AI có thể diễn thuyết, nhưng không thể rao giảng

Oneway.vn – Không, con cháu tương lai của chúng ta sẽ không được truyền giáo bởi người máy.

Chat GPT, chatbot thu thập và viết thông tin bằng trí tuệ nhân tạo (AI) cực kỳ chính xác ra mắt vào tháng 11 vừa qua, đang ngày càng khiến nhiều người lo lắng.

Các giáo viên đang tự hỏi làm thế nào để có thể một bài luận chân chính lại được viết ở trường trung học hoặc đại học khi bất kỳ học sinh nào cũng có thể viết trong vòng vài phút, một bài báo nguyên bản, được định dạng đầy đủ, có chú thích cuối trang. Một số người hỏi liệu AI trong tương lai có thể thực hiện đánh giá hiệu suất công việc cho nhân viên hay không. Và một số người đang bắt đầu suy nghĩ liệu rồi công nghệ thông minh có thể hướng đến một nơi khác là bục giảng trong hội thánh của chúng ta hay không.

Nhà báo Matt Labash, trong một bài phát biểu thú vị “neo-Luddite” (Neo-Luddite – là người tin rằng việc sử dụng công nghệ có sự phân nhánh nghiêm trọng về đạo đức, luân lý và xã hội) trong bản tin của mình, đã ghi chú rằng giáo sĩ Do Thái Josh Franklin ở New York đã yêu cầu chatbot viết toàn bộ bài giảng cho ông. Ông đã không nói gì với hội chúng cho đến cuối cùng ông mới nói rằng bài giảng đã được viết bởi một người khác.

Khi ông yêu cầu họ đoán xem ai đã viết nó, họ đã xác định rằng đó là giáo sĩ Do Thái quá cố Jonathan Sacks—có thể là nhà thuyết giáo Do Thái nổi tiếng nhất trong 20 năm qua. Hãy hình dung phản ứng của giáo đường khi họ được thông báo rằng bài giảng mà họ rất thích đó được biên soạn mà không có sự đóng góp của con người.

Đó có phải là tương lai của việc rao giảng trong Cơ Đốc giáo không? Bạn có thể trả lời: “Tất nhiên là không”. Có lẽ bạn không thể tin  một điều như vậy có thể xảy ra. Nhưng hãy tưởng tượng bạn đang cố gắng giải thích về Google hoặc ứng dụng Kinh thánh trên điện thoại thông minh cho một người sống cách đây 30 năm. Điều gì sẽ xảy ra nếu AI có thể truy cập ở mọi nơi, có thể viết các bài giảng hoàn toàn chính thống, dựa trên Kinh thánh và được lập luận thuyết phục cho các mục sư mỗi tuần?

Garrison Keillor đã kể một câu chuyện về một người đàn ông mà mục sư hỏi ông có tin vào lễ báp têm cho trẻ sơ sinh không. Người đàn ông trả lời: “Tin vào điều đó ư? … Tôi đã thấy điều đó được thực hiện!” Nếu chúng ta đang hỏi liệu trí tuệ nhân tạo có thể biết Kinh Thánh, nghiên cứu các chủ đề và bối cảnh cũng như viết các áp dụng vào cuộc sống và những kêu gọi hành động sau bài viết hay không – chúng ta thấy điều đó đã được thực hiện.

Nhưng câu hỏi thực sự không phải là về khả năng công nghệ. Nó cũng không thực sự là về đạo đức lãnh đạo hội thánh. Thay vào đó, câu hỏi đặt ra là việc giảng dạy thực sự là gì.

Ở tuổi 12 hoặc khoảng đó, đó là lần đầu tiên khi tôi nói với mục sư của mình rằng tôi nghĩ có lẽ Chúa đang gọi mình vào chức vụ trọn thời gian, ông đã nói với tôi rằng tôi sẽ giảng trong ba tuần vào tối Chủ nhật. Tôi nói: “Ý tôi không phải là Ngài đang kêu gọi tôi ngay bây giờ; Ý tôi là, kiểu đại loại như, khi tôi lớn lên kia”. Ông ấy trả lời: “Chà, ta đang kêu gọi con ngay bây giờ, và ta sẽ dạy con phải làm gì”. Và ông ấy đã làm vậy. Ông đưa cho tôi một cuốn sách gồm “những phần mở đầu của bài giảng”, những nét chính của các đoạn Kinh Thánh và những áp dụng khả thi. Ông đưa ra một số lời khuyên để nói và giải thích văn bản.

Tối Chúa nhật đó, sau giờ chia sẻ tôi đã đi vào phòng tắm nhỏ bên cạnh nhà thờ, soi mặt mình trong gương và tự thấy xấu hổ với bản thân vì “bài giảng” của mình thật kinh khủng – và tôi mừng vì nó không được ghi lại.

Tôi không khuyên bạn nên xử lý tình huống theo cách đó, nhưng có một cái gì đó đẹp đẽ trong nó. Ông ấy biết rằng tôi sẽ để ý đến một hội thánh gồm những người mà tôi yêu quý và cũng yêu mến tôi – những người đã dạy tôi ở trong lớp trường Chúa nhật, lớp huấn luyện đặc biệt, các kỳ thi Kinh Thánh và lớp Thánh Kinh hè. Ông ấy biết tôi sẽ nhìn thấy những khuôn mặt quen thuộc của họ cười rạng rỡ với tôi, trấn an rằng họ luôn ở bên tôi cho dù tôi có nói lắp hay nói lạc đề như thế nào.

Ông ấy biết rằng sau đó họ sẽ khích lệ tôi và cầu nguyện cho tôi, bất kể bài giảng có tệ đến đâu. Và ông biết rằng chính sự hiện diện của cậu bé này trên bục giảng sẽ nhắc nhở hội chúng rằng phúc âm sẽ hướng tới tương lai – rằng Đức Chúa Trời vẫn đang “gửi ánh sáng đến” và kêu gọi những người được kêu gọi.

Trong khoảnh khắc đó, một điều gì đó đã xảy ra với tôi – vượt trên nội dung trên trang giấy hoặc cách tôi nói các từ đó. Trên thực tế, tôi không chắc mình có thể thực sự mô tả “thứ gì đó” đó là gì không nữa.

Qua nhiều năm, khi giảng dạy trong các lớp giáo lý hoặc phục vụ trong các nhóm mục sư, tôi thấy rằng vấn đề chính đối với hầu hết các sinh viên của tôi không phải là họ thiếu năng lực trong việc phân biệt lẽ thật trong Kinh thánh hoặc nói trước đám đông.

Tôi biết có một số nhà truyền giáo hiện tại đầy tham vọng không coi trọng Kinh Thánh hoặc trách nhiệm của việc giảng dạy. (Biết chứ? Tôi đã thấy rồi!) Nhưng điều đó hiếm khi xảy ra với hầu như bất kỳ ai tôi từng dạy. Thay vào đó, đối với một số người, xu hướng của họ là đối chiếu các bình luận, diễn giải Kinh Thánh và sau đó lập sơ đồ đoạn văn thành các điểm chính, điểm phụ và điểm phụ của điểm phụ.

Điều mà nhiều sinh viên đó cuối cùng bắt đầu nhận ra là thời điểm rao giảng không chỉ là tổng kết, tóm tắt các phần của nó. Và trong trường hợp tốt nhất, những người nghe chúng ta cũng nên chứng kiến điều tương tự. Đúng vậy, việc rao giảng, giảng dạy cần một người biết văn bản và có thể truyền đạt điều đó cho mọi người—nhưng nó không chỉ là việc truyền tải thông tin.

Nhà truyền giáo đang mang lại những tin tức tốt lành. Điều đó đúng ngay cả khi bài giảng nói về sự phán xét của Đức Chúa Trời. Sau khi Giăng Báp-tít nói với những người lắng nghe ông rằng họ là rắn lục nên chạy trốn cơn thịnh nộ sắp đến, trấu sẽ sớm bị đốt trong lửa không hề tắt, Lu-ca viết: “Giăng còn dùng những lời khuyên bảo khác để rao giảng Tin Mừng cho dân” (3 :18).

Khi bạn nghe một bài giảng, bạn không đang nghe tương đương với một bài phát biểu đầy động lực hay thậm chí là một buổi hội thảo về Kinh Thánh, thần học hay đạo đức. Một chương trình AI có khả năng sẽ làm được tất cả những điều đó – thậm chí nó có thể đặc biệt chú ý đến truyền thống giáo lý, liên kết giáo phái và bản dịch Kinh thánh ưa thích.

Vì Chat GPT có thể sao chép cách viết của Ernest Hemingway hoặc William Shakespeare theo lệnh đưa ra, nên không có lý do gì mà Chat GPT không thể làm theo hướng dẫn để viết một bài giảng theo phong cách của Charles Spurgeon, John Piper hoặc Joel Osteen.

Với hội thánh ở Cô-rinh-tô, sứ đồ Phao-lô viết về chính ông và những người theo ông như sau: “Vậy chúng ta là những đại sứ của Ðấng Christ, như thể Ðức Chúa Trời đang mời gọi qua chúng ta. Thay cho Ðấng Christ chúng tôi nài xin anh chị em: hãy làm hòa với Ðức Chúa Trời (2 Cô. 5:20). Khi chúng ta lắng nghe Lời Chúa được rao giảng, chúng ta không chỉ nghe một lời nói về Chúa mà còn nghe lời đến từ Chúa.

Đại sứ có thể cắt xén thông tin liên lạc từ đại sứ quán? Chắc chắn rồi. Chẳng lẽ có một nhà ngoại giao vô đạo đức nào đó lại viết lại bức điện tín? Chuyện đó xảy ra hoài. Và đó là lý do tại sao hội chúng cần nền tảng Kinh Thánh và sự khôn ngoan của Đức Thánh Linh để xem xét cẩn thận về sứ điệp được rao ra.

Sức hấp dẫn của việc rao giảng Lời Chúa không giống như việc thu thập dữ liệu và trình bày nó. Tốt nhất, chúng ta hãy nghe với tư cách là khán giả đang nghe từ một người cùng hội, một tội nhân đã được cứu chuộc, một người cũng đã phải vật lộn với phân đoạn Kinh Thánh đó. 

Khi chúng ta lắng nghe, chúng ta không giống như những nhà nghiên cứu đang tìm kiếm thông tin mà giống như cha mẹ của một người lính mất tích đang chờ vị sĩ quan ở cửa để báo tin tức về con mình.

Trên thực tế, khó khăn thậm chí còn lớn hơn – Tin Mừng thậm chí còn vui hơn.

Dù thông điệp truyền đến là “Con của ông bà đã được tìm thấy và còn sống” hay “Con của ông bà đã qua đời” thì nó đều hoàn toàn có thể làm đảo lộn cuộc sống của các bậc phụ huynh đó. Từ ngữ của thông điệp quan trọng ở một mức độ nào đó. Nhưng vấn đề ở đây là loại thông tin này không nên truyền đến bằng văn bản hoặc email. Những tin tức thay đổi cuộc sống như vậy cần phải được mang đến bởi một con người, cách trực tiếp.

Một chatbot có thể làm nghiên cứu. Một chatbot có thể viết. Có lẽ một chatbot thậm chí có thể diễn thuyết. Nhưng một chatbot không thể rao giảng.

 

Bài: Russell Moore; dịch: AbbyAbby
(Nguồn: christianitytoday.com )


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *