Suy ngẫm Lời Chúa ngày và đêm

Oneway.vn – Sứ đồ Phao-lô khẳng định “Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời cảm thúc, có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị và huấn luyện trong sự công chính, để người của Đức Chúa Trời được toàn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành” (II Ti 3:16-17). Giô-suê 1:5-9, thuật lại lời phán của Đức Chúa Trời với Giô-suê sau khi vị lãnh tụ vĩ đại Môi-se vừa qua đời. 

Lúc này, Giô-suê phải đứng vào vai trò lãnh đạo toàn dân Y-sơ-ra-ên tiến chiếm xứ hứa Ca-na-an, đánh bại các dân bản xứ hùng mạnh, để dân Chúa có thể được an cư lạc nghiệp sau 430 năm làm nô lệ tại Ai Cập. Trọng trách quá lớn, quá sức đối với một nhà lãnh đạo mới mẻ như Giô-suê, nhất là khi không còn người cha thuộc linh, người thầy, chỗ dựa lớn nhất về con người là ông Môi-se. 

Trong nguyên tác tiếng Hê-bơ-rơ, các câu trong Giô-suê 1:5b-9 được viết theo cấu trúc chiastic, tạm dịch là đối xứng quy tụ. Cấu trúc này như thể một hình parabol, trong đó các ý của câu văn được sắp xếp đối xứng nhau để hướng người đọc tập trung vào một điểm cao trào, một ý quan trọng nhất mà tác giả muốn nhấn mạnh. Cụ thể như sau, xin cùng đọc và quan sát các câu Kinh Thánh này:

Giô-suê 1:5b-9 (Chiastic Structure)

 (A) Ta sẽ ở với con như Ta đã ở với Môi-se; Ta sẽ không lìa con, không bỏ con đâu.

(B) Hãy mạnh dạn và can đảm vì con sẽ dẫn dân nầy đi nhận lấy đất mà Ta đã thề ban cho tổ phụ họ. Hãy mạnh dạn, thật can đảm.

(C) và cẩn thận làm theo tất cả luật pháp mà Môi-se, đầy tớ Ta, đã truyền cho con; đừng xây qua bên phải hoặc bên trái, để con đi đâu cũng đều được thịnh vượng.

(D) Quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng con, hãy suy ngẫm ngày và đêm.

(C) để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép trong đó. Vì như thế, con mới được thịnh vượng trong con đường mình và mới thành công.

(B) Chẳng phải Ta đã truyền phán với con sao? Hãy mạnh dạn, can đảm! Chớ run sợ, chớ kinh hãi!

(A) Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của con vẫn ở cùng con trong mọi nơi con đi. (BTTHĐ)

Khi hiểu cấu trúc của nguyên tác, chúng ta nhận ra điều quan trọng nhất được nhấn mạnh ở đây chính là mạng lệnh: phải “suy ngẫm luật pháp Chúa ngày và đêm”. 

Và rồi điều tiếp theo là: cẩn thận làm theo tất cả, để được thành công trong mọi việc. Để làm trọn luật pháp, Chúa truyền cho Giô-suê phải “mạnh dạn, can đảm”, vì ông có được lời hứa của Chúa rằng Ngài sẽ luôn ở cùng ông mọi lúc mọi nơi. 

Từ “thịnh vượng” trong câu 7&8 trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ có nghĩa là “được thành công, đạt được bất cứ điều gì đang cố gắng làm”. Ở đây không có ý nói về sự giàu có hay đạt được nhiều của cải. Từ này cũng có thể được dịch là “được khôn ngoan” trong mọi việc. Đây cũng chính là lời trăn trối của vua Đa-vít với người con trai kế vị mình là Sa-lô-môn, trong I Các Vua 2:3:

“Hãy giữ điều Giê-hô-va Đức Chúa Trời muốn con giữ, tức là bước đi trong đường lối Ngài, gìn giữ những luật lệ, điều răn, mệnh lệnh, và sự dạy dỗ của Ngài như đã chép trong luật pháp của Môi-se, để con được thành công trong mọi việc con làm và mọi nơi con đi đến.” (BTTHĐ)

Xuyên suốt Kinh Thánh, việc suy ngẫm, ghi nhớ và cẩn thận làm trọn mọi mạng lệnh của Chúa là phương cách duy nhất để con dân Chúa có thể hoàn thành công tác Chúa giao trong vai trò là “dân thuộc về Ngài”, để bày tỏ cho thế giới xung quanh về sự hiện diện và quyền cai trị của Ngài trên khắp đất. Ngoài ra, những ai vâng giữ luật pháp Chúa còn mang trọng trách phải dạy lại cho người xung quanh và các thế hệ tiếp theo làm giống như vậy. 

Từ ban đầu, khi Đức Chúa Trời ban luật pháp Ngài cho dân Y-sơ-ra-ên thông qua Môi-se, Chúa truyền cho ông phải khắc lời Ngài trên đá, viết vào cuộn da, tập trung dân chúng lại để nghe tuyên đọc luật pháp Chúa, lệnh cho họ phải buộc lời Ngài vào tay, đeo lên trán, viết trên khung cửa nhà và cổng thành, dạy dỗ con cháu khi ngồi nhà cũng như lúc ra đường, mỗi vua của họ phải tự chép một bản sao luật pháp Chúa để suy ngẫm và cẩn thận làm theo… Tất cả những điều đó được thuật lại trong sách Phục Truyền Luật Lệ Ký (Phục 4; 11; 27; 29; 31) và sách Giô-suê (Giôs 8; 22; 23; 24).
Lịch sử Y-sơ-ra-ên chứng minh rằng, khi họ không còn học biết luật pháp Chúa và không làm theo, đất nước của họ suy kiệt và dân tộc suy đồi, đến mức gần như diệt vong. Nhưng, khi có những người hiểu biết luật pháp Chúa và dạy dân chúng làm theo, nhất là các vua của Y-sơ-ra-ên, thì đất nước được phục hồi. Một vài ví dụ có thể thấy như: tiên tri Sa-mu-ên dạy dỗ dân Y-sơ-ra-ên; thầy tế lễ Giê-hô-gia-đa cố vấn cho vua Giô-ách (II Vua 11:17-20); tiên tri Xa-cha-ri cố vấn cho vua Ô-xia (II Sử 26:5); tiên tri Ê-sai cố vấn cho vua Ê-xê-chia (Êsai 37–38); thầy tế lễ Hinh-kia cố vấn cho vua Giô-si-a (II Vua 22–23); thầy thông giáo Ê-xơ-ra đồng hành cùng Nê-hê-mi và dân Giu-đa hồi hương (Nê 8). 

Cựu Ước cho thấy những người như vậy đóng vai trò thiết yếu đối với vận mệnh của đất nước, khẳng định sự cai trị của Chúa trên dân Ngài và trên cả thế giới, khi đó con người mới có được sự sống an lành và thịnh vượng.

Cả trong Tân Ước, việc học biết Lời Chúa và làm theo, rồi dạy người khác làm giống như vậy, cũng được xem là bổn phận của mọi môn đồ Chúa Jêsus. Rất dễ để chỉ học thật nhiều kiến thức, nhưng không làm theo, và dạy người khác những lý thuyết đó. Chúa Jêsus không muốn môn đồ Ngài trở nên như thế. Ngài phán: “Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đều ngồi trên ghế của Môi-se. Vậy, hãy làm theo và tuân giữ những gì họ bảo các ngươi; nhưng đừng bắt chước những gì họ làm, vì họ chỉ nói mà không làm” (Mat 23:2-3). 

Sứ đồ Phao-lô khẳng định “Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời cảm thúc, có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị và huấn luyện trong sự công chính, để người của Đức Chúa Trời được toàn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành” (II Ti 3:16-17).

Vậy nên, Phao-lô căn dặn các học trò của mình là Ti-mô-thê và Tít phải “chú trọng đến việc đọc Kinh Thánh” và dạy người khác làm theo (xem I Ti 4:13; II Ti 2:15 và Tít 2:1), nhưng lời dạy của họ không thể chỉ là lý thuyết suông, mà phải được minh chứng bằng chính đời sống họ, để rồi cả người dạy và người nghe “đều được cứu” (I Ti 4:16b).

Việc làm theo mới là bằng chứng của đức tin thật (I Giăng 2:3-6).

 
Bài: Phước Hạnh


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *