Gửi người làm mẹ: Nỗi đau là thật và sự an ủi từ Chúa… cũng vậy!

Oneway.vn – Người mẹ ơi, khi trải trải qua nỗi đau thì bạn cũng sẽ nhận được sự an ủi từ Chúa

Việc làm mẹ thật không giống như những gì tôi tưởng tượng. Thực tế tôi luôn đối diện với những cuộc chiến cho con ăn, thời gian nằm viện, bệnh tật và các xét nghiệm y tế liên tục. 

Vào một tháng 9 nọ, khi kết quả xét nghiệm của con tôi không bình thường, tôi đã hết sức hoang mang. Mặc dù lượng tế bào máu được bình thường lại trong vòng một hai tuần, nhưng Chúa cho tôi thấy những con số xét nghiệm đó còn đại điện cho những điều lớn lao hơn mà tôi không thể nào kiểm soát. Chúng cho thấy những nỗi đau, sự tan vỡ, ốm đau và bệnh tật, một tương lai mờ mịt và nỗi sợ mất mát. 

Là những người mẹ chúng ta có thể nhận thức được rất rõ về những thách thức mà con trẻ phải đối diện. Chúng ta có thể trung tín cầu nguyện và thậm chí kêu cầu sự cầu thay cho con trẻ. Nhưng chúng ta lại không nhận ra nỗi đau của con cái có tầm ảnh hưởng sâu sắc trên mình như thế nào. Nhận biết sự khó khăn trong quá trình làm mẹ là bước quan trọng để kinh nghiệm sự ủi an từ Chúa nơi sâu thẳm trái tim. 

Trong thử thách chúng ta kêu cầu Chúa, cũng vậy, trong hoạn nạn chúng ta sẽ nhận được ơn thương xót của Ngài.

Thừa nhận nỗi đau 

Có thể một thành viên trong gia đình cho rằng hoàn cảnh của bạn không quá khó khăn hoặc chỉ là do bạn nghĩ quá, và họ chỉ vỗ vai khuyên bạn vượt qua khó khăn, tiếp tục bước đi. 

Có thể một người bạn tốt nào đó đã cố tìm giải pháp để cải thiện hoàn cảnh của bạn trong khi điều bạn cần trước hết là sự cảm thông và câu nói “luôn có tôi ở đây”. 

Hoặc có thể bạn đã phớt lờ nghịch cảnh, hy vọng nó sẽ qua đi mà không nhận ra hậu quả nó để lại trên bạn và gia đình bạn. 

Thưa các chị em, bất cứ điều gì chị em đã nghe và bất cứ điều gì các chị em đã tự nói với chính mình, thì tôi muốn các chị em nghe thấy sự xác thực về thử thách và nỗi đau của chị em là có thật. 

Tôi không biết những khó khăn cụ thể của bạn là gì, nhưng dù bạn hay tôi có mong đợi điều đó hay không khi chúng ta nuôi dạy con cái, thì đau đớn chắc chắn sẽ là “người bạn đồng hành” trên con đường này. Kể từ khi sa ngã, phụ nữ phải trải qua nỗi đau liên quan đến việc sinh nở (Sáng Thế Ký 3:16) – và điều đó không chỉ giới hạn trong việc sinh nở.

Luôn có những thử thách. Một số là tạm thời, và một số khác sẽ không biến mất cho đến khi vào thiên đàng. Một số là hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp của tội lỗi chúng ta; một số là hậu quả của tội lỗi người khác chống lại chúng ta; và một số có nguyên nhân mà chúng ta không bao giờ biết đầy đủ. Tuy nhiên, mọi đau khổ mà bạn hoặc tôi trải qua đều có quan hệ nhân quả với tội lỗi trong thế giới sa ngã này (Rô-ma 8:20–23).

Nỗi buồn của bạn là bạn đang bước đi với “đôi bàn tay trắng” 

Nỗi lo lắng là khi bạn nằm trên giường chờ cậu con trai tuổi teen về nhà. 

Xe lăn, cuộc hẹn khám bệnh, ống xịt thuốc và kính đeo mắt. 

Cuộc điện thoại từ cảnh sát báo rằng đã có một vụ tai nạn. 

IEP (Chương trình Giáo dục Cá nhân) của con gái bạn. 

Cổ tay bị gãy trong một trận bóng. 

Con bạn sợ bị bắt nạt ở trường. 

Nỗi lo lắng của bạn đối với đứa con trai trưởng thành đang thất nghiệp.

Chứng trầm cảm sau sinh của bạn.

Đứa con mới biết đi của bạn đang chiến đấu với bệnh cúm. 

Đứa con nổi loạn của bạn. 

Và danh sách còn dài nữa…

Là những người mẹ chúng ta trải qua những tác động thực sự của việc sống trong một vùng đất đầy tội lỗi. Dù mục đích của chúng ta có thể tốt đến đâu, thì việc phớt lờ những thử thách đó hoặc phủ nhận sự tồn tại của chúng tức là không tin cậy nơi Đức Chúa Trời. 

Việc phớt lờ hoặc phủ nhận chúng không chỉ cản trở quá trình chữa lành mà còn khiến chúng ta dễ bị cám dỗ phạm tội và dễ tin vào những lời dối trá của Sa-tan hơn . 

Nó khuyến khích một cảm giác tự mãn sai lầm và khiến chúng ta không nhờ cậy nơi Chúa và các anh chị em trong Chúa. 

Việc khiêm nhường thừa nhận sự đau đớn và khổ sở của mình, cùng với việc kêu cầu Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta nhận được sự an ủi mà Ngài ban cho.

Chấp nhận thực tế 

Sứ đồ Phao-lô nhắc nhở các tín đồ rằng “chúng tôi đựng báu vật nầy trong những bình đất, để bày tỏ rằng quyền năng tối thượng đến từ Đức Chúa Trời, chứ không phải từ chúng tôi. Chúng tôi bị chèn ép mọi cách, nhưng không bị nghiền nát; bị bối rối, nhưng không tuyệt vọng; bị bắt bớ, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt” (2 Cô Rinh Tô 4:7–9).

Nhưng một cái bình đất sét nghĩa là gì?

Chúng ta được cấu tạo từ gân và thịt, máu và xương, tế bào T và tuyến yên, progesterone và estrogen. Là phụ nữ, chúng ta được thiết kế để mang thai, nhưng ngay cả khi tử cung không hoạt động bình thường và chúng ta không thể sinh con, thì Đức Chúa Trời đã thiết kế chúng ta như những chiếc bình cho sự vinh hiển của Ngài. 

Chúng ta được dựng nên một cách đáng sợ và lạ lùng (Thi thiên 139:14), đó là lý do Phao-lô gọi Cơ Đốc nhân là “những chiếc bình bằng đất sét”.

Khi tôi đổ đầy nước sốt táo tự làm vào lọ thủy tinh, gia đình tôi không để ý về những chiếc lọ mà chỉ để ý những gì bên trong chúng. Chúng ta không được thiết kế để thu hút sự chú ý đến bản thân – khả năng, sức chịu đựng hay sự đầy đủ của chúng ta – nhưng hướng đến những điều quý giá mà Đấng Christ đặt trong chúng ta, quyền năng vượt trội hơn tất cả của Đức Chúa Trời và công việc biến đổi của phúc âm. 

Là những chiếc bình đất sét chúng ta phải chấp nhận sự thật về tình trạng của mình. Chúng ta nên thừa nhận những điều đau khổ, bối rối, bắt bớ và gục ngã. Sau đó, chúng ta sẽ ở trong tình trạng tốt đẹp hơn để bày tỏ vinh quang của Chúa.

Đón nhận sự an ủi từ Chúa 

Chúng ta không cần phải chịu đựng nỗi đau của mình, che đậy hay chứng minh bất cứ điều gì. Bạn có thể chạy đến với Cha trên trời, “Cha nhân từ và Đức Chúa Trời của mọi niềm an ủi, Ngài an ủi chúng tôi trong mọi hoạn nạn” (2 Cô 1:3–4). Trong sự hiện diện của Chúa, chúng ta có thể thành thật về những khó khăn của mình và học biết niềm an ủi thực sự là gì. 

Sự an ủi từ Kinh thánh không chỉ là một chiếc chăn êm ái hay một tách cà phê nóng hổi (mặc dù tôi thích cả hai vào những buổi sáng mùa đông lạnh giá). 

Sự an ủi của Đức Chúa Trời củng cố và giúp chúng ta đứng vững trong đức tin của mình qua cơn hoạn nạn. 

Sự an ủi này gắn liền với Chúa Jêsus, Ngài được sinh ra để trở thành “sự an ủi của dân Y-sơ-ra-ên” (Lu Ca 2:25), 

Đấng đã bảo đảm sự an ủi cho chúng ta và qua Ngài chúng ta có “sự an ủi lớn và nắm chắc niềm hy vọng đã đặt trước mặt mình. Chúng ta giữ niềm hy vọng nầy như cái neo của linh hồn, vững vàng, chắc chắn” (Hê 6:18–19). 

Và ngày nay chúng ta kinh nghiệm sự an ủi của Đức Chúa Trời qua công tác của Đức Thánh Linh, Đấng Yên Ủi của chúng ta (Giăng 14:16, 26; 15:26; 16:7).

Dù bạn đau khổ ở mức độ nào, thì sự an ủi của Đức Chúa Trời cũng có thật và sẵn có. 

Trước giả Thi thiên đã viết: “Hoạn nạn là điều tốt cho con, nhờ đó con học biết luật lệ của Chúa” (Thi thiên 119:71). 

Mặc dù trong những ngày khó khăn, chúng ta có thể thắc mắc câu nói này liệu đúng hay không, nhưng nó chứa đựng một sự thật quý giá – thử thách tạo cơ hội để học nhiều điều về Đức Chúa Trời và Lời Ngài mà chúng ta không thể học được bằng cách nào khác. 

 

Bài: Katie Faris; dịch: Quỳnh Hương 
(Nguồn: thegospelcoalition.org)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *