Oneway.vn – Hãy coi chừng thái độ nhẫn tâm đội lốt lòng thương xót.
Nguồn hình: verneho, Unsplash.
Giữa thời đại nhiễu nhương, Hội Thánh phải là nơi tràn đầy lòng thương xót trong xã hội liên tục phán xét, là chốn bình an giữa thế giới đầy cay nghiệt, và là nguồn khoan dung trong thời kỳ thiếu tình thương. Hội Thánh phải thể hiện sự đối lập với một thế giới luôn phán xét, nhẫn tâm và suy đồi. Hội Thánh cần phải làm như vậy để bày tỏ lời cam kết không lay chuyển: đón nhận tội nhân và tôn vinh Chúa, Đấng ban cho chúng ta ân điển vô biên, vô điều kiện.
Tuy nhiên, làm thế nào để bày tỏ lòng thương xót? Lòng thương xót được thể hiện dưới hình thức nào? Lòng thương xót đòi hỏi chúng ta phải làm gì?
Trong thời đại mà chủ nghĩa cá nhân lên ngôi, ai nấy đều sống vì bản thân, luôn tìm cách thể hiện cá tính của mình, hay tìm đến các “liệu pháp tâm lý” để giải quyết các vấn đề về tâm linh, tội lỗi, thì lời cam kết “sống tràn đầy lòng thương xót” hay “tỏ lòng yêu thương đối với tội nhân” trở nên mập mờ hơn bao giờ hết. Chỉ có tội nhân mới cần lòng thương xót, thế là chẳng ai thương xót người bị hại cả!
Thương xót tội nhân?
Tại một Hội Thánh nọ, một anh chàng kia – là trưởng ban ngành – đã phản bội vợ để theo một người phụ nữ khác trong cùng Hội Thánh. Vợ con anh tổn thương, gia đình anh tan vỡ. Nhưng Hội Thánh không làm gì cả. Không có một động thái nào trước tội lỗi của người nam này. Khi được hỏi, mục sư nói rằng cần phải rộng lòng thương xót đối với những người phạm tội.
Sau khi được tư vấn tâm lý, anh chàng này cho rằng việc ngoại tình là do môi trường sống mà anh lớn lên. Anh ấy hối hận về những tổn thương mà mình đã gây ra, nhưng anh ấy không nghĩ rằng mình phải chịu trách nhiệm. Hai năm trôi qua, anh chàng này và người vợ mới quay về chính Hội Thánh đó, và anh ta hy vọng có thể làm trưởng ban một lần nữa. Các mục sư trong Hội Thánh muốn thể hiện tình yêu thương nên đã tổ chức lễ cưới mới và bổ nhiệm anh ta làm giáo viên.
Trong khi đó, những đứa con thơ vẫn đang chịu đựng bao tổn thương do hậu quả tội lỗi của cha mình gây ra. Vậy mà giờ đây những đứa trẻ ấy phải nhìn cha mình đĩnh đạc băng qua lối đi như một tín đồ công chính của Hội Thánh, mỗi Chúa nhật ngồi dự nhóm với một người phụ nữ không phải là mẹ của mình. Còn người vợ năm xưa bị phản bội, một mình chịu đựng mọi đau đớn, thì ngồi đơn côi trong một góc. Ai dám đặt câu hỏi về sự bất công này sẽ bị quy tội là thiếu lòng nhân từ – và được khuyên là hãy bớt khắt khe trong kỷ luật và đạo đức.
Trong trường hợp này, “lòng thương xót” chỉ dành cho một mình tội nhân, mà thiếu đi lời kêu gọi hãy nên thánh và trở nên giống Đấng Christ. Thập tự giá mà họ đang rao giảng bỗng hóa thành cây thập tự mà chẳng ai sẵn sàng vác lấy.
Đổ lỗi cho môi trường sống
Gary Saul Morson từng trích dẫn một bài tiểu luận của Fyodor Dostoevsky có tựa đề “Môi trường”, trong đó tiểu thuyết gia người Nga phản đối ý tưởng rằng “thương xót” có nghĩa là dùng môi trường sống để lý giải cho lỗi lầm và tội ác của một người. Đổ lỗi cho môi trường là một thách thức đã có từ lâu: Xã hội nơi tôi lớn lên đã dạy dỗ tôi sai cách. Những vết thương trong quá khứ là lý do khiến tôi làm tổn thương người khác. Việc làm sai trái của tôi là hậu quả của hoàn cảnh trước đây.
Dostoevsky mô tả rằng bồi thẩm đoàn ở Nga đang thể hiện “nỗi ám ảnh trắng án”. Ông đề cập đến vụ một người nông dân được tha bổng sau khi đánh đập dã man vợ mình ngay trước mặt con gái họ. Người đàn ông này đối xử với vợ mình quá tàn bạo. Ông ta để bánh mì trước mặt vợ nhưng lại cấm bà chạm vào, nhằm bỏ đói và trêu ngươi bà. Ông ta treo ngược bà lên và đánh đập bà. Sau khi chịu đựng sự tra tấn khủng khiếp như vậy, người vợ đã treo cổ tự tử. “Mẹ ơi, tại sao mẹ ngạt thở vậy? Mẹ ơi?” Cô con gái ngây thơ cứ lay mẹ mình và hỏi mãi.
Bồi thẩm đoàn kết luận người nông dân phạm tội nhưng vẫn đề nghị khoan hồng. Tại sao? Bởi vì họ cho rằng phải thấu hiểu hoàn cảnh của người nông dân nghèo, anh ta là sản phẩm của môi trường mà anh ta sống. Chính “môi trường nghèo nàn, lạc hậu, ngu dốt” đã gây ra hành vi nghiêm trọng của anh ta. Vì vậy, bồi thẩm đoàn muốn thể hiện “lòng thương xót” dành cho người nông dân và trả con gái về lại với ông.
Dostoevsky kinh hoàng tột độ. Tại sao lại dùng môi trường sống để biện hộ cho hành vi như vậy? Suy cho cùng, hàng triệu người nông dân nghèo ngoài kia chẳng ai đối xử với vợ mình như thế. Đây là loại thương xót gì vậy?
Lòng thương xót thật
Dostoevsky trình bày tính đối lập giữa sự khoan hồng của bồi thẩm đoàn với lời Kinh Thánh dạy về bản chất con người. Đúng, chúng ta có thể tìm hiểu và quan tâm đến hoàn cảnh của người khác khi họ phạm lỗi. Chúng ta có thể cảm thông với những gì họ đã trải qua trong quá khứ. Nhưng môi trường không phải là tất cả. Lời Chúa “yêu cầu mỗi người phải đấu tranh với môi trường sống của mình, và phân biệt rõ ràng giữa môi trường và công lý”.
Chúng ta không hề bày tỏ lòng thương xót khi bó buộc sự lựa chọn của một người trong môi trường sống hoặc nền giáo dục của họ. Dostoevsky viết: “Học thuyết về môi trường khiến con người trở nên vô nghĩa tuyệt đối, miễn trừ con người hoàn toàn khỏi mọi nghĩa vụ đạo đức cá nhân và quyền tự quyết, hạ con người xuống đến hình thức nô lệ thấp kém nhất”. Loại “thương xót” này làm mất nhân tính của tội nhân, tước bỏ quyền tự quyết về mặt đạo đức và giới hạn những lựa chọn của họ trong việc hình thành nhân cách xã hội.
Ngược lại, Lời Chúa khẳng định rằng mọi người phải chịu trách nhiệm về hành động của mình—điều này làm cho tội nhân trở nên có giá trị. Cơ Đốc giáo khẳng định giá trị cuộc sống và quyền tự do của con người. Bắt buộc một người phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của họ chính là đang thể hiện lòng thương xót: Vì bạn là một con người có quyền tự chủ, chứ không phải thú vật.
Hội Thánh ngày nay
Chúng ta không nên để cho thái độ kiêu ngạo làm ô uế tấm lòng và cộng đồng của mình. Hội Thánh phải là nơi tràn đầy lòng thương xót và tình yêu thương. Nhưng lòng thương xót và tình yêu thương theo Kinh Thánh mang một ý nghĩa rộng lớn. Chúng ta không được thương xót theo cách đi ngược với lẽ phải, nhân từ theo cách đối lập với giáo lý, hay lấy ân điển ra đối đầu với đạo đức.
Chúa đã dựng nên con người chúng ta. Chúng ta có một mục đích, một sứ mệnh. Chúng ta phải lựa chọn sống theo quy chuẩn đạo đức mà Chúa đã định sẵn để trở thành một con người đẹp lòng Ngài. Lòng thương xót không thay thế đạo đức. Lòng nhân từ không phủ nhận giáo lý. Lòng tốt không bào chữa cho tội lỗi. Ân điển không ngăn cản chúng ta công bình trước tội ác.
Lòng thương xót thật sẽ tha thứ cho những người phạm tội. Lòng thương xót thật sẽ không xem một con người đơn giản là kết quả của môi trường họ sống. Lòng thương xót thật sẽ không phớt lờ hay xem nhẹ tội lỗi. Lòng thương xót thật sẽ nâng cao giá trị của con người, nhắc nhở về sứ mệnh cao cả của con người là theo đuổi sự công chính, đồng thời biết quan tâm và chăm sóc những người bị tổn thương bởi tội lỗi của người khác.
Hãy coi chừng thái độ nhẫn tâm đội lốt lòng thương xót.
Bài: Trevin Wax; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply