Suy Nghĩ Về Một Ví Dụ Trong Bài Giảng

Một sáng Chúa nhật nọ, sau khi buổi thờ phượng kết thúc, anh chị em tín hữu đang tay bắt mặt mừng cười nói với nhau thì có một người đập nhẹ vào vai tôi. Tôi quay lại, thì ra là anh bạn tín hữu mới, nói mới chứ lúc ấy anh đã chịu lễ Bap-têm rồi. Anh này hỏi tôi: “Trên thiên đàng cũng có kẻ giàu, người nghèo hở ông bạn ?” Tôi ngạc nhiên hỏi: “ Chứ sao bạn lại hỏi thế ?”

Anh ấy trả lời: “Chứ ông không nghe ví dụ mà ông Truyền Đạo ấy nói à?”. Thì ra, hôm ấy, có ông Truyền Đạo ở Mỹ về. Ông Mục sư Quản nhiệm ưu tiên cho ông ấy giảng và ông ấy đã giảng về đề tài dâng hiến. Trong bài giảng, để khích lệ tín hữu dâng hiến, ông Truyền Đạo có sử dụng ví dụ sau: “Có một bà tín hữu kia rất giàu có, trong nhà có một người giúp việc – người giúp việc này cũng là một tín hữu. Khi bà tín hữu giàu ấy qua đời, bà được lên thiên đàng. Trên thiên đàng, bà được một vị thiên sứ dẫn đi đến ngôi nhà dành cho bà. Trên đường, bà thấy nhiều ngôi nhà đẹp nhưng chưa có người ở. Thấy một ngôi nhà rất đẹp, bà hỏi thiên sứ: “Ngôi nhà ấy là của ai thế ?”. Thiên sứ trả lời: “Đó là nhà của ông chấp sự A”. Đi tiếp, bà lại thấy một ngôi nhà còn nguy nga, tráng lệ hơn, bà hỏi: “Còn nhà kia là của ai ?”Thiên sứ nói: “ Đó là nhà của anh tín hữu B”. Đi một đoạn nữa, bà nhìn thấy một ngôi biệt thự vô cùng khang trang, đồ sộ, chẳng khác gì nhà của các đại gia. Bà hỏi thiên sứ: “Chứ ngôi nhà này là của ai mà đẹp thế ?”. Thiên sứ trả lời: “Đó là nhà của cô Y, người giúp việc cho bà đó”. Bà như khựng lại, không thể nào tin được. Bà nghĩ chắc chắn rằng nhà mình sẽ đẹp hơn nhiều vì ở dướ trần thế bà dâng hiến nhiều và ai cũng biết cả. Nhất là những dịp lễ Giáng sinh, khi thủ quỹ kêu goi dâng hiến bằng cách đưa tay đăng ký, bà thường dâng nhiều nhất trong Hội Thánh. Bà nóng lòng muốn thấy ngôi nhà của bà trên thiên đàng như thế nào. Thế rồi, thiên sứ chỉ một ngôi nhà nhỏ, gọn, bình thường, thua hẳn những ngôi nhà của những người khác. Bà buồn lắm…yên lặng. Thiên sứ cũng yên lặng… tạm biệt bà”.

Thì ra, từ ví dụ nầy mà anh tân tín hữu nghĩ rằng trên thiên đàng cũng có kẻ giàu, người nghèo.

Tôi chưa biết trả lời với anh bạn này như thế nào. Tôi hứa là sẽ trả lời cho anh. Rồi tôi về đọc Kinh Thánh, tôi không thấy chỗ nào nói cảnh giàu nghèo ở thiên đàng. Tôi chỉ thấy ở sách Khải Huyền có miêu tả cảnh thiên đàng, nhưng tuyệt nhiên không nói gì về nhà ở của con cái Chúa trên thiên đàng. Tôi nhớ lại ví dụ về các ta-lâng ở Ma-thi-ơ 26;14-30, tôi thấy ở đây có nói về phần thưởng dành cho những người trung tín trong công việc được Chủ giao theo khả năng mà Chủ biết và phần thưởng dành cho người làm lợi 5 ta-lâng cũng bằng với người 3 ta-lâng và 2 ta-lâng và phần thưởng ở đây dường như thiên về mặt hạnh phúc tinh thần, tâm linh chứ không phải vật chất. Đó là cùng một lời khen: “Hỡi đầy tớ ngay lành và trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của Chúa ngươi”.

Và rồi, tôi trả lời anh ấy như điều tôi suy nghĩ là “phần thưởng ở thiên đàng là phần thưởng thuộc về tâm linh, còn cụ thể như thế nào thì tôi không thấy Kinh Thánh bày tỏ. Nhưng chắc chắn phải có phần thưởng.”

Từ sự việc này, tôi thiết nghĩ là các vị chủ chăn phải cẩn thận khi chọn ví dụ, nếu không sẽ gây hoang mang cho các tân tín hữu.

lazarus-01

Hãy học cách dùng ví dụ của Chúa Jesus, nhất là những ví dụ có liên quan đến “lai thế học” (lai thế học là một môn học trong thần học Cơ-đốc giáo, môn học này nghiên cứu về thế giới tương lai, đời sau). Tôi nhớ ví dụ của Chúa Jesus về Người giàu có và La-xa-rơ trong Lu-ca 16:19-31. Trong ví dụ này, Chúa không cố ý dạy về “thế giới tương lai”, nhưng những vấn đề có liên quan đến “đời sau” đều không sai. Ví dụ này giúp cho ta thấy ngay là thuyết linh hồn ngủ là không đúng, vì trong ví dụ này, người giàu khi chết vẫn còn ở trạng thái cảm biết như biết thương yêu anh em còn sống trên thế gian, biết đau đớn…

Trên đây là những suy nghĩ của tôi. Rất mong nhận được sự chia sẻ của những người có hiểu biết hơn.

Xin quý vị gởi ý kiến về địa chỉ email: [email protected]. Tôi xin chân thành biết ơn.

Lê Xưa


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *