Oneway.vn – Bất trung và trung tín là hai phạm trù trái ngược nhau.
Bất trung là nét tính cách đạo đức không tốt, nói đến việc không trung thành với chủ và không trung tín trong công việc chủ giao. Ngược lại, trung tín là nét tính cách đạo đức tốt, nói đến lòng trung thành với chủ và sự trung tín trong công việc được giao.
Bạn là người bất trung hay trung tín? Hỏi như vậy thì khó để trả lời? Chẳng lẽ nói cho người ta biết mình là người bất trung? Không đời nào ai làm như thế bao giờ? Dù chúng ta không bao giờ nói cho người ta biết mình là người bất trung? Nhưng Ông Trời biết ai là người bất trung, ai là người trung tín, vì Ngài là Đấng duy nhất nhìn thấy tận trong tấm lòng con người.
Trong khi loài người thì không ai có thể biết được trong nơi sâu thẳm của lòng con người:
Ca Dao có câu:
Dò sông dò biển dễ dò,
Nào ai lấy thước mà đo lòng người.
Kinh Thánh khẳng định: “Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem, loài người xem bề ngoài; nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng” (Sách Sa-mu-ên thứ nhất, chương 16, câu 7).
Một chỗ khác, Kinh Thánh cũng cho biết: “Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm sẽ thưởng cho ngươi” (Sách Ma-thi-ơ, chương 6, câu 6).
Chữ Tín nghĩa là tin, nghĩa là giữ và làm những gì đã nói. Chữ Tín được kết hợp bởi chữ Nhân và chữ Ngôn. Điều đó có ý nghĩa rằng người mà có đức tín thì lời nói của người ấy phù hợp với hành vi, nói sao làm vậy, chứ không nói một đường làm một nẻo.
Ca dao cũng có câu:
Nói lời phải giữ lấy lời,
Đừng như con bướm đậu rồi lại bay.
Nếu người bất trung bị người ta lên án, khinh chê bao nhiêu, thì người trung tín lại được nhiều người tôn trọng, kính nể bấy nhiêu.
Chúa Jêsus có kể một câu chuyện về một người đầy tớ bất trung như sau:
“Đức Chúa Jêsus lại phán cùng môn đồ rằng: người giàu kia có một quản gia bị cáo với chủ rằng người tiêu phá của chủ. Vậy, chủ đòi người đó mà nói rằng: Ta nghe nói về ngươi nỗi chi? Hãy khai ra việc quản trị của ngươi, vì từ nay ngươi không được cai quản gia tài ta nữa. Người quản gia tự nghĩ rằng: Chủ cách chức ta, ta sẽ làm gì? Làm ruộng thì ta không có sức làm nổi, còn đi ăn mày thì hổ ngươi. Ta biết điều ta sẽ làm, để khi bị cách chức, có kẻ tiếp rước ta về nhà. Người ấy bèn gọi riêng từng người mắc nợ chủ mình đến, và hỏi người thứ nhất rằng: Ngươi mắc nợ chủ ta bao nhiêu? Trả lời rằng: Một trăm thùng dầu. Quản gia nói rằng: Hãy cầm lấy tờ khế, ngồi xuống đó, viết mau: Năm chục. Rồi hỏi người kia rằng: Còn ngươi, mắc bao nhiêu? Trả lời rằng: Một trăm hộc lúa mì. Quản gia rằng: Hãy cầm lấy tờ khế và viết: Tám chục. Chủ bèn khen quản gia bất nghĩa ấy về việc người đã làm khôn khéo như vậy. Vì con đời nầy trong việc thông công với người đồng đời mình thì khôn khéo hơn con sáng láng. Còn ta nói cho các ngươi: Hãy dùng của bất nghĩa mà kết bạn, để khi của ấy hết đi, họ tiếp các ngươi vào nhà đời đời. Ai trung tín trong việc rất nhỏ, cũng trung tín trong việc lớn; ai bất nghĩa trong việc rất nhỏ, cũng bất nghĩa trong việc lớn. Vậy nếu các ngươi không trung tín về của bất nghĩa, có ai đem của thật giao cho các ngươi? Nếu các ngươi không trung tín về của người khác, ai sẽ cho các ngươi được của riêng mình?” (Sách Lu-ca, chương 16, câu 1 đến 12).
Người đầy tớ trong câu chuyện nầy bị xem là người đầy tớ bất trung, có nghĩa là không trung tín với công việc được giao, nên chủ muốn sa thải anh ta. Anh ta liền chớp lấy thời cơ lấy đồ của chủ mà chia cho những con nợ của chủ, để mai kia, khi bị chủ sa thải, anh ta sẽ có được nhiều người “nhận ơn” của anh sẽ tiếp đón anh và giúp đỡ anh.
Câu chuyện nhiều khi hơi… khó hiểu với chúng ta vì những lời khen của chủ về tên đầy tớ bất trung. Nên nhớ, chủ không khen sự bất trung của tên đầy tớ; nhưng chủ khen tên đầy tớ biết chớp lấy thời cơ ngắn ngủi còn lại trước khi bị sa thải để… làm ơn hầu kết thân với nhiều con nợ của chủ, bằng cách là xóa bớt nợ cho họ.
Đó chính là… sự tinh khôn của con cái đời nầy so với con cái của sự sáng láng.
Chúa Jêsus thông qua câu chuyện nầy cũng muốn con cái của Ngài cũng cần biết tận dụng cơ hội ngắn ngủi của cuộc sống nầy mà trung tín chia sẻ “của cải đời đời” (tức Tin Lành cứu rỗi của Chúa Jêsus) cho mọi người., hầu kết nối được nhiều người vào Vương Quốc Thiên Đàng.
Kinh Thánh cũng ghi lại câu chuyện khác về những đầy tớ trung tín và bất trung như sau:
“Vả, nước thiên đàng sẽ giống như một người kia, khi đi đường xa, gọi các đầy tớ mà giao của cải mình. Chủ đó cho người nầy năm ta-lâng, người kia hai, người khác một, tùy theo tài mỗi người; đoạn, chủ lên đường. Tức thì, người đã nhận năm ta-lâng đi làm lợi ra, và được năm ta-lâng khác. Người đã nhận hai ta-lâng cũng vậy, làm lợi ra được hai ta-lâng nữa. Song người chỉ nhận một thì đi đào lỗ dưới đất mà giấu tiền của chủ. Cách lâu ngày, chủ của những đầy tớ ấy trở về khiến họ tính sổ. Người đã nhận năm ta-lâng bèn đến, đem năm ta-lâng khác nữa, và thưa rằng: Lạy chúa, chúa đã cho tôi năm ta-lâng; đây nầy, tôi làm lợi ra được năm ta-lâng nữa. Chủ nói với người rằng: Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi. Người đã nhận hai ta-lâng cũng đến mà thưa rằng: Lạy chúa, chúa đã cho tôi hai ta-lâng; đây nầy, tôi đã làm lợi ra được hai ta-lâng nữa. Chủ đáp rằng: Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi. Người chỉ nhận một ta-lâng cũng đến mà thưa rằng: Lạy chúa, tôi biết chúa là người nghiêm nhặt, gặt trong chỗ mình không gieo, lượm lặt trong chỗ mình không rải ra, nên tôi sợ mà đi giấu ta-lâng của chúa ở dưới đất; đây nầy, vật của chúa xin trả cho chúa. Song chủ đáp rằng: Hỡi đầy tớ dữ và biếng nhác kia, ngươi biết ta gặt trong chỗ ta không gieo, và lượm lặt trong chỗ ta không rải ra; vậy thì ngươi phải đưa bạc của ta lại cho người buôn bạc, rồi khi ta trở về, sẽ lấy vốn và lời. Vậy, các ngươi hãy lấy ta-lâng của người nầy mà cho kẻ có mười ta-lâng. Vì sẽ cho thêm kẻ nào đã có, thì họ sẽ dư dật; nhưng kẻ nào không có, thì cũng cất luôn điều họ đã có nữa. Còn tên đầy tớ vô ích đó, hãy quăng nó ra ngoài là chỗ tối tăm, ở đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng” (Sách Ma-thi-ơ, chương 25, câu 14 đến 30).
Người chủ nầy trước khi đi xa, gọi ba đầy tớ lại và giao cho mỗi người một số tiền khác nhau lần lượt là năm ta lâng, hai ta lâng và một ta lâng, tùy theo tài của mỗi người. Cách lâu ngày, chủ trở về và khiến ba đầy tớ tính sổ. Hai người đầy tớ nhận năm và hai ta lâng đều làm lợi gấp đôi, nên đem cả tiền vốn và lời đến giao cho chủ. Cả hai được chủ khen như nhau: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi”
Tên đầy tớ thứ ba thì đem trả y nguyên một ta lâng lại cho chủ, vì không chịu làm chi cả trong suốt thời gian chủ đi xa, và còn lý luận với chủ: “Lạy chúa, tôi biết chúa là người nghiêm nhặt, gặt trong chỗ mình không gieo, lượm lặt trong chỗ mình không rải ra, nên tôi sợ mà đi giấu ta-lâng của chúa ở dưới đất; đây nầy, vật của chúa xin trả cho chúa“.
Chủ giận lắm bèn phán: “Hỡi đầy tớ dữ và biếng nhác kia, ngươi biết ta gặt trong chỗ ta không gieo, và lượm lặt trong chỗ ta không rải ra; vậy thì ngươi phải đưa bạc của ta lại cho người buôn bạc, rồi khi ta trở về, sẽ lấy vốn và lời?” Sau đó, chủ lấy ta lâng của hắn mà giao luôn cho người đầy tớ đã có mười ta lâng, rồi chủ cho quăng tên đầy tớ vô ích đó vào chỗ tối tăm là nơi có khóc lóc và nghiến răng”.
Đầy tớ trung tín sẽ được khen ngợi và được hưởng phước, còn đầy tớ bất trung chắc chắn sẽ bị quở trách và bị đoán phạt đích đáng với việc gian ác mình đã làm.
Câu chuyện vừa là tấm gương khích lệ vừa là lời cảnh tỉnh mỗi một chúng ta trên linh trình theo Chúa và hầu việc Ngài!
Lời Kinh Thánh cũng nhắc nhở chúng ta ở một chỗ khác nữa rằng: “Vả lại, cái điều người ta trông mong nơi người quản trị là phải trung thành (trung tín)” (Sách Cô-rinh-tô thứ nhất, chương 4, câu 2).
Chúa Jêsus trong vai trò là Con Người khi thi hành chức vụ trên trần gian nầy đã để lại một tấm gương trung tín tuyệt vời, hầu làm gương mẫu cho chúng ta noi theo.
Chúa Jêsus đã trung tín hoàn thành công việc Cha Ngài giao cho. Chính Ngài đã tuyên bố: “Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm” (Sách Giăng, chương 17, câu 4). Một đầy tớ trung tín là một đầy tớ luôn luôn hoàn thành công việc của chủ giao.
Chúa Jêsus đã luôn luôn trung tín với Đấng đã lập Ngài là Đức Chúa Cha. Ngài trung tín như con trai quản trị nhà Chúa vậy: “Đấng Christ thì trung tín như con trai quản trị nhà Chúa, mà nhà Chúa tức là chúng ta” (Sách Hê-bơ-rơ, chương 3, câu 6).
Môi-se, nhà lãnh đạo tài ba của người Do-thái, cũng được Đức Chúa Trời xác nhận rằng: “Tôi tớ Môi-se Ta không có như vậy, người thật trung tín trong cả nhà Ta” (Sách Dân số ký, chương 12, câu 7).
Trong thơ Hê-bơ-rơ, Môi-se được công nhận là một tôi tớ trung tín: “Còn về Môi-se, người đã trung tín trong cả nhà Chúa, như một kẻ tôi tớ, gọi đến làm chứng về điều ngày sau sẽ được rao giảng” (Sách Hê-bơ-rơ, chương 3, câu 5).
Là con người, Môi-se cũng có những khiếm khuyết như chúng ta. Ông không phải là một con người toàn hảo; dù vậy, ông cũng đã tiếp tục trong công việc được Đức Chúa Trời giao là lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập một cách thành công. Chính vì vậy mà Kinh Thánh đã xác nhận Môi-se là một tôi tớ trung tín trong nhà Chúa!
Đầy tớ bất trung chắc chắn sẽ bị Đức Chúa Trời quở trách và đoán phạt nặng nề, còn đầy tớ trung tín thì sẽ được khen ngợi và được ban thưởng chẳng sai. Đó là điều chắc chắn!
Chúa Jêsus đã tuyên bố rất rõ ràng: “Nầy, ta đến mau chóng và đem phần thưởng theo với Ta để trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm” (Sách Khải Huyền, chương 22, câu 12).
Nguyền xin Chúa cho mỗi một chúng ta dặn lòng trung tín theo Chúa và hầu việc Ngài một cách dư dật luôn cho đến khi được gặp Ngài trong tương lai để được Ngài ban thưởng. A men!
Bài: Mục Sư Nguyễn – Đình – Liễu
Leave a Reply