3 lẽ thật cho “người chăn bầy” đang nặng gánh

Oneway.vn – Họ cần thấy mục sư cũng đang hoàn thiện mỗi ngày chứ không phải đã là một người hoàn hảo.

Theo ước tính có hơn 4 tỷ người theo dõi tang lễ của Nữ hoàng Elizabeth II. Khi những người khiêng quan tài đặt nó lên vai, tôi chợt nghĩ chắc họ run sợ lắm. Làm bất cứ điều gì trước quy mô khán giả toàn cầu như vậy là đủ đáng sợ, nhưng họ đang nâng vị quân vương quá cố, vương miện, quả cầu và quyền trượng hoàng gia lên. Thật khó có thể tưởng tượng ra được một vật nặng quý giá nào khác hơn để mang.

Nhưng có một gánh nặng thậm chí còn khó mang hơn: trách nhiệm chăn dắt con dân Chúa. Sức nặng của nó có thể làm chúng ta dấy lên lòng tự cao hoặc làm chúng ta khiếp sợ. 

Chúng ta có thể học biết sự khiêm nhường và được khích lệ khi suy ngẫm về ý nghĩa của việc Chúa Jêsus là Người Chăn Nhân Lành. 

Sự hiện đến của Ngài như một vị lãnh đạo hoàn hảo cho dân sự Ngài, đã cung cấp cho chúng ta ba điều cốt lõi để có lối suy nghĩ lành mạnh về người lãnh đạo.

 

1. Chiên thuộc về Chúa

Trong Ê-xê-chi-ên đoạn 34, Đức Chúa Trời quở trách những người chăn gian ác. 

Ngài gọi dân Ngài là “chiên Ta” trong câu 5 và Ngài tiếp tục gọi như vậy cho đến hết đoạn. 

Đây là nền tảng cho một chức vụ lành mạnh. Rất dễ để gọi một hội thánh nào đó là “hội thánh của Mục sư nào đó”. Suy cho cùng, Phao-lô cũng hay nói “của tôi” (Rô-ma 11:13, II Ti. 4:11) hoặc “chức vụ của chúng tôi” (II Cô. 3:3, 6:3), nhưng dân sự ở dưới sự lãnh đạo của mục sư căn bản không phải là dân sự “của ông” mà là của Chúa. Mỗi tín hữu mà chúng ta biết đều thuộc về Chúa.

Phao-lô nhấn mạnh điều này khi ông căn dặn các trưởng lão Ê-phê-sô “hãy chăn dắt Hội Thánh của Đức Chúa Trời mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình (Công. 20:28). 

Phao-lô không chỉ nhấn mạnh quyền sở hữu bầy chiên của Đức Chúa Trời mà còn nhấn mạnh đến cái giá không tưởng để chuộc mua họ. Thân thể Hội Thánh là vô giá đối với Đức Chúa Trời.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Phao-lô cũng thừa nhận chức vụ của ông là đến từ Chúa: Miễn sao hoàn tất cuộc đua và chức vụ tôi đã nhận lãnh nơi Chúa là Đức Chúa Jêsus (câu 24). Một lần nữa, chúng ta cần cẩn trọng trong góc nhìn của mình. Công tác chăn bầy là của Chúa.

 

2. Đức Chúa Trời là Đấng Chăn Chiên tối cao

Phi-e-rơ kêu gọi các lãnh đạo Hội Thánh “hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em” đồng thời nhắc họ rằng một ngày nào đó “Đấng Chăn Chiên tối cao” sẽ xuất hiện (I Phi. 5:2–4). 

Thẩm quyền của một mục sư lãnh đạo Hội Thánh không phải là cao nhất. Mục sư ở đó để hầu việc Người Chăn thật. Bất kể sơ đồ tổ chức của Hội Thánh có nói điều gì, Chúa Jêsus mãi luôn là Mục sư trưởng của Hội Thánh.

“Bất kể sơ đồ tổ chức của Hội Thánh có nói điều gì, Chúa Jêsus mãi luôn là mục sư trưởng của Hội Thánh”.

Có khiêm nhường như vậy, chúng ta mới an tâm. Vì nếu Đức Chúa Trời là Đấng Chăn Chiên tối cao, thì tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Mục sư có trách nhiệm quan trọng nhưng không phải là người chịu trách nhiệm chính

Là một mục sư, không gì tốt hơn việc tôi dẫn chiên đến với tiếng phán của Chúa Jêsus. Khi tôi đưa ai đó đến với Lời Ngài và được Ngài dẫn dắt, tôi được vững lòng vì biết mình đang trung tín với Chúa.

Một điều quan trọng khác về sự trung tín đó là đảm bảo sự lãnh đạo của tôi phản ánh sự lãnh đạo của Ngài. Nếu Chúa Jêsus là Người Chăn Nhân Lành, thì chúng ta, những người chăn phụ, phải lãnh đạo giống như Ngài. 

Trung tín không chỉ là việc chúng ta giảng đúng Kinh Thánh mà còn là cử chỉ, giọng điệu và cách hành xử đúng đắn.

Mục sư như là hình ảnh phản chiếu để mọi người nhìn biết Chúa Jêsus là ai. Mọi người có thể sẽ ghi nhớ tấm lòng của Đấng Christ dành cho họ thông qua những gì họ cảm nhận được từ tấm lòng của mục sư. Khi ai đó biết chúng ta, liệu họ có nghĩ Chúa Jêsus “hiền lành và khiêm nhường” không? Hay Ngài “đòi hỏi và xa cách”? Hoặc “nóng tính và tách biệt”?

 

3. Mục sư vừa là người chăn vừa là chiên

Mục sư cũng là chiên, cũng là chiên trong bầy. Dù mục sư được trao trách nhiệm coi sóc bầy (I Tê. 5:12), nhưng đó không phải là mối quan hệ duy nhất của mục sư với bầy. 

Phi-e-rơ viết: “Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đang ở giữa anh em” (I Phi. 5:2). Bầy không chỉ “ở dưới bạn” mà còn “ở giữa bạn”; mục sư không chỉ ở trên mà còn ở với họ.

Vì mục sư là chiên, nên cũng đang từng bước tăng trưởng trong đời sống thuộc linh. 

Do đó, Phao-lô nói với Ti-mô-thê: “Đừng xao lãng ân tứ trong con, là ân tứ đã ban cho con qua lời tiên tri khi hội đồng trưởng lão đặt tay trên con. Hãy thực hành và chú tâm vào những việc nầy, để mọi người thấy sự tiến bộ của con” (I Ti. 4:14–15).

Ti-mô-thê vẫn cần phải tiến bộ. Chính Phao-lô cũng nói: “Ấy không phải là tôi đã đoạt giải, hoặc đã trở nên toàn hảo rồi đâu, nhưng tôi đang theo đuổi để đoạt cho được” (Phi-líp 3:12). 

Tiến trình nên thánh của ông vẫn chưa hoàn tất, nên ông vẫn đang “theo đuổi”. Mọi môn đồ thật đều biết hành trình của mình còn rất dài—kể cả các mục sư. 

Mục sư không nên giấu Hội Thánh về tiến trình tăng trưởng liên tục của mình. Họ cần được thấy mục sư cũng đang hoàn thiện mỗi ngày chứ không phải đã là một người hoàn hảo. Mục sư vẫn đang học hỏi, tiến bộ và tăng trưởng trong đời sống lẫn giáo lý.

“Họ cần thấy mục sư cũng đang hoàn thiện mỗi ngày chứ không phải đã là một người hoàn hảo”.

Điều này có nghĩa là mục sư phải liên tục bày tỏ sự ăn năn. 

Một mục sư mà tôi biết có lần đã xưng nhận trong bài giảng rằng ông đã bực bội thế nào trên đường lái xe đến Hội Thánh sáng hôm đó – ông thấy bị cáo trách bởi câu Kinh Thánh mình đang giảng. 

Một mục sư khác—lúc còn độc thân—xưng nhận rằng khi bạn của ông quan hệ trước hôn nhân, ông cảm thấy đau xót cho người bạn đó nhưng cũng có chút ghen tị. Trong mỗi trường hợp trên, việc xưng nhận đều phù hợp với sứ điệp và cách chúng được nêu ra.

Có thể có những lúc mục sư cần phải xin lỗi Hội Thánh. Điều đó sẽ làm tổn thương cái tôi của mục sư, nhưng nó sẽ giúp Hội Thánh tin chắc rằng mục sư của họ là Cơ Đốc nhân thật và mục sư cũng như họ, cũng đang cố gắng chết với tội lỗi và theo đuổi sự thánh khiết. Nó cũng giúp những người khác dễ xưng tội mình ra và ăn năn hơn.

Phi-e-rơ đưa ra giải pháp cho chức vụ lạm quyền: “Không dùng quyền uy cai trị những người được giao cho mình, nhưng làm gương tốt cho cả bầy” (I Phi. 5:3). 

Điều khiến cho mục sư có ảnh hưởng trên bầy không phải là cá tính mạnh mẽ mà là tấm gương chân thật. Nó sẽ trở nên một nguồn động lực mạnh mẽ trong Hội Thánh.

Công tác chăn bầy của Đức Chúa Trời sẽ quá sức với chúng ta nếu Đức Chúa Trời – Người Chăn Nhân Lành không thêm sức cho chúng ta. Mọi điều khác mà chúng ta nghĩ về chức vụ chăn bầy nên xuất phát từ lẽ thật này.

 

Bài: Sam Allberry; dịch: Ruth

(Nguồn: thegospelcoalition.org)


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *