10 nguyên tắc ca hát trong Hội Thánh (P.1)

Oneway.vn – Đôi khi tôi muốn hỏi các Cơ Đốc nhân bảo thủ: “Bạn thực sự nghĩ rằng bài hát ca ngợi Chúa hay nhất đã được viết xong rồi sao?”

Trong giờ thờ phượng sáng Chúa Nhật, các Hội Thánh có vô số bài Thánh Ca để lựa chọn. Tuy nhiên, quá nhiều lựa chọn thường hay dẫn đến xung đột. Có muôn vàn câu hỏi nảy ra: chúng ta nên hát bài nào? Thánh Ca hay Biệt Thánh Ca? Tiết tấu nhanh hay chậm? Nên sử dụng loại nhạc cụ nào? Bài hát có phù hợp bối cảnh không? 

Tuy không thể trả lời tất cả những câu hỏi đó, nhưng có một số nguyên tắc chung để đưa ra quyết định sáng suốt khi chọn Thánh Ca thờ phượng. Sau đây là 10 nguyên tắc mà Hội Thánh có thể tham khảo:

1. Lời ngợi khen đẹp lòng Chúa phải đong đầy tình yêu thương

Có nhiều điều quan trọng hơn việc chúng ta hát bài nào. Không phải âm nhạc – chỉ có thập tự giá, vinh quang của Đấng Christ, sự uy nghi của Đức Chúa Trời, và tình yêu thương mới có thể gắn kết chúng ta lại với nhau. Nhưng ngay cả khi hoàn toàn tập trung vào Phúc Âm, Hội Thánh vẫn có thể bất đồng về âm nhạc. Vì vậy, tình yêu thương là điều không thể thiếu khi chúng ta ca ngợi Chúa và chọn Thánh Ca phù hợp.

Mục sư John Calvin từng nói: 

“Chúa không muốn dùng kỷ luật và lễ nghi bề ngoài để quy định chi tiết những việc chúng ta phải làm, nên chúng ta phải dựa vào những quy tắc chung mà Ngài đã đưa ra, để đảm bảo rằng mọi lễ nghi của Hội Thánh phải đáp ứng được những quy tắc này. Cuối cùng, bởi vì Ngài không dạy cụ thể về vấn đề này, việc này cũng không ảnh hưởng đến sự cứu rỗi, và để xây dựng Hội Thánh phù hợp với phong tục của mỗi quốc gia, mỗi thời đại, nên Hội Thánh có thể thay đổi và bãi bỏ các tập tục xa xưa và thiết lập những quy định mới. Chúng ta không nên lao vào đổi mới một cách hấp tấp, đột ngột mà không có lý do chính đáng. Nhưng tình yêu thương sẽ phán đoán chính xác điều gì giúp gây dựng, điều gì khiến bất hòa; và nếu chúng ta để tình yêu thương dẫn đường cho mình, mọi việc sẽ bình an.” 

Trước khi chúng ta phán xét những bài Thánh Nhạc mà các tín đồ khác yêu thích, hãy nhớ lời chia sẻ của C.S. Lewis. Hãy lắng nghe một trong những Cơ Đốc nhân nổi tiếng nhất thế kỷ nói về ấn tượng ban đầu của ông đối với Nhạc Thánh:

“Tôi rất ghét những bài Thánh Ca Cơ Đốc, nghe cứ như kiểu âm nhạc lỗi thời. Nhưng càng đi sâu, tôi càng thấy được giá trị to lớn của những lời ca ấy. Tôi đã đối đầu với nhiều người, nhiều quan điểm và trình độ khác nhau, thế là dần dần tính tự phụ của tôi bắt đầu rơi rụng. Khi nhìn sang bên kia băng ghế, chứng kiến một cụ ông cao tuổi đi đôi giày đã sờn, hát vang những bài Thánh Ca tôi vốn xem thường ấy bằng cả tấm lòng thành kính và gây dựng của ông, tôi chợt nhận ra rằng mình còn không đủ tư cách để lau chùi đôi giày đó. Thánh ca giúp bạn thoát khỏi cái vỏ tự phụ đơn độc của mình.”

Hãy thử tưởng tượng nếu Sứ đồ Phao-lô viết thư cho Hội Thánh ngày nay, ông sẽ nói gì về cách thờ phượng của chúng ta. “Nếu tôi hát theo phong cách tuyệt vời nhất, nhưng không có tình yêu thương, tôi cũng chỉ là một cái trống khua loảng choảng hay một cây đàn réo rắt chói tai. Nếu tôi có năng khiếu cảm thụ nhạc và thưởng thức những bài Thánh Ca du dương nhất, nhưng không có tình yêu thương, tôi cũng chẳng là gì cả. Nếu tôi phân biệt được giai điệu hay và lời nhạc hay, nhưng không có tình yêu thương, tôi cũng chẳng mang đến gì cả”. Nguyên tắc đầu tiên để hát và chọn âm nhạc Thờ Phượng chính là tình yêu thương.

2. Ca ngợi vì vinh hiển Đức Chúa Trời và để gây dựng Thân Thể Đấng Christ

Chúa là Đấng chúng ta muốn tôn vinh nhất. Mục tiêu đầu tiên của chúng ta không phải là chinh phục văn hóa đương thời hay thu hút những người chưa tin. Thờ phượng là công việc dâng lên cho Đấng xứng đáng được thờ phượng.

Bên cạnh đó, sự gây dựng là một động cơ không kém phần quan trọng. Việc hát thờ phượng sáng Chúa nhật phải mang lại khích lệ cho dân sự Chúa. Đây là cách đáp ứng hợp lý cho lời nhắc nhở của Sứ đồ Phao-lô trong 1 Cô-rinh-tô 14. Đây cũng là một phần của việc dạy dỗ và khuyên nhủ lẫn nhau bằng những bài Thi Thiên, Thánh Ca và Linh Khúc (Cô-lô-se 3:16). 

Đừng bao giờ nghĩ biến âm nhạc thành một phần mở đầu thú vị cho bài giảng. Trước khi có ý định sử dụng một bài hát nào đó, hãy cân nhắc xem lời hát ấy có góp phần gây dựng thân thể của Đấng Christ hay không.

Hát ca ngợi là một phần trong chức vụ giảng dạy của Hội Thánh. Các nhạc sĩ và Mục sư nên tự hỏi: nếu tín đồ học hỏi về thần học từ các bài hát của mình, thì trong hai mươi năm nữa họ sẽ biết gì về Chúa, thập tự giá, sự Phục sinh, chức vụ của Đấng Christ, Đức Thánh Linh, Đức Chúa Trời Ba Ngôi, sự sáng tạo, sự xưng công bình, sự tuyển chọn, tái sinh, Hội Thánh, các Thánh lễ, và tất cả các giáo lý cơ bản khác của đức tin?

3. Hãy hát cho Chúa những bài ca mới

Đó chẳng phải là một mệnh lệnh sao? 

Mệnh lệnh mà chúng ta vẫn chưa thực hiện xong? Vẫn còn những bài ca mới chưa được hát lên cho Chúa. 

Điều gì sẽ xảy ra nếu Hội Thánh quyết định ngừng hát những bài ca mới vào thế kỷ 15? Chúng ta sẽ không có bài Thánh Ca “Chúa vốn bức thành kiên cố”. 

Điều gì sẽ xảy ra nếu Cơ Đốc nhân ngừng sáng tác những bài ca mới từ thế kỷ 16? Sẽ chẳng có “Jêsus Đấng hằng yêu thương tôi” của nhạc sĩ Charles Wesley, hay “Ta bước lên Si-ôn” của Isaac Watts. Nếu thế thì thật đáng tiếc làm sao!

Đôi khi tôi muốn hỏi các Cơ Đốc nhân bảo thủ: “Bạn thực sự nghĩ rằng bài hát ca ngợi Chúa hay nhất đã được viết xong rồi sao?”

4. Mỗi Hội Thánh nên giữ gìn một truyền thống ca ngợi riêng

Đúng là chúng ta nên “bơi” trong đại dương Thánh Nhạc mênh mông, với những làn sóng mới liên tục vỗ bờ. Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu chính Hội Thánh mình – là một phần của đại dương Thánh Nhạc Cơ Đốc bao la này.

Thật ngạc nhiên khi chứng kiến nhiều Hội Thánh hoàn toàn bước ra khỏi đại dương những bài Thánh Ca truyền thống và bước vào một vũng nước nông chỉ toàn những bài Biệt Thánh Ca đương đại. Tôi không có ý nói những bài mới hơn không hay bằng những bài cũ. Tôi muốn nói rằng đây là một biểu hiện của sự kiêu ngạo và lạc lối, khi nghĩ rằng chúng ta không nhận được gì từ những bài hát cũ, và chẳng mất gì khi chúng ta loại bỏ những bài hát mà Cơ Đốc nhân đã hát hàng trăm năm.

Hãy nghĩ về những gì bạn nhận được từ một bài Thánh Ca:

  • Mối liên kết với lịch sử. Chưa nói đến thế giới, con dân Chúa chúng ta cần biết rằng Cơ Đốc giáo không phải là một “phát minh” mới lạ. Chúng ta đang hòa giọng thờ phượng cùng với các tín đồ qua hai thiên niên kỷ.
  • Đa dạng. Thánh Ca có đến hai mươi phong cách qua nhiều thế kỷ. Các Hội Thánh hát Thánh Ca truyền thống sẽ được tiếp xúc với nhiều phong cách Thánh Nhạc hơn so với những Hội Thánh chỉ lựa chọn Biệt Thánh Ca hiện đại. 
  • Xuất sắc. Nếu năm trăm năm sau chúng ta vẫn còn hát một bài Thánh Ca thì chắc chắn là bài hát ấy rất xuất sắc với ca từ mạnh mẽ và giai điệu dễ hát.
  • Muôn vàn lời khuyên răn của Chúa. Thánh Ca mở ra nhiều chủ đề và thể loại trong Kinh Thánh. Biệt Thánh Ca đương đại đang dần làm tốt phương diện này, nhưng Thánh Ca truyền thống vẫn là sự lựa chọn lý tưởng khi chúng ta tìm kiếm một bài hát về một chủ đề cụ thể. 

5. Ca ngợi với lời Thi Thiên

Trong 95% các Hội Thánh ngày nay, chúng ta đang bỏ qua Thi Thiên. Thật kỳ lạ, mặc dù chúng ta được phán bảo rằng phải dùng lời Thi Thiên mà ca ngợi, và mặc dù Thi Thiên là tâm điểm trong việc ca ngợi của Hội Thánh suốt nhiều thế kỷ, nhưng ngày nay chúng ta vẫn dễ dàng bỏ qua. Tôi rất biết ơn khi một số nhạc sĩ đương đại bắt đầu chú ý nhiều hơn đến Thi thiên.

(Xem Phần 2)

 

Bài: Kevin DeYoung; dịch: Jennie
(Nguồn: thegospelcoalition.org)

 

Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *