Dạy con trẻ biết kính Chúa, yêu người

Oneway.vn – Thuật ngữ “giá trị” ngày nay thường xuyên được sử dụng trong nhiều lĩnh vực cuộc sống: từ doanh nghiệp, trường học đến cá nhân. 

Nhưng các “giá trị” chính xác là gì? Và làm sao chúng ta có thể dạy con cái các giá trị này? Giá trị có thể được coi là “tiêu chuẩn đối xử với mọi người”. Các giá trị, hoặc tiêu chuẩn, là những gì một cá nhân, một doanh nghiệp, một trường học, v.v., đối xử với người khác. Nếu bạn tìm kiếm từ “giá trị” trên mạng, bạn sẽ nhận được cả một danh sách bao gồm:

– Độ tín nhiệm

– Tính công chính 

– Lòng tin

– Hợp tác / Làm việc theo nhóm

– Sự tử tế

– Tính chân thật 

Nếu bạn để ý, phần lớn các giá trị mà doanh nghiệp, trường học và cá nhân hướng đến đều liên quan đến việc tương tác với người khác. 

Giá trị rất quan trọng vì chúng định hình cách chúng ta đối xử với người khác trong những hoàn cảnh khác nhau. Nếu không học hỏi và áp dụng sớm các giá trị trong cuộc sống, trẻ em khi lớn lên sẽ thiếu hoặc không tôn trọng cảm xúc của người khác.

Cha mẹ Cơ Đốc có nghĩa vụ dạy các giá trị cho con cái, để con biết cách phản ứng và đối xử với người khác. Đây không nhất thiết là một công việc quá phức tạp. Chúa đã đơn giản hóa việc này cho chúng ta. Để sở hữu các giá trị này, chúng ta cần trải qua quá trình gồm hai giai đoạn trong Kinh Thánh:

Giai đoạn 1: Yêu Chúa

Khi được hỏi về mệnh lệnh lớn nhất, Chúa Jêsus đưa ra một câu trả lời thú vị. Lu-ca 10:27a chép: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết tâm trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi…

Lưu ý rằng Đức Chúa Trời muốn chúng ta yêu Ngài bằng toàn bộ con người chúng ta. Khi làm điều này, chúng ta sẽ nhìn nhận các sự kiện, tình huống và người khác theo quan điểm của Chúa, và phản ứng với mọi người một cách phù hợp. 

Khi hiểu và trải nghiệm những giá trị Đức Chúa Trời bày tỏ với chúng ta, tình yêu thương của chúng ta dành cho Ngài sẽ tăng lên, và chúng ta sẽ hiểu những giá trị mà mình cần thể hiện với người khác trong cuộc sống.

Giai đoạn 2: Yêu người 

Lu-ca 10:27b chép: “… và yêu thương người lân cận như chính mình“.

Giai đoạn tiếp theo là yêu thương người khác như chính chúng ta. 

Chúng ta tổn thương nếu có người ăn cắp hoặc nói dối mình. Vậy nên chúng ta cần hành động trung thực và công chính đối với người khác, vì chúng ta không thích bị người khác đối xử không đúng mực. 

Hãy xem Ma-thi-ơ 7:12: “Vậy thì, bất cứ điều gì các con muốn người ta làm cho mình, hãy làm điều đó cho họ, vì ấy là luật pháp và lời tiên tri”.

Nếu yêu Chúa và yêu người, chúng ta sẽ đối xử với người khác theo đúng chuẩn mực. Khi chúng ta hiểu rõ tầm quan trọng của việc yêu thương và nhận biết Chúa, thì khả năng tôn trọng người khác và cảm xúc của họ sẽ tự nhiên theo sau. 

Điều thú vị là, khi hiểu rằng toàn bộ mục đích của các giá trị này là để chúng ta biết xem trọng người khác hơn chính bản thân mình, chúng ta sẽ tự nhiên sở hữu các “giá trị” này. 

Dạy về các giá trị

Nên bắt đầu từ đâu để dạy con về giá trị?

Hãy bắt đầu với Chúa. Hãy dành thời gian giải thích về những giá trị mà Chúa dành cho chúng ta: Tha thứ, yêu thương, nhân từ, kiên nhẫn, thành tín.

Hãy nhấn mạnh với con tầm quan trọng của việc biết Chúa – biết Ngài là ai, đặc điểm tính cách của Ngài, và Ngài muốn mỗi người trong chúng ta biết Ngài và bước đi với Ngài như thế nào.

Tiếp theo, hãy đưa ra ví dụ về những nhân vật Kinh Thánh đã bày tỏ các giá trị này với người khác. Ví dụ:

– Giô-sép thể hiện tinh thần tha thứ với anh em mình (xin xem Sáng thế ký 50:15–21).

– Đa-vít thể hiện lòng tốt bằng cách tôn kính Mê-phi-bô-sết (xin xem II Sa-mu-ên 9).

– A-rôn và Hu-rơ thể hiện tinh thần hợp tác/làm việc theo nhóm khi giúp Môi-se giơ tay trong trận chiến (xem Xuất Ê-díp-tô Ký 17:8–16).

– Ru-tơ thể hiện tính trung thành khi chọn ở lại với Na-ô-mi (xin xem Ru-tơ 1:1–22).

– U-ri thể hiện sự đáng tin cậy khi Đa-vít triệu tập ông để đưa ra mệnh lệnh (xin xem II Sa-mu-ên 11:1–27).

Khi sở hữu những giá trị đến từ sự hiểu biết và yêu mến Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ giữ vững các giá trị của mình và đối xử với người khác theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời. Những giá trị đó đáng để gìn giữ, bất kể cái giá phải trả.

Khi nói đến các giá trị, Cơ Đốc nhân cần nổi bật hơn mọi người trên thế gian, cho dù ở trường học, nơi làm việc hay vui chơi, bởi vì các giá trị cá nhân của chúng ta không nên xuất phát từ tín ngưỡng, công việc hoặc trường học; mà phải xuất phát từ Nguồn Gốc của các giá trị ấy – chính Đức Chúa Trời.

 

Bài: Christine Hage; dịch: Nhạn Võ

(Nguồn: crosswalk.com)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *