khăn để lên tiếng, nhưng không có câu hỏi nào là ngớ ngẩn khi chúng ta muốn học biết về Đức Chúa Trời.

 

Bài: Vivian Bricker; dịch: Nhạn Võ

(Nguồn: ibelieve.com)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *