Oneway.vn – Các Thánh đồ đã khẳng định rằng Đức Chúa Jêsus Christ “đã thăng thiên về trời và hiện đang ngồi bên hữu Đức Chúa Trời” (Công vụ 5:31).
Mặc dù sự thăng thiên của Chúa Jêsus được khẳng định là trọng tâm giáo lý của Cơ Đốc giáo thời xưa, nhưng ngày nay dường như nó không còn quan trọng trong các cuộc thảo luận về công tác hiện nay của Đấng Christ. Việc tập trung vào những gì Chúa Jêsus đã làm trong quá khứ và sẽ làm trong tương lai đã làm mờ đi việc những gì Ngài đang làm trong hiện tại.
Điều này không phải lúc nào cũng đúng. Các trước giả Kinh Thánh Tân Ước thường đề cập đến sự thăng thiên và những ý nghĩa quan trọng đối với Hội Thánh ngày nay (Ê phê sô 1:20-23, 2:8, Hê bơ rơ 1:3; 8:2, Phi lip 2:9).
Kelly Kapic viết, các giáo phụ Hội Thánh coi “sự thăng thiên như đỉnh cao của sự cứu chuộc”. Sau đó, sách giáo lý Heidelberg đã mô tả sự thăng thiên là Chúa Jêsus Christ đang ở trên thiên đàng “thay chúng ta” như là một ích lợi cho chúng ta.
Vậy làm thế nào chúng ta có thể hiểu rõ những gì được ban cho chúng ta qua sự thăng thiên? Hãy nhìn sâu hơn vào cách Đấng Christ đang tiếp tục hành động thay cho Hội Thánh của Ngài với tư cách là vị Vua, Thầy tế lễ và nhà Tiên tri đã về Nhà trước chúng ta.
Vua thăng thiên
Có lẽ, ngôn ngữ quen thuộc nhất khi nói đến sự thăng thiên là vương quyền. Ngôn từ “được sống lại và ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời” nói đến sự trị vì Chúa Jêsus trên muôn vật (Ê phê sô 1: 19-23). Ngài là vị vua khải hoàn, con vua Đa-vít, ngôi Ngài được lập vững bền đời đời (II Sa-mu-ên 7:13), và kẻ thù của Ngài đã bị đặt làm bệ chân cho Ngài. “Đức Giê-hô-va phán cùng Chúa tôi rằng: Hãy ngồi bên hữu ta, cho đến chừng ta đặt kẻ thù nghịch ngươi làm bệ chân cho ngươi”. (Thi thiên 110:1).
Thầy tế lễ thăng thiên
Dễ dàng để chúng ta xem việc Chúa Jêsus chịu chết trên thập giá và sự phục sinh của Ngài là một phần chính trong chức vụ thầy tế lễ – giảng hòa giữa tội nhân với Đức Chúa Trời. Nhưng bức tranh này chưa đầy đủ, vì sự thăng thiên tượng trưng cho việc của lễ được Đức Chúa Trời nhận. Sự cầu thay liên tục của Đấng Christ (Hê bơ rơ 7:25 ), sự biện hộ (I Giăng 2:1), cùng công việc của Đức Thánh Linh Ngài vẫn đang tiếp tục được thực hiện và bày tỏ ra cho những người tin.
Như John Murray mô tả rằng, Cơ Đốc nhân có thể nhận biết rằng sự giúp đỡ của Chúa Jêsus đến từ “lòng thương xót”. Chúa Jêsus biết những nỗi đau, căng thẳng và vất vả trong đời sống chúng ta – Ngài gánh lấy và chữa lành.
Nhà tiên tri thăng thiên
Tiên tri là người công bố và chứng thực Lời của Đức Chúa Trời cho dân sự của Ngài. Giăng bắt đầu Phúc Âm của mình bằng việc công bố Chúa Jêsus là Ngôi Lời (Giăng 1:1-3 Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. 2 Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời. 3 Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài). Hơn thế nữa, Chúa Jêsus chỉ ra chính Ngài vừa là người giảng tin lành và vừa là lẽ thật (Giăng 8:31-32; 14:6; 17:17-20). Trong lời giảng về chức vụ của Ngài tại thế, Chúa Jêsus nhận chính Ngài là nhà tiên tri công bố Năm thi ân (Luca 4:16-30). Bức chân dung Phúc Âm rất rõ ràng rằng: Chúa Jêsus vừa là sứ điệp và vừa là sứ giả.
Điều này không chỉ dừng lại khi Chúa Jêsus thăng thiên, công việc giảng dạy của Ngài sau đó vẫn tiếp tục. Vào ngày lễ Ngũ tuần, Đấng yên ủi, tức là Đức Thánh Linh sẽ được sai xuống để hướng dẫn chúng ta vào mọi lẽ thật (Giăng 14:26, 16:13). Đấng Thăng Thiên sai Đức Thánh Linh đến với dân sự Ngài, do đó, Đức Thánh Linh sẽ hướng dẫn dân ngài trở về với Đức Chúa Trời. Hơn nữa, chức vụ tiên tri của Ngài tiếp tục sai Đức Thánh Linh soi sáng cho công tác viết Kinh thánh (II Cô rinh tô 13:3) và với lời hằng sống này để soi sáng linh hồn và đưa mọi người đến với Đấng Christ (II Cô rinh tô 4:6).
Hội Thánh thăng thiên
Sự thăng thiên của Đấng Christ chứng minh Ngài là đầu Hội Thánh. Điều này minh chứng một điều gì đó rất đẹp: như thân thể Ngài, Hội Thánh đáp ứng và dự phần trong sự thăng thiên của Ngài. Chắc chắn điều này ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong đời sống, sự thờ phượng và sư mệnh của Hội Thánh.
Những chức vụ của Đấng Christ hiệp lại với nhau để tôn vinh Đức Chúa Trời và kéo dân sự Ngài đến gần sự hiện diện của ba ngôi Đức Chúa Trời.
Vị Vua thăng thiên để sai phái Hội Thánh đến và công bố với thế giới về tình yêu cứu chuộc của Ngài. Thầy tế lễ thăng thiên để thay mặt Hội Thánh cầu thay cho Vương quốc thiên đàng được mở rộng trong lòng những người tin Chúa qua Lời Đức Chúa Trời.
Nhà Tiên tri thăng thiên để công bố triều đại của nhà vua đã được đảm bảo bởi sự phục sinh của Ngài, thông qua Hội thánh Ngài.
Những công việc của Đấng Christ phối hợp nhịp nhàng với nhau để tôn vinh Chúa và kéo dân sự Ngài đến gần với sự hiện diện của ba ngôi Đức Chúa Trời.
Tuy nhiên, Đấng Christ thăng thiên không hoàn thành những công việc này trước mắt trần gian. Đừng ngạc nhiên nếu đôi khi chúng ta cảm nhận Ngài im lặng. Nhưng hãy cứ bám chặt vào niềm hy vọng trong tương lai khi sự cai trị của Ngài, phước lành Thầy tế lễ và Lời tiên tri của Ngài sẽ đến, và rồi có tiếng từ trời phán rằng, “Đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người” (Khải huyền 21:3).
Bài: Skyler Flowers; dịch: Dịu Hạnh
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
Leave a Reply