Nguyền rủa kẻ thù

Oneway.vn – Chúng ta có nên rủa sả kẻ thù mình không?

Có một cái lỗ hình nắm đấm trên cánh cửa phòng ngủ thời thơ ấu của tôi. Nó đã ở đó khi mẹ và tôi chuyển đến, và tôi cũng sớm biết được nó dự báo cho những gì mà cha dượng tôi sắp sửa làm. Ngay cả khi đang viết những dòng này, dù đã ở riêng hơn hai thập kỷ, tôi vẫn cảm thấy sợ hãi.

Cha dượng tôi là chấp sự trong hội thánh địa phương của chúng tôi và được mọi người kính trọng. Ông đã đem nhiều người đến với Chúa Jêsus hơn tôi đã hoặc có thể sẽ làm được. Cơn giận bùng phát của ông không bao giờ phát tiết vượt khỏi khuôn khổ gia đình, vậy nên cũng dễ hiểu khi các lãnh đạo hội thánh nghĩ tôi là một đứa thiếu niên nổi loạn đang gây sự và gièm pha một người nam “tin kính”.

Tôi ra ở riêng trước khi tốt nghiệp trung học, và rồi ngay trước khi vào đại học, Đấng Christ đã kêu gọi tôi đến với Ngài. Tôi đã chất chứa nhiều nỗi giận dữ với cha dượng mình trong những năm đó và tất nhiên tôi chưa sẵn sàng để tha thứ. Vài năm sau, Chúa Jêsus đã dạy tôi yêu kẻ thù theo cách không ngờ nhất—đó là cầu nguyện theo những bài thi thiên nguyền rủa.

Nguyền rủa-gì?

“Nguyền rủa” là một cách nói hoa mỹ của “rủa sả”, và một thi thiên nguyền rủa là một “thi thiên rủa sả”. Chúng ta thường đọc thấy những lời cầu nguyện nguyền rủa trong Kinh Thánh, chẳng hạn như khi Nê-hê-mi nói ra một phiên bản tinh tế hơn của câu “Ta mà là cao su thì ngươi là keo dính” đó là: “Lạy Đức Chúa Trời của chúng con! Xin lắng nghe vì chúng con bị khinh dể. Xin đổ lời sỉ nhục của chúng trên đầu chúng và phó chúng làm của cướp trong xứ mà chúng bị bắt làm tù binh. Đừng khỏa lấp gian ác của chúng hay bôi xóa tội lỗi chúng khỏi trước mặt Chúa, vì chúng đã chọc giận Chúa trước mặt các thợ xây cất” (Nê. 4:4–5).

“‘Nguyền rủa’ là một cách nói hoa mỹ của ‘rủa sả’ và một thi thiên nguyền rủa là một ‘thi thiên rủa sả’”.

Phao-lô cũng không phản đối việc rủa sả: “Nếu có ai không kính yêu Chúa thì phải bị a-na-them!” (I Cô. 16:22). Thậm chí chính Chúa Jêsus cũng nói “khốn” cho các thầy thông giáo, người Pha-ri-si (Ma-thi-ơ 23) và Giu-đa (26:23–24).

Hãy lưu ý rằng Nê-hê-mi cầu nguyện chống lại San-ba-lát và Tô-bi-gia, là các kẻ thù khét tiếng của dân sự Chúa tại Giê-ru-sa-lem. Phao-lô cầu nguyện nghịch cùng những kẻ xây bỏ Chúa, và Chúa Jêsus giáng họa trên những kẻ được cho là bại hoại nhất trong Phúc Âm. Nếu chúng ta có khuynh hướng xem “rủa sả” như sự trả thù cá nhân, thì các thi thiên nguyền rủa sẽ định hướng lại sự hiểu biết của chúng ta. Các thi thiên nguyền rủa không phải là những lời cầu nguyện nhỏ nhen. “Những thi thiên nguyền rủa” này là “những thi thiên công lý”, là những lời cầu nguyện xin Chúa thực hiện điều Ngài đã phán hứa: phán xét công minh trên đất.

Công lý cho người yếu thế

Nằm trong hàng loạt luật lệ dài để cai trị nước Y-sơ-ra-ên mới thành lập là một phân đoạn quan trọng giúp chúng ta hiểu được lòng quan tâm của Chúa dành cho những người yếu thế và dễ bị ức hiếp.

Con chớ nên bạc đãi hay áp bức người tha hương vì các con đã từng là kẻ tha hương trên đất Ai Cập. Các con chớ ức hiếp bất cứ một bà góa hay một trẻ mồ côi nào. Nếu cứ ức hiếp họ, và họ kêu van Ta, Ta chắc chắn sẽ nghe tiếng kêu của họ; cơn giận của Ta sẽ bừng lên, Ta sẽ dùng gươm giết các con; vợ các con sẽ trở nên góa bụa và con các con sẽ mồ côi. (Xuất. 22:21–24)

Chúa không phán rằng Ngài sẽ quở trách những người yếu thế vì đã kêu xin chống lại kẻ thù; mà Ngài phán rằng Ngài “chắc chắn sẽ nghe tiếng kêu của họ” và nhậm lời họ để phán xét. Lời rất mạnh đến từ Đấng Tạo Hóa vũ trụ.

