Con cái là phước lành hay gánh nặng?

Oneway.vn – Hãy xem xét những điều con cái tiếp thu khi nghe chúng ta nói đùa và phàn nàn về chúng. Ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng chúng không hiểu, nhưng trẻ em thường hiểu nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ.

(Ảnh: thegospelcoalition.org)

Gần đây, khi vợ chồng tôi trò chuyện với một cặp đôi mới cưới, người vợ vô tư nói: “Tụi em cần phải đi chơi với gia đình anh chị nhiều hơn để có thể hạn chế hơn trong việc sinh con”. Cô ấy đang ám chỉ đến bốn đứa con của chúng tôi – những nhọc nhằn trong việc nuôi dạy con cái. Mặc dù hơi khó chịu khi nghe cô ấy nói, tôi vẫn cười. Khi nhìn lại, tôi ước mình đã nói: “Tôi hy vọng việc đi chơi với chúng tôi sẽ có tác dụng ngược lại – con cái là ơn phước!“. Tôi đã bỏ lỡ cơ hội ấy.

Mặc dù việc nói đùa về trẻ con có vẻ không quan trọng vào lúc đó, nhưng khi đi sâu xa vào vấn đề này, chúng ta đang nhận thấy một xu hướng văn hóa lớn hơn đó là hạ thấp giá trị của trẻ con bằng cách mô tả chúng như là một gánh nặng và sự quấy nhiễu. Là những Cơ Đốc nhân, chúng ta cần dừng lại và suy ngẫm về cách chúng ta nói về con cái của mình. Các bình luận của chúng ta về việc nuôi dạy con cái, và trước những khó khăn các con đối diện, chúng sẽ tỏ ra tình yêu thương của Chúa hay phản ánh sự nóng nảy trong thói quen dạy con của chúng ta?

Thay vì nói những lời hạ bệ, chúng ta phải dùng những lời nói gây dựng. Thay vì nói những câu đùa thô tục, chúng ta phải tạ ơn. Việc lựa chọn những lời biết ơn thay vì đối phó bằng cách phàn nàn không đến tự nhiên nhưng nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh chúng ta có thể làm được. Và điều đó thật xứng đáng trong hành trình nuôi dạy con cái.

“Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích-lợi cho kẻ nghe đến”. (Ê-phê-sô 4:29)

Hãy cân nhắc xem ai đang lắng nghe

Điều gì có thể xảy ra nếu Cơ Đốc nhân thay thế những câu nói đùa tiêu cực về việc làm cha mẹ khó khăn như thế nào bằng những lời biết ơn dành cho con cái và Đấng đã tạo dựng nên chúng? Sau đây là ba nhóm người sẽ được hưởng lợi ích từ sự thay đổi trong lời nói và thái độ này.

1. Con cái chúng ta

    Hãy xem xét những điều con cái tiếp thu khi nghe chúng ta nói đùa và phàn nàn về chúng. Ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng chúng không hiểu, nhưng trẻ em thường hiểu nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ. Chúng ta nên cân nhắc xem những câu chuyện cười chỉ trích đó có ảnh hưởng đến niềm tin về bản thân và cách cư xử của các con như thế nào.

    Hơn nữa, con cái bắt đầu tin tưởng và hành động theo những điều chúng ta nói về chúng – và chúng ta cũng vậy. Những câu chuyện cười có vẻ vô hại có thể gieo mầm bất mãn và vô ơn vào trái tim chúng ta và ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận và tương tác với con cái mình.

    2. Những người không có con

    Tỷ lệ hiếm muộn ở các cặp vợ chồng đang ngày càng tăng. Mặc dù không có lời giải thích chắc chắn nào nhưng có rất nhiều suy đoán về lý do tại sao tỷ lệ này lại giảm mạnh như vậy, bao gồm cả ý kiến rằng trẻ em cản trở mục tiêu nghề nghiệp hoặc cuộc sống, là gánh nặng tài chính và đòi hỏi quá nhiều sự hy sinh. Không khó để tưởng tượng tại sao những người không có con lại có quan điểm này khi cha mẹ truyền bá những ý tưởng này trong những câu chuyện cười về con cái của họ.

    Không cần tìm đâu xa, chỉ cần xem các video trên mạng xã hội về những đứa trẻ nổi cơn thịnh nộ với dòng chú thích như “Trả 5 nghìn đô la để đến Disney World chỉ để con tôi hành động như thế này” hoặc hình ảnh một em bé trông khác mẹ với dòng chú thích “Tôi đã từ bỏ cơ thể và cuộc sống của mình chỉ đẻ thuê!?”. Chúng ta cần cân nhắc cách những trò đùa và bài đăng của chúng ta có thể ảnh hưởng đến những người không có con. Mục đích không phải khiến việc nuôi dạy con cái có vẻ dễ dàng và hoàn hảo mà là minh chứng rằng việc nuôi dạy con cái chính là nguồn vui và phước hạnh tuyệt vời, xứng đáng với những nổ lực và thử thách.

    3. Những bậc phụ huynh khác

    Nếu chúng ta thường xuyên chia sẻ niềm vui nuôi dạy con cái với những bậc phụ huynh khác thay vì chỉ than thở về những điều thất vọng, có lẽ tất cả chúng ta sẽ tìm thấy nhiều niềm vui hơn trong đó.

    Đây là một khái niệm đơn giản: cách nói về mọi thứ, ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận chúng. Càng dựa vào và nhắc nhở nhau về lẽ thật từ Chúa rằng con cái là phước lành (Thi thiên 127:3–5), rằng con cái có giá trị (Ma-thi-ơ 19:14; Thi thiên 139:13), và rằng con cái là niềm vui (Châm ngôn 29:17), chúng ta càng có thể vui mừng trong việc nuôi dạy con cái và biết ơn con cái mình, ngay cả trong những ngày chúng ương bướng thì nhiều mà ngoan ngoãn thì ít.

    Hãy cân nhắc những gì bạn chia sẻ và nói

    Thói quen của chúng ta ưu tiên sự dễ dàng và thoải mái, cho rằng khó khăn và khó chịu nên được tránh bất cứ khi nào có thể. Nhưng là những người tin Chúa, chúng ta biết rằng chỉ vì điều gì đó khó khăn không có nghĩa là nó xấu. Những khó khăn mà cha mẹ phải đối mặt trong việc dạy dỗ, sửa sai và kỷ luật chỉ là một phần của công việc nuôi dạy con cái vô cùng viên mãn.

    Chỉ vì điều gì đó khó khăn không có nghĩa là nó xấu.

    Vì vậy, hãy suy nghĩ kỹ trước khi đăng video về đứa con không vâng lời hoặc nhắn tin phàn nàn về việc làm mẹ. Hãy cầu nguyện để Đức Thánh Linh giúp hướng cuộc trò chuyện về con cái của bạn đi theo hướng phước hạnh và niềm vui. Mong rằng lời nói của chúng ta ít tập trung vào việc gây cười và tập trung hơn vào việc chia sẻ ơn phước cho người nghe (Ê-phê-sô 4:29).


    Bài: Moriah Lovett; dịch: Minh Dung
    (Nguồn: thegospelcoalition.org)

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *