Hãy buông bỏ thần tượng ẩn giấu trong lòng

Oneway.vn – Chỉ duy Chúa mới xứng đáng ngự trị lòng tôi. Bất cứ điều nào khác ngoài Ngài đều là giả, rẻ rúng, và bất lực.

Tôi luôn nghĩ mình hiểu về cuộc sống. Lúc nhỏ, tôi chắc chắn mình sẽ hiểu hết mọi thứ trước khi bước sang tuổi 18. Tôi chắc chắn ở tuổi trưởng thành kỳ diệu đó, tôi sẽ biết chính xác mình cần phải làm gì để có một cuộc sống hoàn hảo.

Lúc đó, tôi hình dung ra bản thân khi trưởng thành sẽ là một người suy nghĩ độc lập, luôn tin chắc vào quan điểm của mình. Tôi sẽ kết hôn và có vài đứa con, cũng sẽ không bao giờ bị bối rối hay không biết phải làm gì với các tình huống phát sinh trong cuộc sống hàng ngày.

Tôi cho rằng các quyết định của tôi, bạn bè thân thiết và những người quen sẽ đảm bảo cho tôi một tương lai như thế. Đó là định nghĩa của tôi về đời sống thành công, và tôi tôn thờ nó.

 

Chuyện xưa, rất xưa

Chúng tôi học về I Sa-mu-ên mỗi tối thứ Tư trong Hội Thánh. Tuần trước, chúng tôi đã học về một trong những câu chuyện yêu thích của tôi trong Cựu Ước: Sau khi dân Phi-li-tin đánh bại dân Y-sơ-ra-ên, thần của dân Phi-li-tin đã ngã xuống trước Hòm Giao Ước của Đức Giê-hô-va.

Sau khi chiếm được Hòm Giao Ước từ trận chiến, dân Phi-li-tin đã đem Hòm đặt trong đền thờ của Đa-gôn. Dân Y-sơ-ra-ên, bị đả kích trước thất bại vừa rồi, đã thiếu thận trọng và khinh dể Chúa mà đem chiếc Hòm ra trận như một loại bùa hộ mệnh để không bị thiệt hại thêm nữa. Dân Phi-li-tin run sợ vì biết Đức Giê-hô-va đã từng đánh đuổi quân Ai Cập ra khỏi Y-sơ-ra-ên thể nào, chúng sợ liệu Hòm Giao Ước có phải là báo hiệu cho cái chết của chúng hay không.

Nhưng Đức Chúa Trời không phải là thần đèn để làm theo ý nguyện của con người. Dù Hòm Giao Ước đại diện cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời với dân sự Ngài, nhưng Ngài không bao giờ bị cầm buộc trong đó. Bất chấp sự tự tin của dân Y-sơ-ra-ên (và nỗi sợ hãi của dân Phi-li-tin), quân đội của dân ngoại này đã chiếm được Hòm và giết các thầy tế lễ bất trung khiêng nó.

Nếu câu chuyện này là truyền thuyết hoặc truyện ngụ ngôn Aesop thì sẽ có kết thúc thế này. Dân Y-sơ-ra-ên ngu dại đã đánh mất Hòm vì chính sự háo thắng của họ. Hết phim. Kết truyện. Đến phần bài học đạo đức và chuyển sang phần khác.

Nhưng “kịch hay vẫn chưa hết”.

Dân Phi-li-tin đã chiếm được Hòm và để bên cạnh tượng thần Đa-gôn của họ. Sáng hôm sau, các thầy tế lễ của Đa-gôn thấy tượng ngã sấp mặt xuống đất trước chiếc Hòm. Trong sự kinh ngạc, các thầy tế lễ của Đa-gôn đã đem nó đặt lại chỗ cũ.

Nhưng hôm sau, mọi thứ còn tệ hơn. Đa-gôn không chỉ ngã sấp mặt xuống đất một lần nữa, mà đầu và cả hai tay của nó đều bị rơi ra nằm trên ngưỡng cửa đền thờ.

Bài học từ câu chuyện này rất rõ ràng: Đức Chúa Trời của toàn cõi vũ trụ này chiến đấu cho các trận chiến của Ngài.

 

“Cây đà trong mắt mình”

Hãy lưu ý cách người Phi-li-tin phản ứng trước sự bất lực của thần tượng họ. 

Liệu họ có nhận ra rằng Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên vừa đánh bại thần tượng bé nhỏ của họ không? Họ có chạy đến với dân Y-sơ-ra-ên để tìm câu trả lời cho việc bước theo Đức Chúa Trời vĩ đại không?

Trước giả sách I Sa-mu-ên viết rằng một thời gian rất lâu sau việc Đa-gôn ngã xuống, các thầy tế lễ Phi-li-tin mỗi khi vào đền thờ đã cung kính bước qua ngưỡng cửa chứ không giẫm lên nó. Họ tôn kính nơi thần tượng của họ bị sỉ nhục. Họ không hiểu vấn đề. Lẽ ra họ nên quăng thần tượng đó xuống sông, nhưng không, họ đã đặt nó lại chỗ cũ và tiếp tục thờ lạy.

Chúng ta có thể chỉ trích dân Phi-li-tin thờ thần tượng cách mù quáng. Nhưng có một câu nói thế này: “Khi bạn giơ một ngón tay chỉ trích người đối diện, hãy nhớ ba ngón tay kia đang hướng về phía mình”. Tôi đang thờ phượng ai hoặc điều gì? Bạn đang thờ phượng ai? 

Chúng ta nói rằng chúng ta đang thờ phượng Đức Chúa Trời chân thần, là Đấng đã đánh bại quân Ai Cập và các kẻ thù mạnh bạo hơn nhiều. Nhưng Ngài có phải là Đấng duy nhất mà chúng ta thờ phượng không? Hay chúng ta tìm đến các thần tượng giả để đáp ứng nhu cầu của mình?

Kế hoạch nghề nghiệp. Mục đích sống. Bản sắc hoặc quan điểm chính trị. Giải trí. Sự chấp nhận của người khác. Kế hoạch riêng của chúng ta cho tương lai.

Chúng ta tự làm cho mình nhiều thần tượng.

 

Chất thêm gánh nặng

Từ “thần tượng” xuất hiện 157 lần trong Kinh Thánh (Bản dịch ESV). Dân Phi-li-tin không phải là dân duy nhất thờ thần tượng giả. 

Trong sách Ê-sai, Đức Chúa Trời nhắc nhở dân sự Ngài rằng các thần tượng đó được làm bằng gỗ — chúng câm điếc. Còn dân Phi-li-tin, thần tượng của họ cũng không còn tay và đầu khi ở trước mặt Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên.

Đức Chúa Trời bảo Giê-rê-mi hãy nhắc dân sự nhớ rằng các thần tượng này thậm chí cần được khiêng. Các thần tượng mà người ta nương nhờ mong được dẫn dắt và ban cho chiến thắng đó, thực ra đã chất thêm gánh nặng cho những ai thờ phượng chúng.

Những người thờ các thần tượng đó mong chúng sẽ cho họ chiến thắng và thành công, nhưng rốt cuộc họ chỉ thấy nặng nề, mệt mỏi thêm. 

Chúng ta tìm đến các thần tượng giả để mong khỏa lấp và thỏa mãn chính mình, nhưng đổi lại là gì? Sự căng thẳng, bận rộn, thất vọng. 

Chúng ta đã nhận được gì khi đặt lòng tin nơi người khác hoặc nơi khả năng tự chăm lo kém cỏi của mình? Không những các thần tượng đó không làm chúng ta thỏa mãn mà chúng còn khiến chúng ta trở nên tồi tệ hơn so với khi chưa có chúng.

 

Ứng dụng cá nhân

Câu chuyện về dân Phi-li-tin nhắc nhở tôi rằng bất kể tôi nghĩ các thần tượng giả có thể làm được gì cho tôi, thì chỉ duy Đức Chúa Trời chân thần mới xứng đáng để tôi thờ phượng và trao trọn lòng thành. 

Chỉ duy Đức Chúa Trời mới cứu tôi. 

Chỉ duy Đức Chúa Trời mới hứa chăm sóc, dẫn dắt chúng ta vượt qua mọi thử thách, đồng hành với chúng ta và dắt đưa chúng ta trở về nhà và ở với Ngài mãi mãi.

Vậy nên, tại đây tôi buông bỏ hết mọi thần tượng giả của mình. Theo sau đó là mọi lo âu, căng thẳng, gánh nặng mà tôi đã miệt mài gắng sức dựng lên. 

 

Bài: Lauren Dunn; dịch: Ruth

(Nguồn: boundless.org)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *