Oneway.vn – Những suy nghĩ tự tử giống như những mũi tên rực lửa có thể gây thương tổn hoặc thậm chí là sự hủy diệt cho người đang phải đối mặt với chúng.
Nguồn gốc của ý định tự tử có thể từ bên ngoài, liên quan đến những đau buồn vì sự mất mát người thân, đối diện với bệnh tật, hoặc khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, đây cũng có thể là cuộc chiến nội tâm, liên quan đến những rối loạn cảm xúc, tâm thần hoặc mất cân bằng hóa học trong não bộ.
Dù nguyên nhân gốc rễ là gì, Lời Chúa giống như một tấm khiên vững chắc để giúp dập tắt những mũi tên của ý định hủy hoại cơ thể. Càng sâu nhiệm trong Lời Chúa chúng ta càng kinh nghiệm sự bình an của Chúa và giá trị của chúng ta trong cuộc sống này.
Mỗi câu Kinh Thánh sẽ có sự đồng cảm khác nhau. Sau đây là 5 câu Kinh Thánh đem đến ánh sáng của hy vọng, bình an và sự tập trung tích cực cho tương lai đối với những người đang đấu tranh với ý định tự tử.
Ánh sáng trong việc trở thành công cụ của Chúa
Chiến đấu với những suy nghĩ tự tử là một hành trình đầy kiệt sức và đau đớn. Khi cuộc chiến kéo dài, cái chết dường như là một lối thoát. Tuy nhiên, điều quan trọng là người đang phải đấu tranh nhớ rằng hành động tự tổn thương sẽ làm tổn thương người khác. Hơn nữa, Chúa có kế hoạch và mục đích cho cuộc đời của mỗi người, và Ngài có thể sử dụng chính cuộc đời của người đó để mang lại hy vọng và sự bình an cho người khác.
Một ví dụ về việc Chúa Jêsus đã chữa lành cho một người và người ấy đã trở thành nhân chứng cho Ngài, được kể trong Phúc âm Mác chương 5. Sau khi giải thoát cho người đó tự do, Chúa phán với anh ấy: “Hãy về nhà ngươi, nơi bạn hữu ngươi, mà thuật lại cho họ điều lớn lao thể nào Chúa đã làm cho ngươi, và Ngài đã thương xót ngươi cách nào. Vậy, người đi, đồn ra trong xứ Đê ca bô lơ những điều lớn lao thể nào mà Đức Chúa Jesus đã làm cho mình; ai nấy đều thây làm lạ”. (Mác 5:19-20)
Ánh sáng qua sự lựa chọn trong cuộc sống
Mỗi ngày, từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ, chúng ta phải đưa ra nhiều lựa chọn: mặc gì, ăn gì, tham gia hoạt động xã hội nào, và nhiều hơn thế nữa. Những lựa chọn này thường rất đơn giản. Mặc dù suy nghĩ muốn tự tử là một vấn đề phức tạp hơn nhiều, ta vẫn có thể đưa ra quyết định không hành động theo những suy nghĩ đó. Nguồn tin từ The Psychiatry Source khuyên rằng nên loại bỏ tự tử như một lựa chọn và thay vào đó là quyết định sống. Nếu ta đưa ra quyết định này vào thời điểm không có sự đấu tranh (hoặc sự đấu tranh đang ở mức tối thiểu), điều này có thể giúp củng cố quyết tâm sống khi đối diện với những thời khắc khó khăn. Một câu Kinh Thánh phù hợp với điều này là Thi Thiên 118:17: “Tôi sẽ chẳng chết đâu, nhưng được sống, thuật lại những công việc Đức Giê-hô-va”.
Đây có thể là một tuyên bố để nhắc nhở bản thân trong những lúc đau đớn cùng cực. Ngoài ra, câu này cũng có thể trở thành một lời cầu nguyện, xin Chúa chữa lành tấm lòng bị tổn thương và mở ra cơ hội để chia sẻ câu chuyện của mình khi Ngài biết chúng ta đã sẵn sàng. Khi chúng ta sẵn lòng chia sẻ, Ngài có thể dùng chúng ta để giúp chữa lành cho những người khác. Điều này có thể xảy ra dưới hình thức nói chuyện trước đám đông hoặc trong cuộc trò chuyện thầm lặng với một người mà Chúa đưa đến để được khích lệ từ câu chuyện của chúng ta.
Sẽ rất ý nghĩa khi trở thành người được Chúa dùng – thông qua kinh nghiệm và chiến thắng của bạn, nhiều cuộc đời được khích lệ và thêm sức vượt qua.
Ánh sáng trong việc nhận biết giá trị bản thân
Kẻ thù của linh hồn chúng ta luôn muốn chúng ta có suy nghĩ rằng mình không có giá trị. Sa-tan chính là kẻ nói dối. Đức Chúa Trời muốn có mối quan hệ với chúng ta đến nỗi Ngài không giữ lại điều gì. Ngay cả tội lỗi chia cắt chúng ta, Ngài cũng không bằng lòng bỏ rơi chúng ta trong đau khổ. Chúa Jêsus đã trả giá bằng chính mạng sống của Ngài để chúng ta được có mối liên hệ với Ngài.
Dụ ngôn về viên ngọc vô giá có thể được diễn giải theo cách mà Chúa Jêsus chính là người thương gia trong câu chuyện. Thật tuyệt vời khi Ngài xem chúng ta như là viên ngọc quý giá xinh đẹp và chúng ta xứng đáng để Ngài từ bỏ mọi điều vì ích lợi của chúng ta. (Ma thi ơ 13:45-46)
Ánh sáng trong việc nhận biết chúng ta là niềm vui của Chúa
Sô phô ni 3:17 cho chúng ta biết rằng: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ở giữa ngươi; Ngài là Đấng quyền năng sẽ giải cứu ngươi; Ngài sẽ vui mừng cả thể vì cớ người; vì lòng yêu thương mình, Ngài sẽ nín lặng và vì cớ ngươi Ngài sẽ ca hát mừng rỡ”.
Đức Chúa Trời chắc chắn là Chúa của sự sáng tạo. Trong Cựu ước sách Sáng-thế-ký cho chúng ta biết làm thế nào Đức Chúa Trời tạo ra vạn vật qua lời phán của Ngài.
Thật thú vị khi nghĩ rằng Đức Chúa Trời giống như một nhạc sĩ đã sáng tác ra những bài hát về mỗi chúng ta, và sau đó hát cho chúng ta nghe. Lời của Ngài có sức mạnh và là Lời chắc chắn trên cuộc đời chúng ta.
Khi suy ngẫm về những gì Chúa nói về chúng ta trong Lời của Ngài, điều đó giúp làm suy giảm những suy nghĩ tiêu cực dẫn đến ý định tự tử và thay vào đó, chúng ta tìm thấy lẽ thật trong Lời Chúa.
Ánh sáng trong việc nhận biết sự thành tín của Đức Chúa Trời
Bài Thánh ca “Sự Thành Tín Chúa Rất Lớn” chắc chắn đã nói lên điều đó. Đức Chúa Trời không thay đổi, lòng thương xót của Ngài không bao giờ thất bại, Ngài vẫn y nguyên và luôn là như vậy. Lời cuối trong bài hát là những ca từ mà tôi vô cùng yêu thích “Ngày nay sức mới suốt tương lai hi vọng rạng ngần. Hằng vui hưởng phước, tâm linh thỏa mãn muôn phần”.
Một câu Kinh Thánh tuyệt vời sự thành tín và tình yêu Chúa dành cho con cái của Ngài được chép trong Ê-sai 49:15-16: “Đàn bà há dễ quên con mình cho bú, không thương đến con trai ruột mình sao? Dầu đàn bà quên con mình, ta cũng chẳng quên ngươi. Nầy ta đã chạm ngươi trong lòng bàn tay ta; các tường thành ngươi thường ở trước mặt ta luôn”.
Và việc viết nhật ký có thể là một phương pháp hữu hiệu để cải thiện sức khỏe tinh thần. Đây là cách tốt để giảm căng thẳng, xử lý cảm xúc, làm dịu tâm trí, và giúp ta nhận ra mục tiêu của mình rõ ràng hơn.
Bài: Elizabeth Delaney; dịch: Dịu Hạnh
(Nguồn: crosswalk.com)
Leave a Reply