Ở các nước lân cận, ba nhóm người mà Chúa đề cập tại đây—người tha hương, bà góa và trẻ mồ côi—đều thiếu vắng người chủ gia đình hay một người bà con cứu chuộc để bảo vệ họ. Họ hoàn toàn đơn độc trong các xã hội mà “mạng lưới an toàn” chỉ dành cho những người thuộc bà con họ hàng. Song bằng cách ban hành luật này, Chúa đã thiết lập Y-sơ-ra-ên trở thành một kiểu xã hội khác, một xã hội bảo vệ những người yếu thế. Và nếu dân Ngài không vâng giữ luật pháp, thì Chúa hứa chính Ngài sẽ bênh vực những người yếu thế.

Công lý bắt nguồn từ Lời Chúa

Các phân đoạn khác trong Kinh Thánh cũng thể hiện mỹ đức công lý của Chúa. Chúng ta xem thấy công lý của Ngài trong Sáng Thế Ký 3 với con rắn, A-đam và Ê-va; trong Sáng Thế Ký 6 với trận lụt; và Sáng Thế Ký 11 với việc tản ra khắp đất tại Ba-bên. Trong Sáng Thế Ký 18, Áp-ra-ham kêu cầu công lý của Chúa khi cầu nguyện cho Sô-đôm và Gô-mô-rơ: “Đấng phán xét toàn thế gian lại không thực thi công lý sao?” (c. 25). Thi Thiên 58 kết thúc với câu trả lời cho câu hỏi của Áp-ra-ham: “Thật, Đức Chúa Trời đang phán xét trên đất” (c. 11).

Để chúng ta không nghĩ rằng công lý chỉ xuất hiện trong Cựu Ước, sứ đồ Phao-lô chỉ rõ công lý của Đức Chúa Trời đã được thực hiện trên thập tự giá, mang đến “ân phúc của Ngài, đó là một quà tặng. . . . Thượng Đế làm như thế để tỏ ra sự công chính [công lý] của Ngài, như xưa kia Ngài bỏ qua tội lỗi mà con người đã phạm”. Và tại sao xưa kia Ngài bỏ qua tội lỗi mà con người đã phạm? Vì “ngày nay Thượng Đế đã ban Chúa Jêsus để chứng tỏ điều Ngài làm là đúng. Như vậy, Ngài có thể xét xử công bình và hòa thuận lại với người nào đặt niềm tin mình nơi Chúa Jêsus” (Rô. 3:24–26 – BPT).

Vậy, việc cầu nguyện kêu cầu công lý bắt nguồn từ Kinh Thánh, trong đó chúng ta thấy Chúa bày tỏ công lý của Ngài qua ba cách. Trước tiên, Chúa mời gọi những người yếu thế và dễ bị ức hiếp trình dâng những lời than van lên cho Ngài. Thứ hai, Ngài tỏ ra rằng Ngài sẽ phán xét những kẻ làm ác. Thứ ba, Ngài đã tuôn ban công lý đầy vinh hiển trên thập tự giá để cứu rỗi chúng ta.

Cầu nguyện kêu cầu công lý để chúng ta có thể yêu thương kẻ thù mình

Công lý của Chúa trên thập tự giá đưa chúng ta đến mấu chốt của vấn đề: Chúng ta có nên rủa sả kẻ thù mình không? Chẳng phải Chúa Jêsus phán dạy chúng ta hãy yêu kẻ thù mình sao?

Thậm chí khi chúng ta nghĩ rằng những thi thiên nguyền rủa là những thi thiên công lý, thì thực tế chúng vẫn những lời cầu xin báo trả, để kẻ ác phải lãnh hậu quả, sự phán xét của Chúa—chứ đa phần không phải là sự tha thứ của Ngài. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, việc kêu cầu công lý của Chúa khi không còn ai giúp đỡ đã giúp tôi được tự do yêu thương và không còn oán giận cha dượng nữa. Thay vì cứ nuôi cơn giận, khiến cho vết thương mãi không thể lành, thì Thi Thiên 58 và 109 đã dạy tôi đem sự bất công đó đến với Chúa và tin cậy Ngài sẽ thực thi công lý (Rô. 12:19).

“Kêu cầu công lý của Chúa khi không còn ai giúp đỡ đã giúp tôi được tự do yêu thương cha dượng”.

Để trả lời câu hỏi này cách ngắn gọn thì: Phải, Cơ Đốc nhân ngày nay có thể và nên cầu nguyện theo những bài thi thiên nguyền rủa.

Những thi thiên này, với tiếng kêu xin báo thù và công lý, chỉ cho chúng ta, những người phàm, cách để từ bỏ quyền báo thù và tin cậy Chúa. Chúng là kiểu mẫu của lời cầu nguyện tuy thô mà thật thể hiện lòng tin cậy sắt son và vững vàng nơi Chúa là Đấng “công chính và xưng công chính” (Rô. 3:26). Chúa vui lòng nghe những lời cầu nguyện ấy, và Ngài sẽ nhậm lời trong đời này hoặc đời sau. Chúng ta sẽ có cái nhìn đúng về những tổn hại mà người khác gây ra cho chúng ta khi chúng ta nhận ra rằng công lý chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

 

Bài: Russell L. Meek; dịch: Ruth


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *