Oneway.vn – Trong câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Jêsus với chàng thanh niên giàu có, trong Mác 10:17–23, chàng thanh niên đã chạy đến gặp Chúa và nói: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?”
Chúa Jêsus đáp rằng anh ta phải vâng giữ cả Mười Điều Răn. Anh nói: “Thưa Thầy, tôi đã tuân giữ mọi điều đó từ thuở niên thiếu.”
Tất nhiên, không ai có thể giữ trọn cả Mười Điều Răn, nhưng Chúa Jêsus không tranh cãi với anh ta về điểm này. Thay vào đó, Ngài chỉ cho chàng thanh niên thấy một vấn đề cấp bách hơn trong đời sống anh. Kinh Thánh thuật lại rằng Chúa Jêsus “trìu mến nhìn anh”. Tôi nghĩ Chúa nhìn thấy anh có lòng thật sự, nhưng có điều gì đó trong tâm hồn chàng trai này đang ngăn trở anh nhận được sự cứu rỗi.
Chúa phán với anh: “Ngươi còn thiếu một điều. Hãy đi, bán những gì mình có và phân phát cho người nghèo thì ngươi sẽ có kho báu ở trên trời; rồi hãy đến theo Ta.” Nghe vậy, anh sa sầm nét mặt, rồi buồn bã bỏ đi, và trước giả Mác cho chúng ta biết lý do: “vì anh ta có quá nhiều của cải”.
Phải chăng Chúa Jêsus muốn nói rằng phương cách để được cứu rỗi và có sự sống đời đời là bán hết mọi thứ bạn có để đem cho người nghèo? Nếu đọc câu chuyện kỹ hơn, ta sẽ thấy Chúa hoàn toàn không có ý đó. Phương cách cứu rỗi mà Ngài đưa ra cho chàng thanh niên giống hệt như cách Ngài đã nói với Ni-cô-đem, Ngài chỉ đang nói theo một kiểu khác, đưa ra sự kêu gọi của Phúc Âm thích hợp với nhu cầu của từng người.
Cùng một Phúc âm, khác cách trình bày
Ni-cô-đem là một người Pha-ri-si, ông có những suy nghĩ mang tính luật pháp cứng nhắc về ý nghĩa của việc được cứu bởi Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus phải đem ông ta ra khỏi lối suy nghĩ hạn hẹp ấy, bằng cách nói rằng ông phải được sanh lại.
Tương tự, Chúa biết rằng chàng thanh niên giàu có bị chi phối sâu sắc bởi tài sản, vậy nên Ngài cố gắng cắt đứt chủ nghĩa vật chất ra khỏi tấm lòng chàng trai, bằng cách nói rằng anh phải bán tất cả tài sản và đem tặng cho người nghèo.
Ý nghĩa của câu chuyện không phải là việc ban phát cho người nghèo sẽ cứu được linh hồn của chàng trai, nhưng chính tình yêu của anh dành cho của cải đang ngăn trở anh đi theo Chúa Jêsus.
Kinh Thánh rất rõ ràng trong điều này: Việc tốt không cứu được chúng ta, chỉ có Chúa Jêsus mới cứu được.
Chúng ta được cứu bởi ân điển, thông qua đức tin. Sự cứu rỗi là một quà tặng của Đức Chúa Trời, không phải là thành quả của những việc chúng ta làm.
Phương cách cứu rỗi mà Chúa Jêsus đưa ra cho Ni-cô-đem cũng là phương cách Ngài đặt ra với chàng thanh niên. Ngài bảo với Ni-cô-đem rằng những ai tin Ngài sẽ có sự sống đời đời, và Ngài bảo với chàng trai rằng “Hãy theo Ta”. Tin Chúa Jêsus và đi theo Chúa Jêsus là cùng một việc.
Ý nghĩa của câu chuyện không phải là việc ban phát cho người nghèo sẽ cứu được linh hồn của chàng trai, nhưng chính tình yêu dành cho của cải đang ngăn trở anh đi theo Chúa Jêsus.
Khi Chúa Jêsus kêu gọi Phi-e-rơ và Anh-rê, Ngài không bảo họ phải bán thuyền đánh cá và đem tiền phát cho người nghèo. Ngài chỉ bảo: “Hãy đến đây, đi theo Ta”. Chúa có cách riêng với từng đối tượng mà Ngài gặp, bởi vì Ngài xem họ như những cá thể độc đáo. Dù vậy, với bất cứ ai mà Ngài nói chuyện, phương cách cứu rỗi Ngài đưa ra chỉ có một: “Hãy tin và theo Ta”.
Lời cầu nguyện tin nhận Chúa
Suốt nhiều năm, các nhà truyền giảng và truyền đạo đã sử dụng những thuật ngữ như “tiếp nhận Chúa” hoặc “mời Chúa Jêsus ngự vào lòng” để miêu tả việc cải đạo thành Cơ Đốc nhân. Quyết định tiếp nhận Đấng Christ thường đi kèm với một lời cầu nguyện kết ước.
Trong quyển Love Wins (tạm dịch: Tình Yêu Thắng Hơn), tác giả Rob Bell đã nhận xét cách châm biếm về lời cầu nguyện tin nhận Chúa:
Cơ Đốc nhân không nhất trí với nhau về ý nghĩa chính xác của lời cầu nguyện này, nhưng đối với nhiều người, ý chính ở đây là: cách duy nhất để lên thiên đàng là vào một thời điểm nào đó trong đời, bạn cầu nguyện xin Đức Chúa Trời tha thứ tội cho bạn, nói với Ngài rằng bạn tiếp nhận Chúa Jêsus, bạn tin Chúa Jêsus chết trên thập tự giá để trả án phạt tội lỗi của bạn, và bạn muốn lên thiên đàng sau khi qua đời. Một số người gọi đây là “sự tiếp nhận Chúa”, số khác gọi là “lời cầu nguyện của tội nhân”, số khác nữa gọi đó là “việc được cứu”, được “tái sinh” hay “tiếp nhận đạo”.
Tất nhiên, điều đó dẫn đến nhiều câu hỏi: Thế còn những người đã từng “cầu nguyện tiếp nhận Chúa” nhưng sau đó việc ấy không có ý nghĩa gì với họ thì sao? Còn những người cũng từng cầu nguyện như thế trong một sự kiện hoặc bầu không khí dâng tràn cảm xúc như một trại hè hoặc buổi nhóm thờ phượng, bởi vì họ cảm thấy nên làm như thế, nhưng không nhận thức được hết ý nghĩa của việc mình đang làm thì sao? Còn những người chưa từng cầu nguyện tiếp nhận Chúa và không nhận mình là Cơ Đốc nhân, nhưng sống một đời sống giống với Đấng Christ hơn một số Cơ Đốc nhân khác thì sao?
Một vị mục sư kia đã mở ra hội thánh, chăn bầy ở đó suốt 13 năm, nhưng có vẻ như người ấy hoàn toàn không hiểu được ý nghĩa của lời cầu nguyện tiếp nhận Chúa.
Rõ ràng, việc cầu nguyện tin Chúa ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời không khiến bạn trở thành môn đồ thực sư của Đấng Christ đến cuối cùng. Chúa Jêsus không hề nói với Ni-cô-đem và chàng thanh niên giàu có rằng: “Ngươi còn thiếu một điều: Hãy nói lời cầu nguyện tiếp nhận Chúa!” Không! Ngài phán rằng: “Hãy tin Ta. Hãy theo Ta”.
Việc cầu nguyện để tin nhận Đấng Christ là Chúa và Đấng Cứu rỗi của bạn không phải là một câu thần chú hoặc một quy định thuộc linh, nhưng chính là lời cam kết đi theo Chúa Jêsus và tôn Ngài làm Chúa của cả cuộc đời bạn. Nếu đó là một quyết định bạn đưa ra cách hời hợt hoặc trong một giây phút cảm xúc nào đó, và bạn không giữ đúng cam kết của mình, thì ngay từ đầu bạn chưa bao giờ được cứu.
Tin nhận Chúa không phải là vấn đề cầu nguyện cho đúng từ ngữ, mà là tin và đi theo Chúa Jêsus. Nó không chỉ có nghĩa là bạn tin nhận Ngài là Đấng Cứu rỗi của bạn, mà còn tôn Ngài làm Chúa cuộc đời bạn.
Chúa Jêsus phán rằng chúng ta phải được sanh lại. Chúng ta phải theo Ngài. Nếu tất cả chúng ta đều đi theo Ngài, tôn Ngài là Đấng Cứu rỗi và đặt Ngài làm Chúa cuộc đời mình, nếu chúng ta gắn chặt với Ngài và vâng giữ lời Ngài dạy, cuộc sống và thế giới của chúng ta sẽ được biến đổi.
Sự tin Đạo thật
Tôi hi vọng bạn sẽ dành ít thời gian để tra xét cuộc đời và tâm hồn bạn, và tự hỏi: Tôi có thật sự tin Chúa Jêsus không? Tôi có đang đi theo Ngài không? Tôi có để cho Ngài làm Chúa của cuộc đời tôi không? Nếu câu trả lời sau khi đã thành thật tra xét là Có, hãy dành thời gian cảm tạ Chúa Jêsus vì Ngài đã chết trên thập tự giá vì bạn, cảm tạ Ngài vì món quà vô điều kiện là sự sống đời đời, dâng lời ngợi khen Đức Chúa Cha vì ân điển tha thứ của Ngài, cảm tạ Đức Thánh Linh vì đã đóng ấn sự cứu rỗi của bạn cho đến vĩnh cửu.
Nếu câu trả lời là “Không”, bạn có thể cầu nguyện cam kết với Chúa ngay lúc này, mời Chúa Jêsus trở thành Chúa của cuộc đời bạn. Nếu không biết nói gì với Chúa Jêsus thì bạn có thể cầu nguyện như sau:
Kính lạy Chúa,
“Con biết con là người có tội. Con đau buồn vì tội của con và xin Chúa tha tội cho con. Con tin Chúa Jêsus đã chết vì tội của con và đã sống lại. Con xin ăn năn tội của con. Con tin Ngài là Chúa, là Đấng cứu con. Xin Chúa đến với cuộc đời con, làm Chủ cuộc sống con. Con xin cam kết đi theo Ngài. Con cầu nguyện trong Danh của Ngài. A-men.”
Hãy nhớ rằng những lời cầu nguyện đó không cứu bạn mà chính là cam kết trong tấm lòng bạn khiến cho bạn trở thành một môn đồ thật của Chúa Jêsus. Nếu bạn thật lòng mình cầu nguyện tất cả những lời đó, bạn đã được tha thứ. Bạn sẽ kinh nghiệm đời sống phong phú ngay từ bây giờ, trên đất này. Bạn cũng sẽ có sự sống vĩnh cửu trong đời sau nữa.
Bài: Michael Youssef.; dịch: Blessie
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Tác giả: Michael Youssef là mục sư quản nhiệm của hội thánh The Church of the Apostles ở Atlanta, Georgia, và là chủ tịch điều hành của tổ chức Leading the Way.
Leave a Reply