Oneway.vn – Có thể nói không có điều gì đau khổ và tổn thương hơn việc bị người mình thương yêu, tin tưởng phản bội. (Ảnh: pastorernieblog)
Đây không chỉ là kinh nghiệm của bạn mà còn là của những tác giả trong Kinh Thánh như vua Đa-vít, tiên tri Giê-rê-mi.
“Nếu là kẻ thù sỉ nhục con,
Con có thể chịu được;
Nếu là kẻ ghét con, kiêu căng chống đối con,
Con cũng có thể tránh mặt hắn.
Nhưng kẻ ấy lại chính là kẻ ngang hàng với con,
Bạn đồng nghiệp con, bạn thân của con.
Là người từng trò chuyện thân mật với con,
Và chúng con đã cùng đi với đoàn người đến nhà Đức Chúa Trời.
Mong sự chết thình lình đến với chúng!
Mong cho chúng còn sống mà phải sa xuống âm phủ!
Vì điều ác ở trong nhà chúng và trong lòng chúng.” (Thi thiên 55:12-15)
Trong mọi trải nghiệm của cuộc sống, có thể nói bị người bạn tin cẩn phản bội là một trong những điều khó khăn nhất.
Bởi vì rao giảng về sự đoán phạt, Giê-rê-mi nhận ra mình bị cô lập và những người bạn thân đều chống lại mình. Ông than thở, “Tất cả các người bạn thân của con đều trông cho con vấp ngã.” (Giê-rê-mi 20:10).
Trong Thi Thiên 55, Đa-vít cũng có trải nghiệm tương tự. Câu 13-14, ông nói với Chúa, “Nhưng kẻ ấy lại chính là kẻ ngang hàng với con, bạn đồng nghiệp con, bạn thân của con. Là người từng trò chuyện thân mật với con, và chúng con đã cùng đi với đoàn người đến nhà Đức Chúa Trời.”
Họ vốn cùng nhau thờ phượng Chúa nhưng giờ thì bạn của Đa-vít đã đứng về phía kẻ thù. Đa-vít thể hiện rõ nếu người làm hại ông là kẻ thù thì ông có thể chịu được, nhưng ở đây, người ấy vốn là bạn thân của ông.(Ảnh: PIVOT)
Bị bạn thân phản bội là điều rất kinh khủng. Nó khiến ta cảm thấy hụt hẫng, thất vọng vì đã tin cậy lầm người. Nó khiến ta giận dữ và đau khổ. Nó khiến ta nghi ngờ bản thân mình. Và bởi vì bạn thân là người hiểu rõ chúng ta, sự phản bội của người ấy có khả năng tổn hại lớn hơn.
Khi bị phản bội, tác giả Thi Thiên chạy đến với Chúa. Ông thốt lên: “Mong cho chúng còn sống mà phải sa xuống âm phủ!” (câu 15b). Đối với người Y-sơ-ra-ên ngày xưa, âm phủ chính là sự chết, là mồ mả, là nơi người chết ở.
Ở đây, tác giả mong muốn Chúa đoán phạt bởi vì “điều ác ở trong nhà chúng và trong lòng chúng” (câu 15c). Tương tự như vậy, Giê-rê-mi cầu nguyện Chúa xin cho “những kẻ bắt bớ con sẽ vấp ngã, không thắng nổi con. Chúng sẽ thất bại và nhục nhã ê chề, nỗi nhục muôn đời, không bao giờ quên được” (Giê-rê-mi 20:11).
Đó là phản ứng rất thực tế của Đa-vít, của Giê-rê-mi. Còn chúng ta thì sao? Khi bị ai đó tin cẩn phản bội, chúng ta có thể làm gì? Có lẽ chúng ta không thể loại bỏ cảm xúc tiêu cực của mình, nhưng chúng ta có thể nhớ rằng việc trả thù là của Chúa. Chính Chúa sẽ đoán phạt công minh cho chúng ta.
Dù rằng không dễ gì để thay đổi cảm xúc của mình khi trải qua những điều kinh khủng như vậy, nhưng Kinh Thánh cũng dạy chúng ta phải học biết sự tha thứ. Tha thứ có nghĩa là buông bỏ. Khi giao phó sự đoán phạt cho Chúa, khi chúng ta buông bỏ gánh nặng cảm xúc này, chúng ta có thể vượt qua sự phản bội mà tiếp tục cuộc sống của mình.
Có thể bạn đã hoặc đang kinh nghiệm việc bị người mình tin tưởng, yêu quý phản bội. Hãy nhớ rằng Chúa là Đấng đoán xét công bình. Hãy giao phó mọi sự cho Chúa. Còn phần bạn, hãy cố gắng buông bỏ và bước tiếp bởi vì cuộc đời bạn còn rất nhiều điều tươi đẹp phía trước. Vẫn còn rất nhiều người yêu thương bạn.
Bài: Osborne; dịch: TP
(Nguồn: cbn.com)
Leave a Reply