Oneway.vn – Nhóm nhỏ của chúng tôi rất đặc biệt, không giống với bất kỳ nhóm nào tôi từng biết.(Ảnh: WUR)
Thật ra, chính việc chúng tôi không hoàn hảo là lý do tôi yêu nhóm nhỏ của mình. Điểm nổi bật trong thì giờ chúng tôi nhóm lại với nhau là sự xưng tội, và nó đã thay đổi ít nhất ba điều: cách chúng tôi tương tác với nhau, cách chúng tôi cầu nguyện và cách chúng tôi theo đuổi sự tin kính.Trong bối cảnh của nhóm nhỏ, mọi bức tường ngăn cách sẽ bị phá bỏ khi mọi người đều bước đi trong sự sáng. Tuy nhiên, điều này không tự nhiên mà có được. Chúng ta phải lựa chọn bỏ đi niềm kiêu hãnh của mình và chia sẻ chân thành về tội lỗi.
Ban đầu, điều đó cảm giác thật không thoải mái, nhưng càng xưng nhận với nhau sớm bao nhiêu, ân điển càng tuôn đổ và tiếp thêm sinh lực cho các mối quan hệ trong nhóm chúng ta bấy nhiêu.
Lời xưng tội thành thật xua tan ảo tưởng rằng một số người nào đó là “Cơ Đốc nhân thánh khiết hơn”, giúp cho tất cả chúng ta sống bám vào thập tự giá thay vì bị cuốn theo xu hướng của con người là so sánh, mặc cảm tội lỗi, kiêu ngạo và định tội người khác. Thói quen xưng tội tùy thuộc vào đời sống với Chúa của mỗi người. Nếu chúng ta bước đi trong ánh sáng trước mặt Chúa, chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong việc bước đi trong ánh sáng trước mặt người khác.
Đức Chúa Trời có một kế hoạch độc đáo cho mỗi nhóm nhỏ, vậy nên sự xưng tội cũng sẽ khác nhau ở các nhóm. Tuy nhiên, vấn đề là những thành viên trong nhóm của bạn có tin cậy lẫn nhau không? Mối quan hệ của mọi người trong nhóm có được xây dựng dựa trên chân lý Lời Chúa không, hay đang loay hoay, chật vật với đủ loại nan đề, đặc biệt là tội lỗi? Hãy theo đuổi việc xây dựng mối quan hệ dựa trên sự thành thật và ân điển, bằng cách chú ý hơn đến sự cầu nguyện và thực hành xưng tội cùng nhau. Các thành viên trong nhóm nhỏ của chúng tôi đã học cách tin cậy nhau hơn nhờ vào sự xưng tội cùng nhau, từ đó sự tương tác, mối liên hệ giữa chúng tôi với nhau trong và ngoài giờ nhóm càng thêm khắng khít.Kinh Thánh cung cấp rất nhiều hình mẫu về cách chúng ta chúng ta có thể cầu nguyện cho nhau. Sự xưng tội thường xuyên trong nhóm nhỏ giúp chúng ta cầu nguyện cho người khác một cách thiết thực và cụ thể hơn.
Ví dụ, tôi có thể cầu nguyện cho một người chị em trong nhóm dựa theo Thi Thiên 119: “Lạy Chúa, xin đừng để mắt người chị em con hướng về những điều vô nghĩa; nhưng cho người ấy sống theo đường lối Chúa” (119:37). Đó có thể là một lời cầu nguyện rất tốt. Nhưng nếu biết cụ thể hơn người chị em đang có vấn đề về sự so sánh mình với đồng nghiệp, tôi có thể cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin đừng để mắt người chị em con nhìn về người đồng nghiệp và so sánh với những thành tựu của họ, nhưng chỉ nhìn về công tác đã hoàn tất của Đấng Christ cho mình và sống theo đường lối Ngài”.
Đối với nhóm của tôi, chúng tôi thường kết thúc buổi tối nhóm lại bằng lời cầu nguyện, sau khi đã có thời gian thảo luận và áp dụng Lời Chúa. Một số giờ cầu nguyện cụ thể và được cảm thúc bởi Lời Chúa nhất đã dẫn đến những lời xưng tội khiêm nhường và sự trò chuyện đầy khích lệ trong nhóm.
Các trưởng nhóm và người hướng dẫn học Kinh Thánh có thể bắt đầu bằng chính mình trước. Hãy tiên phong trong việc xưng tội với anh chị em trong Chúa một cách chân thành, sau đó chia sẻ cụ thể điều bạn muốn được cả nhóm cầu nguyện và mời mọi người cầu nguyện cho mình. Hãy chờ xem thực hành này có làm thay đổi bầu không khí trong giờ cầu nguyện nhóm hay không.Điều quan trọng nhất là sự xưng tội thúc đẩy sự tăng trưởng thuộc linh, bởi vì chúng ta kinh nghiệm sự tha thứ và tẩy sạch tội của Chúa Jêsus. Sứ đồ Giăng khẳng định: “Nếu chúng ta nói mình không có tội thì chúng ta tự lừa dối mình, và chân lý không ở trong chúng ta. Còn nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín, công chính sẽ tha tội cho chúng ta và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính” (I Giăng 1:8–9). Khi xưng ra tội lỗi của bản thân, chúng ta nhớ đến Phúc Âm – rằng Đấng Christ đã sống, chịu chết và sống lại để chúng ta có thể được tha thứ và được tẩy sạch tội bởi huyết Ngài – để rồi bước đi trong sự thật đó, đánh tan mọi lừa dối của tội lỗi trước mặt Chúa và người khác. Sự xưng tội và ăn năn là một phần không thể thiếu trong đời sống Cơ Đốc nhân để ngày càng trở nên giống Chúa Jêsus hơn.
Sự xưng tội làm cho chúng ta không bằng lòng với tình trạng thuộc linh hiện tại của mình và khao khát được giống Chúa Jêsus hơn. Chúng ta giúp đỡ nhau tăng trưởng trong sự tin kính bằng cách xưng nhận tội lỗi cụ thể và cởi mở để đón nhận phản hồi, đóng góp, sự dạy dỗ và thậm chí là lời quở trách đầy ân điển. Khi xem trọng sự xưng tội cùng nhau, trên hết, chúng ta đang xem trọng sự biến đổi bởi Đức Thánh Linh. Chính Ngài là Đấng cáo trách về tội lỗi và sản sinh bông trái công chính đem đến sự bình an khi chúng ta được rèn luyện bằng sự kỷ luật đầy yêu thương của Cha Thiên Thượng (Hê-bơ-rơ 12:11).
Sống trong thời đại đề cao “tính xác thực, nguyên bản” và “sự mở lòng tan vỡ”, chúng ta hãy vui mừng với lời xưng tội được đâm rễ trong sự thanh tẩy quyền năng của Phúc Âm Đấng Christ. Nếu không có thực hành tin kính ấy, đặc biệt nếu chúng ta tránh né nó, chúng ta đang tự lừa dối mình và chân lý không ở trong chúng ta. Trái lại, nếu thực hành và quý trọng nó, chúng ta sẽ có thể vui hưởng những mối liên hệ được bao phủ trong ân điển, những lời cầu nguyện được bao phủ trong Lời Chúa, và đời sống được bao phủ bởi Đức Thánh Linh.
Sự xưng tội hướng chúng ta đến Chúa Jêsus và cuối cùng thay đổi mỗi chúng ta.
Tác giả: Kristen Wetherell là một người vợ, người mẹ và nhà văn. Cô là tác giả của Fight Your Fears (tạm dịch: Chiến Đấu Với Những Nỗi Sợ Hãi Của Bạn) và là đồng tác giả của tác phẩm từng đoạt giải thưởng: Hope When It Hurts Hope (tạm dịch: Hy Vọng Trong Đau Khổ). Cô thường xuyên viết bài cho các ấn phẩm kỹ thuật số và yêu thích dạy Kinh Thánh cho phụ nữ tại các kỳ hội nghị và bồi linh. Bạn có thể đọc những bài viết của cô trên trang web cá nhân và kết nối trên Instagram, Twitter, Facebook.
Tác giả: Kristen Wetherell; Dịch: Blessie
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply