Phục hồi một kẻ ngoại tình ăn năn

“Xin chào Mục sư John. Con rể tôi đã phạm tội ngoại tình và nói dối với các trưởng lão trong Hội Thánh về việc đó. Vì điều này, họ đã xóa tên anh ấy khỏi danh sách thành viên Hội Thánh. Kể từ sau tội lỗi đó, anh đã chấm dứt mối quan hệ ngoại tình và ăn năn, và đã nỗ lực rất nhiều để khôi phục lòng tin trong hôn nhân của mình. Nhưng Hội Thánh vẫn chưa chủ động tiếp cận anh để phục hồi tư cách thành viên. Anh vẫn tiếp tục đi nhóm và không tham dự Tiệc Thánh. Hội Thánh không cho anh tham gia nhóm nhỏ mà vợ chồng anh từng sinh hoạt, cũng như không cho dự các buổi tiệc chung dành cho thành viên. Vậy Hội Thánh nên khôn ngoan phục hồi người ăn năn như thế nào và khi nào? Là một mục sư, ông từng tìm kiếm những bông trái nào? Những bước tiến tiếp theo của ông là gì? Những người thuộc linh sẽ ‘lấy lòng nhu mì sửa lại người ấy’ như Phao-lô nói trong Ga-la-ti 6:1 ra sao?”

(Ảnh: CUCF)

Thật ra, việc đưa ra lời khuyên cho một Hội Thánh địa phương từ khoảng cách xa luôn là điều đầy rủi ro. Ôi chao, có quá nhiều điều như thế này trên mạng và thật thường xuyên gây hại khi người ta tự cho mình quyền đưa ra quan điểm về những gì đang xảy ra trong một Hội Thánh ở cách đó hàng ngàn dặm. Khi nhìn từ xa, chúng ta hiếm khi thấy được tất cả các yếu tố liên quan đến những lựa chọn mà các trưởng lão và tín hữu đang đưa ra. Do đó, thay vì nói cho Hội Thánh này biết chính xác phải làm gì trong tình huống cụ thể, tôi xin đưa ra 5 nguyên tắc hoặc hướng dẫn Kinh Thánh mà tôi nghĩ có thể giúp ích trong tình huống này. Tôi có quan điểm riêng, nhưng tôi rất dè dặt khi trình bày nó như một điều gì đó mang tính tuyệt đối.

1. Sự tốt lành của kỷ luật

Nguyên tắc đầu tiên: Kỷ luật trong Hội Thánh là một điều tốt lành. Hướng dẫn thực hành được chép trong Ma-thi-ơ 18:15–17. Ví dụ minh họa có trong 1 Cô-rinh-tô 5:1–13 và 2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:6–15. Nguyên lý nền tảng là Hội Thánh được tạo nên bởi những người tin nhận Chúa Jêsus đã chịu báp-têm – những người đã tái sinh, có Đức Thánh Linh ngự trong lòng, và vâng phục Đấng Christ. Kỳ vọng là Hội Thánh, như Phi-e-rơ nói trong 1 Phi-e-rơ 2:9, là “dòng giống được chọn, chức thầy tế lễ nhà vua, dân tộc thánh, dân thuộc riêng về Đức Chúa Trời, để [chúng ta] rao truyền những việc lớn lao của Ngài, là Đấng đã gọi [chúng ta] ra khỏi nơi tối tăm đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài.”

“Kỷ luật là cách mà Hội Thánh tự khích lệ mình bước đi trong sự thánh khiết.”

Và ở mức độ mà một Hội Thánh địa phương không còn là một dân thánh và biệt riêng, thì ở mức độ đó, chúng ta không còn là Hội Thánh thật sự đang làm chứng về việc mình được gọi ra khỏi nơi tối tăm để bước vào ánh sáng — ánh sáng của sự thánh khiết. Kỷ luật là cách Hội Thánh khích lệ chính mình sống thánh khiết và loại trừ khỏi cộng đồng những người có đời sống bất khiết gây ô danh Đấng Christ. Vậy nên, nguyên tắc số một: Kỷ luật là điều tốt.

2. Mục đích của kỷ luật

Mục đích của mọi sự kỷ luật trong Hội Thánh không phải là để hủy diệt, đoán phạt hay đẩy người ta ra xa, nhưng là để phục hồi và đem đến sự cứu rỗi. Chúng ta thấy điều đó được nhấn mạnh trong Ma-thi-ơ 18, nơi mục tiêu là để “được lại người anh em đã phạm tội.” Ta thấy điều đó trong Ga-la-ti 6:1, nơi mục tiêu là phục hồi người bị sa ngã trong tội lỗi. Và trong 1 Cô-rinh-tô 5:5, hy vọng là ngay cả trong ngày sau rốt, sau khi qua đời, việc kỷ luật vẫn có thể đưa người ấy đến sự ăn năn và cứu rỗi. Vậy nên, nguyên tắc thứ hai: Mục tiêu là sự phục hồi và cứu rỗi.

3. Các cấp độ phục hồi

Việc được phục hồi vào tư cách thành viên Hội Thánh không có nghĩa là tội lỗi không còn hậu quả lâu dài. Có nhiều cấp độ phục hồi khác nhau. Chúng ta biết điều đó vì những tiêu chuẩn để trở thành trưởng lão như chép trong 1 Ti-mô-thê 3:1–7 và Tít 1:5–9  cao hơn tiêu chuẩn dành cho một tín hữu bình thường. Điều này có nghĩa là có những vai trò lãnh đạo trong Hội Thánh mà một người không đủ tiêu chuẩn đảm nhận, dù đã được phục hồi tư cách thành viên, cho đến khi người đó khôi phục được sự tin cậy mà họ từng đánh mất vì tội lỗi.

Tân Ước cho thấy cánh cửa bước vào tư cách thành viên rất rộng, còn cánh cửa để trở thành trưởng lão, chẳng hạn, lại rất hẹp. Điều này ngụ ý rằng chúng ta không nên loại trừ tư cách thành viên khỏi người nào có dấu hiệu rõ ràng của sự ăn năn, ngay cả khi chúng ta cho rằng họ chưa đủ tin cậy để đảm nhận một số vai trò, cho đến khi họ xây dựng lại lòng tin đó.

4. Các cấp độ của sự “phản bội”

    Có những mức độ khác nhau của sự phản bội, mức độ thất bại, mức độ đi sai đường. Việc nói rằng mọi tội đều giống nhau là điều không hữu ích vì không phải tội nào cũng nghiêm trọng như nhau. Chẳng hạn, trong 1 Cô-rinh-tô 6:7, Phao-lô cho rằng phản ứng tốt nhất của người bị xử ép là không đưa anh em ra tòa. Ông nói: “Sao chẳng chịu sự trái lẽ là hơn?” (1 Cô-rinh-tô 6:7). Nhưng khi người ta không đạt đến mức lý tưởng đó, thì điều tốt nhất tiếp theo ông đề xuất là: Ít ra, trong cộng đồng tín hữu, chắc chắn có người đủ khả năng xét đoán vấn đề, thay vì đem ra trước quan tòa vô tín (xem 1 Cô-rinh-tô 6:5–6).

    Nói cách khác, Phao-lô không ngay lập tức áp dụng kỷ luật Hội Thánh với từng sai phạm nhỏ. Ông nhìn nhận rằng có mức độ khác nhau trong sự sai trật. Và chúng ta phải lưu tâm đến điều này khi xét đến việc phục hồi một tín hữu.

    5. Sự ăn năn thật và giả

    Có sự ăn năn thật và sự ăn năn giả, điều này có nghĩa là người lãnh đạo cần phải có sự phân định khi đánh giá xem một người có sẵn sàng để được phục hồi hay không. Tôi luôn kinh ngạc mỗi khi đọc đến 2 Cô-rinh-tô 7:10–11, nơi Phao-lô nói: “Vì sự đau buồn theo ý Đức Chúa Trời sinh ra sự ăn năn để được cứu rỗi; điều nầy không có gì phải hối tiếc; nhưng sự đau buồn theo thế gian thì dẫn đến sự chết. 11Vậy, anh em hãy xem, sự đau buồn theo ý Đức Chúa Trời đã sinh ra trong anh em lòng nhiệt thành như thế nào!”.

    Phần lớn chúng ta, những người từng đồng hành với người ăn năn qua nhiều năm, đều nhận thấy rằng có những giọt nước mắt chỉ đến từ hậu quả của tội, chứ không phải từ sự đau đớn vì đã xúc phạm vinh hiển Đức Chúa Trời – nước mắt vì khốn khổ, chứ không phải vì tội lỗi mình gây tổn thương danh Chúa. Vậy nên, người lãnh đạo phải hết sức sáng suốt để phân biệt xem sự ăn năn có thật không, liệu sự ăn năn ấy có vì tấm lòng tan vỡ trước Đức Chúa Trời, hay chỉ vì muốn tránh hậu quả.

    Vậy nên, 5 nguyên tắc đó là những gì tôi có thể đưa ra. Kết luận của tôi là: Dù tôi không biết đủ chi tiết trong tình huống cụ thể này, nhưng tôi muốn nói rằng, xét về tư cách thành viên, cánh cửa nên rộng mở cho sự phục hồi, trừ khi có lý do rất xác đáng để nghĩ rằng sự ăn năn ấy không thật lòng.


    Bài: John Piper (@JohnPiper), người sáng lập và giảng dạy tại Desiring God
    (Nguồn: desiringgod.org)


    Posted

    in

    by

    Tags:

    Comments

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *