Oneway.vn – Thật vui mừng khi có nhiều Cơ Đốc nhân dâng hiến rời rộng để phát triển Phúc Âm.
Khi mà lòng ham mê tiền bạc trở thành “thần tượng” trong xã hội ngày nay, thật phước hạnh thay khi vẫn có tín hữu sẵn sàng dâng hiến với tinh thần hy sinh.
Về vấn đề tài chính, anh chị em trong Hội Thánh nên cùng chia sẻ với nhau – để “không ai trong các tín hữu thiếu thốn” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:34). Tinh thần chia sẻ như vậy cũng thúc đẩy tấm lòng cam kết, để mỗi người rộng lượng cho đi thời gian, tiền bạc, các mối quan hệ và không gian sống, nhằm xây dựng công bằng xã hội, đáp ứng nhu cầu của người nghèo, người bị áp bức, người thiếu thốn về kinh tế và yếu đuối về thể chất.
Chúng ta hãy cùng phân tích 8 dấu hiệu cho thấy tấm lòng dâng hiến rời rộng của một Cơ Đốc nhân.
Điều này giúp bạn tái suy ngẫm về cách Chúa muốn bạn dâng hiến. 3 điều đầu tiên liên quan đến nơi bạn dâng hiến; 3 điều tiếp theo khơi dậy những động cơ dâng hiến trong lòng bạn; và 2 điều cuối cùng sẽ bày tỏ mối liên hệ giữa việc dâng hiến và Sê-sa (cũng như các tổ chức phi lợi nhuận mà bạn đang hỗ trợ).
1. Nắm giữ vai trò quản gia
“Đất và muôn vật trên đất, thế giới và những người ở trong đó đều thuộc về Đức Giê-hô-va” (Thi thiên 24:1).
Khi dâng hiến, bạn cần ý thức rằng bạn chỉ đang trả lại cho Chúa những gì vốn thuộc về Ngài. Qua Ma-thi-ơ 6:19–20, bạn biết rằng dâng hiến nghĩa là đang tích trữ của cải trên Thiên Đàng.
Có lẽ bạn đã kinh nghiệm điều mà nhà truyền giáo George Müller từng tuyên bố: “Chúa muốn chúng ta trở thành quản gia cho Ngài trong mọi lĩnh vực, dù là vật chất hay thuộc linh, và nếu chúng ta thực sự hành động với tư cách quản gia chứ không phải là người làm chủ, thì Ngài sẽ giao cho chúng ta nhiều hơn nữa”.
Trái với quan điểm Phúc Âm thịnh vượng, vòng tuần hoàn của dòng nước minh họa tấm lòng của người quản gia. Mọi dòng nước đều chảy ra đại dương – kho chứa 98% lượng nước trên trái đất. Đức Chúa Trời đổ đầy những đám mây mọng nước sẽ tưới mát công việc của Ngài. Cuộc đời ngắn ngủi, người quản gia giống như đám mây biết rằng Chúa nắm quyền làm chủ cơn mưa. Như Phao-lô nhắc nhở chúng ta: “Vì khi chào đời chúng ta chẳng đem gì theo thì lúc lìa đời cũng không thể mang gì đi được” (1 Ti-mô-thê 6:7).
2. Dâng hiến tại địa phương trước tiên
Đầu tiên và quan trọng nhất, bạn nên dâng hiến tại địa phương – cho gia đình, Hội Thánh, và hàng xóm của bạn. Ngoài mệnh lệnh rõ ràng trong 1 Ti-mô-thê 5:8, Chúa Jêsus minh họa “nguyên tắc gần gũi” này trong câu chuyện ngụ ngôn về người Sa-ma-ri nhân lành (Lu-ca 10:25–37). Việc dâng hiến cho Hội Thánh địa phương giúp tấm lòng và lời cầu nguyện của bạn bén rễ nơi các anh chị em thân thiết trong Đấng Christ. Cho dù bạn nói rằng mệnh lệnh dâng phần mười đã được thay thế bởi giao ước ân điển mới, thì bạn vẫn cần hiểu rằng việc dâng hiến cho Hội Thánh địa phương chính là bước khởi đầu của đời sống dâng hiến. Theo tác giả Randy Alcorn, khi bạn lớn lên trong ân sủng, bạn sẽ khao khát cho đi nhiều hơn nữa.
3. Dâng hiến vì công việc của Vương Quốc Trời
Hiện nay, có vô số tổ chức Cơ Đốc tập trung vào Phúc Âm. Bạn bắt đầu dâng hiến để hỗ trợ các công việc truyền giáo, giáo dục Cơ Đốc, mục vụ trường học, đổi mới văn hóa, truyền giáo ở nước ngoài, v.v. Nếu có khả năng, bạn có thể hào phóng đóng góp cho các tổ chức này. Và có rất nhiều cách để bạn gieo hạt giống Tin Lành.
Khi tôi còn nhỏ, cha mẹ tôi thường mời các nhà truyền giáo đến thăm Hội Thánh ghé lại nhà để dùng bữa tối. Tôi và các anh chị em mình sẽ nán lại bàn ăn để lắng nghe họ kể chuyện việc phát triển Phúc Âm ở Trung Quốc, Phi-líp-pin và nhiều nơi xa xôi khác.
Tôi được biết cha mẹ tôi đã hỗ trợ tài chính và cầu thay cho các nhà truyền giáo này – những khoản dâng của họ cũng góp phần gieo hạt giống khải tượng để phát triển Phúc Âm trong lòng chúng tôi.
4. Dâng hiến với tinh thần hy sinh
Chúng ta được truyền cảm hứng từ những ví dụ trong Kinh Thánh, như hai đồng tiền nhỏ của bà góa (Mác 12:41–44), dụ ngôn về chiên và dê (Ma-thi-ơ 25:31–46), khi Chúa Jêsus tuyên bố: “‘Thật, Ta bảo các con, khi các con làm điều ấy cho một người thấp kém nhất trong những anh em nầy của Ta, tức là đã làm cho Ta” (câu 40).
Suy ngẫm về những dụ ngôn này, C. S. Lewis kết luận: “Tôi tin rằng quy tắc đúng đắn duy nhất là cho đi nhiều hơn những gì chúng ta có thể cho đi” (Mere Christian, 87).
Khi cho đi với tấm lòng hy sinh, bạn đang tin cậy Lời Chúa dạy trong cuộc chiến với sự lo lắng (xem 2 Cô-rinh-tô 9:11) và tính kiêu ngạo (xem lời cảnh báo của Đức Chúa Trời trong Ô-sê 6:6) – và Ngài sẽ ban cho bạn một tấm lòng vui mừng.
5. Chúa yêu thích người vui lòng dâng hiến
Chắc chắn rằng Đức Chúa Trời quý trọng người dâng hiến cách vui lòng (2 Cô- rinh-tô 9:7–8; Châm Ngôn 22:9; Phục truyền Luật lệ Ký 15:10; Rô-ma 12:8). Bạn đang dần hiểu được bề sâu của ân điển vô bến bờ mà Đức Chúa Trời đã ban cho bạn qua Đấng Christ (2 Cô-rinh-tô 9:14) – và bạn nhận ra rằng việc dâng hiến của bạn là một công cụ hữu ích cho Vương Quốc Ngài. Bạn tràn ngập niềm vui khi được tham gia vào công việc của Chúa trên thế gian này.
6. Chúa ghi nhận người dâng hiến lặng thầm
Bạn biết xu hướng dâng hiến theo kiểu Pha-ri-si – làm điều đúng đắn vì động cơ sai lệch. Cho nên, hãy chú ý đến mệnh lệnh của Chúa Jêsus trong Ma-thi-ơ 6:1–4: “Nhưng khi con làm việc từ thiện, đừng cho tay trái biết tay phải làm gì để việc từ thiện của con được kín đáo”.
Việc dâng hiến lặng thầm đi ngược lại quy ước trong các hoạt động từ thiện, khi mà những người quyên góp được ghi tên theo số lượng quà tặng, và các tòa nhà được đặt theo tên của những nhà tài trợ giàu có. Các Hội Thánh và tổ chức Cơ Đốc giáo thường tránh những quy ước này. Tuy nhiên, Chúa Jêsus đã đặt tiền đề cho các trường hợp ngoại lệ. Ngài công khai tấm lòng dâng hiến rộng rãi của bà góa trong Mác 12:41–44. Ngài biết tấm gương của bà sẽ truyền cảm hứng và làm cảm động tấm lòng của nhiều thế hệ sau.
Đừng mong được mọi người tán dương, nhưng nếu mục sư hoặc cố vấn của bạn kêu gọi, hãy thành tâm làm chứng công khai về tấm lòng dâng hiến của mình nhằm tôn vinh Đức Chúa Trời. Chúa có thể sử dụng lòng trung tín của bạn để truyền cảm hứng cho nhiều người khác.
7. Kết ước dâng hiến lâu dài
Đừng trở thành một người cho đi bừa bãi, hay thỉnh thoảng bốc đồng dâng hiến. Việc kết ước dâng hiến đòi hỏi kỷ luật, từ đó mang lại sự ổn định cho Hội Thánh bạn và nhiều công việc của Vương Quốc Trời.
Bạn có thể lên kế hoạch dâng hiến hàng tháng, hoặc dâng đặc biệt vào dịp Giáng Sinh. Khi đã phát triển trong việc dâng hiến đều đặn, bạn có thể bắt đầu xem xét nhiều cách để dâng hiến rời rộng hơn nữa.
8. Dâng hiến với tư cách người được ủy thác
Bạn cần nhận thức rằng chúng ta chỉ là người được Chúa ủy thác, chứ không phải là chủ sở hữu tài sản. Nghĩa là bạn không nắm quyền sở hữu hoặc chi phối công việc mà mình đang hỗ trợ.
Bạn có thể tự tra xét tấm lòng mình: khi công việc của Hội Thánh hoặc một nhà truyền giáo mà bạn hỗ trợ không cho kết quả như mong đợi, bạn có cảm thấy thất vọng mà muốn rút lại khoản dâng của mình không? Nếu vậy, bạn nên suy ngẫm lại về động cơ dâng hiến của tấm lòng mình.
Đừng hiểu lầm, bạn vẫn cần dâng hiến cách sáng suốt. Vẫn có những công việc không kết quả, và Chúa sẽ dẫn dắt con dân Ngài dâng hiến cho công việc khác. Nhưng nếu bạn cảm động trước một tổ chức Cơ Đốc uy tín đang hết lòng làm việc vì lợi ích của Vương Quốc Trời, thì hãy nhớ rằng kết quả cuối cùng nằm trong tay Chúa, chứ không phải bạn.
Hãy sẵn sàng cho những trường hợp không mong muốn. Hãy rộng lòng tha thứ. Đừng dâng hiến với thái độ căng thẳng, nhưng với tinh thần ân điển.
Bổ dưỡng cho tâm linh
Dâng hiến là công việc thật bổ dưỡng cho tâm linh chúng ta. Nguyện Chúa nới lỏng đôi bàn tay đang nắm chặt tiền bạc của chúng ta, và giúp tâm linh chúng ta tăng trưởng để góp phần phát triển Vương Quốc Trời qua tấm lòng dâng hiến rời rộng.
Bài: Dan Olson; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply