Oneway.vn – Bạn có bao giờ cảm thấy áp lực để phải thỏa hiệp đức tin của mình không?
Có thể đó là nỗi sợ bị chế giễu hay bị đàm tiếu sau lưng khi bạn nói chuyện cách cởi mở về niềm tin của mình.
Có thể bạn đã trải qua sự bắt bớ theo những cách khắc nghiệt, giống như những tín đồ đến từ Syria mà tôi đã gặp – bị gia đình đánh đập khi họ cải đạo sang Cơ Đốc giáo.
Hoặc có thể bạn chỉ cảm thấy những gì bạn tin đối lập với những gì nền văn hóa của chúng ta tin, giữa cách bạn sống với cách nền văn hóa của chúng ta sống.
Chẳng có điều gì nêu ở trên là mới cả. Đó thực sự là những gì chúng ta nên mong đợi từ đời sống Cơ Đốc nhân. Sứ đồ Phao-lô nói: “Tất cả những ai muốn sống một đời tin kính đạo đức trong Đức Chúa Jêsus Christ sẽ bị bách hại” (2 Ti-mô-thê 3:12).
Có rất nhiều lý do khiến bạn có thể chọn thỏa hiệp với đức tin của mình. Trong sách Khải huyền, Chúa Jêsus viết một lá thư cho hội thánh ở Si-miệc-na, đưa ra ba lý do để chúng ta từ chối làm như vậy.
1. Chúa Jêsus biết sự đau khổ của bạn
Si-miệc-na là thành phố Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, và vào thời điểm lá thư của Chúa Jêsus gửi đến, thì đây là một thành phố nổi bật của Roma về lòng trung thành đặc biệt mạnh mẽ với đế chế này. Đây là thành phố đầu tiên trong thế giới cổ đại xây dựng một ngôi đền để tôn vinh nữ thần La Mã, và nó đã được hơn mười thành phố châu Á khác cho phép xây dựng một ngôi đền cho hoàng đế Tiberius vào năm 23 TCN (xem cuốn The Book of Revelation của Robert H. Mounce, 73.)
Và lòng trung thành mạnh mẽ này đã khiến nó trở thành một thành phố đặc biệt khó khăn đối với Cơ Đốc nhân. Người dân được kỳ vọng phải bày tỏ lòng kính trọng và hy sinh cho hoàng đế – điều này thấm nhuần hầu hết mọi lĩnh vực của cuộc sống họ (xem cuốn The Book of Revelation của G.K.Beale, 240f.)
Những người từ chối tham gia có thể bị cấm tham dự vào các hiệp hội thương mại, bị bỏ tù, bị đày ải hoặc thậm chí bị xử tử (Beale, 241). Tất cả những điều này đã xảy ra với hội thánh ở Si-miệc-na (Khải huyền 2:9–10).
Và những lời đầu tiên Chúa Jêsus nói với hội thánh này là: “Ta biết cơn hoạn nạn…của các ngươi” (Khải Huyền 2:9). Khi bạn đau khổ vì đức tin của mình, điều đầu tiên Chúa Jêsus muốn bạn biết chính là Ngài nhìn thấy bạn và Ngài không ở đâu xa.
Ngày nay, sếp của chúng ta có thể không yêu cầu chúng ta tôn thờ một vị hoàng đế, giống như những ông chủ ở Si-miệc-na, nhưng có những cách mà xã hội này gây áp lực, buộc chúng ta phải tôn thờ những thần tượng khác.
Áp lực từ việc làm sao để kiếm tiền và thành công, để làm việc lâu dài và kiếm lợi nhuận. Nếu chúng ta không chấp nhận thần tượng của sự thành công này, chúng ta có thể bỏ lỡ đợt thăng chức tiếp theo.
Cũng có một áp lực phải cúi đầu trước các vị thần của tự do tình dục và thuyết tương đối về đạo đức, và nếu không ủng hộ những điều đó, chúng ta có thể bị coi là lạc hậu, thậm chí bị áp bức.
Dù cái giá phải trả là lớn hay nhỏ, Chúa Jêsus nói với bạn: “Ta biết sự đau khổ của con. Ta thấy con phải trả giá như thế nào trong cuộc họp đó, hay vào tối thứ Sáu đó, hay trong mối quan hệ đó. Ta biết nỗi đau khổ của con, và Ta ở bên con”.
2. Chúa Jêsus là Đấng Tối Cao
Chúa Jêsus không chỉ nhìn thấy nỗi thống khổ của chúng ta. Ngài đang kiểm soát.
Trong lá thư gửi cho hội thánh ở Si-miệc-na, Chúa Jêsus tự nhận mình là “Đấng đầu tiên và Đấng cuối cùng” (Khải huyền 2:8). Đó là lời tuyên bố về chủ quyền tuyệt đối của Ngài (xem Ê-sai 44:6).
Giữa lúc họ bị bắt bớ, Chúa Jêsus nói với hội thánh hãy yên tâm vì thực tế không phải những kẻ đang bắt bớ họ là những người nắm quyền kiểm soát. Nó có thể khiến ta cảm thấy như vậy, nhưng đó là sự lừa dối là sự ảo tưởng. Chúa Jêsus đang kiểm soát.
Khi sếp hoặc khách hàng của bạn đối xử tệ với bạn vì đức tin của bạn, bạn có thể cảm thấy như Chúa ở rất xa. Nhưng Chúa Jêsus muốn bạn biết rằng họ không thực sự là những người nắm quyền kiểm soát. Họ có thể có một quyền lực hạn chế trên bạn. Sếp của bạn thậm chí có thể sa thải bạn. Nhưng trong sơ đồ lớn của hiện thực, phần nhỏ mà họ kiểm soát là hoàn toàn không đáng kể. Trên thực tế, ngay cả phần nhỏ này cũng nằm trong tay của Chúa. Họ không thể làm bất cứ điều gì ngoài Ngài.
Và vì vậy Chúa Jêsus phán: “Đừng sợ mọi gian khổ các ngươi sắp chịu” (Khải huyền 2:10).
Nhiều người trong chúng ta, nỗi sợ bị ngược đãi thực sự là lý do lớn nhất khiến bản thân bị cám dỗ để thỏa hiệp đức tin của mình.
Khi nhớ rằng Chúa Jêsus có quyền tể trị, chúng ta có thể trung tín với Ngài, ngay cả khi điều đó không phổ biến, ngay cả khi điều đó có nghĩa là chúng ta không được các đồng nghiệp chấp nhận, ngay cả khi phải trả giá bằng việc mất đi ngày hẹn hò thứ hai với người mình xem trọng.
3. Chúa Jêsus đã chiến thắng sự chết
Chúng ta có thể từ chối thỏa hiệp đức tin của mình bởi vì Chúa Jêsus đã chiến thắng ngay cả sự chết.
Ngài là Đấng “đã chết và đã sống lại” (Khải Huyền 2:8). Và vì thế Ngài phán với chúng ta: “Hãy trung tín cho đến chết, rồi ta sẽ ban cho ngươi mão miện đắc thắng của sự sống” (Khải Huyền 2:10) – tức là mão triều thiên của sự sống đời đời.
Từ “mão miện” có ý nghĩa đặc biệt đối với hội thánh ở Si-miệc-na vì hai lý do.
Đầu tiên, Si-miệc-na nổi tiếng với các trò chơi. Và từ mão miện ở đây không phải là từ dành cho vương miện hoàng gia. Đó là từ để chỉ một tràng hoa hoặc vòng hoa được trao cho người chiến thắng trong một trò chơi (sách Mounce, 76).
Và thứ hai, Si-miệc-na có một con phố nổi tiếng được gọi là “Con đường vàng” uốn quanh ngọn núi nhìn ra thành phố, và trên đỉnh núi là một vòng tròn các tòa nhà, được gọi là “vương miện của Si-miệc-na” (Mounce, 73). Đó là niềm tự hào của thành phố.
Chúa Jêsus đang nói với hội thánh: “Đừng quá quan tâm đến những điều mà nền văn hóa của các ngươi coi trọng. Hãy quên những chiếc mão miện đó đi. Ta sẽ trao cho ngươi mão triều thiên thật, mão triều thiên của sự sống đời đời. Đó là vương miện mà ngươi nên tìm kiếm”.
Đây là chìa khóa để từ chối thỏa hiệp niềm tin của bạn: định hướng lại quan điểm của bạn về điều thực sự quan trọng nhất. Nếu mục tiêu của bạn trong cuộc sống là hạnh phúc ở đây và bây giờ, thì bạn sẽ chọn sự thoải mái hơn là trung tín với Chúa. Nếu mối quan tâm chính của bạn là sức khỏe thể chất, thì bạn sẽ thỏa hiệp với đức tin của mình khi bị đe dọa bằng bạo lực.
Cách duy nhất để từ chối thỏa hiệp là biến cuộc sống với Chúa thành mục tiêu cuối cùng của bạn, chiếc mão miện mà bạn mong muốn hơn tất cả.
Chỉ khi đó bạn mới có cái nhìn đúng đắn về công việc, các mối quan hệ, cuộc sống và cái chết. Chỉ khi đó bạn mới có thể từ chối thỏa hiệp đức tin của mình, ngay cả khi điều đó khiến bạn phải trả giá.
Và nếu chúng ta được kêu gọi phải trung tín cho đến chết, thì chúng ta còn phải trung tín đến mức nào nữa trong những cuộc bách hại nhỏ của thời đại này?
Chúng ta nên sẵn sàng hơn bao nhiêu để nói rằng mình tin vào những điều mà các đồng nghiệp thấy nó có vẻ cực kỳ ngu ngốc?
Chúng ta vẫn sẵn sàng để mất một khách hàng hay từ bỏ một công việc, nếu đó là ý nghĩa của việc trung tín với Đức Chúa Trời?
Chúa Jêsus đã giành lấy sự chiến thắng về chúng ta
Vấn đề là, đôi khi đức tin của chúng ta yếu đuối. Trong những quyết định nhỏ và lớn, chúng ta chọn thỏa hiệp với đức tin của mình. Nhưng tin mừng là có một Đấng trung tín thay cho chúng ta.
Chúa Jêsus đã trung tín với Đức Chúa Cha, cho đến chết. Ngài đã bị bắt, bị đánh đập, chế giễu và bị giết. Nhưng đến ngày thứ ba, Ngài đã sống lại, chiến thắng tội lỗi và sự chết. Và trong sự phục sinh của Ngài, Ngài đã bảo đảm cho chúng ta chiến thắng, mão miện của sự sống đời đời.
Bài: DAVID SCHUMAN; dịch: Abby
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply