Oneway.vn – Vỗ ngực hay đấm ngực là hai hành động thường thấy nơi con người.
Vỗ ngực nói đến một hành động bày tỏ sự khoe khoang, lên mình kiêu ngạo của một người nào đó. Còn đấm ngực là một hành động nói lên sự ân hận, ăn năn, hối lỗi của ai đó về một việc làm sai trật, xấu xa nào đó của họ.
Ca Dao có những câu nói về… đấm ngực cũng khá thú vị và đầy thương cảm:
Đôi vợ chồng nầy mới lấy nhau chưa được bao lâu, thì anh chồng phải đi lính cách xa nhà nghìn trùng, nên người vợ dậm chân đấm ngực vì bực tức cho cảnh chiến tranh làm cho họ phải chia lìa nhau:
“Dậm chân đấm ngực kêu trời,
Vợ chồng chưa mấy năm trời lại xa.
Ngàn trùng xứ lạ xót xa,
Cái đời lính mộ khổ là biết bao”.
Kinh Thánh có kể một câu chuyện về hai người cùng lên đền thờ cầu nguyện với Đức Chúa Trời:
“Ngài lại phán thí dụ nầy về kẻ cậy mình là người công bình và khinh dể kẻ khác: Có hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người Pha-ri-si và một người thâu thuế. Người Pha-ri-si đứng cầu nguyện thầm như vầy: Lạy Đức Chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thâu thuế nầy. Tôi kiêng ăn một tuần lễ hai lần, và nộp một phần mười về mọi món lợi của tôi. Người thâu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà rằng: Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội! Ta nói cùng các ngươi, người nầy trở về nhà mình, được xưng công bình hơn người kia; vì ai tự nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên” (Sách Lu-ca, chương 18, câu 9 đến 14).
Người Pha-ri-si là hạng người được biết đến nhiều trong thời Chúa Jêsus. Pha-ri-si là tên một trong hai đảng tôn giáo của người Do-thái ngày xưa (Pha-ri-si và Sa-đu-sê). Người thuộc Đảng Pha-ri-si rất giỏi Kinh Luật của người Do-thái, vì họ là những chuyên viên Kinh Luật. Họ là thành phần bị Chúa Jêsus lên án rất mạnh mẽ, vì hầu hết trong số họ sống một lối sống giả hình, chỉ giữ Kinh Luật bề ngoài để… lòe người khác và cốt để khoe khoang mà thôi.
Chúa Jêsus đã từng căn dặn các môn đồ Ngài rằng: “Bấy giờ, Đức Chúa Jêsus phán cùng dân chúng và môn đồ Ngài rằng: Các Thầy Thông Giáo và người Pha-ri-si đều ngồi trên ngôi của Môi-se. Vậy, hãy làm và giữ theo mọi điều họ đã bảo các ngươi; nhưng đừng bắt chước việc làm của họ, vì họ nói mà không làm. Bọn ấy buộc những gánh nặng khó chịu, để trên vai người ta, còn mình thì không muốn động ngón tay vào. Họ làm việc gì cũng cố để cho người ta thấy, mang cái thẻ bài da cho rộng, xủ cái tua áo cho dài, ưa ngồi đầu trong đám tiệc, thích ngôi cao nhất trong nhà hội, muốn người ta chào mình giữa chợ, và ưng người ta gọi mình bằng thầy” (Sách Ma-thi-ơ, chương 23, câu 1 đến 7).
Kinh Thánh ghi lại lời cầu nguyện của người Pha-ri-si như sau: “Người Pha-ri-si đứng cầu nguyện thầm như vầy: Lạy Đức Chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thâu thuế nầy. Tôi kiêng ăn một tuần lễ hai lần, và nộp một phần mười về mọi món lợi của tôi“.
Dù không tìm thấy từ “vỗ ngực” nào trong lời cầu nguyện của người Pha-ri-si nầy; nhưng chúng ta thấy rất rõ “lối sống” vỗ ngực trong suốt cả bài cầu nguyện của ông ta. Ông chỉ trích người khác, cho mình mới là nhất, còn tất cả những người khác đều xấu, đều thua xa ông. Ông kiêu ngạo, khoe khoang những việc mình làm cho thiên hạ biết.
Chúng ta dễ dàng thấy hạng người “vỗ ngực” nầy trong cuộc sống đời thường hằng ngày.
Có nhiều người khi mới gặp, dù chưa ai hỏi, họ đã khoe… thành tích rồi. Nào là tôi đã từng học trường nầy, trường nọ, tốt nghiệp bằng nầy bằng kia; tôi đã từng Quản Nhiệm mấy Hội Thánh lớn, mở bao nhiêu Hội Thánh cho Chúa; tôi đã từng gặp ông lớn nầy, bà lớn kia; tôi từng đi Mỹ, đi Tây, đi Tàu…
Ngày hôm nay, người ta thường gọi hạng người hay “vỗ ngực” như thế là hạng người hay “nổ”. Một khi gặp hạng người hay “nổ” vang trời đất ấy, bạn có thể đoán biết là họ thường… không có gì cả. Ông cha ta đã có câu “Thùng rỗng kêu to” là đúng lắm vậy!
Trái ngược với hạng người “vỗ ngực” là hạng người “đấm ngực”.
Khi người Pha-ri-si kia đang “vỗ ngực” như thế thì người thâu thuế đứng xa xa và cầu nguyện:
“Người thâu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà rằng: Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội!”
Người thâu thuế biết thân phận không ra chi của mình, nên không dám đến gần đền thờ, và cũng không dám ngước mắt lên trời nữa. Hơn nữa, ông còn “đấm ngực” mình, kêu xin Chúa thương xót, tha tội cho mình. Hành động “đấm ngực” của ông bày tỏ rằng ông nhận biết đứng trước mặt Chúa, ông không xứng đáng gì cả, vì ông quá xấu xa, tội lỗi, nên “đấm ngực”, ăn năn, xin Chúa thương yêu, tha thứ cho mình mọi vi phạm xấu xa.
Chúa Jêsus kết luận: “Ta nói cùng các ngươi, người nầy trở về nhà mình, được xưng công bình hơn người kia; vì ai tự nhắc mình lên sẽ phải hạ xuống, ai tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên”
Chúng ta hơi ngạc nhiên khi nghe Chúa kết luận. Theo suy nghĩ thông thường của con người, thì lẽ ra người Pha-ri-si kia được xưng công bình mới đúng chứ, vì dưới cái nhìn của con người, thì ông quá… tốt, quá… giỏi, quá… tuyệt vời. Nhưng “Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem, loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng” (Sách Sa-mu-ên thứ nhất, chương 16, câu 7).
Đức Chúa Trời nhìn thấy trong lòng của tất cả mọi người. Ngài nhìn thấy trong lòng của người Pha-ri-si kia cũng như trong lòng của người thâu thuế nọ. Ngài cũng là Đấng “chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho người khiêm nhường” (Sách Phi-e-rơ thứ nhất, chương 5, câu 5). Chính vì thế, nên Chúa cho biết người thâu thuế xấu xa kia mới là người được xưng công bình, chứ không phải là người Pha-ri-si đạo đức đâu.
Người thâu thuế kia để lại cho bạn và tôi một bài học thật quý: Hãy sống một đời sống hạ mình, khiêm nhường trước mặt Chúa và người khác để được Chúa thương xót và ban phước, vì không ai trong chúng ta là xứng đáng hay tốt đẹp, đạo hạnh khi đứng trước mặt Đức Chúa Trời thánh khiết tuyệt đối đâu.
Kinh Thánh cũng có nói đến nhiều người sẽ “đấm ngực” khi thấy Chúa từ trời trở lại trần gian để đón rước những người thuộc về Ngài về Thiên Đàng:
“Sự tai nạn của những ngày đó vừa mới qua, thì mặt trời liền tối tăm, mặt trăng không sáng, các ngôi sao từ trên trời sa xuống, và thế lực của các từng trời rúng động. Khi ấy, điềm Con người sẽ hiện ra ở trên trời, mọi dân tộc dưới đất sẽ đấm ngực, và thấy Con người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà xuống. Ngài sẽ sai thiên sứ mình dùng tiếng kèn rất lớn mà nhóm lại những kẻ đã được lựa chọn của Ngài ở khắp bốn phương, từ cuối phương trời nầy cho đến tận phương kia” (Sách Ma-thi-ơ, chương 24, câu 29 đến 31).
Hành động “đấm ngực” của mọi dân tộc được nói đến ở đây là nói về sự hối tiếc, tiếc nuối của họ vì đã không tin Chúa, nên không được Chúa rước về Thiên Đàng để hưởng mọi phước hạnh tuyệt vời như những người tin Chúa. Họ phải hứng chịu những tai nạn kinh khiếp đổ xuống đất trong kỳ đại nạn.
Khi Chúa Jêsus chịu đóng đinh trên thập tự giá năm xưa, Kinh Thánh ghi lại có những người đàn bà đã “đấm ngực” mà khóc: “Khi chúng điệu Đức Chúa Jêsus đi, bắt một người xứ Sy-ren, tên là Si môn, từ ngoài đồng về, buộc phải vác cây thập tự theo sau Ngài. Có đoàn dân đông lắm đi theo Đức Chúa Jêsus, và có mấy người đàn bà đấm ngực khóc về Ngài” (Sách Lu-ca, chương 23, câu 26 và 27).
Mấy người đàn bà “đấm ngực” khóc về Ngài, vì thương yêu Ngài, một con người vô tội mà phải chịu chết một cách đau thương như thế. Họ đấm ngực cũng vì tiếc nuối đã không hết lòng hầu việc Ngài khi Ngài còn đang sống và đang ở bên mình. Bây giờ dù có muốn hầu việc cũng đã hết cơ hội rồi.
Cũng có nhiều người khác “đấm ngực” nữa: “Thầy đội thấy sự đã xảy ra, ngợi khen Đức Chúa Trời rằng: Thật người nầy là người công bình. Cả dân chúng đi xem, thấy nông nỗi làm vậy, đấm ngực mà trở về” (Sách Lu-ca, chương 23, câu 47 và 48). Những người nầy “đấm ngực” có lẽ vì mình đã làm điều sai, đã đồng ý để người ta đóng đinh Ngài, một người công bình vô tội. Họ đấm ngực có lẽ vì đã hối tiếc về những việc làm sai trái của mình với Chúa Jêsus.
Chúa Jêsus đã chịu chết thay trên thập tự giá vì tội lỗi của hết thảy mỗi một chúng ta, chúng ta phải luôn luôn ghi lòng tạc dạ tình yêu thương quý báu vô ngần ấy của Chúa mà hết lòng yêu mến và hầu việc Ngài ngay khi còn sống trên trần gian nầy, để không phải đấm ngực hối tiếc khi không còn cơ hội dịp tiện được phục vụ Ngài nữa.
Bài: Mục sư Nguyễn Đình Liễu
Leave a Reply