7 người nữ quan trọng trong phong trào Cải chánh Tin lành

Oneway.vn – Các nhân vật nổi tiếng trong phong trào Cải chánh Tin Lành thường được nhắc đến như tu sĩ dòng Augustinô – Martin Luther, luật sư và nhà thần học John Calvin, hay nhà truyền giáo dòng Trưởng Lão John Knox.

Tuy nhiên, cuộc Cải cách không chỉ là một phong trào do nam giới dẫn dắt, mà nhiều phụ nữ nổi bật cũng đóng vai trò quan trọng.

7 người phụ nữ đáng chú ý trong cuộc Cải cách Tin Lành được tiết lộ qua danh sách dưới đây. Họ gồm những nhà biện hộ viết lách, nữ hoàng, nữ tu, và người nữ tử vì đạo nổi tiếng của Anh.

Marie Dentière

Tượng đài Bức tường Cải cách ở Geneva, Thụy Sĩ, vinh danh Marie Dentière (1495-1561)

Sinh năm 1495 trong một gia đình quý tộc tại Pháp, trước khi tham gia vào cuộc cải chánh Tin Lành, Marie Dentière với vai trò là một nữ tu viện trưởng tại tu viện dòng Augustinô.

Dentière tập trung vào việc thuyết phục các nữ tu tham gia phong trào Cải cách, và viết nhiều tác phẩm biện hộ bảo vệ thần học Cải cách. Bà thậm chí còn nhận được sự tôn trọng của John Calvin, người đã từng nhờ bà viết lời tựa cho một trong những bài giảng của ông.

“Năm 2002, Marie Dentière trở thành người phụ nữ duy nhất có tên khắc trên Bức tường Cải cách nổi tiếng ở Geneva”, Adrien Segal của Desiring God đã viết.

“Không nghi ngờ gì về việc bà thiếu những đức tính mà thời đó cho là sự khiêm tốn và e ấp phù hợp với phụ nữ, nhưng vì niềm say mê được nhen nhóm từ những trang Kinh Thánh, các tác phẩm của bà đã lay động và thay đổi trái tim không chỉ trong thời đại của bà mà cả thời đại chúng ta ngày nay”.

Argula von Grumbach

Argula von Grumbach (1492-1554)

Argula von Grumbach, sinh ra trong một gia đình quý tộc Bavaria thuộc dòng họ von Stauff, cùng năm với sự kiện nổi tiếng – Christopher Columbus lần đầu ra khơi khám phá Tây Bán Cầu (năm 1492), bà được biết đến với sự kiên quyết trong việc bảo vệ Cải cách Tin Lành.

Khi Đại học Ingolstadt bắt giữ một giáo viên Tin Lành, von Grumbach đã viết một lá thư phản đối và truyền bá các ý tưởng của Cải cách, bức thư này đã được phổ biến rộng rãi trong công chúng.

Martin Luther, người có nhiều thư từ với von Grumbach và gặp bà vào năm 1530 gần Augsburg, đã đánh giá cao nữ quý tộc Bavaria này và công việc của bà.

“Người phụ nữ quý tộc đó, Argula von Stauffer, đang chiến đấu một cách dũng cảm với tinh thần mạnh mẽ, sự can đảm trong lời nói và hiểu biết về Chúa Jêsus. Bà cần tất cả những lời cầu nguyện cho sự chiến thắng của Chúa Jêsus Christ trong bà”, Luther viết cho một người bạn.

Marguerite de Navarre

Marguerite de Navarre (1492-1549)

Là một thành viên của hoàng gia Pháp, Marguerite de Navarre là một nhà văn có học thức và là người ủng hộ nghệ thuật, bà ở tuổi 20 khi cuộc Cải chánh Tin Lành bắt đầu.
Marguerite đã tiếp nhận cuộc Cải cách sau khi đọc các tác phẩm của Martin Luther và John Calvin, và vận động cho việc có một bản dịch Kinh Thánh sang tiếng Pháp.

Sau khi trở thành nữ hoàng của một vương quốc nhỏ nằm giữa Pháp và Tây Ban Nha có tên là Navarre, bà đã biến nơi đây thành nơi trú ẩn cho những người Tin Lành bị bức hại.

“Không chỉ chào đón các nhà văn, nghệ sĩ, học giả và nhà thần học đến hoàng cung để thảo luận và trao đổi ý tưởng, bà còn cung cấp nơi trú ẩn cho John Calvin và các nhà lãnh đạo khác của phong trào Cải cách tại Pháp và những nơi khác”, Subby Szterszky của Focus on the Family viết.

“Bà là người phụ nữ quý tộc Pháp đầu tiên biên soạn và xuất bản tuyển tập các tác phẩm của riêng mình, và là nữ thi sĩ đầu tiên của phong trào Tin Lành. Những tác phẩm của bà, mang tính nội quan và sâu nhiệm, phản ánh hành trình của bà hướng đến đức tin Cải cách và mối quan hệ cá nhân với Chúa Jêsus”

Nữ hoàng Elizabeth I

Nữ hoàng Elizabeth I (1533-1603), mặc trang phục đăng quang

Sinh sau khi cuộc Cải cách Tin Lành bắt đầu, Nữ hoàng Elizabeth I lên ngôi sau cái chết của Nữ hoàng Mary – người được gọi “Bloody Mary” (Mary Đẫm Máu), vì sự đàn áp người Tin Lành.

Nữ hoàng Elizabeth I được ghi nhận vì đã chính thức hóa Cơ Đốc giáo Tin Lành là tôn giáo chính thức của nước Anh, đồng thời cho phép một mức độ khoan dung chung đối với các giáo phái Cơ Đốc giáo khác.

“Điều đáng chú ý là, mặc dù bản thân bà đã từng bị giam cầm tại Tháp London và bị đe dọa xử tử, bà đã kết thúc cuộc đàn áp tôn giáo mà không cho phép sự trả thù hay báo thù”, theo lời của Hội Cải cách.

“Bà kiên định chống lại mọi nỗ lực trừng phạt người Cơ Đốc giáo, khẳng định rằng, trừ khi họ vi phạm luật pháp, nếu không họ vẫn có quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật”.

Đôi khi được gọi là “Mẹ của những người cải cách”, Katharina Schutz Zell nổi tiếng với các tác phẩm tôn giáo cũng như những nỗ lực chăm sóc người tị nạn Tin Lành.

Zell

Katharina Schütz Zell (khoảng 1498-1562)

Sinh ra tại Strasbourg (nay thuộc Pháp), Zell kết hôn với một mục sư Tin Lành vào năm 1525, được cho là một trong những cuộc hôn nhân Tin Lành chính thức đầu tiên trong lịch sử châu Âu.

Zell viết các tác phẩm bảo vệ ý tưởng về hôn nhân của giáo sĩ, bình về các lời trong Thi-thiên và bài cầu nguyện chung, và một bức thư công khai bác bỏ cáo buộc rằng bà là “người gây rối loạn hòa bình”.

“Dù xuất sắc trong việc quản lý gia đình và chăm sóc người tị nạn, bà cũng bảo vệ quan điểm thần học của mình qua các tác phẩm in ấn. Zell là một nhà thần học nữ theo nghĩa tốt nhất,” Rebecca VanDoodewaard từ tạp chí Tabletalk viết.

“Các nhà sử học ngày nay gọi bà là ‘người cải cách không chính thức’. Nhưng bà chỉ làm những gì mà mọi Cơ Đốc nhân nên làm – sử dụng tài năng để đem lại sự thay đổi Phúc Âm trong khả năng, bằng mọi cách có thể”.

Katharina von Bora

Chân dung Katherine von Bora, vợ của Martin Luther, bên trong bảo tàng Lutherhaus ở Wittenberg, Đức.

Nổi tiếng nhất với việc là một nữ tu bỏ trốn, kết hôn với Martin Luther, nhưng sự hỗ trợ của bà đối với các nhà Cải cách Tin Lành mới điều đáng để nhắc đến.
“Katie đã quản lý tài chính gia đình và giúp Luther có thời gian để viết, giảng dạy và giảng thuyết”, Dan Graves của Christianity.com giải thích.

“Luther gọi bà là ‘ngôi sao mai của Wittenberg’ vì bà dậy lúc 4 giờ sáng để lo liệu nhiều trách nhiệm. Bà chăm sóc vườn rau, vườn cây, ao cá, và các vật nuôi trong trang trại, thậm chí còn tự tay giết mổ”.

Bà sinh cho Luther sáu người con và cũng nhận nuôi bốn đứa trẻ khác.

“Nếu bà không phải là một người phụ nữ chăm chỉ và có phẩm chất trong sáng, cuộc Cải cách có lẽ đã gặp nhiều trở ngại”, Graves cho biết thêm.

Lady Jane Grey

Quý bà Jane Grey (1536-1554)

Là một phụ nữ quý tộc Anh, Lady Jane Grey được nhớ đến nhiều nhất vì triều đại ngắn ngủi và đầy tranh cãi của bà khi còn là một thiếu niên, sau đó bị xử tử bởi Nữ hoàng Mary.

Tuy nhiên, sau khi bị xử tử, nhiều người ở Anh coi bà là một vị tử đạo cho phong trào Tin Lành, sau khi bà tham gia phong trào Cải cách vài năm trước khi lên ngôi.

“Mary đã hoãn việc hành quyết bà trong ba ngày và gửi cha xứ – John Feckenham, đến gặp Jane để cố gắng thuyết phục bà trở lại đạo. Jane đã ghi lại cuộc trò chuyện với Feckenham, như một minh chứng cho đức tin của bà vào Chúa Jêsus và Kinh Thánh”, Diana Severance từ tạp chí Credo ghi nhận.

“Các bức thư và tác phẩm của Jane khi đối mặt với cái chết tại Tháp London đã nhanh chóng được in và lan truyền rộng rãi… Jane được tôn kính như một vị tử đạo Tin Lành. John Calvin đã công nhận bà là ‘một quý bà có tấm gương đáng được ghi nhớ mãi'”.

Bài: Michael Gryboski; dịch: Dạ Nguyên
(Nguồn: christianpost.com)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *