Oneway..vn – Khi bản thân ở trong một hoàn cảnh tốt và có tâm trạng tốt, chúng ta có thể dễ dàng nghĩ đến và quan tâm người khác. Còn nếu bản thân đang có chuyện buồn, thường thì chúng ta chỉ hướng suy nghĩ đến chính mình.
Nhưng với tấm lòng thương xót, Chúa Jêsus luôn vượt trên hoàn cảnh của bản thân để thể hiện tình yêu thương đối với những ai đang có cần.
“Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, nhưng người đau ốm mới cần. Hãy đi, và học cho hiểu ý nghĩa câu nầy: ‘Ta muốn lòng thương xót hơn sinh tế.’ Vì Ta đến không phải để gọi người công chính, nhưng gọi kẻ có tội.” (Ma-thi-ơ 9:12-13)
Chúa Jêsus Giê-xu đang trải qua một ngày mà theo cách gọi thông thường của chúng ta thì đó là một ngày không “may mắn” chút nào. Ngài mới vừa nhận được một tin là anh họ của Ngài, người đã dọn đường cho Ngài và làm phép báp-têm để Ngài thi hành chức vụ, Giăng Báp-tít, một tiên tri của Đức Chúa Trời đã bị giết cách không thương tiếc chỉ để làm trọn lời hứa của một vị vua hoang dâm vô đạo.
Dù Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời trọn vẹn nhưng Ngài cũng là con người trọn vẹn. Ngài cũng có đầy đủ xúc cảm như chúng ta. Ma-thi-ơ cho biết rằng, khi “Nghe tin ấy, Đức Chúa Jêsus xuống thuyền, rời chỗ nầy đi đến nơi hoang vắng” (Ma-thi-ơ 14:13a).
Tôi tin tất cả chúng ta cũng đều đã trải qua những hoàn cảnh tương tự như vậy khi sóng gió của thế gian này ập đến và những gì chúng ta muốn làm là rời khỏi hoàn cảnh đó, dành thời gian ở riêng một mình với Chúa.
Nhưng dân chúng không để cho Ngài ở riêng để bày tỏ niềm tiếc thương. Ma-thi-ơ ghi lại rằng, “Biết vậy, dân chúng từ các thành đi bộ theo Ngài” (Ma-thi-ơ 14:13b).
Chúa Jêsus hoàn toàn có thể yêu cầu Phi-e-rơ hay Gia-cơ đi ra nói với đám đông là Ngài cần một ngày nghỉ. Ngài có thể bảo Giăng nói với họ là Ngài đang có một ngày không vui, không thể thi hành chức vụ. Nhưng Kinh Thánh cho chúng ta biết thái độ của Chúa Jêsus: “Vừa ra khỏi thuyền, Đức Chúa Jêsus thấy đoàn dân đông thì cảm thương, và chữa lành cho những người bệnh.” (Ma-thi-ơ 14:14).
Trước đó, Chúa Jêsus đã bày tỏ cho các môn đồ biết tấm lòng của Đức Chúa Trời khi Ngài bảo họ:
“Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, nhưng người đau ốm mới cần. Hãy đi, và học cho hiểu ý nghĩa câu nầy: ‘Ta muốn lòng thương xót hơn sinh tế.’ Vì Ta đến không phải để gọi người công chính, nhưng gọi kẻ có tội’”. (Ma-thi-ơ 9:12-13)
Chúa Jêsus khẳng định rằng Đức Chúa Trời không chỉ thương xót tội nhân mà Ngài còn muốn chúng ta phải có tấm lòng thương xót như vậy. Ngài muốn biến đổi tấm lòng bằng đá của chúng ta, một tấm lòng đầy dẫy những thương tổn, phản bội, thù ghét, ích kỷ, thành ra tấm lòng bằng thịt, tấm lòng khao khát tìm kiếm Chúa, yêu mến Ngài và khiến thế giới nhận biết tình yêu ấy dù rằng chúng ta đang có một ngày “thiếu may mắn”.
Ngày hôm nay, hãy dành một ít thời gian cầu xin Chúa ban cho chúng ta tấm lòng thương xót đối với những người hư mất. Hãy cầu nguyện rằng với tấm lòng thương xót của mình, xin Chúa cho chúng ta có thể dự phần vào trong những gì Ngài đang làm để đem Tin Lành đến với những ai đang chịu thương tổn.
Hãy cầu nguyện xin tình yêu Chúa soi rọi tấm lòng chúng ta và chúng ta sẽ thương xót như Chúa thương xót những ai đang cần sự cứu rỗi.
Đó chính là tấm lòng của Đức Chúa Trời. “Vì vua sẽ giải cứu kẻ thiếu thốn khi họ kêu cầu và cứu giúp người khốn cùng không có ai giúp đỡ. Vua sẽ thương xót người thiếu thốn và kẻ thấp hèn và cứu mạng sống của người thiếu thốn” (Thi Thiên 72:12-13).
Dù ngày hôm nay của bạn có vui hay buồn, hãy đến thưa chuyện với Chúa, cầu xin Ngài ban cho bạn tấm lòng thương xót những người hư mất xung quanh mình. Xin Chúa ban cho bạn cơ hội để có thể bày tỏ tình yêu thương đối với họ cách thiết thực.
Bài: Retbone; dịch: T.P
(Nguồn: cbn.com)
Leave a Reply